dinsdag 28 oktober 2014

Cuộc chiến dưới đáy biển châu Á


(Chủ Quyền Biển Đông) - Trung Quốc (TQ) trong năm 2014 có thể sẽ lần đầu tiên tung ra thế hệ tàu ngầm mới mang tên lửa hạt nhân. Các chiếc tàu ngầm ‘săn sát thủ’ này có thể tấn công tên lửa vào lục địa Mỹ từ giữa Thái Bình Dương, hoặc từ Đông Á tấn công bang Alaska và quần đảo Hawaii của Mỹ. Đó lời cảnh báo của Cục tình báo Hải quân Mỹ (ONI).

"Săn sát thủ" Boomer ở đảo Hải Nam
"Săn sát thủ" Boomer ở đảo Hải Nam
Trong bài phóng sự đăng ngày 24.10 của báo The Wall Street Journal (WSJ), TQ đang phát triển hạm đội tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân có khả năng hoạt động toàn cầu.
Các chiếc  tàu ngầm ‘săn sát thủ’ này được người TQ gọi là Boomer mà theo thuật ngữ kinh tế tiếng Anh thì có nghĩa là “công nhân lưu động”, còn về ngành động vật học thì dùng để chỉ con kăng-gu-ru-đực.
TQ “nhái hàng Mỹ”?
Boomer là sản phẩm sau hàng chục năm nghiên cứu và chuẩn bị của Bắc Kinh và cũng có thể người TQ “copy” trường phái công nghệ tàu ngầm Mỹ, khi nhận ra một chiếc tàu ngầm lớn có thể gây tầm ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng quốc tế.
Lãnh đạo ONI, đô đốc Robert Thomas, cựu binh từng chỉ huy Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, nói: “Tôi cho rằng TQ từ nhiều năm đã chứng kiến khả năng hoạt động toàn cầu của lực lượng tàu ngầm Mỹ cùng tầm ảnh hưởng của chúng tại nhiều nơi trên thế giới. Và họ quyết tâm theo đuổi mô hình này”.
Theo ONI, Boomer là bằng chứng về sức mạnh quân sự mới của TQ, có thể ngăn chặn các cuộc tấn công vào TQ, hoặc nếu cần thì từ xa vẫn có thể dùng tên lửa làm tê liệt các nước khác.
Theo WSJ, TQ rất khó giấu các chiếc này: du khách có thể trông thấy rõ 3 chiếc đậu ở một căn cứ đối diện một khu resort ở tỉnh đảo Hải Nam.
Tư lệnh hải quân TQ, đô đốc Wu Shengli từng viết trên một tạp chí của đảng Cộng sản TQ hồi cuối năm ngoái: “Đó là lá bài tẩy khiến tổ quốc ta tự hào, kẻ thù của chúng ta phải khiếp sợ. Đó là một lực lượng chiến lược làm biểu tượng cho vai trò cường quốc và giữ gìn an ninh quốc gia”.
Theo WSJ, một sáng chủ nhật tháng 12.2013, Bộ Quốc phòng TQ mời một số tùy viên quân sự của nhiều sứ quán nước ngoài đến trụ sở ở Bắc Kinh.
Và trước sự bất ngờ của các tùy viên, Bộ này thông báo một trong những chiếc tàu ngầm hạt nhân của họ sẽ sớm vượt qua eo biển Malacca, nằm giữa Malaysia và Indonesia. Đây là một trong những tuyến hàng hải quan trọng của thế giới.
