Các nhà khoa học vừa tìm thấy một bản sao của bản đồ từ thế kỷ 16, thứ được xem là giấy khai sinh của châu Mỹ, tại Đức.
Bản đồ mới được tìm thấy giữa các trang sách hồi thế kỷ 19. Ảnh: AFP/LMU. |
"Giấy khai sinh châu Mỹ" là công trình nghiên cứu nổi tiếng của chuyên gia vẽ bản đồ người Đức trong thế kỷ 16 - Martin Waldseemueller - người đặt tên châu Mỹ. Nó được phát hiện trong thư viện của Đại học Ludwig Maximilian tại Munich, Đức.
Giới khoa học cho rằng Waldseemueller chỉ làm 4 bản đồ. Tấm thứ năm được kẹp trong một quyển sách được xuất bản trong thế kỷ 19 tại thư viện của Đại học Ludwig Maximilian. Nội dung cuốn sách không liên quan tới bản đồ.
BBC dẫn lời ông Sven Kuttner, người quản lý các cuốn sách cổ ở Đại học Ludwig Maximilian, cho biết: "Có vẻ đây là bản đồ có một không hai. Từ trước tới nay chúng tôi không thấy bản đồ tương tự".
Tấm bản đồ, được in bằng mực đen trên nền giấy vàng, xuất hiện trên mạng nhân ngày quốc khánh Mỹ hôm qua. Một phiên bản lớn hơn sẽ lưu giữ tại Thư viện Quốc hội ở thủ đô Washington.
Gần 500 năm trước, năm 1507, Martin Waldseemuller đã tuyên bố thế giới không chỉ bao gồm châu Á, châu Phi và châu Âu - ba phần được toàn bộ thế giới biết đến từ xa xưa. Phần thứ tư của trái đất được khám phá bởi Amerigo Vespucci, một thương nhân Italy. Để tưởng nhớ Amerigo Vespucci, Waldseemuller đã đặt tên America cho châu lục thứ tư trong bản đồ của ông.
Waldseemuller đưa ra một số khái niệm lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử trong tấm bản đồ châu Mỹ mới được phát hiện. Ngoài việc đặt tên cho châu Mỹ, đây cũng là tấm bản đồ đầu tiên có thuật ngữ "Thế giới mới" với các phần lục địa riêng biệt. Bản đồ này cũng cho thấy sự tồn tại của vùng biển mà sau này nhà thám hiểm Ferdinand Magellan gọi là Thái Bình Dương.
Nguyên Phạm
Geen opmerkingen:
Een reactie posten