EVERETT, Washington (AP) – Qua nhiều thập kỷ, Boeing 747 là nữ hoàng trên không, nhưng kiểu máy bay hai tầng đã từng làm thay đổi bộ mặt trong những đường bay thương mại quốc tế, nay đang đi đến chỗ hết thời.
Một máy bay của hãng hàng không Đức Lufthansa, Boeing 747-8, kiểu mới nhất của 747, vừa từ Frankfort đến phi cảng Los Angeles. (Hình AP/Nick Ut, File) |
Sẽ chỉ còn 18 chiếc được Boeing sản xuất mỗi năm trong hai năm tới và một số 747 mới tinh đã được đưa vào kho ngay sau khi vừa xuất xưởng. Trong năm nay chưa một 747 nào được bán ra cho đến khi Korean Air mua 5 chiếc hôm Thứ Năm.
Delta Airlines kế thừa 16 chiếc 747 khi sát nhập Northwest Airlines năm 2008 trong số đó chiếc cuối cùng được đặt mua năm 2001.
Boeing nói rằng họ vẫn quyết tâm duy trì chế tạo những chiếc 747 kiểu mới sử dụng cho những khu vực như Á Châu. Tuy nhiên hầu hết các hãng hàng không đều tỏ ra không chuộng những máy bay lớn 4 động cơ phản lực mà muốn dùng những máy bay 2 động cơ phản lực, nhỏ hơn chút ít nhưng có tính năng gần bằng 747 về lượng hành khách chuyên chở, tầm bay xa và ít tốn nhiên liệu hơn.
747 có thể chở từ 380 đến 560 hành khách tùy theo cách xếp ghế, nhưng nếu khách không chiếm hết số ghế ấy thì thu nhập vé không đủ tương ứng với giá 63,000 gallons nhiên liệu, khoảng $200,000.
Máy bay quá lớn không thích hợp với nhiều thị trường. Chẳng hạn giữa Atlanta và Paris, mỗi ngày không thể bay nhiều chuyến bằng máy bay loại ‘jumbo jet’ như Boeing 747 hay Airbus A380. Hành khách lại muốn có thể lựa chọn hợp với giờ giấc riêng của mình, do đó các hãng hàng không cần có nhiều chuyến bay khác nhau mỗi ngày bằng máy bay nhỏ hơn.
Bắt đầu bay từ thập niên 1970, Boeing 747 chở được gấp đôi số hành khách so với Boeing 707 trên đường bay dài 6,000 dặm và do đó giá vé rẻ đi. 747 trở thành kiểu máy bay thích hợp nhất cho các công ty hàng không quốc tế. Số sản xuất lên tới cao điểm 122 chiếc năm 1990. Tổng cộng 1,418 máy bay 747 được sản xuất cho tới năm 2011 khi Boeing có sự thay đổi kiểu mẫu và kiểu cuối cùng là Boeing 747- 8.
Thành công của 747 khiến đối thủ chính của Boeing là Lockheed phải từ bỏ sản xuất máy bay thương mại từ 1983, và Boeing thâu tóm được công ty McDonnell Douglas năm 1997.
Nhưng rồi 747 cũng trở thành nạn nhân của tiến bộ kỹ thuật. Động cơ phản lực mới mạnh hơn khiến cho không còn cần phải dùng tới 4 động cơ cho đường bay dài nữa. Máy bay 2 động cơ phản lực Boeing 777 và Airbus A330 bắt đầu chiếm vai trò khống chế trên những đường bay quốc tế.
Giá cả tất nhiên cũng là vấn đề quan trọng. Một chiếc 747 giá $350 triệu so với một chiếc 777 lớn mới nhất $320 triệu, chở được một số hành khách tương đương (300-440) và ít tốn nhiên liệu hơn.
Boeing nói rằng việc giảm sản xuất 747 không có tác dụng đến tài chính vì hiện nay số máy bay đã được đặt mua nhưng chưa giao là 4,700 chiếc, trong đó hầu hết là 737 và 777 rồi tới 787. Chỉ còn Tổng Thống Hoa Kỳ thích dùng máy bay 4 động cơ. Hai chiếc Boeing 747-200 mang danh số Air Force One tới năm 2017 là hết hạn kỳ bay 30 năm và bộ Quốc Phòng vẫn có ý tìm loại máy bay 4 động cơ phản lực khác để thay thế. (HC)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=175891&zoneid=1#.UmqvKfnCS70
Geen opmerkingen:
Een reactie posten