vrijdag 25 oktober 2013

Việt Nam: 'Đại tham nhũng' đội giá lên 1,300 lần để chia nhau

'Đại tham nhũng' đội giá lên 1,300 lần để chia nhau Thursday, October 24, 2013 4:18:04 PM







SÀI GÒN (NV) .-“Mua lại thiết bị lặn với giá 100 triệu đồng song Tổng giám đốc Công ty Cho thuê Tài chính II  Vũ Quốc Hảo cùng các tòng phạm đã “thổi” lên thành 130 tỉ đồng, gấp 1,300 lần, để chia chác”. Đây được coi là một vụ án 'đại tham nhũng' làm xôn xao dư luận tại Việt Nam.
Công ty cho thuê Tài chính, công ty con của Ngân Hàng Phát Triển Nông Thôn, nơi có ông tổng giám đốc Vũ Quốc Hảo ma mãnh “thổi” giá mua thiết bị “trôi nổi” lên 1,300 lần để chia chác tiền. (Hình: Người Lao Động)

Báo Người Lao Động hôm Thứ Năm 24/10/2013 thuật lại như vậy về bản kết luận điều tra vụ án hình sự “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” bên cạnh các tội khác như “lừa đảo”, “tham ô tài sản” của các quan chức Công Ty Cho Thuê Tài Chính II (ACL II), công ty con của Ngân Hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (Agribank) CSVN đầy tai tiếng.

Cái tội nêu ra ở trên chỉ là một trong nhiều “phi vụ” mà ông Vũ Quốc Hảo thông đồng với các thuộc cấp và các công ty “sân sau” do nhóm người ông này bày ra để moi tiền nhà nước, bất kể hậu quả.

Ông Hảo bị bắt cùng với một số tòng phạm hồi Tháng Tư năm 2011. Vụ án được kéo dài qua nhiều cuộc điều tra về sự thất thoát các số tiền rất lớn trong các năm từ 2006 đến 2009 khi ông này được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc ALC II. Đến nay đã có 11 người bị tống giam chờ ngày ra tòa chưa kể một số người liên quan còn đang bị điều tra.

Vụ án ALC II, sẽ được đem ra xử ở Sài Gòn, được nhà cầm quyền Việt Nam coi là một trong 10 vụ án tham nhũng nổi cộm nhất cần phải được xét xử để răn đe các cán bộ có chức có quyền.

Công ty ALC II tuy có tên là “Cho Thuê Tài Chính” nhưng thật sự, chỉ đứng ra chi tiền mua sắm trang thiết bị cho các công ty trong nước thuê lại, trả góp hàng tháng, kéo dài từ một năm đến 10 năm. Nói khác, ALC II không đưa tiền trực tiếp cho các công ty khác, tức là không cho vay tiền trực tiếp.

Theo tường thuật trên báo Người Lao Động, chỉ riêng một “phi vụ” “thiết bị lặn Tinro 2”, ông tổng giám đốc Vũ quốc Hảo đã bỏ túi mình được 88 tỉ đồng (khoảng $4.4 triệu).

Công ty cổ phần Cát Long Hải (công ty sân sau của ông Vũ Quốc Hảo) có một thiết bị lặn Tinro2 do Liên Xô sản xuất dùng để khảo sát, thăm dò đáy biển nhằm phát hiện, khai thác cổ vật và san hô đỏ. Thiết bị này do một người Nhật Bản mang sang làm ăn tại Việt Nam chuyển cho Phạm Minh Tuấn và được đưa vào Công ty Cát Long Hải dưới hình thức vốn góp.

Báo Người Lao Động kể: “Với mục đích để làm chủ sở hữu gần 89.5 ngàn m2 đất Trạm dừng chân Miền Tây tại Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và có tiền thanh toán nợ xấu cho các công ty sân sau của mình, Vũ Quốc Hảo đã bàn bạc, thống nhất với Phạm Minh Tuấn thực hiện việc hợp pháp hoá nguồn gốc thiết bị lặn Tinro 2 là tài sản do một doanh nhân người Nhật giao cho công ty Cát Long Hải sử dụng.

“Các bị can đã vận chuyển thiết bị lặn này ra Hải Phòng và cố tình để Hải quan bắt giữ, tịch thu, bán đấu giá và mua lại với giá khoảng 100 triệu đồng (hay khoảng $5,000 USD).

“Sau khi hợp pháp hoá được nguồn gốc, Hảo chỉ đạo nhân viên công ty Cát Long Hải thông qua Hoàng Lộc, Tổng giám đốc công ty Vivaco, để thẩm định, nâng giá thiết bị tàu lặn lên 130 tỉ đồng (hay khoảng $6.5 triệu).

“Đồng thời, Vũ Quốc Hảo đưa ra chủ trương, chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ, cán bộ dưới quyền bỏ qua việc thực hiện các quy định của ngành ngân hàng trong hoạt động cho thuê tài chính để lập thủ tục và trực tiếp kỹ, thực hiện hợp đồng cho thuê tài chính nhằm giải ngân 130 tỉ đồng đảo nợ, mua đất đứng tên công ty Cát Long Hải. Như vậy giá trị của thiết bị lặn Tinro2 đã bị nâng giá lên đến 1,300 lần.”

Thất thoát số tiền nhiều như vậy nhưng cơ quan điều tra mới chỉ “thu giữ, kê biên tài sản” được có 39 triệu đồng (hay khoảng $1,950) từ công ty Vivaco “nộp khắc phục hậu quả”, còn “thiết bị lặn Tinro2” tịch thu, ước tính trị giá “hơn 2.5 tỉ đồng”, và 2 lô đất tại tỉnh Tiền Giang Ước tính “trị giá trên 107 tỉ đồng”.

Theo một bản tin trên tờ Tuổi Trẻ ngày 21/4/2011 chỉ ít ngày sau khi ông Hảo bị bắt, các hành động cho vay tiền bừa bãi dưới hình thức “đầu tư tài sản cho thuê” của ông này và các tay em đả gây thiệt hại hơn 1,800 tỉ đồng (hay hơn $90 triệu).

Tính đến cuối Tháng ba 2011, ALC II đã lỗ khoảng 3,000 tỉ đồng (khoảng $150 triệu). Theo tin tức, ALC II đã cho hàng trăm doanh nghiệp thuê thiết bị máy móc, công nghệ... với dư nợ cho thuê tài chính 7,184 tỉ đồng. Trong khi đó, ALC II nợ các tổ chức tín dụng gần 7.950 tỉ đồng, trong đó nợ Agribank (công ty mẹ) 3,953 tỉ đồng, nợ các tổ chức khác 3,996 tỉ đồng.

Điều đáng nói là vốn sở hữu của ALC II chỉ có 450 tỉ đồng nhưng đã đi vay ngang dọc khắp nơi từ 30 tổ chức tín dụng lên hàng ngàn tỉ đồng nhờ nằm dưới cái dù của Agribank. Vay được tiền, ALC II không chỉ “cho thuê tài chính” như nhiệm vụ quy định, ông Hảo còn đi đầu tư bất động sản, mua tàu biển.

Người ta ước lượng khả năng thu hồi được các khoản vốn cho vay của ALC II rất thấp mà đến 60% là nợ xấu có nguy cơ mất luôn. Ngày 18/9/2013, Thanh Tra Chính Phủ CSVN báo cáo ở Quốc hội là quan chức chế độ “tham nhũng hàng ngàn tỉ đồng, mới thu hồi được 6 tỉ đồng”.
(TN)

NGƯỜI VIỆT TV »

Geen opmerkingen:

Een reactie posten