Ngô Nhân Dụng
Tân An có chuyện gì vậy? Thành phố này chỉ cách Sài Gòn 50 cây số, nhưng trong năm nay đã được nhắc tới hai lần trên bản tin của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Sans Frontieres) gửi cho khắp thế giới; sau các vụ xử Nguyễn Phương Uyên, Ðinh Nguyên Kha, và nay là Ðinh Nhật Uy, anh của Nguyên Kha. Trong hai lần tòa xử, Tân An cũng trở thành trung tâm tụ họp của các blogger, cùng những nhà tranh đấu cho tự do dân chủ. Họ hiên ngang diễn hành trong thành phố, với các biểu ngữ đòi cho dân Việt được tự do, và đám công an trong thành phố phải rút lui, tránh không gây xung đột.
Trong ngày Thứ Ba, 29 Tháng Mười, 2013, khắp thế giới được coi hình ảnh các blogger trẻ cùng nhau đi “diễn hành” chung quanh một gian phòng lớn, tay nắm tay, tay vịn lên vai nhau, có bàn tay đưa lên như đang hô khẩu hiệu. Họ vừa đi vừa hát, “Dậy mà đi, dậy mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!” Trông cảnh đó, không ai còn nghi ngờ gì nữa: Tuổi trẻ Việt Nam đang sẵn sàng cùng đồng bào đứng dậy. Tuổi Trẻ Yêu Nước đang sẵn sàng Lên Ðường! Các bạn blogger trẻ có thể hãnh diện, các bạn đang nối gót những chiến sĩ tự do dân chủ một thế kỷ trước đây! Hà Sĩ Phu mới viết một bài về Phan Tây Hồ, đã so sánh: “Ðọc lại những lời Phan Châu Trinh trước đây một thế kỷ mà tưởng như lời một blogger hay một trí thức phản biện của ngày hôm nay!” Ông nêu lên những ý kiến mà nếu Phan Tây Hồ còn sống cũng đang lên tiếng đòi hỏi: “...phản đối chủ trương độc đảng và (ruộng đất thuộc) sở hữu toàn dân; phản đối việc cho đạo Khổng nô dịch dân Việt; yêu cầu phải thực thi tam quyền phân lập và đa đảng đa nguyên, vân vân.” (Hà Sĩ Phu nhắc tới âm mưu đồng hóa dân Việt Nam theo kiểu mới, khi các ông Lý Khắc Cường và Nguyễn Tấn Dũng ký kết với nhau sẽ thành lập một “Viện Khổng Tử” ở Hà Nội; mục này sẽ bàn về Viện Khổng Tử trong một bài sau).
Thành phố Tân An chỉ có hơn 150,000 dân, những cuộc biểu tình đòi nhà, đòi đất, kéo lên tận Sài Gòn, diễn ra từ hàng chục năm trước đã vang động cả nước. Bản thân tôi đã có nhiều duyên nợ với Tân An. Năm 1954, gia đình năm mẹ con tôi được đưa về “định cư” ở làng Hòa Khánh, trong quận Ðức Hòa, khi tỉnh Long An còn chưa thành lập. Gia đình tôi sau đó mới tìm đường lên Sài Gòn, đi Ðà Lạt, chia hai ngả để gây dựng lại cuộc sống mới. Hồi 15, 16 tuổi, tôi vẫn từ Sài Gòn đi cắm trại ở Tân An, ở Thủ Thừa. Quãng đường 50 cây số đạp xe không biết mệt, trên vai lại đeo “ba lô” nặng trĩu; sau xe còn chở theo một đội sinh, em cũng đeo ba lô nặng trĩu! Vừa đạp xe vừa hát với nhau những bài ca yêu nước, như hầu hết các Hướng Ðạo sinh thời đó. Nếu khi lớn lên mà lập nghiệp ở tỉnh Long An, chắc tôi cũng có mặt trong mấy cuộc biểu tình phản đối những phiên tòa sôi nổi vừa qua. Và chắc cũng hát, “Dậy mà đi! Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!”
Tân An đang trở thành một điểm nóng trong sinh hoạt chính trị cả nước. Dân các thành phố khác phải hướng về Tân An, với lòng kính phục. Bởi vì thị xã nhỏ này đã sinh ra những bạn trẻ xứng đáng làm con của Tổ Quốc Việt Nam: Nguyễn Phương Uyên, Ðinh Nguyên Kha, và Ðinh Nhật Uy. Cha mẹ của các em đã nêu gương để các em biết sống không khuất phục cường quyền. Trong phiên xử Phương Uyên, ông bà Nguyễn Duy Linh và Nguyễn Thị Nhung đều có mặt, mẹ của em tuyên bố có thể chết tại sân tòa án. Nguyễn Thị Kim Liên là mẹ của Kha và Uy cùng thân phụ hai em luôn có mặt ủng hộ các con, dù bị áp lực và đe dọa từ mọi phía. Bà Nguyễn Thị Kim Liên đã gửi thư mời ông Mark Zuckenberg tới Tân An dự khán phiên xử con trai bà. Zuckenberg là người thành lập công ty Facebook; mà Ðinh Nhật Uy người đầu tiên bị truy tố về tội dùng mạng xã hội Facebook do ông sáng lập; với lời vu cáo “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ...” Trong một xã hội không hề có tự do dân chủ, làm sao có thể “lợi dụng các quyền tự do dân chủ?”
Thái độ và hành động của cha mẹ các em Phương Uyên, Nguyên Kha, Nhật Uy chứng tỏ những công dân bình thường ở nước Việt Nam không còn khiếp sợ chế độ công an đàn áp nữa. Dân Việt đã nhìn thấy tấm gương Ðoàn Văn Vươn, nay lại được thấy các bạn trẻ Phương Uyên, Nguyên Kha, và Nhật Uy hiên ngang ra đứng trước tòa án cộng sản. Trong lúc những nhà tranh đấu dân chủ đi biểu tình ở thành phố Tân An, trương biểu ngữ và hô khẩu hiệu đòi trả tự do cho ba bạn trẻ, mạng Dân Làm Báo kể: “Một bác chạy xích lô, đầu đã bạc trắng khi thấy đoàn biểu tình liền tắp xe vào lề đường, giơ nắm đấm lên hét: ‘Ðúng rồi! Ðúng rồi! Phải đấu tranh! Ðấu tranh,’ rồi đạp xe chạy đi tiếp.” Trong ngày xử Ðinh Nhật Uy, một người ủng hộ em là ông Lưu Trọng Kiệt bị công an phường 7 lôi xuống xe, rồi công an sắc phục cùng với bọn tay sai “dân phòng,” khoảng mười tên, nhảy vào đấm đá túi bụi. Facebook Hoàng Dũng cho biết ông Lưu Trọng Kiệt sau đó vẫn nói: “Tôi có thể chịu đau hơn nữa, miễn là em Uy tự do!”
Trước tòa, Ðinh Nhật Uy vẫn giữ được tư cách đĩnh đạc. Về cáo trạng “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” xâm phạm nhà nước và người khác, Uy kể rằng trước tòa “Tôi khẳng định tôi sử dụng đúng quyền công dân của mình. Tôi chưa từng có ý định, hành động hay động thái nào để xâm phạm bất kỳ ai, và lợi dụng bất kỳ cái gì để xâm phạm bất kỳ ai.”
“Tôi khẳng định trước tòa rằng tôi là một người công dân bình thường như hằng triệu người công dân khác. Tôi làm tròn trách nhiệm của người công dân đối với xã hội. Tôi nghĩ những việc mình làm rất đơn giản, tôi đấu tranh vì chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vì (chống) sự xâm lược của Trung Quốc. Tôi đấu tranh vì quyền lợi của người dân; quyền lợi của người dân bị xâm phạm; và tôi đấu tranh chống tiêu cực.”
Những người lớn tuổi chắc không ai chịu thua, không ai muốn thấy mình thiếu can đảm hơn thế hệ các con em. Luật sư Nguyễn Thanh Lương kể trong phiên tòa trước, em Phương Uyên cũng thản nhiên nói: “Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần tòa xử đúng người, đúng tội. Tôi nghĩ rằng chống Ðảng Cộng sản không phải chống phá đất nước, dân tộc Việt Nam.” Ông Nguyễn Thanh Lương đã bị nhiều áp lực phải bỏ cuộc, không đứng ra biện hộ cho Ðinh Nhật Uy trong phiên tòa hôm qua, mặc dù ông chỉ đại diện cho Uy trong vấn đề dân sự: Ðòi lại những “tài sản” bị công an cướp mất khi khám nhà. Nhưng kết quả chắc cũng làm vị luật sư hài lòng: số tài sản gồm sáu cái áo thung có ghi dòng chữ: Hoàng Sa-Trường Sa-Việt Nam; hai áo thung phía trước có ghi dòng chữ: “No to U-Line!” mà phía sau dịch sang tiếng Việt: “Xóa Ðường Lưỡi Bò! Bảo vệ biển đảo Việt Nam!” Những chiếc áo thung của Ðinh Nhật Uy đã bị tịch thâu, và được “Viện Kiểm sát” ghi trong cáo trạng là những “vật chứng phạm tội;” chứng tỏ các bạn trẻ chỉ “phạm tội yêu nước!” Phan Châu Trinh ngày xưa cũng bị bắt, bị tù, bị xử tử hình, vì cùng một tội: Yêu nước Việt Nam!
Lòng yêu nước đã được nuôi dưỡng trong ngàn năm Bắc thuộc, đến nay vẫn còn nguyên. Ði song hành với với khát vọng xây dựng tự do dân chủ. Ngày xưa đảng Cộng sản đã bày ra phương trình: “Yêu nước là yêu Chủ nghĩa Xã hội.” Bao nhiêu thanh niên đã chết vì nghĩ rằng mình yêu nước; hậu quả là họ chỉ góp phần dựng lên một chế độ độc tài thối nát, tàn hại đất nước. Ngày nay, người dân biết, yêu nước thì phải xây dựng nền móng một xã hội dân chủ. Chỉ trong một thể chế dân chủ mới có thể bầu lên một chính quyền biết bảo vệ tổ quốc; và mới xóa bỏ được những tệ nạn do đảng cộng sản độc tài gây ra trong hơn nửa thế kỷ qua. Trong số các biểu ngữ trưng lên bên cạnh phiên tòa xử Phương Uyên, Nguyên Kha lần trước, có cảnh một em bé ôm tấm bìa giấy viết hai câu “Vì danh dự dân tộc, chống giặc Tàu! Vì tương lai đất nước, chống tham nhũng!” Có thể coi đây là những khát vọng sâu thẳm của người dân Việt, từ Nam ra Bắc. Vì vậy, gần một trăm người không được vào tòa coi xử đã tập trung thành đoàn biểu tình quanh các đường phố Tân An hô vang khẩu hiệu. Trong đó có các những đảng viên cộng sản như Huỳnh Kim Báu, Kha Lương Ngãi; có nhà thơ Hoàng Hưng, blogger Huỳnh Ngọc Chênh, đi cùng với bà Dương Thị Tân và anh Nguyễn Trí Dũng (vợ và con trai anh Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải). Mọi người cùng nhau hô lớn: “Ðả đảo Trung Quốc xâm lược!” và “Ðả đảo tay sai bán nước!”
Bọn “tay sai bán nước” này là những tên nào? Tất cả mọi người dân nước Việt đều biết đó là những tên nào. Cảnh tượng diễn ra ở thành phố Tân An báo hiệu đảng Cộng sản Việt Nam đang trên đường tan rã.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten