Văn Lang/Người Việt
SÀI GÒN (NV) - Thành ngữ người Việt có câu:”Thượng vàng hạ cám,” nhưng chúng tôi không dám dùng, vì e rằng sẽ xúc phạm tới con người, vì cơm ai lại so với... cám, nên tạm thay bằng chữ bạc, hiểu như là “bạc bẽo,” “bèo bạc,” “bạc cắc”... giá rẻ gì thì cũng đều được hết.
Bảng hiệu của quán cơm bình dân với 20 món tự chọn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
|
Khi khủng hoảng kinh tế bắt đầu xảy ra vào đầu năm 2008, giới bán cơm bình dân ở Sài Gòn đã nhanh chóng “tung chiêu” với bảng hiệu “cơm bao no” với giá chỉ có 10 ngàn đồng, thật là làm an lòng dân lao động thời gạo châu, củi quế.
Sau đó chừng 2 năm thì giá cơm bao no tăng lên 13 ngàn đồng và hiện nay là 15 ngàn đồng.
Giá cơm bình dân tại Sài Gòn hiện nay xoay quanh trục chính là 15 ngàn đồng, nếu có hạ lắm thì cũng chỉ ở mức 13 ngàn, mà có tăng lắm thì cũng chỉ dừng ở mức 16-17 ngàn đồng, cho một phần cơm có một món mặn như (thịt kho trứng, cá kho, cá chiên, gà kho gừng ...), chút rau xào hoặc một chén canh nhỏ “không người lái,” cơm thêm được tính từ 1 tới 2 ngàn một dĩa nhỏ (cỡ một chén cơm)...
Tuy cũng là cơm bình dân, nhưng giá cả có cao hơn các khu lao động ở các quận ven, là khu quận 1 ngoài Sài Gòn.
Như “căng-tin” trong thương xá Tax, nằm ngay đường vô bãi giữ xe của thương xá, có giá khoảng từ 20 ngàn tới 23 ngàn đồng một phần, ngoài cơm thì ở đây còn có bán thêm mấy món như bún mắm, có cả chè và cà-phê đá... quán này tương đối trật tự và “sạch sẽ” hơn mấy quán cơm bình dân khu lao động.
Cơm bình dân có tính chất sinh viên hơn cả phải kể tới căn-tin của trường đại học KHXH&NV, nằm kế đài truyền hình Sài Gòn, cơm bán vé và sinh viên tự phục vụ, giá từ khoảng 17 ngàn tới 30 ngàn đồng, tùy theo món.
Quán đông nhưng trật tự, vì khách ăn đều là sinh viên, có một số sinh viên ngoại quốc là dân Âu-Mỹ hoặc Nam Hàn nhưng hầu hết đều nói được tiếng Việt, vì chuyên ngành họ theo học là tiếng... Việt.
Ngoài căng-tin trường Nhân Văn kể trên và một số căn-tin thuộc đại học quốc gia như ngoài Thủ Ðức... Còn thì nhiều nơi để bảng hiệu là “cơm sinh viên” nhưng thực chất chỉ là một quán cơm bình dân như những quán khác, điều chúng tôi muốn nói ở đây là sự tùy tiện của bảng hiệu với một thứ tiếng Việt... “kinh hồn.”
Ở ngoài khu Sài Gòn có một quán cơm bình dân mà giá thì lại không được bình dân lắm là quán cơm của bà Cả Ðọi, bà nay đã quy tiên, con cháu nối nghiệp, hiện quán dời về góc ngã tư Trương Ðịnh-Lý Tự Trọng (tức Trương Công Ðịnh và Gia Long cũ).
Với những thực khách thích ăn cơm bình dân mà có nhiều rau mà lại là nhiều loại rau khác nhau, thì với từ 30 ngàn đồng cho tới 40 ngàn đồng khách có thể đi vô một cái quán nằm trên đường Pasteur, trong một con hẻm nhỏ phía sau rạp Casino Sài Gòn (tên mới là rạp Vinh Quang), ngoài món mặn mà quý khách đã chọn, phần rau thì quý khách ăn thoải mái từ rau sống, rau xào, rau trộn gỏi...
Một phần cơm bình dân giá 15 ngàn đồng. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
|
Cũng tương tự quán trên nhưng ngon và đa dạng hơn, lại được chọn ăn thêm món tráng miệng là trái cây, hoặc chè là quán “Ông Mập” nằm trong một con hẻm lớn, trên đường XVNT (xưa là đường Hồng Thập Tự), khoảng giữa Mạc Ðĩnh Chi và Ðinh Tiên Hoàng.
Dạng trên, nhưng cao cấp hơn là bữa trưa theo kiểu “buffet rau” tại khách sạn Grand (quận 1).
Nếu thích ăn cơm gà, quý khách có thể chọn quán “Cơm gà Thượng Hải” nằm trên đường Võ Văn Tần (Trần Quý Cáp cũ), khúc giao với đường Trần Quốc Thảo (Trương Minh Giảng cũ), quán này giá hơi cao, cách chế biến khá phong phú, thêm nhiều loại chè nấu theo kiểu... HongKong.
Thuần Việt hơn, thì nên chọn quán cơm gà “Bà Luận”-Tam Kỳ, nằm cuối đường Phó Ðức Chính, gà ngon, giá mềm, quán không đông khách lắm, trừ giờ ăn trưa.
Ăn cơm thuần Việt với nhiều món, trừ quán “Ngon” thì có thể kể tới quán cơm M.Ð nằm trên đường Tôn Thất Tùng (Bùi Chu cũ), quán này một thời “lùm xùm” với mấy vụ đánh khách, nhưng giờ quán vẫn đông. Hai người, với một bữa ăn “thường thường” cũng tốn khoảng 200 ngàn đồng, không tính thức uống. Nhược điểm là quán quá đông và thực phẩm không được “tươi” lắm, nếu so với giá cả.
Quán cơm Việt Nam tại số 19 Ngô Ðức Kế (quận 1), nhiều người quen gọi là quán “Ông Mập,” vì ông chủ bụng phệ, để râu như một anh “Chà Và,” quán bán nhiều món ăn Việt Nam thuần túy, quán nhỏ, đồ ăn rất tươi, nhưng giá cả thì gần như... gấp đôi quán M.Ð.
Quán cơm thố của người Hoa tại Chợ Cũ vẫn bán, khách đa phần là từ nơi xa về, muốn tìm lại khung cảnh ngày cũ.
Một ngày, có người bạn rủ đi ăn cơm Việt Nam, người bạn chọn nhà hàng-khách sạn Majestic, vì thấy chương trình du lịch quảng bá là đầu bếp ở đây nấu món Việt “không chê vào đâu được.”
Hai người ăn, gồm một tô cơm trắng, một tô canh chua (nấu với tôm thẻ lột vỏ), một phần cá lóc kho tộ, một bình trà nóng, thêm hai ly chè hạt sen. Giá cả tổng cộng là... 990 ngàn đồng (thiếu 10 ngàn là tròn 1 triệu đồng).
Ấn tượng Majestic với chúng tôi sau đó không phải là món ăn ngon mà là... giá cả và khung cảnh thì rất relax. Ít ai ngờ là khách sạn theo phong cách Tây, sang trọng một cách cổ điển này lại là “di sản” của Chú Hỏa - một người Hoa khởi nghiệp gánh ve chai dạo, sau trở thành một trong bốn người giàu có nhất thời Tây thuộc.
Kể về cơm Sài Gòn mà không kể tới cơm chay thì có lẽ là một thiếu sót lớn.
Cơm chay Sài Gòn không hề rẻ, nếu như đặt chân tới quán “Tây Tạng,” quán nằm trong hẻm đối diện nhà thờ Huyện Sĩ (phía cổng Tôn Thất Tùng, tức Bùi Chu cũ), quán nằm sau quán cơm Tấm-Thuận Kiều. Quán ngon, ngay cả với người khó tính cũng khó mà... chê.
Cơm chay mà rẻ, có quán Thiên Phúc 1, quốc lộ 50, qua khỏi bến xe quận 8, giá 10 ngàn đồng một phần. Rẻ hơn thì có quán cơm chay Phúc Thiện,gần chùa Nghệ Sĩ-Gò Vấp, đường số 11, giá có... 8 ngàn đồng một phần.
Quán cơm bình dân ven đường quốc lộ 50, quận Bình Chánh, Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
|
Rẻ nhất, có lẽ là quán cơm từ thiện “2000,” đúng giá 2 ngàn đồng một phần.
Nhưng chúng tôi cũng đã từng biết có một nơi bán cơm không lấy tiền, cho thiếu nợ mà không cần biết bạn là ai, ở đâu, có tiền tự đem tới mà trả, không ai đòi. Lại cũng có nơi mà tô canh riêu cua (cua đồng) loại “chiết yêu” có giá chỉ... 2 triệu đồng một tô.
Sài Gòn thượng vàng hạ... bạc, là vậy!
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=163862&zoneid=310
Geen opmerkingen:
Een reactie posten