Ebola : Cả hành tinh lo ngại
Dịch bệnh Ebola với ca lây nhiễm khó hiểu và ngày gây thêm lo ngại, là chủ đề hàng đầu các báo Paris hôm nay, với các dòng tựa lớn đập mắt trên trang nhất, và nhiều trang bài bên trong.
Le Figaro ghi nhận : « Cả hành tinh huy động lực lượng » trước những ca khả nghi ngày càng gia tăng. Libération, chú ý đến : « Ebola ở Châu Âu, con virút của nỗi sợ hãi », và giải thích rằng việc nhân viên y tế bị nhiễm bệnh gây lo ngại ở Châu Âu, trong lúc Ebola lan rộng, không kiểm soát được ở Châu Phi. La Croix nêu câu hỏi : « Làm thế nào thông tin (về bệnh) mà không gây lo sợ ? ».
Le Figaro điểm lại đà tiến triển của dịch bệnh đã làm 4.500 người thiệt mang : Số người nhiễm virút cao gấp đôi chỉ trong vài tháng đã khiến thế giới hốt hoảng. Tờ báo dành bốn trang bên trong cho sự kiện và nêu bật các phản ứng : Pháp đã nâng cao cảnh giác, cho kiểm soát ở sân bay ; tại Hoa Kỳ, Tổng thống Obama đã phải lên tuyến đầu.
Le Figaro cũng lược qua phần đóng góp của các nước để giúp Châu Phi chống Ebola, đứng đầu dĩ nhiên là Hoa Kỳ, dự kiến 1 tỉ đô la, và đã giúp 350 triệu, Anh Quốc 200 triệu, Pháp cũng gần 90 triệu, Nhật cũng 40 triệu, Trung Quốc giúp tiền hơn 8 triệu, giúp 170 nhân viên y tế, cũng như Cuba, Malaysia giúp thiết bịv.v… không kể những nhà tỉ phú hảo tâm.
Theo Le Figaro, các chuyên gia tỏ ra bi quan về việc đối phó với dịch bệnh, e ngại là dịch sẽ bùng lên như ở Monrovia, mặc dù số bệnh nhân ở các trung tâm chữa trị không tăng. Chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Y sĩ Không biên giới chưa tìm được giải đáp cho hiện tượng này.
Virut Ebola toàn cầu hóa !
Trong bài xã luận tựa đề « Sự toàn cầu hóa của một con virút », Le Figaro có vẻ trách móc. Lúc đầu phương Tây có vẻ xem nhẹ : Trong vòng 30 năm đã có khoảng 20 dịch Ebola, nhưng phương Tây chỉ bắt đầu tỏ ý thông cảm khi số người thiệt mạng lên đến hàng trăm vào mùa xuân. Bây giờ thì lại hốt hoảng, huy động cả hành tinh một cách khẩn cấp và lộn xộn sau khi có một vài trường hợp bị nhiễm và chết ở Mỹ và Châu Âu.
Le Figaro khẳng định : Thắng bại trong trận chiến chống Ebola là ở Châu Phi.
Libéation thì chú ý đến Châu Âu, dành cả 4 trang trong để lược qua tình hình dịch bệnh, chú trọng trước tiên đến ca nhiễm ở Tây Ban Nha. Trong hàng tựa đậm mục sự kiện, tờ báo nhận định « Ebola phơi bay những lỗ hổng về mặt y tế ».
Libération nhận thấy là tâm trạng lo âu xuất hiện từ sau những ca bị nhiễm virút, dù không nhiều, nhưng không phải là ‘du nhập’, mà là tại chỗ ở phương Tây : hai trường hợp ở Mỹ, một trường hợp ở Tây Ban Nha. Các trường hợp này rất gây thắc mắc, vì do đâu mà xảy ra lây nhiễm tại những nơi mà ngành y tế trên nguyên tắc rất hữu hiệu, có những quy định chặt chẽ về việc theo dõi và chăm sóc ?
Tờ báo trở lại ca cô y tá bị nhiễm Ebola ở Tây Ban Nha, cho là trường hợp này đã phơi bày hàng loạt lỗ hổng trong việc theo dõi, chăm sóc, nó là tấm gương phản ánh một hệ thống y tế trong tình trạng khủng hoảng xã hội.
Ngân sách y tế bị cắt giảm làm suy yếu việc phòng dịch
Ngành y tế Tây Ban Nha sử dụng 550.000 người trong năm 2012, đã mất đi 28.500 trong hai năm. Bệnh viện Carlos III, nơi cô y tá làm việc đã giảm 12% nhân viên vào năm ngoái, và khoa phụ trách bệnh truyền nhiễm cao đang trong tình trạng đóng cửa vào mùa hè năm nay.
Một bác sĩ của bệnh viện công nhận việc giảm thiểu biên chế, cắt xén ngân sách một cách sai lầm đã có ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện. Phải chăng vì thế mà cô y tá đã nhiễm bệnh và không được sớm phát hiện ? Khi cô yêu cầu xét nghiệm thì bị đuổi về nhà đến 3 lần.
Trường hợp tại Hoa Kỳ còn đáng ngại hơn nữa khi mà ai cũng biết Mỹ rất chặt chẽ trên vấn đề an toàn, và Ebola từ 10 năm qua được nhìn dưới khía cạnh khủng bố sinh học.
Chuyện gì đã xẩy ra vẫn chưa rõ, nhưng điều rõ nhất là sự bất cẩn. Tờ báo nhắc lại trong trường hợp cô y tá Teresa, ở Madrid, cũng như cô y tá thứ hai bị nhiễm bệnh ở Texas, cả hai đều được tự do đi chu du, cho dù hai người này đã mấy lần tiếp xúc với bệnh nhân.
Các nước Phương Tây bây giờ đã khẩn trương đưa ra biện pháp đối phó như Pháp chẳng hạn, bắt đầu cho kiểm tra ở sân bay.
Trong bài xã luận, Libération cũng tỏ ra bực tức trước tâm trạng lo âu hiện nay ở các nước Âu Mỹ, thể hiện một sự ích kỷ.
Tờ báo nhìn thấy có cái gì đó không đúng đắn khi chỉ lo ngại về một dịch bệnh khi nó tấp vào bờ của mình, trong lúc mà nó đã giết hại hàng ngàn người ở Châu Phi, đặc biệt là tại ba nước bị nặng nhất và cũng là nghèo nhất, và bị nội chiến hoành hành như Liberia, Sierra Leone.
Theo tờ báo, hy vọng hiện nay là sự lo sợ sẽ khiến các quốc gia giàu có thật sự giúp Châu Phi chống lại dịch bệnh. Đây là vấn đề đạo đức, đoàn kết, tương trợ, cũng là việc hành sự hữu hiệu trong một thế giới toàn cầu hóa. Theo Libération, đến giờ thì phương Tây có vẻ lơ là.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20141017-cao-vong-bien-hai-phong-thanh-cua-thong-thuong-cho-viet-nam-va-van-nam/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten