Một kính thiên văn do Mỹ vừa phóng lên vũ trụ đã chụp những hình ảnh đầu tiên về một hố đen.
> Hố đen xé tan xác ngôi sao
> Trái đất gần một hố đen
Hình minh họa kính thiên văn không gian NuSTAR trong vũ trụ. Ảnh: Space. |
Nuclear Spectroscopic Telescope Array (NuSTAR) - tên của kính thiên văn mà Mỹ phóng lên vũ trụ hôm 13/6 - đã hướng những camera có khả năng thu nhận tia X bước sóng ngắn về phía một hố đen và chụp những bức ảnh đầu tiên vào hôm 28/6. Cygnis X-1, tên của hố đen, đang nuốt dần một ngôi sao khổng lồ gần đó và phát ra vô số chùm tia X mạnh, Space đưa tin.
"Hôm nay chúng tôi nhận những hình ảnh đầu tiên về vật thể phát ra tia X. Sự hiện diện của kính thiên văn NuSTAR giống như việc chúng ta đeo một cặp kính mới và thấy rõ nhiều thứ mới lạ xung quanh", Fiona Garrison, một chuyên gia của Viện Công nghệ California tại Mỹ và là người phụ trách kính thiên văn NuSTAR, phát biểu.
Chùm ảnh mới nhất về Cygnus X-1 có độ nét lớn hơn nhiều lần so với những bức ảnh mà các kính thiên văn khác chụp. Điều đó cho thấy NuSTAR có thể giúp giới khoa học khám phá những vật thể bí ẩn nhất trong vũ trụ.
Ngoài hố đen, NuSTAR còn có thể chụp ảnh nhiều vật thể bí ẩn khác trong vũ trụ - như tàn dư của vụ nổ sao siêu lớn. Nó được thiết kế để chụp ảnh với độ nhạy sáng cao gấp ít nhất 100 lần với độ phân giải lớn hơn tối thiểu 10 lần so với mọi kính thiên văn không gian đã được phóng lên trước đây. Giới khoa học hy vọng dữ liệu ảnh của NuSTAR sẽ giúp họ trả lời những câu hỏi khó nhất về hố đen - chẳng hạn như quá trình hình thành và phát triển của chúng.
Hố đen là một vùng trong không gian có trường hấp dẫn mạnh đến nỗi mọi dạng vật chất, kể cả ánh sáng, không thể thoát ra khỏi mặt biên của nó. Với khối lượng gấp từ hàng triệu tới hàng tỷ lần mặt trời, những hố đen siêu lớn ẩn nấp ở trung tâm của các thiên hà như những con mãnh thú và nuốt chửng những thiên thể tới quá gần chúng. Vì thế nhiều người ví hố đen như những con quỷ đói hung dữ và phàm ăn.
Con người và các thiết bị không thể thấy hố đen. Song vật chất lọt vào hố đen có thể bị nung nóng tới mức nhiệt độ vài trăm triệu độ C. Ở mức nhiệt độ khủng khiếp ấy, vật thể giải phóng những chùm ánh sáng có năng lượng siêu lớn - dạng vật chất mà các thiết bị của con người có thể phát hiện.
Minh Long
Hố đen xé tan ngôi sao
Giống như một con mồi bất cẩn lang thang trong rừng, ngôi sao khổng lồ đỏ vô tình di chuyển tới gần một hố đen và bị xé toạc.
Hình minh họa một phần vật chất của ngôi sao khổng lồ đỏ bị hút về phía hố đen cách địa cầu chừng 2,7 tỷ năm ánh sáng. Ảnh: NASA. |
Với khối lượng gấp từ hàng triệu tới hàng tỷ lần mặt trời, những hố đen siêu lớn ẩn nấp ở trung tâm của các thiên hà như những con mãnh thú và nuốt chửng những thiên thể tới quá gần chúng.
Khi một ngôi sao đỏ khổng lồ tới gần một hố đen cách trái đất khoảng 2,7 tỷ năm ánh sáng, lực hấp dẫn khủng khiếp của hố đen khiến ngôi sao bị xé nát, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết.
"Một phần vật chất của ngôi sao bị hút vào hố đen, còn một phần khác bị thổi ra không gian xung quanh với tốc độ cực lớn. Chúng tôi đang quan sát ánh sáng phát ra từ phần vật chất di chuyển về phía hố đen", Suvi Gezari, một nhà thiên văn của Đại học Johns Hopkins tại Mỹ, phát biểu.
Gezari cùng các đồng nghiệp đã dùng các kính thiên văn trên trái đất và trong vũ trụ để tìm kiếm tàn dư của ngôi sao xấu số. Phần lớn tàn dư là khí heli.
Vụ "nuốt chửng" sao của hố đen giúp giới khoa học hiểu rõ hơn môi trường khắc nghiệt xung quanh hố đen và những loại ngôi sao xoay quanh chúng.
Minh Long
http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2012/05/ho-den-xe-tan-ngoi-sao/
3/1/2010
Trái đất gần một hố đen
Các nhà thiên văn Hà Lan đo được khoảng cách tương đối chính xác giữa trái đất và hố đen gần nhất.
Peter Jonker, một nhà khoa học của Viện nghiên cứu vũ trụ SRON, Hà Lan, nói rằng hố đen mang tên V404 Cygni cách địa cầu 7.800 năm ánh sáng. Nhưng từ trước tới nay giới khoa học luôn nghĩ rằng khoảng cách giữa V404 Cygni và trái đất lớn gấp đôi con số đó.
Trong khi đó, khoảng cách từ hành tinh của chúng ta tới trung tâm Ngân hà là 26.000 năm ánh sáng, còn ngôi sao gần mặt trời nhất cách địa cầu 4,2 năm ánh sáng.
Trang Space cho biết, Jonker và các cộng sự tính toán khoảng cách tới V404 Cygni bằng cách đo các bức xạ radio từ hố đen và ngôi sao chết đã tạo ra nó.
Những lớp vật chất bên ngoài của ngôi sao đang bị hút sang hố đen. Đám mây bụi khí xoay tròn, tạo nên một đĩa plasma (trạng thái vật chất mà trong đó các chất bị ion hóa mạnh, đại bộ phận nguyên tử và phân tử chỉ còn lại hạt nhân) nóng rực xung quanh hố đen trước khi nó biến mất. Trong quá trình xoay tròn và tạo đĩa plasma vật chất phát ra nhiều tia X và sóng radio.
Bằng cách sử dụng một hệ thống kính thiên văn radio quốc tế có tên High Sensitivity Array, nhóm nghiên cứu đo sự thay đổi thị sai của hố đen.
Ảnh minh họa một hố đen cách trái đất 600 năm ánh sáng và nặng gấp 10 lần Mặt Trời. Ảnh: hawaii.edu. |
Nhóm nghiên cứu cho biết trước đây giới khoa học không thể đo chính xác khoảng cách giữa trái đất và V404 Cygni do sự hiện diện của bụi khí trong vũ trụ. Bụi khí có thể hấp thụ ánh sáng và gây nhiễu xạ khiến sai số có thể lên tới 50%. Trong khi đó sai số trong lần đo mới chưa tới 6%.
Nghiên cứu được công bố trên số ra tháng 12 của tạp chí The Astrophysical Journal.
Hố đen (hay lỗ đen) là một vùng trong không gian có trường hấp dẫn lớn đến mức lực hấp dẫn của nó không để cho bất cứ một dạng vật chất nào - kể cả ánh sáng - thoát ra khỏi mặt biên của nó (chân trời sự kiện), trừ khả năng thất thoát vật chất khỏi lỗ đen nhờ hiệu ứng đường hầm lượng tử. Vật chất muốn thoát khỏi lỗ đen phải có vận tốc thoát lớn hơn vận tốc ánh sáng trong chân không, mà điều đó không thể xảy ra trong khuôn khổ của lý thuyết tương đối ở đó vận tốc ánh sáng trong chân không là vận tốc giới hạn lớn nhất có thể đạt được của mọi dạng vật chất.
Giới khoa học cho rằng hố đen hình thành từ quá trình sụp đổ vào tâm của các ngôi sao. Các hố đen có khối lượng gấp ít nhất 3 lần Mặt Trời. Tuy nhiên, nhiều hố đen siêu lớn có thể có khối lượng gấp hàng triệu, hàng tỷ lần khối lượng Mặt Trời. Nhiều người ví hố đen như những con quỷ tham lam, bởi lượng vật chất mà chúng có thể nuốt là vô tận.
Minh Long
http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2010/01/3ba1754e/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten