donderdag 19 april 2012

Hàn Quốc : Triển vọng trở thành cường quốc hạt nhân

18 Tháng Tư 2012       
Tổng thống Hàn Quốc  Lee Myung-Bak giữa tổng thống Mỹ Barack Obama và chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại hội nghị thượng đỉnh thế giới về an ninh hạt nhân ở Seoul ngày 2/03/2012.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak giữa tổng thống Mỹ Barack Obama và chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại hội nghị thượng đỉnh thế giới về an ninh hạt nhân ở Seoul ngày 2/03/2012.
Reuters

Anh Vũ
Liên quan đến châu Á, trang kinh tế nhật báo Libération có bài « Công nghiệp hạt nhân : Seoul tỏa sáng », đề cập đến sự phát triển tiềm lực hạt nhân dân sự của Hàn Quốc. Quốc gia châu Á này đang có tham vọng trở thành một trong ba nước đi đầu trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân.

Theo Libération, Hàn Quốc có nhiều lý do để tiếp tục theo đuổi phát triển ngành công nghệ hạt nhân dân sự. Thảm họa Fukushima vừa xảy ra ở nước láng giềng Nhật Bản cũng không làm họ nhụt chí. Tổng thống Hàn Quốc, Lee Myung-bak, người bảo vệ nhiệt thành công nghiệp hạt nhân, từng phát biểu : « Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác. Không có hạt nhân, giá điện sẽ tăng 40% » .
Đúng là Hàn Quốc, một đất nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, đang muốn giảm sự lệ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng. Trong hoàn cảnh đó, phát triển hạt nhân được coi là động cơ mới cho tăng trưởng của nền kinh tế đứng hàng thứ 4 ở châu Á này. Nhưng không chỉ thế, Hàn Quốc còn muốn đi xa hơn với tham vọng trong những năm tới, công nghệ hạt nhân sẽ còn trở thành một mặt hàng xuất khẩu của nước này.
Theo Libération, hiện tại Hàn Quốc có 21 lò phản ứng hạt nhân. Từ nay đến năm 2030 con số này sẽ tăng gần gấp đôi. Nên nhớ là tất cả các lò phản ứng hạt nhân đang vận hành của Hàn Quốc hiện nay đều được xây dựng nhờ sự trợ giúp công nghệ của Mỹ và Pháp. Chỉ từ giữa những năm 1990, Hàn Quốc mới bắt đầu có kế hoạch tự xây dựng lò phản ứng của riêng mình và tính đến khả năng sẽ làm chủ toàn bộ công nghệ, để tiến tới xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân.
Seoul có tham vọng từ nay đến năm 2030 trở thành nước thứ 3 xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân, sau Hoa Kỳ và Pháp, với 80 lò phản ứng hạt nhân, để có thể chiếm 1/5 thị phần thế giới. Bước thắng lợi đầu tiên của Hàn Quốc trên thị trường điện hạt nhân, đó là các nhà chế tạo của châu Á đã giành trên tay Areva, người khổng lồ Pháp trong lĩnh vực xây lò hạt nhân, hợp đồng trị giá hơn 14 tỷ đô la xây bốn nhà máy điện hạt nhân tại Abou Dhabi, mỗi nhà máy có công suất 1400 megawat.
Hồi đầu tháng Tư này, Kepco, tập đoàn điện lực Nhà nước của Hàn Quốc thông báo đang đàm phán với Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để xây dựng thêm 4 lò phản ứng hạt nhân mới. Công ty cũng cho biết đang thương lượng với Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Ấn Độ và Kazakhstan để bán các lò phản ứng hạt nhân.
Thế mạnh của Hàn Quốc đó là tốc độ xây dựng nhanh. Về mặt này khó có thể cạnh tranh được với tập đoàn khổng lồ như Samsung, Hyundai. Một yếu tố khác giúp ngành công nghiệp hạt nhân Hàn Quốc cạnh tranh thành công đó là giá thành.
Nhưng Libération cũng nhận thấy những trở ngại trong các dự án đầy tham vọng của Seoul. Hình ảnh tươi sáng của ngành công nghiệp hạt nhân cũng bị ảnh hưởng phần nào trong những tháng gần đây sau một loạt sự cố, tuy không lớn, ở nhiều nhà máy điện hạt nhân của nước này. Các cuộc tranh luận về độ an toàn cũng bắt đầu xuất hiện trong nước. Tờ báo kết luận, để trở thành nhà xuất khẩu lớn công nghệ hạt nhân, trước hết Hàn Quốc phải chứng minh họ đã đạt được « văn hóa an toàn » ngay trong lãnh thổ của mình.
Chi tiêu quốc phòng của thế giới 2001 giảm
Viện nghiên cứu Quốc tế vì Hòa bình Stockholm (Sipri) vừa công bố báo cáo cho thấy chi tiêu quốc phòng của cả thế giới trong năm 2011 đã chững lại rõ nét. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn là nước có mức tăng ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới. Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay có bài đề cập đến những con số chi tiêu quân sự của các cường quốc trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.
Theo báo cáo của Sipri, chi tiêu cho quốc phòng của thế giới được ước tính khoảng 1740 tỷ đô la, tức là tăng khoảng 0,3 % trong một năm. Mức tăng này đã giảm đi rõ rệt so với tỷ lệ tăng trung bình hàng năm trong suốt thập kỷ 2000 là 4,5% .
Theo Les Echos, lý do chính khiến mức tăng chi tiêu quân sự của cả thế giới chững lại đó là do những quyết định của Hoa Kỳ, quốc gia có ngân sách quốc phòng 711 tỷ đô la, tức là 40% ngân sách quốc phóng toàn thế giới. Để giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước, chính quyền Obama thông báo rút bớt quân tại Irak và Afghanistan, đồng thời giảm tổng cộng 487 tỷ chi tiêu quốc phòng trong vòng 10 năm tới. Chủ trương kham khổ này đã có hiệu quả. Năm ngoái, lần đầu tiên kể từ năm 1998, chi tiêu quốc phòng của Hoa Kỳ đã giảm 1,2%.
Nhưng vẫn theo nhật báo kinh tế này, châu Âu còn đi trước Hoa Kỳ trên con đường này. Ngay từ năm 2009, các nước Đông Âu đã bắt đầu thực hiện cắt xén bớt chi tiêu cho súng ống, sau đó phần tây của lục địa này cũng đã làm theo. Ngoài nước Anh, chi phí quốc phòng của Pháp và Đức trong vòng một thập kỷ nay không tăng, mà còn giảm đi.
Theo báo cáo của Sipri, ngoài các tiểu vưong quốc vùng Vịnh, vốn là khách hàng lớn của công nghiệp quốc phòng, còn thấy nổi lên những nước vẫn chi tiêu mạnh tay cho quốc phòng. Đó là trường hợp của Brazil và Ấn Độ, những nước vẫn muốn duy trì tham vọng trong khu vực.
Một cường quốc quân sự khác là Nga vẫn giữ mức tăng đều. Buộc phải thay thế các vũ khí đa phần còn sót lại của thời Liên Xô cũ, ông Vladimir Putin muốn dành 750 tỷ đô la từ nay đến năm 2020 để hiện đại hóa quân đội. Mức chi tiêu quân sự này của Nga bằng cả ngân sách quốc phòng của hai nước Pháp và Anh gộp lại.
Cuối cùng phải kể đến Trung Quốc, được cho là nhà vô địch trong cuộc chạy đua vũ trang. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 170% trong thập kỷ qua. Có số này của Viện nghiên cứu của Thụy Điển được cho là vẫn còn thấp hơn thực tế. Lý do để Trung Quốc không tiếc tiền chi cho quân sự chính là tham vọng xây dựng một đội quân hùng hậu nhất thế giới. Những chương trình lớn của Trung Quốc như đóng tàu sân bay, chế tạo tên lửa đạn đạo chống tàu chiến, máy bay tàng hình …có thể chứng minh cho điều đó.
Tất cả những việc làm này của Trung Quốc chỉ càng làm tăng thêm lo ngại cho các nước láng giềng xung quanh và cả Hoa Kỳ. Liệu tham vọng quốc phòng của Trung Quốc có gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực hay không ? Theo nhận định của viện Sipri thì không, vì không phải nước nào trong khu vực cũng lo sợ sự gia tăng sức mạnh của Bắc Kinh.
Tư tưởng bệnh hoạn của sát thủ Ander Breivik
Một thời sự khác cũng được các báo Pháp chú ý nhiều, đó là phiên toà xét xử sát thủ người Na Uy, Ander Breivik, thủ phạm của vụ đánh bom tại trung tâm thủ đô Oslo và xả súng kinh hoàng trên đảo Utoeya hồi tháng Bảy năm ngoái, làm 77 người chết.
Theo Le Figaro, ngày thứ 2 ra tòa, Breivik vẫn lạnh lùng bảo vệ hành động man rợ của mình là « cần thiết » và đáng sợ hơn, sát thủ này khẳng định « tôi vẫn sẽ làm lại điều đó » vì « các cuộc tấn công ngày 22/07 là hành động ngăn ngừa để bảo vệ những người Na Uy thuần chủng ». Trước toà, không ít lần thủ phạm nhắc lại rằng các hành động tàn sát của mình là « tàn bạo nhưng là cần thiết ».
Sát thủ Breivik còn phát biểu , đối với y « bị bỏ tủ nốt thời gian còn lại trong đời hay là chết cũng như là tuẫn tiết với dân tộc và đó là danh dự và nghĩa vụ ». Một nhãn quan bệnh hoạn đã gây bàng hoàng thêm một lần nữa cho cử tọa trong phiên tòa, gồm phần đông là những người sống sót và gia đình nạn nhân của vụ thảm sát.
Thủ phạm đã định biến phiên toà để biện minh và tuyên truyền cho những ý tưởng điên rồ nhất của y. Điều này đã gây sốc mạnh cho dư luận Na Uy. Bản án sẽ được tuyên vào trong khoảng tháng Bảy. Bị cáo có thể sẽ bị đưa vào cơ sở tâm thần khép kín để theo dõi suốt đời, hoặc bị kết án tối đa 21 năm tù. Án tù này có thể kéo dài nếu phạm nhân vẫn bị đánh giá là đối tượng nguy hiểm.
Những vụ ăn chơi Berlusconi bị lôi ra chốn pháp đình

Vẫn chuyện tòa án, Le Figaro quan tâm đến phiên tòa xét xử những vụ ăn chơi sa đọa của cựu thủ tướng Ý Silvio Berlusconi với bài viết : « Những bí mật thác loạn ra trước pháp đình ».
Hai năm sau vụ bê bối về những buổi ăn chơi thác loạn của thủ tướng Ý khiến báo giới quốc tế đã tốn không ít giấy mực, hôm 6/4 vừa rồi phiên tòa xét xử thủ tướng tỷ phú Silvio Berlusconi vì tội lạm dụng quyền lực, quan hệ mãi dâm với trẻ vị thành niên đã được mở ra tại Ý. Tổng số 32 người mẫu, nghệ sĩ, ngôi sao truyền hình, gái gọi được triệu ra trước tòa để trả lời về những buổi thác loạn được ông Berlusconi tổ chức tại tư dinh sang trọng ở Arcore.
Các cô đã tiết lộ không ít những bí mật của các buổi ăn chơi tới bến của thủ tướng Ý. Tất cả các nhân chứng đều nói họ được mời đến tham dự những ngày hội xa xỉ này và được chủ nhân tặng rất nhiều quà và tiền. Tuy nhiên, không một cô nào nhận có quan hệ tình dục với ông Berlussconi. Ruby, nhân vật trung tâm của phiên tòa, vẫn chưa tới phiên thẩm vấn. Trong khi đó luật sư của Berlusconi vẫn khẳng định đây là vụ việc dàn dựng hoàn toàn.
Olympic Luân Đôn 2012, iđiển hình về công tác chuẩn bị
Còn đúng 100 ngày nữa, Nữ Hoàng Anh sẽ chính thức tuyên bố khai mạc Thế vận hội mùa hè. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài cho thấy Luân đôn cũng như cả nước Anh đã sẵn sàng để đón sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này.
Luân đôn là thành phố duy nhất có vinh dự được tổ chức 3 lần Thế vận hội mùa hè. Không hoanh tráng, đồ sộ và tốn kém như Thế vận hội Bắc Kinh, nhưng Olympic Luân Đôn 2012 có những nét độc đáo riêng của mình, đó là những công trình phục vụ cho đại hội thể thao được xây dựng có tính đến hiệu quả kinh tế lâu dài của nó. Theo tờ báo, tháng trước, sau khi đi thăm các công trình chuẩn bị cho Thế vận hội lần này, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Jaques Rogge đánh giá Luân Đôn đã tạo được một « hình mẫu » trong việc tổ chức Thế vận hội. Ngân sách để chuẩn bị cho thế vận hội Luân Đôn lần này là 9,5 tỷ bảng Anh.
Điểm độc đáo của các công trình sân vận động , nhà thi đấu cho Thế vận hội Luân Đôn lần này là phần lớn đều được xây dựng theo mô hình tháo lắp, dự tính có thể sử dụng lại cho các kỳ Olympic sau hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Mặc dù từ nay đến ngày khai mạc chính thức 27/7 vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng có thể nói thành phố Luân Đôn đã sẵn sàng để đón 14.700 vận động viên (có tính cả các vận động viên tham dự Thế vận hội người khuyết tật) tới tranh tài tại 37 địa điểm thi đấu, 21000 nhà báo và hàng ngàn quan khách, cùng hàng triệu du khách. Dự kiến sẽ có 4 tỷ khán giả theo dõi trực tiếp qua truyền hình lễ khai mạc. Hiện tại, hai mối quan tâm chính của thủ đô Anh Quốc là giao thông và an ninh. Lực lượng giữ gìn trật tự cho Thế vận hội sẽ huy động khoảng 40 nghìn người.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120418-han-quoc-trien-vong-tro-thanh-cuong-quoc-hat-nhan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten