maandag 21 april 2014

Ukraina : Thắng lợi chính trị của Putin

Ukraina : Thắng lợi chính trị của Putin
Liên quan đến tình hình đang sôi động ở Ukraina, Le Monde có bài xã luận mang tựa đề « Ukraina : Thắng lợi chính trị của Putin ». Tờ báo nhận xét, Nga đang dần áp đặt được chính sách của mình lên Ukraina.
Matxcơva thực hiện với một sự pha trộn giữa sự thô bạo kiểu Liên Xô cũ và nghệ thuật ngoại giao. Thô bạo dành cho Crimée, bán đảo của Ukraina mà Nga đã sáp nhập hồi tháng trước. Còn nghệ thuật ngoại giao, là thỏa thuận đã ký kết hôm thứ Năm 17/04/2014 tại Genève.
Đã hẳn tất cả mọi người đều hoan nghênh hội nghị bốn bên Ukraina, Nga, Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu, có thể đánh dấu khởi đầu của việc xuống thang trong cuộc khủng hoảng Ukraina. Điều này chưa đạt được, nhưng « tuyên bố chung » được các bên tham gia ký kết đi theo hướng này.Thông cáo kêu gọi giải giáp các nhóm vũ trang bất hợp pháp, ra lệnh cho các nhóm này phải rời khỏi các tòa nhà chính phủ đang chiếm đóng, chủ yếu ở miền đông. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tập hợp toàn thể các Nhà nước châu Âu, sẽ giúp đỡ chính quyền Kiev áp dụng các biện pháp xuống thang.
Đã hẳn, khi đặt bút ký tên bên cạnh chữ ký của người đồng nhiệm Ukraina là Andrei Dechtchitsa, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã có một cử chỉ hòa hoãn về phía Kiev. Đó là Matxcơva coi như đã ngầm công nhận chính phủ Ukraina và là một bước đi đúng đắn.
Nhưng về bản chất, văn bản ký kết bên bờ hồ Léman đánh dấu chiến thắng của điện Kremli. Vladimir Putin đã áp đặt được chính sách của mình. Một mặt, « tuyên bố chung » không nêu tên Crimée, cứ như là việc sáp nhập đã được chấp nhận rồi. Mặt khác, Nga áp đặt cách xử sự cho quốc gia láng giềng của mình.
Ông Putin không muốn có một Ukraina có trọn vẹn chủ quyền, và muốn làm chính quyền trung ương Kiev suy yếu. Matxcơva muốn Ukraina trở thành một liên bang phải chịu đựng sức ép tại các vùng miền đông và đông nam chủ yếu nói tiếng Nga, bị rơi vào vòng tay của Matxcơva. Ông ta đã thành công một phần.
Bản tuyên bố dự kiến tổ chức một cuộc « đối thoại quốc gia » tại Ukraina nhằm đảm bảo các quyền của công dân Ukraina. Mấy từ sáo rỗng đẹp đẽ này mang một ý nghĩa rõ ràng, một khi được diễn dịch theo cách nói thông thường : đó là quyền tự trị rộng rãi cho các địa phương miền đông.
Khi chiếm lấy Crimée rồi gây bất ổn cho miền đông Ukraina, với những lời dối trá cấp Nhà nước và cho các đơn vị đặc nhiệm Nga xâm nhập, ông Putin đã tổ chức việc biến đất nước này thành chư hầu. Ông có thể trông cậy vào sự yếu kém tột độ của tân chính quyền Kiev và cả những sai lầm chính trị của Ukraina, cũng như sự phức tạp của đất nước này. Nhưng Putin đã nói ra những ý nghĩ bên trong của mình hôm thứ Năm 17/4, cùng ngày với hội nghị bên Genève.
Trong một chương trình truyền hình, ông Putin đã đánh giá miền đông Ukraina là « nước Nga mới ». Ông ta nói : « Kharkov, Lugansk, Donetsk, Odessa trong thời kỳ Sa hoàng không thuộc về Ukraina. Có trời mới biết tại sao các vùng này lại bị chuyển sang cho Ukraina năm 1920 ! ».Và Putin nhắc lại rằng vẫn dành quyền can thiệp quân sự vào Ukraina.
Một trong những dự định chiến lược của Tổng thống Putin là tái lập vành đai dưới sự bảo hộ của Kremli xung quanh Nga. Những nước nào chớm có ý định thoát ra khỏi mưu đồ đó đều phải biểt rằng sẽ trả giá đắt như Ukraina.
Tân Thủ tướng Pháp đang ngồi trên núi lửa
Về tình hình nước Pháp, tuần báo L’Express đăng hình tân Thủ tướng Manuel Valls trên trang nhất với hàng tựa « Ông Valls ngồi trên núi lửa ». Tuy đang rất được lòng dân, nhưng ông đang phải đối diện với những vấn đề gai góc, là làm thế nào để làm việc được với Tổng thống François Hollande, xoa dịu các xung đột ngay trong nội bộ đảng Xã hội, thành công trong việc áp dụng hiệp ước trách nhiệm, tiết kiệm được 50 tỉ euro…
Tác giả bài viết nhận định, tân Thủ tướng hiện đang ở trên chín tầng mây, trong khi thật ra ông đang trên một ngọn núi lửa. Tầng mây đó là từ các cuộc thăm dò dư luận : người Pháp thích cá tính và phong cách nhìn thẳng vào sự việc của ông. Còn hỏa diệm sơn chính là thực tế : một tình hình kinh tế đáng thất vọng, rạn nứt xã hội trầm trọng, dân chúng bất tín nhiệm chính phủ.
Thủ tướng Manuel Valls không thiếu can đảm lẫn bản lãnh chính trị. Nhưng nhược điểm chính của ông là thiếu vắng một chủ thuyết. Cho đến nay, « chủ nghĩa Valls » chỉ mới là thái độ. Ngày mai, ông không thể tự hài lòng làm một chiếc cành đỡ cho đóa hoa « chủ nghĩa Hollande » đang tàn úa, mà phải đóng vai trò một bàn tay sắt. Nếu ông không thể thuyết phục được về sự hiệu quả của mình trong việc vực dậy đất nước, bằng cách áp dụng chương trình của một người khác, Manuel Valls sẽ phải bày tỏ niềm tin thực sự của mình về một chính sách khác. Tờ báo đặt câu hỏi, liệu tân Thủ tướng có dám tiến hành cuộc nổi loạn này không, có dám làm một cuộc đảo chính nắm lấy quyền hành một khi đã được giao cho quyền hành ?

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140419-tien-xay-dap-tam-hiep-ve-dau

Geen opmerkingen:

Een reactie posten