zaterdag 26 april 2014

Barack Obama vẫn xoay trục sang châu Á dù vướng Ukraina

Barack Obama vẫn xoay trục sang châu Á dù vướng Ukraina
Nhìn sang châu Á, Le Figaro có bài viết mang tựa đề « Barack Obama xoay trục sang châu Á, cho dù bận bịu với Ukraina ». Tổng thống Mỹ phải trấn an các đồng minh châu Á, đang quan ngại trước sự bất lực của Washington trước Matxcơva hay Damas, trong lúc căng thẳng tăng cao tại khu vực.
Thông tín viên của Le Figaro tại Washington cho biết, việc xoay trục sang châu Á chắc chắn sẽ diễn ra – đó là thông điệp của Tổng thống Obama, vị Tổng thống « của Thái Bình Dương » trước khi lên đường công du thăm các quốc gia đồng minh tại lục địa này. Việc chuyển trọng tâm chiến lược của Hoa Kỳ được loan báo từ năm 2011 vẫn là « ưu tiên hàng đầu » trong chính sách ngoại giao Mỹ. Việc Nga tấn công Crimée của Ukraina vẫn không thay đổi được chủ trương này. Một viên chức Nhà Trắng hôm thứ Hai 21/4 khẳng định : « Chúng tôi vẫn có thể vừa đi vừa nhai kẹo chewingum ».
Ông Barack Obama đi một vòng Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines trong bối cảnh khu vực hết sức căng thẳng. Đặc biệt là sự hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông : Trung Quốc lao vào cuộc chiến chủ quyền với Philippines và Việt Nam – hai nước đang mong muốn Mỹ tăng cường hỗ trợ ; bên cạnh đó là việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông. Tất cả các đồng minh của Washington đang mong mỏi được trấn an, sự thụ động của Hoa Kỳ trước hồ sơ Syria và Ukraina khiến họ lo ngại.
Rõ ràng là cái bóng của Bắc Kinh đang đè lên chuyến công du này. Ý định của Mỹ trở thành đối trọng với Trung Quốc không còn là bí mật với bất kỳ ai, tuy vậy Washington vẫn biện minh là không muốn ngáng chân Bắc Kinh, nhắc lại rằng chỉ muốn « hợp tác » với khu vực. Theo Le Figaro, trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay với Matxcơva, Obama sẽ phải cân nhắc từng từ một về mối đe dọa Trung Quốc trong chuyến công du, vì ông hiểu rõ là Putin cũng cần đến Bắc Kinh.
Lời thú tội kiểu Cách mạng văn hóa của blogger nổi tiếng
Cũng về châu Á, nhật báo Libération đề cập đến sự kiện truyền hình Nhà nước Trung Quốc tuần rồi đã dàn cảnh việc nhà ly khai Tiết Tất Quần (Charles Xue), bút danh Tiết Man Tử nhận tội. « Phóng sự » này được quay trong một trại giam, cho thấy cảnh blogger có đến 12 triệu người theo dõi đang « cải tạo tư tưởng ». Ông bị bắt vào tháng Tám với cớ « giao du với gái mại dâm », tuy thực ra chính những hoạt động trên mạng mới đưa ông vào tù.
Bị hai điều tra viên mặc đồng phục kèm sát từ tám tháng qua, kẻ tội lỗi trước camera đã nhục nhã thú nhận là từ khi mở tài khoảng Vi Bác, ông đã nhiễm thói kiêu ngạo, tự coi mình là Hoàng đế Trung Hoa vì mỗi bài viết nhận được đến 100.000 lời bình luận. Người ta hiểu rằng blogger này đã bị bắt lặp đi lặp lại nhiều lần lời thú tội cho có vẻ tự nhiên. Ống kính máy quay phim dừng lại trước một tập hồ sơ dày cộm những bản nhận tội của ông, để làm vui lòng Ban Tuyên huấn đảng Cộng sản Trung Quốc, người đã chỉ đạo trong hậu trường hoạt cảnh này.
Doanh nhân Mỹ gốc Hoa Charles Xue nằm trong số khoảng 100 nhân vật nổi tiếng nhất Trung Quốc được gọi là « Đại V » (Da V, những tài khoản lớn mà danh tính của chủ nhân đã được kiểm tra), mà các bài viết của họ được 5, 10 thậm chí 15 triệu người theo dõi. Một số có ảnh hưởng lớn đến nỗi đảng coi họ là mối đe dọa. Hôm 10/4, Ban Tuyên huấn đã triệu tập các Đại V lên, yêu cầu viết cam kết sẽ tự kiểm duyệt. Ông Xue là một trong những người hiếm hoi dám từ chối, và đã bị chọn lựa trừng trị để làm gương : chỉ vài ngày sau ông bị bắt.
Lời thú nhận và xin khoan hồng của ông mang dáng dấp của thời kỳ Cách mạng văn hóa, và bài phóng sự cho biết Charles Xue sẽ được trả tự do có điều kiện. Được Libération hỏi, phải chăng việc thú tội công khai là cái giá phải trả để được tự do, luật sư của ông không muốn đưa ra lời bình luận nào.
TAGS: BÁO CHÍ - KIỂM DUYỆT - NGA - QUỐC TẾ - THÔNG TIN - TUYÊN TRUYỀN - UKRAINA - VLADIMIR PUTIN - ĐIỂM BÁO - ĐỘC TÀI
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20140423-truyen-thong-mot-cuoc-chien-khac-cua-ong-vladimir-putin

Thứ năm 24 Tháng Tư 2014

Chuyến thăm đồng minh châu Á mang nhiều sứ mệnh của ông Obama

Tổng thống Obama và Hoàng hậu Michiko, trong lễ đón tiếp tổng thống Mỹ ở hoàng cung, ngày 24/04/2014.
Tổng thống Obama và Hoàng hậu Michiko, trong lễ đón tiếp tổng thống Mỹ ở hoàng cung, ngày 24/04/2014.
Reuters

Anh Vũ
Châu Á khu vực năng động về kinh tế và không kém sôi động về chính trị ngoại giao hôm nay được các báo Pháp chú ý nhiều hơn thường lệ bởi có chuyến công du của Tổng thống Obama tới bốn nước đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Đây là chuyến công du mang nhiều sứ mệnh của tổng thống Mỹ trong lúc tình hình thế giới đang có nhiều biến động thách thức vai trò quốc tế của Hoa Kỳ.

Le Monde khái quát mục tiêu chuyến công du châu Á của ông « Barack Obama là để hàn gắn các đồng minh » với nhận định, các căng thẳng trong khu vực (châu Á) và cuộc khủng hoảng Ukraina đang là một trở ngại cho chính sách châu Á của Washington.
Le Monde nhận thấy chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, khu vực Đông Á đang có nhiều biến chuyển. Biến chuyển trước hết được đánh dấu bằng việc thay đổi lãnh đạo ở các nước trong khu vực diễn ra gần như cùng lúc. Ở Trung Quốc là ông Tập Cận Bình ; bà Park Geun-hye tại Hàn Quốc và ở Nhật Bản là ông Shinzo Abe. Thêm vào vào đó là sự trỗi dậy của các tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đang là tác nhân gây căng thẳng trong khu vực đầy tiềm năng tăng trưởng kinh tế này của thế giới.
Le Monde nhận thấy « tất cả những biến chuyển đó đang là làm phức tạp tham vọng của Mỹ muốn biến châu Á thành trục chiến lược trong chính sách đối ngoại mới ». Nhất là trong lúc này khi mà vai trò cường quốc thế giới của Mỹ đang sứt mẻ ít nhiều sau những bất lực trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria và gần đây nhất là tại Ukraina với việc Nga ngang nhiên sáp nhập Crimée.
Theo Le Monde, Tổng thống Obama đến thăm Đông Á lần này để khẳng định Hoa Kỳ quyết tâm trở lại khu vực chiến lược này với vị thế hùng mạnh hơn. Đặc biệt, ông Barack Obama còn mang sứ mệnh hoà hợp hai đồng minh Nhật Bản - Hàn Quốc. Những bất đồng lịch sử và lãnh thổ của hai đồng minh chiến lược của Mỹ đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối liên minh ba bên, vẫn được Washington coi là hòn đá tảng trong chiến lược xoay trục về châu Á của chính quyền Obama.
Cả 4 đồng minh châu Á mà ông Obama viếng thăm trong chặng công du châu Á lần này đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Le Monde nhận thấy tổng thống Mỹ có sứ mệnh trấn an các đồng minh về những cam kết trách nhiệm của Hoa Kỳ để đối phó với sự gia tăng sức mạnh quân sự cùng tham vọng lãnh thổ chủ của Trung Quốc ngày càng rõ rệt trong khu vực. Chính vì vậy mà giới quan sát đều nhận thấy dù không tới Bắc Kinh nhưng bóng dáng Trung Quốc vẫn ám ảnh chuyến công du của ông Obama.
Trung Quốc khuấy động căng thẳng với Nhật để che dấu những vấn đề khác
Le Figaro dành một trang cho các bài viết của các chuyên gia chính trị Pháp phân tích về các mối quan hệ phức tạp trong khu vực Đông và Đông Nam Á.
