donderdag 21 maart 2013

'Siêu chuột' to như mèo vì nhiễm phóng xạ

Thứ tư, 6/3/2013, 09:24 GMT+7
Twitter
Facebook

'Siêu chuột' to như mèo vì nhiễm phóng xạ


Kích thước của vô số con chuột tại Iran tăng mạnh do chúng phơi nhiễm chất phóng xạ và hóa chất độc hại.


Hình minh họa: thinkstock.com.
Hình minh họa: thinkstock.com.

Một số quan chức Iran xác nhận rằng số lượng chuột đột biến gene tại thủ đô Tehran đã lên tới mức mà họ không thể thống kê chính xác. Nhiều người khẳng định số lượng chuột ở Tehran đã lớn hơn cả dân số thủ đô Iran. Kích thước cơ thể chúng đã tương đương mèo, News đưa tin.

Ismail Kahram, một quan chức thành phố Tehran, nói rằng mỗi thay đổi về thể chất của động vật chỉ diễn ra sau vài triệu năm. Nhưng kích thước cơ thể của chuột tại Tehran thay đổi chỉ trong vài năm do chúng phơi nhiễm hóa chất và phóng xạ hạt nhân.

Chính quyền thành phố đã dùng bả độc để diệt chúng, song biện pháp này dường như không phát huy tác dụng.

Chương trình hạt nhân là một trong những ưu tiên của chính phủ Iran trong nhiều năm qua. Các nước phương Tây lo ngại Iran muốn chế tạo vũ khí hạt nhân, song Tehran một mực khẳng định họ chỉ muốn phát triển công nghệ hạt nhân để phục vụ những mục đích hòa bình - như sản xuất điện hay điều trị ung thư. Chính phủ Iran đã xây một số cơ sở hạt nhân dưới lòng đất nhằm đề phòng nguy cơ bị tấn công.

Đột biến gene là hiện tượng xảy ra thường xuyên trong thế giới tự nhiên. Việc tiếp xúc với chất phóng xạ tự do và hóa chất với nồng độ cao có thể gây nên đột biến gene trong tế bào.

Minh Long
 
 
Thứ năm, 7/3/2013, 11:16 GMT+7
Twitter
Facebook

'Chuột không thể to hơn mèo vì đột biến gene'

Một nhà khoa học Mỹ khẳng định hiện tượng đột biến gene không thể khiến những con chuột tại Iran trở nên to hơn cả mèo.
> Siêu chuột to như mèo vì nhiễm phóng xạ

Ảnh minh họa: phenomenica.com.
Vài tháng qua người dân Tehran bắt được nhiều con chuột có kích thước tương đương mèo, với trọng lượng lên tới 5 kg, International Business Times đưa tin.
Giáo sư môi trường Ismail Kahram, cố vấn của chính quyền thành phố Tehran, nói rằng có thể đột biến gene đã xảy ra trong cơ thể những con chuột khổng lồ.
"Có lẽ đột biến gene xảy ra do chúng phơi nhiễm hóa chất độc hại và chất phóng xạ. Giờ đây chúng to hơn và có hình dáng khác hẳn chuột thường. Thông thường những thay đổi ngoại hình như thế diễn ra trong vài triệu năm. Khối lượng cơ thể chúng tăng từ 60 gram lên 5 kg khiến những con mèo trở nên nhỏ hơn chúng", ông phát biểu.
Tiến sĩ David Baker, một chuyên gia thú y của Đại học Nông nghiệp và Cơ khí Louisiana tại Mỹ, cho rằng đột biến gene không phải là nguyên nhân khiến kích thước chuột tăng tới mức to hơn mèo, The Huffington Post cho biết.
"Gần như mọi đột biến gene mà chúng ta đã phát hiện trong sinh học đều gây hại và mang đến yếu tố bất lợi cho sinh vật, chứ không mang đến lợi thế. Thực tế không giống như các phim giả tưởng", Baker giải thích.
Nhưng Baker cũng chỉ ra rằng nhiều loài chuột khổng lồ trên thế giới có thể đạt tới kích cỡ như chuột ở Tehran, dù chúng không hề phơi nhiễm chất phóng xạ hay hóa chất.
"Trong thời Trung cổ, các tài liệu ghi nhận những con chuột đen ở châu Âu to đến nỗi chúng có thể tha những đứa trẻ", ông nói.
Do số lượng "siêu chuột" quá lớn trong khi biện pháp dùng bả độc không phát huy tác dụng, giới chức Tehran đã quyết định huy động các xạ thủ bắn tỉa để diệt chúng. Hiện tại 10 xạ thủ đã tham gia chiến dịch và con số này sẽ tăng lên 40 trong vài ngày nữa. Tới nay nhóm xạ thủ đã diệt hơn 2.000 con chuột.
"Cuộc chiến sẽ diễn ra trong 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. Chúng tôi dùng chất độc để diệt chuột vào ban ngày và xạ thủ sẽ săn lùng chúng vào ban đêm", ông Mohamad Hadi Heydarzadeh, người đứng đầu Cơ quan Môi trường Tehran, tuyên bố.
Giới chuyên gia chưa thể kết luận những con chuột khổng lồ tại Tehran bị đột biến gene hay không. Tuy nhiên, một số nhà khoa học nhận định có thể chúng đã có khả năng kháng bả độc. Một nghiên cứu tại Anh vào năm 2012 cho thấy khoảng 75% quần thể chuột ở phía tây nước Anh có khả năng kháng độc.
Minh Long

http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/ban-co-biet/2013/03/chuot-khong-the-to-hon-meo-vi-dot-bien-gene/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten