maandag 28 april 2014

Alstom phản ánh đà tuột dốc của công nghiệp Pháp

Thứ hai 28 Tháng Tư 2014

Alstom phản ánh đà tuột dốc của công nghiệp Pháp

Tập đoàn General Electric đề nghị mua lại Alstom với 10 tỷ euro
Tập đoàn General Electric đề nghị mua lại Alstom với 10 tỷ euro
REUTERS/Stephane Mahe

Thanh Hà
Kế hoạch của công ty điện lực Mỹ General Electric mua Alstom gặp trở ngại vào giờ chót. Là một trong những con chim đầu đàn của nền công nghiệp Pháp, hiện diện trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như vận tải đường sắt và năng lượng, nhưng để tồn tại tập đoàn Alstom của Pháp đang cần gấp một điểm tựa. General Electric (GE) của Mỹ hay Siemens của Đức sẽ mua lại Alstom ? Chính phủ Pháp do dự chưa biết chọn ai.

Tham gia sàn chứng khoán từ năm 1998, tập đoàn Alstom đã hơn một lần bị đe dọa khai tử. Doanh thu của tập đoàn này trong năm 2013 lên tới 20,3 tỷ euro và tiền lãi là hơn 802 triệu. Nhưng bên cạnh đó là một khoản nợ khổng lồ 2,3 tỷ euro. Cổ phiếu của Alstom trong ba năm qua đã mất giá gần phân nửa. Alstom hiện đang bảo đảm công việc làm cho 93.000 nhân viên, với doanh thu hàng năm lên tới 20 tỷ euro. 70 % hoạt động của đại tập đoàn này tập trung trong hai ngành năng lượng và vận tải đường sắt, đem về đến 14 tỷ euro doanh thu cho Alstom.
Từng là biểu tượng của sự thành công về công nghiệp của Pháp trong nhiều lĩnh vực từ thủy điện đến năng lượng nguyên tử, từ năng lượng chạy bằng sức gió, đến ngành vận tải đường sắt, Alstom ngày nay là một ông khổng lồ có đôi chân đất sét, sắp bị tháo dỡ ra thành từng mảng một.
Hai mảng quan trọng nhất là các hoạt động trong ngành năng lượng và giao thông đường sắt đang thu hút chú ý của hai đại gia trong ngành là tập đoàn điện lực General Electric của Mỹ và ông trùm công nghiệp của Đức là Siemens.
GE đã thương lượng ráo riết với cổ đông quan trọng nhất của Alstom là Bouygues để mua lại toàn bộ các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng với giá 10 tỷ euro. Đàm phán giữa đôi bên tưởng chừng như đã ổn thỏa, thì vào giờ chót, chính phủ Pháp can thiệp và Paris có ý nghiêng về giải pháp bán lại Alstom cho Siemens. Siemens từ một chục năm qua đã để ý các hoạt động của Alstom trong ngành chế tạo tàu hỏa cao tốc, xe điện métro tự động, tramway ….
Vì sao Alstom nên nông nỗi này ? Vì sao chính phủ Pháp lại thiên về kịch bản chuyển nhượng Alstom cho Siemens của Đức hơn là General Electric của Mỹ ?
Về câu hỏi thứ nhất, có thể trả lời Alstom phản ánh sự kém cỏi của châu Âu cả trong lĩnh vực năng lượng lẫn công nghiệp. Tuy là một trong những đối tác quan trọng trong ngành năng lượng và vận tải nhưng Alstom không đủ tầm cỡ để cạnh tranh với những đối thủ khác, như ông khổng lồ Hàn Quốc Samsung chẳng hạn. Vào lúc mà toàn cảnh công nghiệp thế giới đã thay đổi với các đối thủ cạnh tranh ngày càng đông (Trung Quốc, Tây Ban Nha, Canada …) thì Alstom luôn bị chính các đối tác của mình chọc gậy bánh xe và vẫn tưởng được “một mình một chợ”.
Thực tế cho thấy là Alstom liên tục đánh mất hợp đồng xe lửa cao tốc tại Trung Quốc và Ả Rập Xê Út rồi lại bị hụt khỏi dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Abou Dhabi. Năm 2004 Alstom bị đe dọa vỡ nợ. Trong tài khóa 2002-2003 thua lỗ đến 1,38 tỷ euro. Dù không còn là một tập đoàn nhà nước, nhưng Alstom do có trọng lượng quá lớn trên sân khấu công nghiệp của Pháp, chính phủ thời bấy giờ không thể làm ngơ. Khi đó bộ trưởng Kinh tế Pháp là ông Nicolas Sarkozy đã đồng ý với những điều kiện như sau : nhà nước chi ra 3,2 tỷ euro mua lại một phần vốn của Alstom nhưng buộc tập đoàn này phải sa thải 8.500 nhân viên ; bán lại một số các lĩnh vực hoạt động cho Siemens của Đức và cho tập đoàn năng lượng cho Areva của Pháp.
Vấn đề đặt ra là cả Siemens lẫn Areva vừa là những đối tác, vừa là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Alstom. Hiềm khích giữa Alstom và Siemens đã lên đến mức độ mà thủ tướng Đức thời đó là Gerhard Schroider và thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin đã phải can thiệp. Hồ sơ Alstom vượt ra ngoài phạm vi thuần túy kinh tế, khi mà các chính trị gia của Pháp, và Đức đã can thiệp.
Sau đó hai năm, tức là vào năm 2006 chính phủ Pháp đã bán lại cổ phiếu của nhà nước cho Bouygues – mà chủ nhân là một người bạn thân của ông Sarkozy. Chung cuộc thì Bouygues vào năm 2006 nắm giữ đến hơn 29,4 % vốn của Alstom. Bouygues đã đột ngột thông báo ý định thu hồi vốn khỏi Alstom để tập trung vào lĩnh vực viễn thông. Alstom buộc phải tìm một điểm tựa khác. Alstom đã đàm phán với đối tác Mỹ, GE với sự đồng thuận của Bouygues.
Vào lúc mọi người đều cam chắc là Alstom sẽ hợp tác với General Electric thì Siemens trở lại với hồ sơ này : Siemens vẫn theo đuổi ý đồ làm chủ các hoạt động trong ngành năng lượng của Alstom để áp đảo thị trường và nhất là đủ sức cạnh tranh với GE của Mỹ. Vì muốn đạt được mục đích đó, Siemens đề nghị : mua lại mảng Energy của tập đoàn Pháp, và 50 % các hoạt động trong ngành giao thông vận tải đường sắt của Alstom. Đồng thời Siemens cam kết duy trì công nhân viên của Alstom tại Pháp trong ít nhất ba năm.
Tại sao chính phủ Pháp lại ngần ngại trước việc chuyển nhượng lại mảng năng lượng của Alstom cho tập đoàn điện lực General Electric của Mỹ ?
Câu trả lời tương đối đơn giản : Paris đưa ra lý do “an inh quốc gia” trong lĩnh vực ninh năng lượng để từ chối bán lại các hoạt động năng lượng của Alstom cho General Electric . Pháp lo ngại trước viễn cảnh một khi thâu tóm Alstom General Lectric của Hoa Kỳ trở thành một nguồn cung cấp điện lực quá lớn, quá mạnh sẽ áp đặt luật chơi trên thị trường năng lượng châu Âu.
Sau cùng chính bộ trưởng Kinh tế Pháp, Arnaud Montbourg vào sáng nay đã giải thích : Pháp không muốn để 75 % các hoạt động của Alstom được điều hành từ bang Connecticut, miền đông bắc Hoa Kỳ. Thêm vào đó là Paris lo ngại sẽ khó thuyết phục GE hơn Siemens bảo đảm công ăn việc làm cho 93.000 nhân viên của Alstom. GE hiện đang điều hành 305.000 nhân viên trên thế giới, có doanh thu hàng năm trên dưới 150 tỷ đô la.
Trước mắt chưa thể trả lời câu hỏi Alstom sẽ được bán cho GE của Mỹ hay Siemens của Đức. Nhưng theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, thứ nhất khả năng can thiệp của chính phủ Pháp tương đối hạn hẹp. Bởi vì từ năm 2006 Alstom không còn là một tập đoàn nhà nước. Thứ hai là Paris có thể kêu gọi các đối tác đang muốn mua lại Alstom phải cam kết bảo đảm việc làm cho nhân viên của tập đoàn nay, nhưng đó là một lời kêu gọi không mang tính ràng buộc. Thứ ba nữa là trong bối cảnh nhà nước Pháp đang phải giảm bớt chi tiêu công cộng và nợ công, Paris không có khả năng để “quốc hữu hóa” dù chỉ một phần Alstom. Sau cùng nếu như phải cân nhắc là chọn GE của Mỹ hay Siemens sẽ có lợi hơn cho chính Alstom, thì nhiều nhà quan sát cho là đi với Mỹ sẽ có lợi hơn bởi vì các lĩnh vực hoạt động của General Electric và Alstom mang tính bổ sung cho nhau. Trong khi đó Siemens là một nhà cạnh tranh trực tiếp của cánh chim đầu đàn trong ngành công nghiệp Pháp này.
Việc chính phủ can thiệp vào hồ sơ Alstom có nguy cơ càng làm xấu đi hình ảnh của nước Pháp trong mắt các nhà đầu tư quốc tế trong bối cảnh mà mạng lưới công nghiệp của Pháp không còn sức thu hút cao như hơn 20 năm về trước. Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Pháp thì liên tục sụt giảm.
TAGS: CÔNG NGHIỆP - KINH TẾ - PHÁP - THEO DÒNG THỜI SỰ

Geen opmerkingen:

Een reactie posten