Tiểu sử ca sĩ Thanh Tuyền
Cuộc sống tại Đà Lạt trước năm 1964
Phạm Như Mai sinh ngày 29 tháng 10 năm 1947 trong một gia đình nghèo có 16 người con tại thành phố Đà Lạt, và bà là con gái đầu trong gia đình ấy. Một trong những em gái của bà là nữ ca sĩ Sơn Tuyền, sinh vào năm 1960.
Lên trung học, bà thi đậu vào trường nữ Bùi Thị Xuân danh tiếng nhất thành phố sương mù ngày ấy, cố gắng học giỏi để trở thành một giáo viên. Từ nhỏ bà đã có lòng say mê ca nhạc, nên vào lúc chỉ mới 11 tuổi (1959), Như Mai đã đoạt giải Thần đồng Đà Lạt với phần trình diễn một trong số các ca khúc mới nhất của nhạc sĩ Lam Phương là Nắng Đẹp Miền Nam.
Đầu thập niên 1960, khi còn đang đi học, bà được nhận vào hát ở đài phát thanh, đồng thời được người cậu chỉ dẫn nhạc lý sơ cấp. Trong một lần thu thanh tại đài phát thanh ca khúc Vọng Gác Đêm Sương của nhạc sĩ Mạnh Phát, được chính nhạc sĩ Mạnh Phát tình cờ nghe được và nhận ra những tiềm năng của cô nữ sinh đến từ Đà Lạt, sau đó nói lại với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông – Giám đốc hãng đĩa Continental. Nghe lời đồng nghiệp, vị đại tá đích thân đến Đà Lạt để nghỉ dưỡng và cũng đồng thời tự mình kiểm chứng điều mà nhạc sĩ Mạnh Phát nói với ông, và kết quả là nhạc sĩ đã khám phá ra tài năng của bà và mời bà về Sài Gòn để ươm mầm và phát triển tài ca hát của Thanh Tuyền.
Sau này, ca sĩ Thanh Tuyền đã chia sẻ rằng, ngoài nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã hết lòng nâng đỡ cô rất nhiều trong những bước đầu của sự nghiệp, cô còn mang ơn đôi vợ chồng nghệ sĩ Mạnh Phát – Minh Diệu rất nhiều. Đây là đôi song ca nổi tiếng trên đài Pháp Á từ thập niên 1940, và họ đã truyền lại hết những kiến thức và kinh nghiệm cho cô ca sĩ trẻ đến từ Đà Lạt mà họ xem như là con gái ở trong nhà.
Ca khúc đầu tiên được ca sĩ Thanh Tuyền thu trong đĩa nhựa là Dấu Chân Kỷ Niệm (sáng tác bởi nhạc sĩ Mạnh Phát), ngay lập tức đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả. Cô cũng góp mặt lần đầu tiên trong một chương trình nhạc của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương trên đài truyền hình và liên tục trong nhiều chương trình khác.
Mặc dù là học trò của Nguyễn Văn Đông và độc quyền cho hãng Sơn Ca và Continental của nhạc sĩ này, nhưng Thanh Tuyền vẫn được cho phép hát cho các hãng khác, đặc biệt là vào năm 1966, khi cô bắt đầu cộng tác với hãng đĩa Asia Sóng Nhạc và Hãng Dĩa Việt Nam, tên tuổi Thanh Tuyền vụt sáng với rất nhiều ca khúc ăn khách, nhất là Đà Lạt Hoàng Hôn và Nỗi Buồn Hoa Phượng, những bài hát đã khẳng định được tên tuổi và vị trí của Thanh Tuyền đối với công chúng
Chưa đầy hai năm sau, tức tới năm 1966, Thanh Tuyền đã là một cái tên sáng giá trong làng nhạc Sài Gòn, nhưng cô chỉ thu dĩa và hát cho đài phát thanh. Sau đó cô mới đủ tuổi hát phòng trà và đặt chân vào hát tại các vũ trường như Tự Do, Maxim’s… Thời đỉnh cao, Thanh Tuyền cho biết cô hát cho 6 phòng trà mỗi đêm. Sau khi đã có chỗ đứng trong làng tân nhạc, Thanh Tuyền lại được nhạc sĩ, kiêm soạn giả Viễn Châu dìu dắt tập ca vọng cổ và đã có những thành công nhất định với giọng hát truyền cảm ngọt ngào. Vì vậy, hãng dĩa Hồng Hoa đã mời cô thu liên tiếp nhiều dĩa hát tân cổ nhạc và được giới hoan nghênh nhiệt liệt, như Dấu Chân Kỷ Niệm, Chuyện Tình Người Đan Áo, Phố Vắng Em Rồi, Nỗi Buồn Gác Trọ...
Khoảng năm 1967 - 1968, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ghép đôi Thanh Tuyền và Chế Linh trong ca khúc Hái Hoa Rừng Cho Em sáng tác bởi nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân, thu trong băng nhạc Nhạc Hồng Tình Yêu bởi hãng Continental, trở thành đôi song ca nhạc vàng được yêu thích nhất từ trước đến nay. Những hãng đĩa khác sau đó đã tiếp tục khai thác cặp đôi song ca này, cũng như hàng loạt ca khúc được sáng tác để Chế Linh – Thanh Tuyền song ca, đó là Con Đường Xưa Em Đi, Phút Cuối, Tình Bơ Vơ... Năm 1968, khi Thanh Tuyền tròn 21 tuổi, bà chính thức lên xe hoa, không còn hát ở các phòng trà nữa mà chỉ tiếp tục hát trong băng đĩa.
Năm 1970, Thanh Tuyền đoạt hai giải Kim Khánh là nữ ca sĩ được yêu thích nhất và album được yêu thích nhất trên báo Trắng Đen do khán thỉnh giả bình chọn. Năm 1972, cửa hàng băng đĩa Thúy Nga phát hành cuốn băng đầu tiên mang tên Tiếng Hát Thanh Tuyền 1. Đây cũng là băng nhạc đầu tiên thu thanh chỉ đúng một giọng hát trong nguyên băng nhạc gồm 18 ca khúc. Thanh Tuyền cho biết lúc đó cô thân với bà Thúy (giám đốc trung tâm Thúy Nga sau này), và cuốn băng này chỉ được thu một cách ngẫu hứng mà cô không nghĩ nhiều đến hậu quả. Không ngờ cuốn băng cối (magnetic) Tiếng Hát Thanh Tuyền 1 này bán rất chạy, làm tiền đề cho sự phát triển của trung tâm Thúy Nga cho đến tận ngày nay. Nhưng đổi lại, Thanh Tuyền cũng chịu một sự trừng phạt lớn là bị thầy Nguyễn Văn Đông từ mặt suốt hai năm vì lý do thu âm cho một trung tâm khác mà không hỏi ý kiến ông, bởi lúc đó Thanh Tuyền vẫn là học trò và là ca sĩ độc quyền của Continental.
Từ năm 1972 đến năm 1974, theo các cuộc trưng cầu ý kiến độc giả của nhật báo Trắng Đen, Thanh Tuyền đều được bình chọn là nữ ca sĩ ăn khách nhất.
Sau thành công của băng nhạc Tiếng hát Thanh Tuyền 1, Thanh Tuyền đã thu âm tiếng hát Thanh Tuyền 2 bán cho Hãng dĩa Việt Nam để phát hành. Hãng đĩa Việt Nam tiếp tục mời Thanh Tuyền thực hiện tiếng hát Thanh Tuyền 3, Thanh Tuyền 4 cho đến năm 1975.
Theo Wikia Thúy Nga Đàng Sa Long
Geen opmerkingen:
Een reactie posten