Đáng chú ý có bài viết của chuyên gia Jean Vincent Brisset, Giám đốc nghiên cứu của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Pháp Iris, đề cập đến mối quan hệ Trung -Nhật đang căng thẳng vì những tranh chấp lãnh thổ, ẩn chứa những hiểm hoạ khó lường. Bài viết của tác giả tập trung phân tích mối quan hệ đối đầu giữa hai cường quốc châu Á và những lý do có thể dẫn đến xung đột.
So sánh tương quan lực lượng quân sự giữa hai nước, tác giả nhân thấy từ hơn một thập kỷ trở lại đây, người ta đã ghi nhận thấy hải quân Trung Quốc đã được hiện đại hoá mạnh mẽ. Ngoài trang thiết bị, khí tài, phạm vi hoạt động của hải quân Trung Quốc đã vươn rộng hơn trước rất nhiều, thể hiện qua việc các đội tàu chiến của Trung Quốc đã thực hiện những chuyến ghé thăm các cảng ở nơi xa xôi, tham gia vào chiến dịch chống hải tặc ngoài khơi Somalia hay thực thi nhiệm vụ sơ tán kiều dân Trung Quốc ở Lybia. Tuy nhiên khả năng tác chiến của lực lượng hải quân Trung Quốc vẫn còn giới hạn, họ chưa có được đủ kinh nghiệm nhất là trong việc phối hợp liên binh chủng dù giờ đây Trung Quốc đã có tàu ngầm, tàu sân bay và nhiều khu trục hạm hiện đại.
Trong khi đó, từ sau Thế chiến thứ 2 quân đội Nhật, bị không chế bởi bản Hiến pháp hiếu hoà, Nhật Bản không được phép chi tiêu quốc phòng vượt quá 1% GDP. Vì thế mà Hải quân Nhật Bản thấp kém hơn các đồng nghiệp Trung Quốc về khối lượng cũng như thiếu kinh nghiệm tác chiến trong suốt 65 năm qua. Nhưng bù lại hải quân Nhật được thường xuyên tập luyện với hải quân Mỹ.
Trên phương diện ngoại giao, người ta cũng ghi nhận thời gian gần đây Tokyo tìm cách thắt chặt thêm các mối quan hệ chiến lược với tất cả những nước quan ngại tham vọng bành trướng của Trung Quốc, từ Đông Nam Á sang đến Ấn Độ.
Trong mối quan hệ căng thẳng Trung- Nhật, tác giả đặt vấn đề đâu là lý do thúc đẩy các lãnh đạo Trung Quốc tung ra các yêu sách chủ quyền với Nhật ở Hoa Đông hay ở Hoa Nam ( Biển Đông), trong khi mà đất nước này đang có những vấn đề hệ trọng bên trong nước cần phải giải quyết. Theo tác giả, thay vì tập trung giải quyết vấn đề tiêu dùng nội địa thiếu thốn, rạn nứt xã hội, ông Tập Cận Bình lại ưu tiên cho cuộc chiến chống tham nhũng và đối đầu với Nhật. Theo tác giả, « người ta có thể thấy ở đây cách thức lãnh đạo của chính quyền Trung Quốc chủ yếu đưa lên trước các vấn đề đề có thể quy tụ dư luận công chúng, trong lúc họ không thể giải quyết những vấn đề chủ chốt khác ở trong nước ».
Đấu tranh chống tham nhũng, giúp cho ông Tập Cận Bình triệt tiêu đối thủ chính trị. Khơi ngòi hiềm khích với Nhật là để khuấy động tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong dân chúng. Và theo tác giả « đặc biệt đối với phương Tây, việc đưa vấn đề Trung – Nhật lên trên hết giúp cho Bắc Kinh có thể che lấp được ý đồ muốn biến Biển Đông thành « ao nhà » của mình, đó mới là vấn đề hệ trọng.

http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20140424-chuyen-tham-dong-minh-chau-a-mang-nhieu-su-menh-cua-ong-obama

Geen opmerkingen:

Een reactie posten