Bắc thêm 4 cây cầu “khủng” ở Đồng bằng sông Cửu Long
Cùng với cầu Cần Thơ, ĐBSCL sẽ có thêm 4 cây cầu “khủng”.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vùng sông nước chằng chịt với 9 nhánh sông lớn tạo nên “Cửu Long”. Trong 15 năm qua, đã có 3 cây cầu lớn bắc qua sông Tiền, sông Hậu, giúp đồng bằng chuyển mình. Hiện đang đồng loạt triển khai 4 dự án (DA) bắc cầu “khủng”: Cổ Chiên, Vàm Cống, Cao Lãnh, Mỹ Lợi. Khi hoàn thành các DA này (năm 2017), ĐBSCL sẽ “đủ lông đủ cánh” để “bay” lên!
Nối những bờ vui
Suốt mấy trăm năm, người dân ĐBSCL đã quen với những khái niệm “đò”, “phà”, “bắc”... mỗi khi qua sông. Năm 2000, một sự kiện đã gây chấn động cả vùng là thông xe cây cầu Mỹ Thuận “mơ ước ngàn đời” bắc qua sông Tiền. Suốt cả năm trời, người dân khắp đồng bằng kéo nhau về ngắm chiếc cầu dây văng như một kỳ quan thế giới. Mỗi khi qua cầu Mỹ Thuận, trên đỉnh cao lộng gió, thay cho cảnh ngột ngạt qua phà, ai cũng thấy mình như “bay”.
Đúng 10 năm sau, một cây cầu còn lớn hơn, bắc qua sông Hậu - cầu Cần Thơ - được khánh thành. Vậy là QL1A từ TPHCM đến tận Cà Mau được thông suốt, không còn phải “luỵ phà”. ĐBSCL thôi không còn là “ốc đảo” với phần còn lại của thế giới. Trước đó 1 năm, tháng 1.2009, cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền nối liền Tiền Giang - Bến Tre đã giúp quê hương Đồng Khởi “phá thế cù lao”.
Niềm vui nối niềm vui, đầu năm nay, Bộ GTVT chính thức khởi công xây dựng DA cầu Mỹ Lợi trên QL1A bắc qua sông Vàm Cỏ, nối Long An và Tiền Giang. Trước đó 3 tháng, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ GTVT đã tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Cao Lãnh. Chiếc cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Tiền - Chính phủ Australia viện trợ hông hoàn lại và vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) - dài hơn 2.000m, nhịp chính dài 350m, tháp dây văng cao 120m, bề rộng mặt cầu 24,5m, 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Ngày 10.9.2013, DA cầu Vàm Cống đã được khởi công. Cây cầu thứ hai bắc qua sông Hậu này được thiết kế với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, dải phân cách, dải an toàn, có tổng chiều dài cầu 2,9km, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 271 triệu USD (tương đương 5.700 tỉ đồng), dự kiến thời gian hoàn thành là 48 tháng. Trước đó nữa, ngày 2.8.2013, DA xây cầu Cổ Chiên (bắc qua sông Cổ Chiên, một nhánh sông Tiền) trên QL60 nối 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh đã được khởi công. Phần xây dựng cầu chính được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, trong đó ngân sách nhà nước góp vốn là 1.044 tỷ đồng, còn lại 1.264 tỷ đồng từ nguồn vốn “xã hội hoá”. Cầu Cổ Chiên có tổng chiều là 1.599m, mặt cầu cắt ngang gồm 4 làn xe rộng 16m, với thiết kế gồm 5 nhịp chính và 24 nhịp dẫn.
“Bay” lên với những cây cầu
Đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát lệnh khởi công DA cầu Vàm Cống, cây cầu ước mơ ngàn đời của người dân vùng ĐBSCL, nhất là người dân đôi bờ sông Hậu. Tại lễ khởi công DA cầu Cao Lãnh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh ý nghĩa của cầu Cao Lãnh và hệ thống giao thông ngày một phát triển đồng bộ, hiện đại đối với sự phát triển của vùng trọng điểm kinh tế Tây Nam Bộ, khu vực đang đóng góp 20% GDP của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công cầu Vàm Cống .
|
Ông Lê Vĩnh Tân - Phó ban Kinh tế Trung ương - cho rằng, dù chi phí sản xuất ở ĐBSCL thấp hơn các nơi, nhưng do giao thông chưa phát triển, chi phí vận chuyển cao, nên giá thành sản xuất thậm chí còn cao hơn các nơi khác. Việc hoàn thiện hệ thống giao thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn vùng.
Thứ trưởng Bộ GTVT - ông Nguyễn Văn Thể - cho biết, các DA bắc cầu nói trên sẽ giúp hình thành nên 4 “trục dọc” giao thông cho vùng ĐBSCL. Hiện giao thông vùng ĐBSCL còn “độc đạo”, phần lớn dựa vào QL1A. Với 2 DA cầu Mỹ Lợi và cầu Cổ Chiên (cùng với cầu Rạch Miễu đã có) sẽ hình thành trên trục giao thông ven biển từ TPHCM qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, giúp phát triển KT-XH, an ninh - quốc phòng khu vực. Với DA cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống, một “trục dọc” khác là đoạn đường Hồ Chí Minh từ Củ Chi (TPHCM) xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười đến tận Kiên Giang sẽ được thông suốt.
Với những DA cầu “khủng” này (theo kế hoạch sẽ hoàn thành muộn nhất năm 2017), tất cả các tỉnh vùng ĐBSCL đều có thêm động lực, có thêm điều kiện để phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của toàn vùng. Cùng với những “bài toán” về lúa gạo, con cá tra, trái cây... đang được khẩn trưởng “giải” ở cấp độ vĩ mô và từng địa phương, hệ thống giao thông bộ hoàn thiện hứa hẹn sẽ giúp đồng bằng “bay” lên vào năm 2020, thời điểm mà nhiều tỉnh trong khu vực phấn đấu trở thành “tỉnh công nghiệp”.
Ngoài việc xoá cảnh ngăn cách sông nước, một khi hệ thống giao thông trong vùng hoàn thiện với những cây cầu, khoảng cách giữa TPHCM tới nhiều tỉnh ĐBSCL được rút ngắn đáng kể, như: Trà Vinh, Sóc Trăng rút ngắn khoảng 70km; vùng Đồng Tháp Mười (gồm Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp) rút ngắn khoảng 40km; Kiên Giang, Cà Mau rút ngắn khoảng 50km...
http://laodong.com.vn/kinh-te/bac-them-4-cay-cau-khung-o-dong-bang-song-cuu-long-223914.bld
Geen opmerkingen:
Een reactie posten