Chiếc “săn sát thủ” này được thiết kế để tìm và diệt tàu địch, hai ngày sau nó vượt qua eo Malacca rồi biến mất, tiếp đó nổi lên ở Sri Lanka và ở vùng Vịnh trước khi trở lại eo Malacca hồi tháng 2.2014, theo một số tùy viên dự họp cho WSJ biết. Đó là chuyến hải trình đầu tiên của Boomer vào Ấn Độ Dương.
Thông điệp rất rõ: TQ hoàn thành mục tiêu gia nhập nhóm quốc gia có tàu ngầm hạt nhân có thể vươn khơi xa mà Bắc Kinh theo đuổi từ 40 năm qua. Đô đốc ONI Thomas nói, đó là cách TQ tự giới thiệu: “Chúng tôi là hải quân chuyên nghiệp, lực lượng tàu ngầm chuyên nghiệp có thể hoạt động toàn cầu, không còn là lực lượng tàu ngầm hoạt động ven bờ nữa”.
Đến tháng 9.2014, Bộ Quốc phòng TQ lại triệu tập các tùy viên, thông báo một chuyến đi khác vào Ấn Độ Dương, lần này là chiếc tàu ngầm chạy diesel, nổi lên ngoài khơi Sri Lanka.
Tái diễn trò “mèo vờn chuột” ?
Đối với các chỉ huy hải quân của các nước khác, những chuyến vào Ấn Đô Dương của tàu ngầm hạt nhân TQ rất đáng chú ý, chứng tỏ chúng có thể tiêu diệt cơ sở chỉ huy Hạm đội Thái Bình dương của hải quân Mỹ ở Hawaii.
Tàu ngầm ngày càng mạnh của TQ đại diện một thế lực trỗi dậy, trở thành một thách thức quân sự cho khu vực châu Á.
Hạm đội tàu ngầm phát triển không chỉ nâng tầm vũ khí hạt nhân TQ, mà còn giúp Bắc Kinh thị uy trong việc tranh giành chủ quyền biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như cảnh cáo Mỹ chớ nên can thiệp.
Vài năm gần đây, việc TQ phát triển quân sự thu hút sự chú ý đáng kể, như họ có chiếc tàu sân bay đầu tiên, chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên. Nhưng tàu ngầm luôn là một thứ vũ khí chiến lược đáng nể: chỉ cần một chiếc có thể đi xa khỏi TQ và “khè” các nước khác chỉ bằng sự xuất hiện của nó.
Mỹ đánh giá đúng, rằng tàu ngầm tấn công hạt nhân TQ là một chiến lược để chặn Mỹ can thiệp, nếu xảy ra chuyện TQ đánh Đài Loan hoặc đánh 2 đồng minh của Mỹ là Nhật Bản hoặc Philippines mà Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Thậm chí chỉ vài chiếc tàu ngầm ‘săn sát thủ’ TQ cũng đủ buộc Mỹ tính chuyện từ biển phóng tên lửa hạt nhân tấn công TQ. Boomer sẽ giúp TQ trở thành nước thứ 3 có khả năng phóng vũ khí hạt nhân từ trên bộ, trên biển và trên không.
Theo các chuyên gia hải quân,cuộc triển khai tàu ngầm hạt nhân TQ có thể mở đường cho một cuộc tranh chấp dưới biển ở châu Á, giống như “trò mèo bắt chuột” thời Chiến tranh Lạnh giữa hai lực lượng tàu ngầm Mỹ – Liên Xô.
Khi ấy, Mỹ – Liên Xô đều tung “sát thủ săn ngầm” mang đầu đạn hạt nhân ra biển, sẵn sàng nã tên lửa vào lãnh thổ địch, theo dõi nhau và sẵn sàng tiêu diệt nhau. Liên Xô sụp đổ làm kết thúc cuộc “khè” này.
Còn tiếp…
(Theo Một Thế Giới)

http://nguyentandung.org/cuoc-chien-duoi-day-bien-chau-a-ky-1-trung-quoc-dung-tau-ngam-san-sat-thu-de-doa-nat-my.html


(An Ninh Quốc Phòng) - Vừa có khả năng tấn công hạt nhân vào nước Mỹ từ giữa biển, hạm đội tàu ngầm Trung Quốc (TQ) hiện chú trọng vào việc tranh chấp lãnh hải ở biển Hoa Đông và biển Đông. Vì thế, từ tháng 12.2013, hải quân Mỹ đã triển khai 6 chiếc P-8 Poseidon để săn những con mồi nguy hiểm và giỏi luồn lách là tàu ngầm ‘săn sát thủ’ của hải quân TQ.

Hai chiếc P-8 lên đưởng tuần tra
Hai chiếc P-8 lên đưởng tuần tra
P-8 Poseidon-loại máy bay tuần tra biển hiện đại nhất – đến căn cứ không quân Kadena ở quần đảo Okinawa (Nhật Bản) để bay giám sát tàu ngầm ‘săn sát thủ’ của TQ.
Gần đây, khi xảy ra căng thẳng Trung – Nhật trên  biển Hoa Đông, với tàu quân sự TQ vờn quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát nhưng TQ đòi chủ quyền quần và đặt tên là Điếu Ngư.
TQ còn ngang ngược tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển Đông, nên xảy ra tranh chấp với Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines – đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Nam Á.
Trong chương trình “xoay trục về châu Á” của Tổng thống Mỹ Barack Obama có nhiều hoạt động ngoại giao và quân sự nhằm kiềm chế thế lực quân sự đang trỗi dậy của TQ.
Toàn bộ khu vực Okinawa phù hợp với chiến lược trên, vì Okinawa là nơi Mỹ có căn cứ quân sự gần với biển Đông nhất và cũng gần một trong những eo biển chính là eo biển Miyako, nơi mà Mỹ nói tàu ngầm TQ vài năm qua dùng eo này để đi vào Thái Bình Dương.
P-8 giúp biết rõ tàu ngầm TQ ở đâu 
Theo báo The Wall Street Journal (WSJ), chiếc P-8 có các thiết bị do thám gồm radar, vệ tinh định vị và ống kính hồng ngoại. Hoặc các phao dò sóng sonar hình ống, tổ bay có thể thả xuống biển để nó nổi khoảng 8 giờ dò tìm các vật thể lặn dưới biển.
Một sĩ quan hải quân Mỹ giấu tên, nói P-8 có khả năng “thay đổi cuộc chơi”, bất chấp những ý kiến phản đối ở Mỹ rằng Lầu Năm Góc chi 34 tỉ USD để phát triển và mua chiếc P-8, vốn được thiết kể để thay thế loại máy bay tuần tra biển P-3 Orion cánh quạt mà Mỹ sử dụng lần đầu tiên hồi những năm 1960 để săn tàu ngầm Liên Xô.
Mỹ đang tính bán P-3 không có vũ khí cho Việt Nam.
P-8 đạt tốc độ cao 907 km/giờ, có khả năng săn tàu ngầm, tàu nổi, thu thập tin tình báo, trinh sát và giám sát biển. Nó có bán kính tác chiến 2.222 km và hoạt động 4 giờ trước khi bay trở về căn cứ. Điều có nghĩa P-8 có thể bay đến phía nam biển Đông.
Đại úy Mike Parker, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm 72 của hải quân Mỹ, chuyên bay trinh sát ở châu Á, nói: “Chúng tôi muốn có thể xác định vị trí các tàu ngầm TQ và nếu cần thì cho họ biết rằng chúng tôi biết họ đang ở đâu”.

Cách phát hiện hiệu quả nhất để tìm một chiếc tàu ngầm là dùng thiết bị sonar để nghe tiếng động cơ của nó, hoặc phát tín hiệu âm thanh để chúng dội lại từ vỏ thép của tàu ngầm.
Nhưng thủy thủ tàu ngầm tránh bị phát hiện bằng cách tắt động cơ, tránh liên lạc với bên ngoài và hạ thấp xuống dưới “tầng nhiệt” vốn nằm giữa vùng nước ấm gần mặt nước với nước lạnh hơn phía dưới để chống thả ra tín hiệu âm thanh.
P-8 cũng phối hợp vệ tinh để giám sát các căn cứ tàu ngầm, với các microphone thả dưới biển để nghe tàu ngầm lướt qua và tàu nổi thả các thiết bị sonar. Một khi dò ra mục tiêu, P-8 sẽ thả phao dò sóng sonar để thu dữ liệu mà chúng truyền về. Các dữ liệu này sẽ hiện trên một màn hình đặt ở đuôi máy bay, sau đó các chuyên gia sẽ phân tích.
Biển Đông vẫn bị đe dọa
Cho đến nay, công tác tìm tàu ngầm TQ tương đối dễ: đa số theo kiểu chạy bằng diesel cũ, dễ bị phát hiện do cứ vài giờ thì phải ngoi lên để chạy động cơ điện.
Các sĩ quan hải quân phương Tây cũng nói lò phản ứng trên thế hệ tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của TQ cũng ồn hơn.
Nhưng vài năm qua, TQ đạt nhiều tiến bộ trong việc làm yên lặng các tàu ngầm chạy diesel của họ, sử dụng công nghệ cho phép chạy động cơ suốt thời gian dài bằng oxy lỏng mà không cần phải ngoi lên lấy hơi, theo các chuyên gia quân sự TQ và phương Tây.
Năm 2006, các sĩ quan Mỹ “rụng rời” khi một tàu ngầm lớp Tống chạy diesel nổi lên rất gần chiếc tàu sân bay Kitty Hawk của Mỹ mà không bị phát hiện từ trước.
Điều có nghĩa công tác phát hiện tàu ngầm yên lặng hơn của TQ sẽ là một thử thách lớn cho tổ bay P-8, nếu họ không thật sự giỏi nghiệp vụ.
Từ sau sự cố Kitty Hawk, Mỹ tăng cường tuần tra chống ngầm, nhưng TQ cũng triển khai nhiều tàu, máy bay và tên lửa nhằm chặn Mỹ giám sát vùng bờ biển của họ, theo các chuyên gia quân sự TQ và phương Tây.
Năm 2009, có 5 tàu TQ vây tàu chống ngầm Impeccable hiện đại nhất của hải quân Mỹ ở một vùng hải phận quốc tế, gần một căn cứ tàu ngầm ở quần đảo Hải Nam.
Hồi tháng 11.2013, TQ đột ngột tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, cảnh cáo sẽ có những “biện pháp phòng thủ” chống lại máy bay xâm phạm ADIZ này mà không báo trước cho họ biết.
Nay nhiều quan chức Mỹ ngán TQ có thể tuyên bố ADIZ khác trên biển Đông, dù vài tháng qua Bắc Kinh liên tục nói sẽ không có chuyện đó.
Các quan chức Mỹ nói mục tiêu tối thượng của TQ là biến biển Đông thành một căn cứ an toàn cho hạm đội tàu ngầm của họ, giống như các căn cứ mà hải quân Liên Xô từng có thời Chiến tranh Lạnh.
Nếu máy bay và tàu nổi TQ có thể giữ lực lượng chống ngầm Mỹ ở khoảng cách xa, điều đó sẽ giúp tàu ngầm ‘săn sát thủ’ của TQ tuần tra vùng bờ biển của họ an toàn, lướt êm ru vào vùng nước sâu Thái Bình Dương. Điều đó có nghĩa biển Đông vẫn bị đe dọa…
Phao dò sóng sonar của hải quân Mỹ được dùng để tìm chiếc MH370 bị mất tích.
Còn tiếp…

http://nguyentandung.org/cuoc-chien-duoi-day-bien-chau-a-ky-2-my-tung-may-bay-p-8-giam-sat-tau-ngam-tq.html


(An Ninh Quốc Phòng) - Trung Quốc (TQ) sẽ không cố chạy đua tàu ngầm ‘săn sát thủ’ với Mỹ, theo Thiếu tướng Xu Guangyu, cựu phó chủ nhiệm Học viện quốc phòng của Quân đội giải phóng nhân dân TQ: “Chúng tôi đâu có ngu. Nhưng chúng tôi cần có đủ số tàu ngầm hạt nhân đạt độ tin cậy. Chúng phải hướng ra Thái Bình Dương và vươn tới thế giới”.

Tàu ngầm và hải quân Mỹ tập trận ở Thái Bình Dương
Tàu ngầm và hải quân Mỹ tập trận ở Thái Bình Dương
Ông Xu nói Bắc Kinh rút kinh nghiệm cuộc chạy đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh đã hút cạn khả năng tài chính của Liên Xô.
Phó đô đốc Phillip Sawyer, chỉ huy lực lượng tàu ngầm Mỹ ở Thái Bình Dương, từ chối cho biết tàu ngầm TQ đã đi xa đến tận Hawaii hay chưa, nhưng ông nói chuyến vào Ấn Độ Dương hồi cuối năm 2013 cho thấy họ có thể làm điều này.
Đó là một chiếc tàu ngầm lớp Shang (Tống), mà TQ từng hạ thủy năm 2002. Nó có thể mang tên lửa hành trình và thủy lôi.
“Húc xô được cửa ở nơi người khác không thể”
Vào thời bình, TQ có thể sử dụng các chiếc tàu ngầm ‘săn sát thủ’ này để bảo vệ tuyến hàng hải, tìm kiếm tàu địch và thu thập tin tình báo, theo các chuyên gia hải quân. Nhưng vào thời chiến, chúng có thể dùng để dọa tàu đến gần, gây rối loạn các tuyến hàng hải.
Tuy nhiên, hai chuyến hải trình mới đây cho thấy TQ có yếu điểm: tàu ngầm của họ phải dùng các eo biển hẹp như Malacca, Luzon, Miyako để ra Thái Bình Dương, vào Ấn Độ Dương, vốn khiến chúng có thể bị phát hiện và ngăn chặn.
Ngoài ra, khả năng chống ngầm của TQ vẫn còn yếu. Tàu ngầm Mỹ có thể phát hiện ra tàu ngầm TQ ngay từ gần bờ biển TQ, nơi mà tàu bè và máy bay Mỹ có thể trúng đạn máy bay và tên lửa của TQ, theo các sĩ quan hải quân Mỹ.
Phó đô đốc Sawyer không cho biết Mỹ có theo dõi chiếc Shang và làm sao tàu ngầm Mỹ có thể áp sát TQ, chỉ nói: “Tôi hài lòng với khả năng xử lý tất cả những lệnh được giao cho lực lượng tàu ngầm Mỹ”.
Chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công Houston sau chuyến đi 7 tháng đến tây Thái Bình Dương vừa trở về Mỹ. Hạm trưởng Dearcy P. Davis không cho biết đi đâu, nhưng “tôi chỉ có thể nói rằng chúng tôi không hề bị ai phát hiện. Chúng tôi có khả năng húc xô đổ cửa nếu như người khác không thể làm. Đấy không phải là chuyện tầm thường”.
Có phải mất 10.000 năm cũng phải đóng tàu ngầm hạt nhân 
TQ hiện là một trong những hạm đội tàu ngầm tấn công lớn nhất thế giới, với 5 chiếc chạy bằng hạt nhân và ít nhất 50 chiếc chạy bằng diesel. Họ có 4 chiếc tàu ngầm ‘săn sát thủ’ Boomer.
Các nhà sử học TQ nói Bắc Kinh đã muốn có tàu ngầm từ những năm 1960, và lãnh tụ Mao Trạch Đông từng nói: “Chúng ta sẽ đóng một chiếc tàu ngầm hạt nhân dù có phải mất 10.000 năm!”.
Sau này TQ hạ thủy chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên vào dịp sinh nhật Mao năm 1970, năm 1988 thì phóng thử tên lửa đầu tiên từ dưới biển, dù chiếc Boomer đầu tiên của họ chưa bao giờ trang bị tên lửa hạt nhân đi tuần tra, theo các sĩ quan hải quân Mỹ.
TQ có tàu ngầm diesel từ những năm 1950, nhưng chúng dễ bị phát hiện vì cứ vài giờ phải nổi lên hút oxy. Tàu ngầm hạt nhân chạy nhanh hơn, có thể lặn suốt nhiều tháng.
Hồi tháng 10.2013, TQ chính thức ra mắt lực lượng hạt nhân dưới đáy biển tại một căn cứ tàu ngầm hạt nhân. Khả năng của TQ không thể ngang bằng Mỹ vốn có 14 chiếc ‘săn sát thủ’ và 55 tàu ngầm hạt nhân tấn công.
Nhưng Mỹ đang phải lo duy trì ưu thế này tại châu Á, khi kinh phí bị hạn chế, khiến hải quân Mỹ phải giảm số tàu ngầm tấn công xuống còn 41 chiếc vào năm 2028.
tau ngam san sat thu hinh anh
Lính TQ bảo vệ tàu ngầm
Theo WSJ, TQ và Mỹ không muốn Chiến tranh Lạnh. Nền kinh tế 2 nước này lệ thuộc nhau, và TQ theo đuổi kinh tế thị trường chẳng muốn làm cuộc cách mạng toàn cầu hoặc ngang cơ với Mỹ.
Các quan chức TQ nói tàu ngầm của họ không đe dọa các nước khác và chỉ nhằm bảo vệ lãnh thổ TQ. Bộ Quốc phòng TQ nói các chiếc tàu ngầm ‘săn sát thủ’ của họ vào Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương chỉ nhằm giúp tuần tra chống hải tặc ngoài khơi Somalia và TQ “tuân thủ luật pháp quốc tế, duy trì liên lạc tốt với các nước liên quan”.
Nhưng hải quân Mỹ vẫn triển khai 60% hạm đội tàu ngầm và một nửa hạm đội tàu nổi vào Thái Bình Dương, theo các sĩ quan hải quân Mỹ cho biết, năm 2015, Mỹ có thể cắm chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân thứ tư ở đảo Guam.
Phó đô đốc Sawyer nói hiện có nhiều tàu ngầm Mỹ ở châu Á:
“Một trong những lo ngại lớn nhất của tôi là sự an toàn của hoạt động tàu ngầm. Càng nhiều tàu ngầm trong một vùng nước thì có nguy cơ chúng đâm vào nhau”.
Úc, Việt Nam đều tăng cường trang bị tàu ngầm 
Mỹ cũng đang thực hiện các bước để máy bay săn ngầm P-8 hoạt động nhiều hơn ở biển Đông, bằng cách thương lượng để có sự đồng ý của các nước trong khu vực này, cho phép Mỹ sử dụng cả sân bay của họ để làm nơi cất cánh các chuyến bay săn tàu ngầm ‘săn sát thủ’ của hải quân TQ.
Theo người rành các vụ thỏa thuận này cho tờ WSJ biết: nhiều nước gồm Úc đã nói sẽ tăng số lượng hoặc nâng cấp số tàu ngầm và lực lượng chống ngầm của họ.
Lãnh đạo hải quân Úc – phó đô đốc Tim Barrett hồi tuần qua báo cáo Quốc hội Úc: 12 tàu ngầm đang mua sẽ thay thế 6 chiếc hiện tại, vì Úc cần hoạt động xa bờ, có thể là ở những vùng tranh chấp trên biển Đông.
“Có những nước khác trong khu vực cũng đang xây dựng lực lượng tàu ngầm. Vấn đề là chúng ta nên xem xét việc cần phải đề phòng”.
Việt Nam cũng đã nhận hai chiếc tàu ngầm tấn công lớp Kilo, trong số 6 chiếc mà Việt Nam đã đặt hàng với Nga.
Cuộc chiến dưới đáy biển châu Á – Kỳ 1: Trung Quốc dùng tàu ngầm ‘săn sát thủ’ để dọa nạt Mỹ

Cuộc chiến dưới đáy biển châu Á – Kỳ 1: Trung Quốc dùng tàu ngầm ‘săn sát thủ’ để dọa nạt Mỹ

Trung Quốc (TQ) trong năm 2014 có thể sẽ lần đầu tiên tung ra thế hệ tàu ngầm mới mang tên lửa hạt nhân. Các chiếc tàu ngầm 'săn sát thủ' này có thể tấn...
Cuộc chiến dưới đáy biển châu Á – Kỳ 2: Mỹ tung máy bay P-8 giám sát tàu ngầm TQ

Cuộc chiến dưới đáy biển châu Á – Kỳ 2: Mỹ tung máy bay P-8 giám sát tàu ngầm TQ

Vừa có khả năng tấn công hạt nhân vào nước Mỹ từ giữa biển, hạm đội tàu ngầm Trung Quốc (TQ) hiện chú trọng vào việc tranh chấp lãnh hải ở biển Hoa Đông và biển...
(Theo Một Thế Giới)

http://nguyentandung.org/cuoc-chien-duoi-day-bien-chau-a-ky-cuoi-tq-co-lach-my-de-kiem-soat-long-bien.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten