vrijdag 6 april 2012

Nam Phi ra lệnh cấm người Việt Nam săn tê giác

April 05, 2012
PRETORIA, S. AFRICA (NV) - Chính phủ Nam Phi vừa loan báo cấm tất cả các người quốc tịch Việt Nam đã từng xin cấp giấy phép tới đây săn tê giác vì họ không được bảo đảm rằng người ta sẽ không đem bán sừng con vật vốn có giá trị tiền bạc nhiều hơn cả vàng, heroin hay bạch kim.

Tất cả 23 đơn xin tới Nam Phi săn tê giác trong năm nay đã bị từ chối, theo tin của Bộ Môi Trường và Nước của chính phủ Nam Phi.


Một quân nhân Nam Phi đang quan sát một con tê giác bị giết mà người ta chỉ cắt lấy cái sừng. (Hình: AP Photo/South African Communication and Liaison Services of the Office of the National Commissioner, File)


Bà Edna Molewa, phát ngôn viên của bộ vừa nói cho biết, các người Á Ðông xin phép tới săn bắn đã không thuyết phục được chính phủ Nam Phi là họ sẽ giữ đúng quy định của chính phủ khi được cấp giấy phép. Tức là không được phép bán sừng con tê giác.

Gần 60% các đơn xin săn tê giác từ đầu năm 2010 đến nay là của các người Việt Nam.

Theo bản phúc trình của công viên quốc gia Kruger, Nam Phi, chỉ từ đầu năm 2012 đến nay, đã có 159 con tê giác ở nước này đã bị giết để lấy sừng. Với nhịp độ này, cả năm sẽ có khoảng 600 con sẽ bị giết so với 448 con bị giết năm ngoái.

Một kí lô gam sừng tê giác có thể bán với giá $60,000 đô la trên thị trường chợ đen. Người ta ước tính đến năm 2025 thì giống tê giác 2 sừng sẽ hoàn toàn tuyệt chủng ở Phi Châu nếu nhịp độ tàn sát này tiếp tục.

“Phần lớn những người bị bắt ở đây, có nhiều giấy phép đã xin đến đây, xuất phát từ Việt Nam.” Bà Molewa nói.

Một viên chức tòa đại sứ Việt Nam ở Nam Phi, là bà đệ nhất tham vụ Vũ Mộc Anh, đã bị trục xuất về nước cuối năm 2008 vì tham dự vào các vụ mua lậu sừng tê giác. Ðài truyền hình Nam Phi đã chiếu bản tin kèm theo video, hình ảnh bà này đang bỏ một túi đựng sừng tê giác vào trong cóp xe hơi trước khi bị bắt.

Khi báo chí Nam Phi và thông tấn quốc tế đưa tin và hình ảnh bà Vũ Mộc Anh bị bắt quả tang, tòa đại sứ CSVN ở nước này vẫn cả quyết không có viên chức nào của họ nhận có hành vi buôn lậu. Từ năm 2006 đến 2008, ít ra có 3 nhân viên sứ quán Việt Nam ở Pretoria dính vào các vụ buôn bán sừng tê giác.

Tuần báo Mail & Guardian ở Anh Quốc viết rằng: “Các băng nhóm người Việt hiện đang tìm cách độc chiếm thị trường buôn bán sừng tê giác ở Nam Phi trong những năm gần đây”. Tờ báo nói nhân viên sứ quán có liên quan đến đường dây vận chuyển sừng tê giác và thường sử dụng túi hàng ngoại giao để vận chuyển sừng tê giác tới khu vực Viễn Ðông để bán lại.

Sừng tê giác, mài ra uống có thể chữa đủ mọi loại bệnh từ cảm cúm, nhức đầu, ung thư đến tăng cường tình dục, theo các tin tưởng dân gian. Có người còn pha với rượu.

Khoảng 90% giống tê giác hai sừng ở Phi Châu hiện nay tổng số khoảng 20,000 con, đều ở các khu rừng và công viên quốc gia của Nam Phi. Chính phủ Nam Phi từng kêu gọi hai chính phủ Trung Quốc và Việt Nam giúp đỡ ngăn chặn các vụ mua bán lậu sừng tê giác.

Theo Hội Bảo Tồn Ðộng Vật Hoang Dã Châu Phi, có 9 người đã bị bắt vì săn lậu và giết tê giác đã bị bắt đầu năm nay nhưng không cho hay họ là người bản xứ hay người ngoại quốc. Chính phủ Nam Phi đã thành lập một cơ quan đặc nhiệm gồm các viên chức chính phủ, cơ quan quản trị công viên quốc gia, cảnh sát, tòa án và cả quân đội để ngăn chặn bớt các vụ săn giết tên giác.

Tê giác tại Việt Nam đã hoàn toàn tuyệt chủng từ năm 2010 khi con cuối cùng sống trong công viên quốc gia Cát Tiên đã bị người ta bắn chết và cắt lấy sừng. (T.N.)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=146922&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten