zondag 17 maart 2013

Thế giới trước sự kiện Vatican có tân Giáo Hoàng

Thế giới trước sự kiện Vatican có tân Giáo Hoàng
Thursday, March 14, 2013 8:03:28 PM




Ðức Giáo Hoàng Francis hôm Thứ Năm chủ tọa Thánh lễ đầu tiên với tư cách chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo. Ngài kêu gọi các hồng y nên giữ đúng với căn bản của giáo lý và tránh mọi cám dỗ của thời đại.

Tín đồ Công Giáo ở Argentina cầm cờ quốc gia có in hình tân Giáo Hoàng với hàng chữ bằng tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Francisco I,” bên ngoài thánh đường chính của thủ đô Buenos Aires hôm 13 Tháng Ba. (Hình: AP/Ivan Fernandez)

Sáng sớm Thứ Năm, Ðức Giáo Hoàng Francis ghé lại khách sạn nơi ngài trú ngụ để thanh toán tiền phòng và mang theo hành lý của ngài, rồi sau đó đến cầu nguyện tại Nhà Nguyện Ðức Mẹ Maria. Cùng tháp tùng có Ðức Ông Georg Gaenswein, vốn là phụ tá thâm niên của vị giáo hoàng tiền nhiệm, Benedict 16, kiêm cai quản tư thất của giáo hoàng. Ðức Ông Gaenswein sẽ là người nắm mọi chương trình nghi lễ của vị tân Giáo Hoàng.
Cũng như mọi tín đồ Công Giáo ở Nam Mỹ, Ðức Giáo Hoàng Francis đặc biệt hết sức sùng kính Ðức Mẹ. Mỗi lần từ Argentina đến Rome công tác, ngài thường đến đây để cầu nguyện. Sau đó, ngài ghé qua điện chính, cầu nguyện tại di tích máng cỏ Bethlehem, nơi được xem là thánh địa quan trọng của các tu sĩ Dòng Tên (Jesuit).
Ðức Giáo Hoàng Francis gọi điện thoại nói chuyện với vị giáo hoàng tiền nhiệm, vị giáo hoàng đầu tiên từ chức trong gần 600 năm và hiện đang sống tại lâu đài Castel Gandolfo. Tân Giáo Hoàng dự tính sẽ ghé thăm Giáo Hoàng Danh Dự Benedict 16 nội trong tuần này. Cuộc viếng thăm được xem là quan trọng vì có nhiều quan ngại về sự va chạm quyền lực, xuất phát từ tình huống đặc biệt, một bên là một giáo hoàng đang trị vì và một bên là một giáo hoàng về hưu.

Phản ứng từ khắp nơi trên thế giới

Lượng truy cập vào các trang mạng xã hội tăng mạnh vào chiều Thứ Tư, sau khi có tin Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Argentina được chọn làm Giáo Hoàng. Twitter cho biết mỗi phút họ chuyển đi 130,000 tin nhắn, chỉ kém với con số 150,000 khi có trận Super Bowl ở Mỹ năm nay, nhưng lại gấp đôi so với buổi lễ trao giải Oscar hồi tháng trước. Nói chung, theo Twitter, có đến 7 triệu tweet thông tin về tân Giáo Hoàng được gửi đi hôm Thứ Tư. Không lạ gì, lượng truy cập lớn nhất, trên mức bình thường 50%, xảy ra tại Nam Mỹ, nơi lần đầu tiên trong lịch sử, một vị giáo hoàng được chọn từ vùng này. CNN nói số người truy cập vào trang nhà của họ tăng gấp bốn lần so với bình thường.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon, gửi lời chúc mừng đến tân Giáo Hoàng Francis. Trong văn bản có đoạn ông nói: “Tôi mong có sự tiếp tục hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc với Tòa Thánh, dưới sự dìu dắt khôn ngoan của Ðức Giáo Hoàng Francis. Chúng ta đều có những mục đích chung, từ việc cổ xúy cho hòa bình, công bằng xã hội và nhân quyền, đến việc xóa bỏ đói nghèo.”
Tại Mỹ, Hồng Y Roger Mahony, thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles, phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên TV rằng tác động của vị tân Giáo Hoàng đối với thế giới sẽ “ngoài sức tưởng tượng,” nhất là đối với Châu Mỹ La Tinh.
Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, ông John Boehner (Cộng Hòa-Ohio), người theo đạo Công Giáo cao cấp nhất trong Quốc Hội Hoa Kỳ, hôm Thứ Năm bác bỏ lời mời của Tổng Thống Barack Obama, tháp tùng phái đoàn Mỹ sang Rome dự lễ đăng quang của tân Giáo Hoàng vào tuần tới. Ông nại cớ còn bận tranh cãi về vấn đề ngân sách cùng nhiều nghị trình ở Quốc Hội. Phó Tổng Thống Joe Biden, cũng là tín đồ Công Giáo, sẽ hướng dẫn phái đoàn đại diện Hoa Kỳ đến Vatican.
Ðồng thời, nữ Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), lãnh tụ khối thiểu số tại Hạ Viện, mở đầu cuộc họp báo hằng tuần ở Quốc Hội hôm Thứ Năm, bằng lời chia sẻ sự vui mừng về vị giáo hoàng mới được bầu. Bà đặc biệt hài lòng khi tân Giáo Hoàng chọn danh hiệu “Francis,” trùng với tên của thành phố quê nhà của bà, San Francisco.
Cũng tại Hoa Kỳ, một thông điệp từ Equally Blessed, một liên minh của bốn tổ chức Công Giáo quan tâm đến vấn đề của giới đồng tính, lưỡng tính và đổi giống, thúc giục Ðức Giáo Hoàng Francis hãy lắng nghe mối quan tâm của họ. Thông điệp có đoạn: “Trong một cuộc vận động thất bại chống lại luật hôn nhân bình đẳng ở Argentina, ngài đã viết những lời lẽ được xem là có tính cách thù ghét, khi gọi luật cho phép hôn nhân đồng tính là 'một âm mưu của Cha Ðẻ của sự Lừa Dối.' Ngài còn nói cha mẹ đồng tính xin con về nuôi là một hình thức kỳ thị đối với trẻ em.”
Giới lãnh đạo Israel chúc mừng Ðức Giáo Hoàng Francis và gọi ngài là người bạn của tín đồ Do Thái Giáo. Tổng Thống Shimon Peres gửi lời mời tân Giáo Hoàng ghé thăm Israel, trong khi Thủ Tướng Benjamin Netanyahu nói ông tin tưởng đến “quan hệ tuyệt vời” giữa tín đồ Do Thái và Cơ Ðốc, cũng như giữa Israel và Vatican, sẽ không thay đổi.
Ông Hua Chunying, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, hôm Thứ Năm nói rằng Bắc Kinh hy vọng tân Giáo Hoàng sẽ có một thái độ “thực tiễn và linh động hơn, đồng thời tạo điều kiện cải thiện cho mối quan hệ Trung Quốc-Vatican.” Ông Hua nói Trung Quốc có “hai nguyên tắc căn bản để đối phó trong quan hệ với Vatican,” đó là Vatican “phải cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Ðài Loan và công nhận chính quyền Trung Quốc như là đại diện hợp pháp duy nhất của nước Trung Hoa.” Kế đến “Vatican không nên xen vào công việc nội bộ của Trung Quốc, trong đó có việc viện lý do về tôn giáo.”
Thắc mắc lớn nhất về Ðức Giáo Hoàng Francis là: Phải chăng ngài sẽ là một giáo hoàng vận động chính trị như ngài từng làm ở Argentina? Liệu ngài sẽ là cái gai đối với các chính quyền tả phái bình dân ở các nước Nam Mỹ? Một số đồng ý ngài sẽ như vậy. Trong thời gian còn là tổng giám mục Buenos Aires và chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Argentina, ngài thường có quan hệ căng thẳng với chính quyền nữ Tổng Thống Cristina Fenandez de Kirchner và người chồng quá cố của bà là cựu Tổng Thống Nestor Kirchner. Ngài bị tố cáo là “phát ngôn viên của phe đối lập.”
Sau khi được chọn như là Giáo Hoàng đầu tiên từ Châu Mỹ La Tinh, nhiều người thắc mắc liệu ngài sẽ có những tác động chính trị đối với vùng này, như cố Giáo Hoàng John Paul 2, sinh quán ở Ba Lan, từng có đối với quê hương Ðông Âu của ngài vào thập niên 1980.
Ông Daniel Alvarez, giáo sư môn tôn giáo học tại Florida International University, nhận định: “Ðức Giáo Hoàng Francis sẽ trở thành người chỉ trích các chính quyền ở Venezuela, Ecuador hay Bolivia, giống như Giáo Hoàng John Paul 2 đối với chủ nghĩa Cộng Sản ở Ðông Âu. Tân Giáo Hoàng có thể tạo một tác động chính trị nếu ngài đến viếng những quốc gia này và nói ra những điều ngài nghĩ.”
Với việc Hồng Y Jorge Mario Bergoglio được chọn làm Giáo Hoàng, Tổng Thống Cristina Fenandez de Kirchner hy vọng có được một đồng minh có quyền uy trong lúc bà đang vận động giành lại đảo Falkland từ tay người Anh. Ngài nổi tiếng khi từng tuyên bố Falkland bị Anh “chiếm đóng,” tạo nên hy vọng ngài sẽ dùng địa vị của mình để gây ảnh hưởng đến tương lai của hòn đảo này. Tuy ngài có sự mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa đôi bên, Tổng Thống Cristina Fernandez vẫn hy vọng việc ngài trúng cử là một tác nhân mạnh giúp lấy lại hòn đảo Argentina mà gọi tên là Las Malvinas. Tuy nhiên, một số phân tích gia cho rằng ngài sẽ không can thiệp vào vụ tranh chấp lãnh thổ. Ông Victor Bulmer-Thomas, thành viên của Chatham House, nhận định: “Với tư cách một công dân Argentina tốt, lẽ tự nhiên ngài sẽ đứng vào vị thế như mọi người dân Argentina khác, nhưng giờ đây ngài không còn đại diện cho Argentina, mà cho tất cả tín đồ Công Giáo.”
Trong khi đó, việc tân Giáo Hoàng mới được chọn, mang lại cho Hollywood một số ý tưởng sáng tạo. Sundance Selects thuộc IFC, hãng phim từng tung ra cuốn “We Have a Pope,” nói tiếng Ý, của Nanni Moretti cách đây một năm, sẽ trình chiếu lại phim này ít nhất một tuần lễ tại Lincoln Plaza Cinema ở New York. Cuốn phim xoay quanh việc những gì xảy ra khi một hồng y được chọn làm giáo hoàng và tập trung vào việc giáo hoàng tương lai này tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Tòa Thánh, điều có lẽ không xảy ra với Ðức Giáo Hoàng Francis. Phim đã được phát hành bằng DVD, và IFC hy vọng số bán sẽ tăng.
Ðồng thời, Sony Pictures đưa ra một thông cáo báo chí giật gân vào lúc cả thế giới đang hướng mắt về Vatican để chờ kết quả từ phòng mật nghị của các hồng y: “Ðây là thời điểm lý tưởng nhất để xem lại hai cuốn phim “The Da Vinci Code” và “Angels & Demons.”

Những trùng hợp kỳ lạ liên quan đến tân Giáo Hoàng

Ðức Giáo Hoàng Francis rất ái mộ câu lạc bộ bóng đá San Lorenzo de Almagro của Argentina, đến nỗi ngài trở thành hội viên chính thức của hội ái mộ đội banh từ năm 2008. Vào ngày ngài được chọn làm Giáo Hoàng, lô độc đắc xổ số ở quốc gia này bỗng nhiên trùng với bốn số cuối trong thẻ hội viên của ngài. Câu lạc bộ này tin đây là dấu hiệu thiên khải và cho rằng họ sẽ giành được chức vô địch trong năm nay.
Hôm 11 Tháng Hai, bà Yolanda de Mena gửi đi một tweet bằng tiếng Tây Ban Nha: “Tối qua, bạn tôi thức giấc lúc 4 giờ sáng, cho hay vừa mơ thấy một tân Giáo Hoàng có tên là 'Francis I'. Ðúng hôm nay Giáo Hoàng Benedict lại tuyên bố thoái vị.” Tweet này từ đó được gửi lại đến 54,000 lần.
Hôm 11 Tháng Ba, đặc phái viên Elisabetta Pique của tờ La Nacion ở Vatican chụp được tấm hình một người đàn ông cầm tấm bảng ghi “Giáo Hoàng Francis I.” Phải chăng đây là một sự trùng hợp may mắn.
Sau khi tên của tân Giáo Hoàng được công bố, trên bầu trời Miami, Florida, có một đám mây trông giống như một thiên thần đang giương ra đôi cánh trắng. (TP)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=163101&zoneid=403

Tân Giáo hoàng sẽ nhìn về hướng nào?



Cập nhật: 14:05 GMT - thứ năm, 14 tháng 3, 2013

Giáo hoàng Francis I khi còn là Hồng y Jorge Bergoglio
Trái ngược với nhiều dự đoán, Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, Tổng Giám mục Buenos Aires của Argentina, được bầu làm Giáo Hoàng và Ngài chọn danh hiệu Francis I, hay Phanxicô Đệ Nhất.
Đức Tân Giáo hoàng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936 tại Buenos Aires, trong một gia đình có năm người con của một công nhân đường sắt gốc Ý.
Ngài gia nhập dòng Tên năm 1958, thụ phong linh mục lúc đã 33 tuổi và làm Giám tỉnh dòng Tên ở Argentina năm 1973. Năm 1998 Ngài được bổ nhiệm Tổng Giám Buenos Aires và ba năm đó, Ngài được thăng hồng y.
Như vậy Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên của Dòng Tên. Ngài cũng là Giáo hoàng đầu tiên đến từ Nam Mỹ và lần đầu tiên hơn 1000 năm, Giáo hội Công giáo có một vị Giáo hoàng ngoài châu Âu. Hơn nữa, cũng là lần đầu tiên có một Giáo hoàng đến từ các nước đang phát triển.
Ngài cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên chọn danh hiệu Francis. Trong Giáo hội có hai vị thánh lớn mang tên Francis. Một là Thánh Francis Xavier, một nhà truyền giáo thuộc Dòng Tên và người kia là Thánh Francis thành Assisi (hay còn gọi là Thánh Phanxicô Khó Khăn), người sáng lập Dòng Anh em Hèn mọn.
Chính những cái ‘nhất’ này của Ngài sẽ làm cho triều đại Giáo hoàng của Ngài mang nhiều biểu tượng và có thể nói rất thích hợp – cũng như diễn tả được – hoàn cảnh mới của thế giới và sứ vụ của Giáo hội.
Đối với Giáo hội Công giáo, dù người được bầu làm Giáo hoàng đến từ châu Âu hay Bắc Mỹ, hoặc bất cứ một châu lục nào người ấy cũng sẽ là vị lãnh đạo tinh thần, là vị chủ chăn của toàn Giáo hội.
Nhưng với số giáo dân tại các nước châu Âu giảm trong khi đó con số giáo dân tại nước đang phát triển – trong đó có Nam Mỹ, như Brazil và Argentina – càng tăng, việc có một vị Giáo hoàng đến từ một nước đang phát triển sẽ giúp Giáo hội sống và loan báo chứng Tin mừng một cách thiết thực hơn.
Một trong những sứ vụ quan trọng của Giáo hội đó là bênh vực người nghèo, mang niềm vui đến cho những người cùng cực, thiếu thốn, nâng đỡ những người bị bỏ rơi, bị đẩy ra ngoài lề xã hội.
Có một vị Giáo hoàng đến từ một đất nước đang phát triển như Argentina chắc chắn sẽ giúp Giáo hội chu toàn sứ vụ đó tốt hơn.

Lối sống đơn sơ

"Đức Giáo hoàng Francis là một con người khiêm nhường và đời sống đơn sơ của Ngài chắc chắn sẽ truyền cảm cho nhiều người khác"
Và có thể nói hơn ai hết, Đức Tân Giáo hoàng là hiện thân cho sứ vụ đó và có thể đó cũng là một lý do quan trọng làm các hồng y bầu chọn Ngài lên ngôi Giáo hoàng.
Đúng vậy, Ngài là một người đơn sơ và rất gần với người nghèo. Khi làm Tổng Giám mục Buenos Aires, thay vì đi xe hơi hay để tài xế chở đi, Ngài tự lấy xe bus khi đi làm công việc mục vụ hay viếng thăm người nghèo.
Ngài cũng chọn sống trong một căn hộ đơn sơ và tự nấu ăn cho mình thay vì sống trong một dinh thự dành khang trang được dành cho Ngài.
Được biết khi Ngài được tấn phong hồng y có hàng trăm người Argentina muốn tới Roma để cùng chia vui với Ngài. Nhưng Ngài đã thuyết phục đừng họ đi và dành số tiền mua vé máy bay ấy cho người nghèo.
Cũng vì luôn đứng về phía người nghèo và luôn bảo vệ công lý, chống lại bất công, bất bình đẳng trong xã hội, Ngài không ngại lên tiếng chỉ trích những điều bất công, phi lý.
Theo một bài viết của Mark Rice-Oxley trên nhật báo The Guardian tại Anh, hôm 13/03, năm 2009, Ngài đã chỉ trích chính phủ của Tổng thống Ernesto Kirchner, chồng của Tổng thống hiện tại của Argentina là Cristina Fernández de Kirchner, là xấu xa và bất chính khi để bất bình đẳng tại nước này gia tăng, vì theo Ngài nhân quyền bị vi phạm không chỉ bởi đàn áp mà còn bởi những cơ cấu kinh tế bất công.
Theo bài viết trên La Croix, đấu tranh chống nghèo đói là một trong những cuộc tranh đấu của Ngài vì Ngài coi nghèo đói là một sự vi phạm nhân quyền. Cũng theo bài viết này, trong một đất nước mà đối lập hầu như không tồn tại, Ngài thực sự là tiếng nói duy nhất dám đương đầu với vợ chồng Tổng thống Kirchner – người mà Ngài không ngừng chỉ trích là độc đoán, chuyên quyền.
Giáo hoàng Học viện ở Đà Lạt là cơ sở lớn nhất của Dòng Tên tại Việt Nam
Lên tiếng ngay sau khi Ngài được bầu làm Giáo hoàng, Tổng Giám mục Justin Welby, người đấng đầu Giáo hội Anh giáo, đã nói rắng Đức Giáo hoàng Francis là một mục tử nhân hậu và nổi tiếng là một người luôn dấn thân phục vụ, đấu tranh cho người nghèo ở Nam Mỹ.
Với việc Ngài luôn đứng về phía người nghèo, dám lên tiếng bênh vực họ cũng như chỉ trích chính quyền độc đoán, những bất công trong xã hội, chắc chắn dưới triều đại Ngài Giáo hội sẽ lên tiếng và dấn thân nhiều trong việc xây dựng một xã hội, thế giới bình đẳng, bác ái và huynh đệ hơn.
Được biết, Năm 2001, khi tới thăm một bệnh viện tại Thủ đô Buenos Aires, Ngài đã làm các bác sỹ, y tá ngạc nhiên khi Ngài xin họ nước để rửa chân cho 12 bệnh nhân SIDA và hôn lên chân họ. Cùng lúc đó, Ngài nói với các ký giả có mặt rằng xã hội đang quên những người nghèo và bệnh tật.
Theo Đức Hồng y Cardinal Cormac Murphy-O’Connor, cựu TGM Westminster, Anh quốc, “Đức Giáo hoàng Francis là một con người khiêm nhường và đời sống đơn sơ của Ngài chắc chắn sẽ truyền cảm cho nhiều người khác. Chính cái danh hiệu của Ngài nói lên điều đó”.
Ngay trong lần đầu tiên xuất hiện trên cương vị Giáo hoàng, Ngài đã mời tất cả những ai có mặt tại Đền thờ và Quảng trường Thánh Phêrô cũng cầu nguyện với Ngài, cho Ngài, cho Đức Giáo hoàng Benedict XVI, cho Giáo hội và thế giới.
Ngài nói: “Tất cả chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho Ngài [ĐGH Benedict]. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho chúng ta, cầu cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thế giới để có một tình huynh đệ đậm đà hơn”.
Và giờ trước khi ban phép lành cho con chiên của mình cũng như tất cả mọi người có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô, Ngài đã xin mọi người cầu xin Chúa ban phép lành Ngài và cầu nguyện cho Ngài trong im lặng.
Thời gian qua, Giáo hội phải đối diện với không ít những thách đố. Để giúp vượt qua những sóng gió này, hơn bao giờ hết Giáo hội cần có một vị chủ chăn khiêm nhường, thánh thiện như Ngài.

Ảnh hưởng Á châu

Nhà truyền giáo dòng Tên, Matteo Ricci từng làm quan triều Minh ở Trung Quốc
Dòng Tên là một dòng trí thức nổi tiếng thế giới và đã sản sinh ra nhiều nhà thần học lỗi lạc như Henri de Lubac hay Karl Rhaner. Và cũng nhờ thừa hưởng được truyền thống, di sản đó Đức Giáo hoàng Francis I là một nhà trí thức có tư tưởng tương đối độc lập.
Đây cũng là một điểm nổi bật khác nơi Ngài.
Điều này sẽ giúp Ngài mạnh dạn đưa ra những đường hướng mục vụ mới, những thay đổi lớn để nhờ đó Giáo hội có thể sống và loan báo Tin Mừng một cách thiết thực hơn, hữu hiệu hơn.
Việc lần đầu tiên một tu sỹ dòng Tên được bầu làm Giáo hoàng chắc chắn cũng sẽ có không ít tác động đến các nước Á châu, như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ – những quốc gia chịu không ít sự ảnh hưởng của các tu sỹ Dòng Tên.
"Chắc chắn mối quan hệ giữa Giáo hội và chính quyền cũng như các tôn giáo, tổ chức khác tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ có những thay đổi lớn"
Các tu sỹ Dòng Tên người Pháp hay Tây Ban Nhà là những vị thừa sai đầu đến truyền đạo tại Á châu. Trong đó có Thánh Francis Xavier, người được biết đến như là một nhà truyền giáo lừng danh, đã tới châu Á truyền đạo đầu giữa thế kỷ 16.
Với Việt Nam, không chỉ người Công giáo mà nhiều người khác còn biết đến một tu sỹ dòng Tên khác đó là linh mục Alexandre de Rhodes (hay còn được gọi là cha Đắc Lộ) vì ngài là người đóng góp một phần quan trọng trong việc hình thành chữ Quốc ngữ.
Việc Giáo hội Công giáo được hình thành và phát triển như ngày hôm nay tại các nước Á châu phần lớn nhờ sự đóng góp của các tu sỹ Dòng Tên. Tại những nước như Ấn Độ, Dòng Tên có rất nhiều hoạt động và ảnh hưởng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Tại Việt Nam, trước 1975, các tu sỹ Dòng Tên cũng tham gia nhiều sinh hoạt, sứ vụ như giảng dạy tại Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt và tại các đại học khác hay hoạt động trong lĩnh vực truyền thông xã hội.
Sau biến cố 1975, các hoạt động của Dòng bị giới hạn rất nhiều và chỉ được bắt đầu hồi sinh từ năm 1991.
Với việc Đức Giáo hoàng Francis I là một người đến từ Argentina – một nước có điều kiện kinh tế xã hội, chính trị gần giống với các nước châu Á – và là một tu sỹ Dòng Tên, một dòng tu có nhiều liên hệ với sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội tại châu lục này, chắc chắn mối quan hệ giữa Giáo hội và chính quyền cũng như các tôn giáo, tổ chức khác tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ có những thay đổi lớn giới triều đại của Ngài.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một người Công giáo hiện sống tại Anh.


Thêm về tin này


Geen opmerkingen:

Een reactie posten