Tổng hợp - Cuối cùng làng bóng tròn thế giới sẽ áp dụng kỹ thuật goal-line (goal-line technology - tạm dịch là kỹ thuật thu hình ở vạch khung thành).
Các chuyên viên đang thử nghiệm kỹ thuật Golfref (Golfref technology) thu hình ngay ở lằn vôi khung thành trong trận đấu của đội FC Nuernberg ngay trên sân Easy Credit Stadium, Nuremberg, Ðức ngày 7 Tháng Bảy, 2012. (Hình: Nadine Rupp/Bongarts/Getty Images) |
Hội đồng điều hành FIFA cho biết vào ngày Thứ Năm vừa qua là sẽ áp dụng kỹ thuật thu hình ở vạch khung thành (goal-line technology) tại giải Club World Cup với sự tham dự của bảy đội câu lạc bộ vô địch các khu vực diễn ra tại Nhật vào Tháng Mười Hai tới đây, đồng thời cũng dự định áp dụng tại giải Confederation Cup 2013 và World Cup 2014 tại Brazil.
Tổng thư ký FIFA, ông Jerome Valcke tuyên bố: “Chúng tôi muốn bảo đảm là các trận đấu tại World Cup sẽ chính xác 150%, chứ không phải 90% như trước đây.”
Riêng giải bóng tròn nhà nghề Premier League của Anh Quốc sẽ sử dụng một trong những hệ thống kỹ thuật goal-line với phí tổn có thể lên tới 250,000 đô la cho mỗi sân vận động - trong mùa bóng tới đây.
Chủ tịch FIFA, ông Sepp Blatter là một thành viên trong ủy ban IFAB mà đã chấp nhận những kết quả thử nghiệm cho thấy hệ thống áp dụng kỹ thuật goal-line có sự phán đoán nhanh chóng và chính xác khi những trái bóng đi qua lằn vôi khung thành.
Ủy ban IFAB được thành lập từ các giới chức của FIFA và bốn hiệp hội bóng tròn Anh Quốc.
Hawk-Eye là hệ thống thu hình máy của Anh được sử dụng trong bộ môn quần vợt và cricket. GoalRef là kỹ thuật của Ðan Mạch và Ðức áp dụng kỹ thuật cảm ứng từ trường (magnetic sensors) để theo dõi những đường banh đặc biệt đi ngang qua đường vôi khung thành mà có thể gây tranh cãi.
Trước đây, FIFA từ chối áp dụng kỹ thuật ngay lằn vôi khung thành để giúp các trọng tài có quyết định chính xác.
Nhưng ý nghĩ trên của Blatter đã đảo ngược lại cách đây hai năm khi ông chứng kiến đội tuyển Anh đã bị từ chối bàn thắng rõ ràng từ tiền vệ Frank Lampard trong trận đấu giữa Anh và Ðức tại World Cup 2010 Nam Phi. Hai ngày sau đó, Blatter cho biết FIFA phải tái mở lại cuộc thảo luận có nên áp dụng kỹ thuật goal-line hay không.
Những video được chiếu lại vẫn giới hạn phán đoán của trọng tài trong trường hợp phạt đền hay việt vị.
Trong khi đó chủ tịch Liên Ðoàn Bóng Tròn Châu Âu Michel Platini lại cực lực phản đối việc áp dụng kỹ thuật goal-line. Theo ông, việc sử dụng kỹ thuật này sẽ làm biến chất môn bóng tròn và biến nó trở thành một trò chơi điện tử. Và ông cũng như UEFA đề nghị sử dụng năm trọng tài của UEFA cho các trận đấu chính thức. Ðề nghị này được IFAB chấp thuận sau ba năm theo dõi hơn một ngàn trận đấu.
Tại giải Euro 2012 vừa rồi, UEFA đã cho áp dụng thêm hai trọng tài ở hai khung thành để xác định banh đã vào lưới hay chưa. Nhưng tiếc thay, hệ thống thêm hai trọng tài này một lần nữa lại không chính xác khi cả tổ trọng tài người Hungary trong trận đấu giữa Anh và Ukraine đều không công nhận bàn thắng của tiền đạo Ukraine là Marko Devic vào lưới thủ môn Hart của Anh trước khi được hậu vệ Anh, John Terry đá phá ra ngoài. Các máy thu hình trong trận đấu sau khi chiếu lại cho thấy rõ ràng là banh đã vào phía trong lằn vôi khung thành. Và nếu bàn thắng này được công nhận, có thể kết quả trận đấu khác đi và đội chủ nhà Ukraine chưa chắc bị phơi áo sớm khi thua Anh 0-1.
Việc sử dụng kỹ thuật goal-line cũng như áp dụng năm trọng tài đều không bắt buộc đối với các giải league cũng như những ban tổ chức các giải đấu. Riêng giải bóng tròn nhà nghề MLS của Hoa Kỳ tuyên bố là muốn chọn lựa hệ thống kỹ thuật goal-line.
Ủy ban IFAB, thành lập được 126 năm, hoạt động để đưa ra những điều lệ của bóng tròn. Có sáu phiếu cần thiết để chấp thuận sự thay đổi, với FIFA có bốn phiếu và bốn hiệp hội bóng tròn Anh, mỗi hiệp hội có một phiếu bầu. (T.D.)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=151669&zoneid=1
Geen opmerkingen:
Een reactie posten