50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Bài học lớn cho Việt Nam
- Mỹ Hằng
- BBC News Tiếng Việt
Có bốn bài học lớn mà giáo sư Toshi Yoshihara từ Đại học Georgetown, Mỹ, chỉ ra khi nhìn lại sự kiện Hải chiến Hoàng Sa 50 năm trước khiến 74 chiến sĩ VNCH tử trận và Hoàng Sa nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc cho tới nay.
BBC News Tiếng Việt kết hợp thông tin từ cuộc phỏng vấn với giáo sư Toshi Yoshihara và nghiên cứu của ông mang tên ‘Hải chiến Hoàng Sa 1974: Đánh giá về chiến dịch’ xuất bản năm 2016 để đưa ra cái nhìn chi tiết hơn về bốn bài học này.
Vai trò của bên thứ ba
Hiệp định Paris năm 1973 và cuộc rút quân của Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam đã làm giảm sự tham gia của Mỹ vào số phận của Sài Gòn. Gánh nặng khi đó đổ lên vai Sài Gòn: tự lo liệu an ninh chủ quyền, giáo sư Toshi chỉ ra trong nghiên cứu năm 2016.
Dù vậy, Sài Gòn vẫn là đồng minh của Mỹ. Bất kỳ hỗ trợ ngoại giao hoặc quân sự nào của Mỹ cho VNCH gần như chắc chắn sẽ làm thay đổi cục diện chiến lược và cán cân quyền lực trong khu vực. Tầm quan trọng của việc giữ chân Mỹ ở ngoài, ngay cả khi sự tham gia của Mỹ được coi là khó xảy ra, có lẽ đã định hình việc Trung Quốc hành động như thế nào ở quần đảo Hoàng Sa.
Các tài liệu gần đây của Trung Quốc cho thấy những người ra quyết định ở Bắc Kinh đã cân nhắc cẩn thận nguy cơ Mỹ can thiệp ở quần đảo Hoàng Sa bởi họ đã nghiền ngẫm từng động thái, giáo sư Toshi viết trong nghiên cứu.
Theo Đô đốc Khổng Chiếu Niên, khi đó là Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, nguyên tắc không nổ súng trước phần nào phản ánh những lo ngại của nước này về sự can thiệp của bên thứ ba.
Bằng cách để Hải quân Việt Nam Cộng Hòa nổ súng trước, Trung Quốc có thể biến VNCH thành kẻ gây hấn, từ đó đẩy Mỹ vào thế khó về ngoại giao. Trung Quốc vì thế đã luôn tuyên truyền về cuộc hải chiến như một ‘cuộc tự vệ phản kích’. Ngược lại, nếu Trung Quốc nổ súng trước thì việc này có thể cho Mỹ một lý do rõ ràng hơn để ủng hộ Sài Gòn.
Sự thận trọng như vậy của Trung Quốc kéo dài đến sau cuộc hải chiến. Lúc bấy giờ, trên đà chiến thắng, Trương Nguyên Bồi, tư lệnh Hạm đội Nam Hải, đã ra lệnh cho tàu chiến đuổi theo và đánh chìm tàu VNCH đang bỏ chạy, nhưng Tư lệnh Quân khu Quảng Châu Hứa Thế Hữu đã phản đối chỉ thị này do lo ngại phản ứng từ Mỹ sẽ dẫn đến sự leo thang trong khu vực.
Bối cảnh địa chính trị khi đó trao cho Trung Quốc cơ hội chiến lược, theo giáo sư Toshi.
Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam năm 1973 nhưng trước đó đã bắt đầu mối quan hệ với Trung Quốc vào năm 1972. Thời điểm đó, Washington và Bắc Kinh đều rất mong lôi kéo bên kia vào một tình hữu nghị để thúc đẩy các mục tiêu chung trong thế đối trọng với Liên Xô. Mỹ đồng thời đang muốn rút khỏi Chiến tranh Việt Nam.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, giáo sư Toshi rút ra kết luận: “Việc không có sự can thiệp từ bên thứ ba là yếu tố quyết định đến thành công chiến lược của Trung Quốc trong Hải chiến Hoàng Sa.
“Bài học ở đây là đánh giá của Bắc Kinh về can thiệp của bên thứ ba, đặc biệt là Mỹ, sẽ có ảnh hưởng lớn đến tính toán của họ trong các quyết định về việc sử dụng vũ lực.”
Cách phản ứng với tàu Trung Quốc
Từ kết cục của Hải chiến Hoàng Sa, giáo sư Toshi cho rằng các nước đối thủ cùng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cần cẩn trọng về các phản ứng của họ đối với tàu thăm dò của Trung Quốc.
So sánh hành vi của Trung Quốc trong vụ Bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines năm 2012, giáo sư Toshi nhận xét “giống hệt với hành vi của nước này trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 với Việt Nam”.
Trong cả hai trường hợp, Bắc Kinh đều dùng các tàu cá làm mồi nhử và đều đợi phía bên kia vượt qua lằn ranh đỏ trước khi ‘ra tay’ hành động theo hướng có lợi cho mình, giáo sư Toshi phân tích trong nghiên cứu năm 2016.
Liệu Trung Quốc có tìm cách để dẫn dụ đối thủ hành động trước hay không vẫn chưa rõ ràng. Nhưng khi ‘hành động sau’, Trung Quốc đặt mình ‘trên cơ’ về mặt đạo đức để đạt thêm các tham vọng lãnh thổ, giáo sư Toshi phân tích.
“Năm 1974, Trung Quốc đã khiến Nam Việt Nam nổ súng trước, việc này trao cho giới lãnh đạo Trung Quốc cái cớ để phản công. Bài học ở đây là các nước đối thủ cần cẩn trọng, không phản ứng thái quá, hoặc không phải ứng theo cách có thể cho Bắc Kinh cái cớ để leo thang xung đột.
“Sự kiềm chế và kỷ luật về mặt chiến thuật là đặc biệt quan trọng bởi Trung Quốc rất muốn leo thang thống trị đối với các đối thủ yếu hơn,” ông Toshi nói với BBC.
Bên yếu hơn vẫn có thể thắng
So sánh chiến thắng của Trung Quốc trước Việt Nam với chiến thắng của David bé nhỏ trước người khổng lồ Goliath trong Kinh Thánh chỉ bằng một cái ná bắn đá và một con dao găm, giáo sư Toshi chỉ ra rằng lực lượng của Trung Quốc trong Hải chiến Hoàng Sa 1974 thực ra yếu thế và dễ tổn thương hơn của VNCH.
Chẳng hạn, tàu khu trục Nam Ninh, một tàu chiến cũ của Hải quân Đế quốc Nhật Bản được cải tạo lại, đã quá hạn sử dụng. Ba tàu khu trục Type 065 chưa sẵn sàng cho các nhiệm vụ trên biển.
Các tàu tấn công nhanh có phạm vi hoạt động hạn chế. Chỉ có tàu săn tàu ngầm và tàu quét mìn mới sở hữu tầm hoạt động đủ để có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra biển.
Tàu săn tàu ngầm lớp Kronshtadt, tàu quét mìn và tàu săn ngầm lớp Hải Nam lần lượt có tải trọng chỉ 310, 500 và 500 tấn. Tất cả đều chỉ được trang bị pháo với cỡ nòng nhỏ hơn tàu Việt Nam. Ngay cả tàu lớn nhất của hải quân Trung Quốc cũng nhỏ hơn tàu nhỏ nhất của VNCH.
Trong khi đó, Hải quân VNCH thực sự vượt trội về quy mô và hỏa lực so với Hải quân Trung Quốc.
HQ-4 có tải trọng gần 1.600 tấn và được trang bị hai khẩu pháo 76 ly; HQ-5 và HQ-16 mỗi tàu có tải trọng 1,766 tấn và được trang bị một khẩu pháo 127 ly; HQ-10 có tải trọng 650 tấn, pháo 76 ly.
Thế nhưng Trung Quốc vẫn thắng.
Thành công này có được là nhờ phần lớn từ sự kém cỏi và sai lầm của Việt Nam và từ sự điêu luyện trong chiến thuật của Trung Quốc, theo nhận định của giáo sư Toshi.
Theo giáo sư Toshi, một số nhà phân tích Trung Quốc đã chỉ ra sai lầm của Hải quân VNCH khi chia nhỏ đội tàu của mình trong lần tiếp cận đầu tiên vào sáng 19/1/1974.
Nếu VNCH tập trung lực lượng và hỏa lực thì họ đã có thể lần lượt hạ gục các tàu chiến của Trung Quốc. Đồng thời, quyết định tấn công các vị trí của Trung Quốc từ cự ly gần là thiếu thận trọng. Khoảng cách gần phát huy thế mạnh của đối thủ trong khi làm giảm lợi thế của hải quân VNCH về tầm bắn và hỏa lực.
Nếu VNCH tấn công quân Trung Quốc từ khoảng cách xa hơn (cứ cho là các thủy thủ đoàn sở hữu các kỹ năng bắn súng cần thiết), họ có thể đã tránh được trận cận chiến vốn mang lại lợi thế hơn cho Trung Quốc. Nói cách khác, một đối thủ có năng lực hơn và phối hợp tác chiến tốt hơn có thể đã làm thay đổi kết cục trận chiến, giáo sư Toshi chỉ ra trong nghiên cứu của ông.
“Số lượng tàu rất quan trọng. Tuy nhiên, ngoài năng lực vật chất, điều quan trọng không kém là việc sử dụng thận trọng, kỷ luật và thông minh những nguồn lực có hạn,” giáo sư Toshi nói với BBC.
Xu hướng chiến tranh hỗn hợp
Giáo sư Toshi cảnh báo rằng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ dùng mọi công cụ trên biển, bao gồm cả lực lượng dân quân và bán quân sự - mà cách gọi trong thời hiện đại là ‘chiến tranh hỗn hợp’ - để đạt được các mục đích về lãnh thổ.
“Năm 1974, các tàu cá và dân quân Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ các giai đoạn của cuộc hải chiến,” ông nói.
Dẫn chứng hai ví dụ tương tự - Trung Quốc tiếp tục sử dụng các công cụ phi hải quân để gây áp lực không ngừng lên Philippines quanh Bãi Cỏ Mây và lên Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, giáo sư Toshi cho rằng các nước “nên sẵn sàng trước khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng các công cụ phi quân sự như một lựa chọn đầu tiên trong các xung đột tương lai trên Biển Đông”.
Cụ thể, trong nghiên cứu xuất bản năm 2016, giáo sư Toshi nêu chi tiết cách thức Trung Quốc phối kết hợp lực lượng dân quân và tàu cá góp phần vào chiến thắng trong Hải chiến Hoàng Sa 1974.
Theo đó, lực lượng dân quân Trung Quốc đóng trên đảo Phú Lâm đã hành động ngay khi có lệnh vào phút chót.
Giống một lực lượng phản ứng nhanh, dân quân Trung Quốc tràn vào các hòn đảo phía đông nam của nhóm đảo Lưỡi Liềm dưới màn đêm, đánh phủ đầu biệt kích VNCH đang cố gắng chiếm các đảo này vào ngày tiếp theo.
Khả năng hành động nhanh chóng và hiệu quả của lực lượng dân quân đã trao cho quân đội chính quy Trung Quốc thêm thời gian để huy động lực lượng trên đất liền. Chính lực lượng này đã tham gia vào việc chiếm giữ các đảo Hữu Nhật và Hoàng Sa, giúp đảm bảo quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Trên biển, các tàu cá 402 và 407 hoạt động như các đội phản ứng nhanh. Trước trận hải chiến nhiều tháng, các tàu cá này luôn hiện diện ở quần đảo Hoàng Sa và cắm cờ trên các đảo. Các tàu này cũng gửi cảnh báo sớm cho đầu não trên bờ khi tàu chiến VNCH mới tiến vào quần đảo Hoàng Sa.
Các chỉ huy trên tàu cung cấp thông tin tình báo chiến thuật cho chỉ huy của Hải quân Trung Quốc trên biển. Số tàu này giúp đưa lực lượng dân quân lên các đảo Quang Hòa, Duy Mộng và Quang Hòa Tây vào đêm trước trận chiến và là phương tiện để quân Trung Quốc đổ bộ lên các đảo mà Việt Nam nắm giữ sau khi tàu chiến của VNCH bỏ chạy.
Ngược lại với sự hiện diện của hải quân có thể bị nhìn nhận là hiếu chiến, các tàu cá mang lại cho Trung Quốc một phương tiện kín đáo để củng cố yêu sách lãnh thổ.
Tính chất dân sự ‘bề ngoài’ của các tàu cá này đã củng cố thêm luận điểm ngoại giao của Bắc Kinh rằng Sài Gòn là kẻ xâm lược. Thực vậy, một báo cáo tình báo Hoa Kỳ chỉ ra “phản ứng quân sự của Sài Gòn đối với việc ngư dân Trung Quốc đi vào nhóm đảo Lưỡi Liềm” như “một bước quan trọng dẫn đến sự leo thang”.
Nhận định này có thể phù hợp với câu chuyện mà Trung Quốc muốn kể, giáo sư Toshi phân tích trong nghiên cứu của ông.
Thách thức phía trước
Mỹ và các đối tác trong khu vực đang đối đầu với một môi trường biển ngày càng cạnh tranh. Hải quân Trung Quốc ngày nay có sức mạnh không thể sánh được so với năm 1974, theo giáo sư Toshi trong nghiên cứu năm 2016.
Về mặt chiến lược, các vai trò đã bị đảo ngược một cách kịch tính: Lực lượng của Trung Quốc vượt trội các nước láng giềng châu Á, bao gồm Việt Nam, với khoảng cách đáng kể.
Hạm đội Nam Hải hiện đóng ở đảo Hải Nam, là nơi neo đậu của các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân và tàu ngầm tấn công hạt nhân.
Đảo Phú Lâm đã phát triển từ một tiền đồn sơ khai cách đây bốn thập kỷ thành nơi các tàu chiến và máy bay chiến đấu xuất phát.
Xa hơn về phía nam, một nhóm đảo nhân tạo mới được tạo ra có đường băng và bến cảng có thể là nơi đồn trú các lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc.
Nhìn chung, Trung Quốc hiện sở hữu sức mạnh quân sự để buộc Hoa Kỳ phải trả giá cho những điều mà các lãnh đạo Trung Quốc chỉ có thể nằm mơ vào năm 1974.
Các tàu khu trục, khinh hạm, tàu tấn công nhanh, tàu ngầm hiện đại của Trung Quốc được trang bị tên lửa hành trình chống hạm tầm xa có thể tấn công từ khoảng cách xa.
Các máy bay, tàu và tên lửa đạn đạo có thể vươn sâu vào Biển Đông, tạo ra vỏ bọc bảo vệ cho các đơn vị hải quân.
Hiệu quả của chiến thuật này cho thấy Trung Quốc có thể lại sử dụng chúng cho các cuộc đối đầu trong tương lai ở Biển Đông.
Mỹ và các nước châu Á nên cảnh giác với viễn cảnh này, giáo sư Toshi cảnh báo trong cuộc trao đổi với BBC.
…
Giáo sư Toshi Yoshihara là thành viên cấp cao tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA). Trước đây ông giữ chức Chủ tịch John A. van Beuren về Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương và là giáo sư về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ. Ông từng là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, ĐH Tufts; Trường Chính sách và Chiến lược Toàn cầu, ĐH California, San Diego; và Khoa Chiến lược, ĐH Chiến tranh Không quân Hoa Kỳ.
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Bài học lớn cho Việt Nam - BBC News Tiếng Việt
Geen opmerkingen:
Een reactie posten