Quan chức nhà nước cũng vậy
HÀ NỘI (NV) -Một cuộc thăm dò tại Việt Nam cho thấy hầu hết dân Việt Nam, kể cả viên chức nhà nước, đều mong muốn một nền kinh tế thị trường thay vì bất kỳ một mô hình nào khác.
Dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan của công ty cà phê lớn nhất Việt Nam, Trung Nguyên, ở tỉnh Bắc Giang. Một năm Việt Nam xuất cảng khoảng 1.2 triệu tấn cà phê hột. Ðại đa số người Việt Nam muốn đất nước đi theo “kinh tế thị trường” thật sự. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images) |
Tỷ lệ 87% ưa chuộng thị trường được đưa ra trong một bản khảo cứu công bố ở Hà Nội hôm Thứ Sáu có tựa đề “Báo cáo nghiên cứu về cảm nhận của người dân Việt Nam về vai trò của nhà nước và thị trường ở Việt Nam (CAMS 2011).”
Nhóm tổ chức nghiên cứu đã mở cuộc thăm dò dư luận qua cuộc phỏng vấn 1,000 công ty lớn nhỏ, 500 cán bộ nhà nước, 100 đại diện báo chí và nhân viên các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Ðây là đợt thăm dò dư luận do Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Ðại Sứ Quán Ireland tại Việt Nam tổ chức.
Theo những gì thấy tường thuật trên một số tờ báo như Tuổi Trẻ, Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, Lao Ðộng, thì “có đến 87% người trong tổng số hơn 1,000 người tham gia trả lời cho rằng mô hình kinh tế thị trường ưu việt hơn bất kỳ mô hình kinh tế nào khác.”
Ngược lại, “chỉ có gần 7% cho rằng mô hình kinh tế nhà nước ưu việt hơn mô hình kinh tế thị trường và hơn 6% cho rằng mô hình kinh tế nhà nước hay thị trường không quan trọng.”
Ðây là một sự trả lời rõ rệt cho nhà cầm quyền đang thực hiện các kế hoạch “kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” là người ta “ủng hộ mạnh mẽ đối với mô hình kinh tế thị trường.”
Bản tin tường thuật của TBKTVN phân tích ra cho thấy “Nhóm cơ quan báo chí có tỷ lệ ủng hộ cao nhất với 97% cho rằng kinh tế thị trường là ưu việt, tiếp theo là nhóm cơ quan chính phủ, các bộ, ngành và UBND và các sở ngành cấp tỉnh (92%), nhóm doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp nhà nước) và các cơ quan đảng ở trung ương là tương tự nhau (86-87%).Tuy nhiên, chỉ có 75% số người trả lời của nhóm là đại biểu Quốc Hội và người làm việc tại các cơ quan của Quốc Hội cho rằng mô hình kinh tế thị trường là ưu việt, trong khi cũng chỉ có 83% số người thuộc nhóm doanh nghiệp gồm tư nhân trong nước và tư nhân nước ngoài ở Việt Nam cho rằng kinh tế thị trường là ưu việt; thấp hơn mức trung bình và thấp hơn khá nhiều so với nhóm thuộc kinh tế nhà nước.”
Chẳng vậy, bản khảo cứu chỉ ra cho thấy cứ 4 người thì chỉ có một người là tin tưởng “nên kinh tế Việt Nam cơ bản là nền kinh tế thị trường.”
Theo bà Phạm Chi Lan, một thành viên của nhóm nghiên cứu, có thể là phần lớn hàng hóa thiết yếu tiêu thụ bởi các hộ gia đình chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh độc quyền, thống lĩnh thị trường (như điện, xăng dầu, ngoại tệ, vàng, đất đai, các nguyên liệu cơ bản, dịch vụ tài chính, hàng không, đường sắt...) nên người dân lo ngại về hệ quả xấu, nếu nhà nước không có sự kiểm soát tốt. Ðây là một nghịch lý vì người dân quá điêu đứng bởi lạm phát nên lại muốn nhà nước can thiệp để “bình ổn giá.”
“Cảm nhận của người dân ở phần này của cuộc điều tra một lần nữa phản ánh bức tranh nửa sáng nửa tối của hệ thống kinh tế Việt Nam, trong đó vai trò của nhà nước và thị trường trong các hoạt động kinh doanh và trong việc quyết định giá cả không rạch ròi.
“Chính do thực tế nhà nước còn trực tiếp tham gia hoặc can thiệp vào rất nhiều hoạt động kinh doanh, quyết định giá cả của nhiều mặt hàng lớn, nên người dân nhìn nhận không rõ vai trò của thị trường, và tin vào sức mạnh của nhà nước khi can thiệp vào giá cả có thể bảo vệ cho mình khỏi những bất lợi do biến động thị trường.” Bản tin của TBKTVN viết. “Mặt khác, với hệ thống thông tin còn kém minh bạch hiện nay, phần lớn người dân cũng không có nhiều thông tin để biết được nguyên nhân cốt lõi của những biến động thị trường gây bất lợi cho họ là từ đâu, trong khi số lớn các quan chức nhà nước và truyền thông thường che giấu những khiếm khuyết của nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trong các hoạt động kinh doanh và đổ trách nhiệm cho thị trường về những biến động tiêu cực.”
Theo nhóm nghiên cứu kết luận “rõ ràng sự can thiệp của nhà nước theo cách đã làm chưa hẳn đã là phương thuốc đúng và hiệu lực, hiệu quả để ổn định thị trường.”
Báo Lao Ðộng dẫn lời ông Nguyễn Minh Phong, một chuyên viên kinh tế, cho rằng phần lớn các công ty quốc doanh nắm độc quyền nhiều ngành từ sản xuất đến thương mại là “không chấp nhận cạnh tranh” và tiếp tục để quốc doanh “lũng đoạn giá cả.”
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=147371&zoneid=1
Geen opmerkingen:
Een reactie posten