zondag 3 maart 2013

Cải tổ di trú: người Mỹ gốc Việt hy vọng đoàn tụ nhanh hơn

Cải tổ di trú: người Mỹ gốc Việt hy vọng đoàn tụ nhanh hơn
Friday, March 01, 2013 8:28:01 PM




Hà Giang/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Khi nói đến cải tổ về chính sách di dân, dư luận thường tập trung vào đối tượng người Châu Mỹ La Tinh, nhưng thật ra nhiều gia đình người Mỹ gốc Á, trong đó có người Việt, hiện cũng đang phải đối diện với nhiều giới hạn của luật di dân hiện hành.
Với Ellis Island ở phía sau lưng, một nhóm người đấu tranh tập họp hôm Thứ Tư, trung tuần Tháng Hai, tại Liberty State Park thuộc thành phố Jersey City để đòi quyền lợi cho di dân. (Hình: Mel Evans, AP)

Tình trạng chờ đợi

Bản tường trình của National Asian American Survey (NAAS) công bố ngày 29 Tháng Giêng cho thấy bốn trong 5 quốc gia có danh sách người chờ được vào nước Mỹ đông nhất là Philippines (423,000), India (306,789) Việt Nam (267,067) và Trung Hoa (226,921). Mexico đứng đầu danh sách với 1,311,960 người chờ Visa qua Mỹ định cư.
Cũng vẫn theo NAAS, số lượng người Châu Á di dân vào nước Mỹ đông nhất. Thêm vào đó, hiện (cuối năm 2011) có khoảng 1.3 triệu người gốc Á hiện đang nhập cư trái phép tại Mỹ, trong số đó 170,000 là người gốc Việt, tăng 10,000 người so với cuối năm 2000.
Bác Phạm thị Oanh, có thẻ xanh, 62 tuổi, nhà ở Huntington Beach, xin bảo lãnh cho hai con trai đã lớn nhưng chưa lập gia đình vì “chờ đi bảo lãnh,” cho biết đã nộp đơn từ cuối năm 2005 đến nay, “mà bây giờ mới nghe nói bắt đầu rục rịch.”
“Chờ lâu quá, bác bảo mấy người con lấy vợ đi cho rồi, nhưng họ vẫn cứ cố chờ để qua đây rồi tính.” Bác Oanh tâm sự với phóng viên nhật báo Người Việt.
Ông Trần Ngọc Hưng, công dân Mỹ, 45 tuổi, dân cư Fullerton, nói về một câu chuyện tương tự: “Tôi nộp đơn bảo lãnh anh chị cả 8 năm rồi nhưng chưa thấy rục rịch gì. Hy vọng luật với luật di trú mới sẽ không phải chờ lâu như trước.”
Giới phân tích cho rằng rất có thể thời gian đợi chờ sẽ được rút ngắn cho ông Hưng, bác Oanh, và nhiều người trong hoàn cảnh tương tự.
Dự luật do 8 thượng nghị sĩ vừa đưa ra bao gồm điều khoản tăng Visa cho diện H-1B, tức diện vào Mỹ làm việc, từ 65,000 lên đến 115,000 mỗi năm, tùy theo nhu cầu. Dự luật này cũng bỏ “quota” (chỉ tiêu) cho những du học sinh có bằng cao học tại một trường đại học Mỹ, cho phép phối ngẫu của người có H-1B Visa được phép đi làm, bỏ giới hạn cho số thẻ xanh được cấp hàng năm, và không bắt người có H-1B phải trở về nước trước trong khi chờ đợi Visa được gia hạn.

Hy vọng nẩy mầm

Riêng cho diện bảo lãnh đoàn tụ gia đình, bài nói chuyện của Tổng Thống Obama trong sân trường Del Sol High School, tại Las Vegas, tiểu bang Nevada, cuối Tháng Giêng cho nhiều người niềm hy vọng là thời gian đợi dài đằng đẵng có thể được rút ngắn, khi ông nói: “Là một công dân Hoa Kỳ, không việc gì quý vị phải chờ đợi nhiều năm dài trước khi được đoàn tụ với gia đình và người thân tại Mỹ.”
Một trong những điều được Tổng Thống Obama đề cập đến là nâng giới hạn tối đa số người được vào Mỹ theo diện gia đình bảo lãnh, một cách cụ thể, Tổng Thống Obama dự tính sẽ nâng số tối đa người di dân đến Mỹ theo diện gia đình từ 7% đến 15% tổng số người được vào Mỹ từ mỗi quốc gia.
Hiện nay, hầu hết những ai hội đủ điều kiện xin visa vào Mỹ đều hoặc thuộc diện người thân bảo trợ, hay diện đi làm được chủ nhân bảo lãnh. Thời gian chờ để có Visa lâu hay chóng khác nhau đáng kể.
Giáo Sư Karthick Ramakrishnan, dậy môn khoa học chính trị tại Ðại Học UC Riverside cho biết, thời gian chờ Visa cho con cái hoặc vợ chồng của người bảo lãnh có thể chỉ vài tháng, nhưng của anh chị em người có thể lên đến 20 năm, có nhiều trường hợp, người làm đơn bảo lãnh qua đời trước khi đơn đáo hạn, tạo ra những cảnh dở khóc dở cười.
“Nếu nhìn vào con số 4.3 triệu người trên khắp thế giới đang chờ Visa cho diện bảo lãnh gia đình, mà mỗi năm tổng số Visas được cấp cho diện này chỉ có 226,000, thì có thể hiểu tại sao sự chờ đợi lại kéo dài như thế. Nhưng rồi sẽ thay đổi.” Giáo Sư Ramakrishnan giải thích.
Ðề cập đến lý do của sự lạc quan, ông Frank Sharry, giám đốc của tổ chức America's Voice nói: “Tổng thống hứa, đảng Dân Chủ muốn, và đảng Cộng Hòa cần, người dân ủng hộ, và những tổ chức đấu tranh cho người di dân hoạt động mạnh đủ để mang đến những thay đổi.”
Bà Mee Moua, một di dân đến từ Laos, hiện là giám đốc của Asian American Justice Center bày tỏ: “Cải tổ di trú là một cánh cửa hé mở để các vị dân cử của chúng ta nắm lấy quyền lãnh đạo, tạo cơ hội cho những người đang chờ đoàn tụ gia đình được cảm thấy yên tâm là một ngày gần hơn họ sẽ được quây quần với người thân, cùng xây dựng giấc mơ Mỹ.”
Nhận định của các chuyên gia này, tuy chưa biết chính xác đến độ nào, nhưng đã mang đến cho nhiều người những tiếng thở phào, dù rất nhẹ.
Vẫn theo tường trình của National Asian American Survey, 54% người Mỹ gốc Á được phỏng vấn, cho biết tình trạng chờ đợi mòn mỏi nhiều năm để đoàn tụ gia đình là một “vấn nạn lớn.” Trong số những người trả lời, người Mỹ gốc Ấn, gốc Hmong, gốc Việt và gốc Philippines bày tỏ quan tâm sâu xa nhất.
Bà Bethany Li, luật sư của Asian American Legal Defense and Education Fund-AALDEF, một tổ chức chuyên giúp người di dân làm đơn bảo lãnh gia đình tại thành phố New York, phát biểu: “Nhiều khách hàng của chúng tôi cảm thấy phấn khởi là đề nghị của Tòa Bạch Ốc và nhóm 8 nghị sĩ lưỡng đảng đưa ra quan tâm đến tình trạng phải đợi chờ lâu để đoàn tụ gia đình.”
Riêng đối với nhiều người Mỹ gốc Việt cùng hoàn cảnh với ông Hưng và bác Oanh, những chữ “cải tổ di trú” chẳng có nghĩa gì, nếu không tạo điều kiện dễ dành hơn cho thân nhân đang đợi chờ, từ rất nhiều năm nay, cuối cùng được đặt chân vào Mỹ.
––-
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=162544&zoneid=3

Geen opmerkingen:

Een reactie posten