vrijdag 11 oktober 2013

Giới dân chủ Việt Nam 'quý trọng Tướng Giáp'

Giới dân chủ VN 'quý trọng Tướng Giáp'


Cập nhật: 02:30 GMT - thứ ba, 8 tháng 10, 2013

Tướng Giáp và Bùi Tín
Nhà báo Bùi Tín trong một lần làm việc với Tướng Giáp
Cả Đảng Cộng sản lẫn phong trào đấu tranh dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam đều muốn tận dụng hình ảnh và sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người vừa qua đời hôm 04/10/2013 ở tuổi 103, theo nhận xét của nhà báo Bùi Tín.
Trao đổi với BBC từ Paris hôm 07/10/2013, cựu Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam từng có thời gian làm việc gần cận Tướng Giáp nói:
“Rất có thể như thế, nhưng mỗi người tận dụng một cách khác nhau. Đây là một cuộc đọ sức rất lớn, nhất là trong tháng 10 này."
Theo ông Tín, người cũng là Phó Tổng Biên tập báo Nhân dân của Đảng nhưng sau ở lại Pháp và trở thành người bất đồng chính kiến, cái chết của vị Đại tướng đã gây lúng túng cho lãnh đạo chính quyền.
Ông nói: “Hiện nay Ban chấp hành Trung ương đang họp, họ cũng có lúng túng, cho nên họ mới để ông Giáp sống thêm một ngày mới công bố cái mất của ông ấy…
'Anh em trí thức coi Tướng Giáp là bệ đỡ'
Tướng Giáp là một bệ đỡ về tinh thần cho phong trào đấu tranh vì dân chủ ở Việt Nam, theo Nhà báo Bùi Tín.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
“Rất hay là lòng dân đã tỏ ra kính trọng một nhân cách, tất nhiên nhân cách này có hạn chế, nhưng giữa một rừng người cầm quyền hiện nay, là thối nát, là tham nhũng, là chia rẽ, là bạc nhược đối với bọn bành trướng, thì tấm gương của ông Giáp, dù sao vẫn là một tấm gương tích cực.”
Bình luận về điều được cho là nguyện vọng riêng của Tướng Giáp được an táng ở quê hương, tỉnh Quảng Bình, thay vì có một chỗ ở Nghĩa trang Mai Dịch dành cho các lãnh đạo và quan chức cao cấp, nhà báo Bùi Tín nói:
"Tôi nghĩ ông ấy là con người thông minh và gắn bó với quê hương thôi, cho nên đấy là cái cần được tôn trọng.
"Lẽ ra ông ấy phải được quốc tang ở trong Nghĩa trang Mai Dịch, nhưng người ta cũng đã có những kinh nghiệm như ông Lê Đức Thọ, cuối cùng cũng phải đưa về quê thôi,
"Ông Giáp không phải nghĩ đến như thế, bởi vì nhân dân rất tôn trọng, tôi nghĩ dù sao trong Đảng, ngoài Đảng, ông cũng xứng đáng, tuy là bề ngoài, về phía Nam, vẫn có những người người ta vẫn dùng cái kiểu chửi rủa ông ấy."

'Bệ đỡ quan trọng'

"Ông ấy là một con người đáng kính trọng, theo tôi nghĩ, tuy tôi đã rất tiếc và tôi đã thất vọng khi mà thuyết phục ông ấy không được để ông ấy đứng về phía dân chủ, tự do"
Nhà báo Bùi Tín
Ông Tín cho rằng mỗi một người là "con đẻ" của một hoàn cảnh lịch sử, địa lý và nhận xét:
"Cho nên tôi nghĩ, ông ấy vẫn là một anh hùng theo cái nghĩa nào đó của nhân dân, nhất là ở phía Bắc đã nghĩ về ông ấy."
Cựu Đại tá cho rằng Tướng Giáp là một người đáng kính trọng, tuy có một số hạn chế nhất định về mặt nhận thức, cũng như có thể do bối cảnh lịch sử thời đại.
Ông nói: "Ông ấy là một con người đáng kính trọng, theo tôi nghĩ, tuy tôi đã rất tiếc và tôi đã thất vọng khi mà thuyết phục ông ấy không được để ông ấy đứng về phía dân chủ, tự do."
"Tướng Giáp đã gửi ba lá thư lên lãnh đạo Việt Nam phản đối dự án bauxite"
Nhà báo Bùi Tín cho rằng do Tướng Giáp qua đời ở tuổi rất cao, sau khi đã thôi các chức vụ hàng chục năm, ảnh hưởng của ông với thời thế hiện tại 'không có ảnh hưởng nhiều lắm' tuy hàng vạn người đã tới nhà riêng của ông để viếng và bày tỏ lòng thương tiếc trong mấy ngày qua.
Ông Tín đưa ra dự đoán về lễ tang sắp diễn ra cũng như phản ứng của giới tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trong nước.
Ông nói: "Tang lễ ngày 12-13/10 này chắc chắn là rất lớn. Anh chị em trí thức trong nước rất quý trọng và vẫn coi ông là một cái bệ đỡ quan trọng vì ông đã có ba lá thư về bauxite."
Ba lá thư này, theo các nguồn tin từ Việt Nam đã không nhận được phản hồi công khai của Nhà nước Việt Nam.
Ông Tín nói có nhà tranh đấu dân chủ đã có những bức trướng, câu đối ca ngợi 'tấm lòng' của Tướng Giáp đối với đất nước mà theo ông là một con người 'yêu nước thực sự' mà cuối đời đã có lựa chọn 'phản biện'.
"Chính nhân cái mất của ông Giáp mấy ngày hôm nay mà tôi nghĩ là anh chị em trí thức và tuổi trẻ coi đó là một dịp để khẳng định ông là một con người trí thức tiêu biểu, là một tấm gương phản biện dũng cảm, có ý nghĩa thiết thực, ngay trong thời kỳ trước mắt này," ông nói với BBC.


Thêm về tin này

Chủ đề liên quan

 

Tướng Giáp - người hùng và nghịch lý

Cập nhật: 12:46 GMT - thứ bảy, 5 tháng 10, 2013
Tướng Võ Nguyên Giáp
Cuộc đời của Tướng Giáp còn ẩn chứa nhiều dấu hỏi cần trả lời
Cái chết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải là một điều bất ngờ, thế nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng đó là sự ra đi của một nhân vật vĩ đại trong lịch sử thế giới.
Là huyền thoại của cách mạng và cuộc chiến Đông Dương, ông hiện thân cho chiến thắng Điện Biên Phủ, một cuộc đặt cược quân sự ngu ngốc mà ngày nay vẫn còn là biểu trưng cho thắng lợi của các dân tộc thuộc địa trước phương Tây.
Mảnh đất địa ngục này như mô tả bởi Bernard Fall là nơi mà người Pháp sẽ còn phải nhớ mãi.
Tuy nhiên, Tướng Giáp đã lưu giữ một vầng hào quang ngay cả trong các đối thủ người Pháp ác chiến của ông.
Ông nhận được sự ngưỡng mộ ở những người Pháp khác như nhiếp ảnh gia Roger Pic, người đã giữ một chân dung lớn của tướng Giáp trong xưởng làm việc ở Montparnasse hoặc với sử gia Alain Ruscio, một người bạn đồng hành của cộng sản Việt Nam, từng có nhiều cuộc phỏng vấn quan trọng với vị tướng này (trong thời gian từ 1979-2008).
Cuốn sách “Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân” (1961) của tướng Giáp trở thành kinh điển cho một thế hệ phản kháng và thế giới thứ ba ở thập niên bảy mươi.
Là tài liệu tham khảo không thể thiếu cho nghiên cứu chiến tranh Bắc Việt, cuốn sách làm dấy lên nhiều quan tâm trong truyền thông và đóng vai trò chiến lược trong nhiều phóng sự truyền hình của phương Tây về cuộc chiến Việt Nam .
Nhưng số phận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại phức tạp như được tác giả chuyên viết về tiểu sử, Cecil B. Currey, chứng minh trong cuốn 'Chiến thắng bằng mọi giá' (2003).
Nếu ông là một vị anh hùng đối với nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa ở thời của ông Hồ Chí Minh, ông cũng đại diện cho một con đường khác mang tính quốc gia dân tộc hơn mà Việt Nam đã chối từ thực hiện ở thập niên sáu mươi trong thời gian xảy ra những căng thẳng Trung-Xô.

'Tiêu tốn sinh mạng'

"Chiến lược của ông không phải là "chiến lược hòa bình"... mà là để giành chiến thắng trong dài hạn cùng với một cái giá về hy sinh nhân mạng cao không gì có thể so sánh được"
Dù thân Liên Xô, ông đã không trực tiếp bị tấn công như trường hợp tướng Lê Liêm và nhiều cốt cán khác của quân đội nhân dân trong vụ án "xét lại chống đảng." Vị tướng từng thắng thực dân vẫn chưa bị đụng tới.
Nhà báo Bùi Tín, cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, chắc chắn là một trong những người biết rõ thời kỳ đen tối này khi đảng lựa chọn cùng với Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh một chế độ độc tài, tuyên truyền và một chủ nghĩa cộng sản chiến tranh.
Võ Nguyên Giáp với nhiều người Việt Nam khác, những người chống cộng và lưu vong, xuất hiện như kẻ chủ mưu của một cuộc chiến nhắm vào các đảng phái quốc gia dân tộc cạnh tranh với Việt Minh trong giai đoạn 1945-1946.
Ông Giáp ký các nghị định vào tháng 9/1945 chống lại cái gọi là các tổ chức "phản động". Như vậy, ông cũng biểu trưng cho cuộc đàn áp khủng khiếp ở miền Bắc chống lại Việt Nam Quốc dân đảng (vụ Ôn Như Hầu).
Chiến lược quân sự của ông vốn tiêu tốn nhiều sinh mạng phụ nữ (cần nhấn mạnh điều này) và nam giới, ngày nay vẫn được thế hệ trẻ đặt dấu hỏi. Bởi vì Điện Biên Phủ, bất chấp chiến tích, là một cuộc xay thịt với cả hai bên và người Việt Nam đã trả một giá đắt cho trận chiến này, như công trình của nhà báo độc lập Đào Thanh Huyền và cộng sự (2010) chỉ ra.
Chiến lược của ông không phải là "chiến lược hòa bình" như ông đã nói với Dominique Bari, một nhà báo của tờ Nhân Đạo (l’Humanité, tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp) vào năm 2004, mà chiến lược của ông là để giành chiến thắng trong dài hạn cùng với một cái giá về hy sinh nhân mạng cao không gì có thể so sánh được.
Tôi nhớ tới Georges Boudarel, người mà nhờ vào các quan hệ kết nối với Hà Nội, đã biết chuyện Tướng Giáp viết gần một ngàn trang hồi ký.
Hồi ký (giai đoạn 1946-1954) đã được công bố trong ba tập tại Pháp và mặc dù được kỳ vọng cao, ông Giáp tiếp tục đưa ra một cái nhìn "chính thống" của lịch sử quốc gia theo cách thức của cộng sản Việt Nam.

'Nghịch lý anh hùng'

Tướng Võ Nguyên Giáp
Tướng Giáp được cho là trung thành với Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản tới hết đời
Bị thách thức từ thất bại của cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, ông đã nhìn thấy những đặc quyền quân đội và chính trị của mình bị giảm bớt trong những năm cuối của cuộc chiến Việt Nam và còn giảm sút nhiều hơn nữa sau khi đất nước thống nhất.
Ông cúi mình trước tất cả các thử thách của đảng để không bao giờ phản bội Hồ Chí Minh. Đó là đường lối hành xử của ông cho đến hết đời, gần như một nỗi ám ảnh. Sống đúng với giá trị và cam kết của mình.
Cũng vì lý do này mà nghịch l‎ý thay, ông vẫn là hiện thân của một thứ trung trực và chủ nghĩa anh hùng của Việt Nam nay bị kẹp trong trong suy thoái xã hội và xuống cấp đạo đức.
Hành vi và lối sống đơn giản của ông là một hình mẫu cho nhiều đồng bào.
Ông kêu gọi trong những năm 1990 một "Điện Biên Phủ về kinh tế" và về mặt này, ông đã không phải thất vọng.
Tên tuổi của ông cũng gắn liền với nhiều blog bất đồng chính kiến thách thức sức mạnh hàng hải của Trung Quốc trên biển Đông và khai thác bauxite trên đường mòn Hồ Chí Minh cũ.
Tướng Võ Nguyên Giáp chắc chắn là người anh hùng mà Việt Nam cần để đáp lại thách thức về một cuộc chuyển đổi ôn hòa, trong một thứ hòa bình mà ông yêu thích vào cuối đời. Nguyện vọng này vẫn còn phổ biến cho đến ngày ông mất.
Với ông, người đã đưa rất nhiều thanh niên đến chỗ chết, với ông, người đã căm ghét những người quốc gia dân tộc chủ nghĩa, đây là nghịch lý .
Ông là người sống sót cuối cùng trong số các nhà lãnh đạo gần gũi quây tụ quanh Hồ Chí Minh (Trường Chinh, Phạm Văn Đồng , Lê Duẩn, Lê Đức Thọ).
Lịch sử của ông, gắn liền với lịch sử của đảng và quân đội, vẫn còn tiếp tục phải xem xét.

Thêm về tin này

Geen opmerkingen:

Een reactie posten