vrijdag 31 oktober 2014

Thế giới lo ngại khi dầu hỏa mất giá

Thế giới lo ngại khi dầu hỏa mất giá

Thế giới lo ngại khi dầu hỏa mất giá
 
Dầu hỏa. Ảnh minh họa.AFP PHOTO/Alfredo Estrella


    Bất chấp xung đột và khủng hoảng địa chính trị tại một số quốc gia sản xuất dầu hỏa, giá vàng đen giảm hơn 20 % từn tháng 6 đến đầu tháng 10/2014. Ả Rập Xê Út, nhà sản xuất số 1 của thế giới chưa can thiệp. Đâu là nguyên nhân khiến dầu hỏa tuột giá và vì sao hiện tượng này bắt đầu gây lo ngại ?

    Trên thị trường New York và Luân Đôn trong phiên giao dịch ngày 13/10/2014 dầu hỏa tiếp tục trượt giá. Giá một thùng dầu nhẹ WTI chỉ còn trên 85 đô la và đây là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2012. Tại Luân Đôn, dầu Brent khai thác từ Bắc Hải được bán với giá chưa đầy 89 đô la/thùng và đây là mức thấp chưa từng thấy kể từ cuối 2010.
    Dư thừa sản xuất
    Theo tiết lộ của Gene McGillan, chuyên gia về thị trường năng lượng thuộc cơ quan tư vấn Mỹ,Tradition Energy, các nhà đầu tư chờ đợi lượng dầu cung cấp cho thế giới tăng thêm trong những tháng tới. Ít ra đây là những thông tin có được từ một số thành viên của Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu hỏa OPEP/OPEC. Tổ chức này, đứng đầu là Ả Rập Xê Út chủ trương xuất khẩu nhiều hơn để duy trì mức thu nhập trong bối cảnh mà giá dầu Brent đang từ 115 đô la một thùng hồi mùa hè vừa qua, nay giao động ở dưới ngưỡng 90 đô la một thùng.
    Một nguồn tin khác cho rằng, kể cả trong trường hợp giá vàng đen tuột dốc xuống còn 80 đô la một thùng, Riyad vẫn thừa sức chống cự. Ả Rập Xê Út, rồi tiếp theo đó là nhiều nước Trung Đông khác từ Irak đến Iran đã giảm giá để chiêu dụ các khách hàng Á châu.
    Giới trong ngành đang theo dõi quyết định của khối OPEP nhân cuộc họp một năm đôi lần vào cuối tháng 11/2014 tại Vienne- Áo, để xem khối này có duy trì mức xuất khẩu hiện nay là 30 triệu thùng dầu/ ngày hay không. Đây là mức các bên đã ấn định cách nay 3 năm khi phong trào mùa xuân Ả Rập đã bùng lên từ Ai Cập đến Libya.
    Từ đó tới nay, nhiều yếu tố đã thay đổi. Trả lời đài RFI ông Francis Perrin, giám đốc điều hành tạp chí Stratégies et Politiques Energétiques – Chiến lược và Chính sách Năng lượng nêu lên 5 nguyên nhân làm hạ nhiệt thị trường dầu hỏa quốc tế :
    « Trước hết nhìn về phía cầu : nhu cầu tiêu thụ của thế giới thấp hơn dự kiến. Tôi muốn nói ở đây là nhu cầu tiêu thụ đó đã không tăng mạnh như các dự báo trước đây. Yếu tố đó ảnh hưởng đến giá cả dầu hỏa trên thị trường. Lý do thứ hai và có lẽ cũng là yếu tố quan trọng nhất, đó là về phía cung : các nước sản xuất và xuất khẩu dầu hỏa vẫn cung ứng đầy đủ dầu hỏa cho quốc tế, bất chấp nhiều bất ổn về địa chính trị trong thời gian gần đây. Tôi muốn nói tới những điểm nóng như là Irak, Syria, nam Soudan hay Ukraina và Nga. Quốc tế vẫn không thiếu dầu.
    Yếu tố thứ ba tôi xin lưu ý là chẳng những sản lượng dầu thừa sức trang trải các khoản tiêu thụ của thế giới, mà hơn thế nữa các nhà sản xuất đang liên tục tăng mức cung ứng. Bắc Mỹ đang từng bước trở thành một nguồn cung cấp quan trọng. Nói chính xác hơn là Mỹ và Canada nhờ vào nguồn dầu đá phiến. Từ một vài năm trở lại đây, sản xuất của hai quốc gia Bắc Mỹ này không ngừng gia tăng, đặc biệt là trong hai năm 2014 và nhất là 2015.
    Nguyên nhân thứ tư làm giảm giá dầu là Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu hỏa –OPEC/OPEP và nhất là Ả Rập Xê Út vẫn đóng một vai trò then chốt trên bàn cờ năng lượng thế giới. Điều đó có nghĩa là khi cần Ả Rập Xê Út có thể điều chỉnh mức cung để đối phó với tình thế. Cụ thể là trong trường hợp hiện nay, với các cuộc xung đột trên thế giới, nhẽ ra lượng dầu bán ra trên thị trường phải giảm, và khi đó thì khối OPEP mà đứng đầu là Ả Rập Xê Út phải tăng mức sản xuất để bù lại. Nhưng lần thì Riyad đã không cần phải can thiệp, nhờ có sản lượng dầu của Bắc Mỹ.
    Sau cùng tôi muốn lưu ý quý vị về trường hợp của hai quốc gia sản xuất dầu hỏa đang gặp khó khăn : đó là trường hợp của Irak và Lybia. Irak thì đang phải đối phó với quân thánh chiến ở miền Bắc, còn tại Libya thì bạo động triền miền, bất ổn chính trị đe dọa mở ra một cuộc nổi chiến mới. Nhưng xét cho cùng, những yếu tố đó không ảnh hưởng nhiều đến mức sản xuất dầu hỏa của hai quốc gia này như mọi người lo ngại.
    Tại Irak, thì phần lớn các khoản dự trữ dầu hỏa đều ở phía Nam. Khu vực này tới nay vẫn do Bagdad kiểm soát và các hoạt động khai thác, xuất khẩu dầu hỏa vẫn diễn ra một cách bình thường. Trong trường hợp của Libya thì chính phủ trung ương vừa đạt được một thỏa thuận quan trọng với quân nổi dậy võ trang ở miền đông. Thỏa thuận đó không biết sẽ có hiệu lực bao lâu nhưng ít ra là trước mắt cho phép Libya khai thác và xuất khẩu dầu hỏa trở lại một cách đều đặn hơn. Từ vài tuần qua, lượng sản xuất của quốc gia này bắt đầu tăng lên trở lại một cách rõ rệt, cho dù vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với năm 2011, tức là trước khi chế độ của đại tá Kedhafi bị lật đổ. Libya cung cấp một lượng dầu cao gấp ba lần so với hồi tháng 6 và tháng 7 vừa qua ».


    Tăng cung, giảm cầu
    Như ông Perrin, giám đốc tạp chí Stratégies et Politiques Energétiques vừa phân tích, hai yếu tố quan trọng nhất là cung và cầu.
    Mức cầu trên thế giới có chiều hướng chựng lại. Châu Âu vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Các chương trình kích thích kinh tế của Bruxelles chậm mang lại kết quả mong muốn. Dự báo tăng trưởng của khu vực đồng euro trong năm 2014 chưa đầy 1 %.Đây là mức tồi tệ nhất trong 5 năm vừa qua. Thậm chí đầu tàu kinh tế châu Âu, là Đức cũng bắt đầu tỏ dấu hiệu mệt mỏi, dưới tác động của khủng hoảng kéo dài.
    Nhìn sang châu Á, chủ yếu là đông Á, mà đứng đầu là Trung Quốc, các dự báo đều nói tới một sự tăng trưởng chậm lại. Nền kinh tế thứ nhì trên thế giới liên tục bắn đi những tín hiệu không hay. Từ Ngân hàng Phát triển Châu Á đến Ngân hàng Thế giới, hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều giảm dự phóng tăng trưởng của khu vực. Những hứa hẹn tươi sáng từ chính sách vực dậy kinh tế Nhật Bản do thủ tướng Abe đề xướng hãy còn mong manh.
    Trong khi cơn khát dầu hỏa đang bão hòa thì ở bên kia Đại Tây Dương, Mỹ và Canada tăng mạnh mức cung nhờ kỹ thuật khai thác dầu đá phiến. Cách nay hai năm, báo cáo thường niên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE) dự phóng là vào năm 2017 Hoa Kỳ sẽ trở thành nguồn sản xuất dầu hỏa lớn nhất thế giới, đứng trước cả Ả Rập Xê Út. Một thập niên sau thì Mỹ sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu số 1 toàn cầu.
    Các chuyên gia kinh tế không khỏi mừng thầm do trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu yếu ớt, một cơn sốt dầu hỏa sẽ gây thêm tai họa khó lường. Giá dầu giảm là một tin vui, nhưng niềm vui đó không trọn vẹn vì điều này phản ánh một sự kém cỏi về tăng trưởng toàn thế giới.
    Yếu tố đồng đô la
    Trong lịch sử năng lượng toàn cầu, cứ mỗi lần đồng đô la tăng giá, thì giá dầu thô lại giảm. Đơn giản là vì các quốc gia xuất khẩu vàng đen phải sản xuất và bán ra một khối lượng lớn hơn, để duy trì mức thu nhập tính bằng đơn vị tiền tệ nội địa. Trên địa hạt này, thì Ả Rập Xê Út áp đặt luật chơi của mình.
    Theo thẩm định của cơ quan tư vấn về năng lượng Mỹ, Tradition Energy, để bảo đảm cân bằng ngân sách, Riyad cần duy trì bằng mọi giá dầu thô ở mức trung bình 90 đô la/thùng. Chỉ cần tăng thêm từ 5 đến 10 % xuất khẩu, dầu hỏa của Ả Rập Xê Út tràn ngập thị trường quốc tế. Trong khi đó những nước xuất khẩu quan trọng khác trong khối OPEP như Algérie hay Venezuela đều không có phương tiện để chạy đua theo Ả Rập Xê Út.
    Đây là một trong những lý do vì sao, mà từ tháng 6 vừa qua, Ả Rập Xê Út không tham khảo ý kiến các thành viên khác trong OPEP mà tự ý nâng mức sản xuất và xuất khẩu dầu thô của mình.
    Một trong những hậu quả rõ rệt nhất là trong tháng 8/2014 hơn 400.000 thùng dầu của Ả Rập Xê Út không có người mua. Nhu cầu tiêu thụ của hai nền kinh tế thứ 2 và thứ 3 trên thế giới là Nhật Bản và Trung Quốc bị chựng lại, lượng dầu của Ả Rập Xê Út bán ra trên hai thị truờng này giảm mất 4 %. Để bù lại, Riyad đã quyết định giảm giá bán ra cho các khách hàng ở châu Á. Quyết định đơn phương nói trên của Ả Rập Xê Út đã gây phẫn nộ trong hàng ngũ các thành viên OPEP, chủ yếu là Iran. Đơn giản là do nếu như Ả Rập Xê Út cần một thùng dầu ở mức 90 đô la để cân bằng ngân sách, thì Téhéran cần được bán ra vàng đen với cái giá là 140 đô la một thùng. Nhu cầu của Nga là khoảng 100 đô la/thùng.
    Chiến lược cố tình giảm giá dầu cho quốc tế của Riyad không chỉ ngừng lại ở những tính toán thuần túy về kinh tế.
    Theo phân tích của ông Abdelmadjid Attar, Chủ tịch tổng giám đốc cơ quan nghiên cứu về dầu hỏa Oman, Sonatrach, thì một cuộc cuộc chiến tranh giá cả trong nội bộ khối OPEP đang manh nha. Mục tiêu của Ả Rập Xê Út là nhắm thẳng vào hầu bao của Iran đồng thời gây thiệt hại cho nước Nga, một nguồn cung cấp dầu hỏa quan trọng khác của thế giới đứng ngoài OPEP.
    Thỏa thuận ngầm Washington – Riyad
    Theo chuyên gia này, Riyad dùng dầu hỏa là một loại vũ khí để chận đường một lúc hai đối thủ : Nga và Iran, cả hai đang cùng bị cấm vận quốc tế. Nga bị Riyad trừng phạt vì là đồng minh của Syria, còn Iran thì từ lâu nay vẫn là một đối thủ mà Ả Rập Xê Út không muốn trông thấy được vững mạnh, vào thời điểm mà quốc tế chuẩn bỉ sưởi ấm quan hệ với Téhéran.
    Gần đây nhật báo tài chính Wall Street Journal của Hoa Kỳ còn đi xa hơn khi cho rằng, Ả Rập Xê Út ghìm giá vàng đen để « bóp chết Iran cả về kinh tế lẫn chính trị ». Riyad ý thức được rằng, giá dầu thấp thì càng làm giảm bớt trọng lượng của Iran trong khối OPEP nhất là vào thời điểm mà quốc gia Hồi giáo này không có khả năng để tăng sản lượng dầu cung cấp cho thế giới.
    Sau cùng, « cuộc cách mạng » đá phiến dầu tại Hoa Kỳ đang làm đảo lộn trật tự trên bàn cờ năng lượng quốc tế. Trong ba năm qua, hàng năm, Mỹ đã sản xuất được thêm 1 triệu thùng dầu. Trước mắt dầu hỏa của Hoa Kỳ chưa tuôn ra quốc tế, nhưng theo giới trong ngành, viễn cảnh đó đã cận kề. Theo thẩm định của một cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí Total của Pháp, khác hẳn với năm 2008 giờ đây không còn ai nghĩ là thế giới sẽ lâm vào cảnh khát dầu khí. Vẫn theo chuyên gia này, nhân loại mới chỉ khai thác một phần rất nhỏ các trữ lượng dầu đá phiến. Điều đó cũng có nghĩa là giá dầu trên nguyên tắc sẽ không là những « cái giá trên trời » và đồng thời, một số ngành công nghiệp năng lượng sạch – ngoài mục tiêu giảm khí thải CO2- sẽ không còn hấp dẫn như những điều rao giảng 5-6 năm trở lại đây.

    http://vi.rfi.fr/quoc-te/20141014-the-gioi-lo-ngai-khi-dau-hoa-mat-gia/

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten