vrijdag 24 oktober 2014

Tri ân 64 liệt sĩ Gạc Ma (Trường Sa)

DÒNG SỰ KIỆN

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120514/tri-an-liet-si-gac-ma.aspx

Trao quà cho 9 gia đình liệt sĩ đảo Gạc Ma

(TNO) Chiều nay 26.7, tại TP.Thái Bình (Thái Bình), Báo Thanh Niên đã tổ chức trao quà tri ân cho 9 gia đình liệt sĩ hy sinh ngày 14.3.1988 tại đảo Gạc Ma.

Mỗi phần quà trị giá 20 triệu đồng, do các đơn vị Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Agribank, Ban tài trợ Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Báo Thanh Niên trao tặng.
Các gia đình là thân nhân các anh hùng liệt sĩ tại Gạc Ma bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới Báo Thanh Niên và các nhà tài trợ.
Anh Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên chia sẻ, đây là một trong nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn của Báo Thanh Niên trong các năm qua. Đây cũng là việc làm mang ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, động viên tinh thần chiến sĩ đang ngày đêm nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ Tổ quốc.
 tri ân liệt sĩ gạc ma
Ông Trần Văn Hội, anh trai liệt sĩ Trần Văn Phòng bùi ngùi xem lại tấm bằng Tổ quốc ghi công em trai - Ảnh: Lê Quân

tri ân liệt sĩ gạc ma
Đại diện nhà tài trợ Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam phát biểu tri ân các liệt sĩ Gạc Ma - Ảnh: Káp Long

tri ân liệt sĩ gạc ma
Anh Nguyễn Phi Long, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam trao quà tri ân cho các gia đình liệt sĩ Gạc Ma - Ảnh: Lê Quân

tri ân liệt sĩ gạc ma
Anh Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên trao quà cho đại diện gia đình liệt sĩ Gạc Ma - Ảnh: Káp Long

tri ân liệt sĩ gạc ma
Anh Nguyễn Quốc Phong, Ủy viên Ban biên tập Báo Thanh Niên trao quà cho gia đình liệt sĩ Gạc Ma - Ảnh: Lê Quân
tri ân liệt sĩ gạc ma
Các gia đình liệt sĩ Gạc Ma nhận quà từ UBND tỉnh Thái Bình - Ảnh: Káp Long
Káp Long - Lê Quân
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120726/trao-qua-cho-9-gia-dinh-liet-si-dao-gac-ma.aspx

Lập bài vị các liệt sĩ Gạc Ma trong chùa Sinh Tồn

Sáng 30.4, đoàn công tác gồm các nhà khoa học đã đến viếng chùa Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa.

Sư trụ trì Thích Minh Huy cho biết chùa vừa lập bài vị ghi danh sách 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14.3.1988 và dành riêng một gian thờ để hương khói cho các liệt sĩ này (ảnh).
 Lập bài vị các liệt sĩ Gạc Ma trong chùa Sinh Tồn
Nhân dân cả nước mỗi khi ra Trường Sa đều ghé viếng chùa và thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma.
Trần ĐăngẢnh: T.Đ
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130501/lap-bai-vi-cac-liet-si-gac-ma-trong-chua-sinh-ton.aspx

Đến với gia đình liệt sĩ đảo Gạc Ma, Trường Sa

(TNO) Sáng 15.5 tại TP.Đà Nẵng, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Báo Thanh Niên cùng các nhà tài trợ chính thức khởi động chương trình “Tri ân anh hùng liệt sĩ đảo Gạc Ma, Trường Sa”, hỗ trợ 64 gia đình liệt sĩ với tổng số tiền 1,28 tỉ đồng.

Sáng 15.5 tại UBND P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng, chương trình “Tri ân anh hùng liệt sĩ đảo Gạc Ma, Trường Sa” đã gặp gỡ và trao tiền hỗ trợ đợt đầu tiên cho thân nhân 10 liệt sĩ ở TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Đây là chương trình do Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam, Báo Thanh Niên tổ chức cùng sự tài trợ của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) và đại diện Ban Tài trợ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nhằm tri ân, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức về chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cho thế hệ trẻ.
Ông Lê Văn Xuân (bên trái, 63 tuổi, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), cha liệt sĩ Lê Văn Xanh cho biết kỷ vật còn lại của liệt sĩ Xanh chỉ là tấm áo hải quân rách nát - Ảnh: Nguyễn Tú
Theo dự kiến từ ngày 15.5 đến 27.7, Báo Thanh Niên cùng các nhà tài trợ sẽ trao số tiền 1,28 tỉ đồng cho gia đình 64 liệt sĩ (20 triệu đồng/gia đình) góp phần trợ dưỡng cha mẹ các liệt sĩ đã tuổi cao sức yếu, giúp đỡ anh chị em vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Trong trận hải chiến ngày 14.3.1988 tại đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) có 10 chiến sĩ hi sinh, trong đó riêng P.Hòa Cường (cũ) có đến 7 liệt sĩ. Các liệt sĩ còn lại ở P.An Hải Tây, P.Bình Hiên và xã Điện Thắng Trung, H.Điện Bàn.
Sau khi chia tách phường, gia đình 7 liệt sĩ tại Hòa Cường hiện chỉ còn lại 4 gia đình ở vị trí cũ nay là P.Hòa Cường Bắc, 2 gia đình chuyển sang P.Hòa Cường Nam và 1 gia đình chuyển đến P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ.
Ly tán là vậy, nhưng 7 gia đình liệt sĩ Hòa Cường, đặc biệt là những người mẹ liệt sĩ vẫn giữ liên lạc với nhau rất khắng khít. Nhưng do tuổi cao sức yếu, các mẹ ít có dịp đến thăm hỏi nhau như xưa. Do vậy mà gặp lại nhau sáng 15.5 tại UBND P.Hòa Cường Bắc, các mẹ mừng vui chuyện trò thắm thiết như người một nhà.

Anh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam và anh Nguyễn Quang Thông (bên phải), Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên thắp hương cho liệt sĩ Lê Văn Xanh - Ảnh: Nguyễn Tú
Bà Lê Thị Muộn, mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự, năm nay đã 80 tuổi, gặp lại bà Hồ Thị Lai (76 tuổi, mẹ liệt sĩ Trương Quốc Hùng) bà mừng lắm, vì hồi đầu tháng 5, bà Muộn ra viện cũng là lúc bà Lai phải nhập viện vì bệnh cao huyết áp.
“Hồi còn khỏe, bả với tui hay qua nhà nhau ăn trầu cho đỡ buồn, chừ đi lại khó quá, lâu rồi cũng không gặp bả, không biết tui với bả còn có nhiều dịp gặp nhau nữa không”, bà Muộn nói.
Giữa 64 người mẹ liệt sĩ từ Khánh Hòa đến Hải Phòng cùng mang nỗi đau mất con vào ngày 14.3.1988, có lẽ không ai cùng lúc phải chịu cảnh mất hai người thân như bà Muộn. Năm 1988, ngày chồng bà Muộn là ông Phan Văn Bé qua đời cũng là lúc bà nhận được hung tin báo về: con trai thứ 7 của bà là Phan Văn Sự hi sinh ngoài đảo Gạc Ma, Trường Sa.
Ông Lê Xuân Hòe, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (bìa trái), anh Nguyễn Quang Thông (giữa), Tổng biên tập Báo Thanh Niên thăm hỏi ông Lê Văn Xuân, cha liệt sĩ Lê Văn Xanh - Ảnh: Nguyễn Tú
Do đó, ngày nay hai cha con liệt sĩ Phan Văn Sự cùng chung ngày giỗ. Hiện con cái của bà Muộn đều có hoàn cảnh khó khăn, bà đang sống và điều trị bệnh tiểu đường ở gia đình con trai thứ 6 là anh Phan Văn Dân. Hằng ngày anh Dân làm thợ mộc nuôi mẹ cùng vợ và 2 con nhỏ.
Còn mẹ liệt sĩ Phạm Văn Lợi là Nguyễn Thị Trước, 75 tuổi, đến gần cuối đời vẫn nhọc nhằn lo cho con cái. Mẹ Trước sinh hạ 7 người con, ngoài liệt sĩ Lợi hi sinh ở đảo Gạc Ma thì anh Phạm Văn Chung cũng qua đời vì bạo bệnh khi mới 44 tuổi.
Hiện mẹ Trước ở tại 18 Lưu Nhân Chú, P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng và chăm sóc con trai út Phạm Văn Tâm bị tâm thần. Thương mẹ, anh Phạm Văn Long hiện vẫn chưa lập gia đình mà đi phụ thợ hồ nuôi mẹ và em trai.
Anh Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho biết: “Dù được sự chăm sóc tận tình của chính quyền địa phương và các ngành hữu quan, song thời gian qua, cuộc sống của những người cha, người mẹ của những anh hùng liệt sĩ hi sinh tại quần đảo Trường Sa vẫn còn nhiều lo toan, vất vả, đặc biệt là khi tuổi cao sức yếu, ốm đau bệnh tật. Thực hiện chương trình đền ơn đáp nghĩa mà cụ thể là chương trình Nghĩa tình biển đảo của Trung ương Đoàn, Hội LHTN Việt Nam, Báo Thanh Niên phối hợp cùng các nhà tài trợ sẽ trao tận tay toàn bộ số tiền 1 tỉ 280 triệu đồng cho 64 gia đình liệt sĩ từ Khánh Hòa đến Hải Phòng”.
Trao tiền hỗ trợ cho 10 gia đình liệt sĩ đầu tiên của chương trình - Ảnh: Nguyễn Tú
Sau TP.Đà Nẵng, chương trình “Tri ân anh hùng liệt sĩ đảo Gạc Ma, Trường Sa” sẽ đến với Quảng Trị vào ngày 17.5, và ngày 19.5 sẽ trao tiền hỗ trợ cho 13 thân nhân liệt sĩ ở Quảng Bình.
Các gia đình liệt sĩ còn lại trên cả nước sẽ do Ban Bạn đọc và các Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên cùng địa phương thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ.
Trần Đăng - Tấn Tú - Nguyễn Tú

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120515/den-voi-gia-dinh-liet-si-dao-gac-ma-truong-sa.aspx

Cúc vàng trên biển xanh

Cúc vàng trên biển xanh
Đoàn công tác thả lễ vật xuống biển để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ - Ảnh: Công Nguyên 

Đối với tôi, những đóa cúc vàng đẹp nhất là những đóa hoa được thả trên vùng biển xanh thẳm của Tổ quốc trong ngày tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại vùng biển đảo Cô Lin - Len Đao. Khi ấy những đóa cúc vàng dường như cũng biết rưng rưng...

Ngày 7.5.2012, đúng 12 giờ trưa, con tàu HQ 996 đưa đoàn công tác của Quân chủng Hải quân, Đảng ủy Khối doanh nghiệp T.Ư và đoàn lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL thả neo tại vùng biển đảo Cô Lin - Len Đao. Tại đây, đoàn đã thực hiện nghi thức tưởng niệm 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ biển đảo quê hương cách đây 24 năm.
Dưới cái nắng như đổ lửa giữa biển Đông, trên boong tàu, hơn 200 thành viên có mặt không ai nói một lời, dường như cảm xúc đang chế ngự tất cả. Những bông cúc vàng được thả xuống biển xanh mang theo tấm lòng tưởng nhớ thành kính của người từ đất liền tới 64 chiến sĩ đã hy sinh ở vùng biển này năm xưa. Cô gái trẻ Trần Thị Hường (Hà Nội) vừa thả nhành cúc vàng xuống mặt biển vừa thầm thì: “Cầu cho các anh nằm dưới lòng biển sâu quê hương an lành. Đất liền luôn nhớ về các anh, những người con kiên trung của Tổ quốc...”.
Phó chính ủy Quân chủng Hải quân Việt Nam, chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật bùi ngùi kể lại câu chuyện mà lịch sử đất nước mãi không được phép quên: “Ngày 14.3.1988, đứng trước âm mưu chiếm đóng Trường Sa và độc chiếm biển Đông của thế lực nước ngoài, lực lượng Hải quân Việt Nam mà trực tiếp là chiến sĩ trên tàu HQ 505, 604, 605 thuộc Lữ đoàn 125, các chiến sĩ Lữ đoàn 126, Trung đoàn công binh 83 đã anh dũng, khôn khéo, chết không lùi bước, chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, chống trả quyết liệt trước những đợt tấn công của kẻ thù để bảo vệ biển đảo nước nhà. Trong cuộc chiến đó, các anh đã ngã xuống dưới lòng biển sâu thăm thẳm, máu các anh hòa cùng biển đảo quê hương, tô thắm lá cờ Tổ quốc và xứng danh bộ đội Cụ Hồ”.
Hình ảnh đại úy Vũ Phi Trừ (thuyền trưởng tàu HQ 604), trung tá Trần Đức Thông (Phó lữ trưởng đoàn 146), thiếu úy Trần Văn Phương (Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma) quấn lá cờ Tổ quốc vào thân mình để chiến đấu và động viên các chiến sĩ: “Dù chết không lùi bước, còn người thì còn chủ quyền đất nước” đã khiến những người có mặt trên tàu lặng đi vì xúc động. Một vài cô gái ngước nhìn lên trời để ngăn dòng nước mắt đang chực rơi xuống. Một hồi còi tàu được kéo lên, trong đám đông những tiếng khóc bật ra, nghẹn ngào. Đóa cúc vàng dưới mặt biển chênh chao theo sóng nước.
Trong số các anh, những người không tiếc thân mình vì vùng biển của Tổ quốc, chắc ai cũng đã từng có chậu cúc vàng trước hiên nhà mình. Giờ đây, trên vùng biển này, những bông cúc vàng từ đất liền được tung xuống biển, hy vọng các anh nằm sâu dưới biển cảm thấy ấm áp hơn vì đất liền luôn ở quanh quẩn bên mình.
Trên vùng biển xanh thẳm của Tổ quốc, hoa cúc rưng rưng hay người từ đất liền không giấu được niềm xúc cảm trước lịch sử oai hùng của đất nước.
Và lần nào cũng vậy, sau lễ tưởng niệm, cùng với nước mắt tiếc thương của bao người đang sống, trời lại đổ cơn mưa.
Côn Nguyên
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120514/cuc-vang-tren-bien-xanh.aspx


Geen opmerkingen:

Een reactie posten