dinsdag 5 november 2019

Phố ‘chợ đêm Mã Lai’ giữa lòng Sài Gòn

Phố ‘chợ đêm Mã Lai’ giữa lòng Sài Gòn

Trần Tiến Dũng/Người Việt

Người phụ nữ bán cà phê dạo cũng khăn trùm đầu y như ở Malaysia, Indonesia, Brunei,… ở khu chợ đêm. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Vào những năm đầu sau biến cố 1975, người Sài Gòn và các tỉnh miền Tây thường thấy những người đàn ông dân tộc Chăm đến khắp các chợ quê bán dược liệu và các loại thuốc nam bào chế khác. Bây giờ không còn thấy cảnh mời mua thuốc của các ông mặt toàn đồ trắng đến từ các làng Chăm vùng Nam Trung Bộ hay Châu Đốc, An Giang nữa.
Ngày nay dường như họ có cả một khu phố đêm để ‘trong vai” người Mã Lai (Malaysia), người cùng tôn giáo Islam, bán hàng cho các du khách Mã Lai và các tiểu thương đến từ các quốc gia Đông Nam Á có dân theo đạo Islam.
Đến phố đêm Mã Lai ở đường Nguyễn An Ninh, Quận 1, người Việt khó phân biệt đâu là người Thái Lan, người Nam Dương (Indonesia), người Mã Lai và người Chăm vì phụ nữ Islam với khăn trùm đầu, đàn ông đội mũ trắng để râu như nhau, có khác chăng là các xe hàng bán trái cây nhiệt đới với vài món ăn khác là người Việt. Nhưng lạ thay, tất cả đều rao hàng bằng tiếng Mã Lai hay các ngôn ngữ khác, vậy nên người Sài Gòn gọi cho gọn mà cũng nhằm phân biệt với phố Tây Phạm Ngũ Lão đây là “phố Mã Lai.”
Các phụ nữ Hồi Giáo Đông Nam Á, cùng mua khăn đúng giá tiền Mã Lai. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Phố chợ đêm Mã Lai từ cửa Tây chợ Bến Thành đến đường Trương Định nằm gọn trong lòng đường Nguyễn An Ninh, với hàng chục cửa hàng và chiếu hàng trên lòng đường.
Khoảng 10 năm trước, thông qua sự kết nối tôn giáo-văn hóa từ các nguồn khách du lịch và tiểu thương người Chăm ở các tỉnh phía Nam mà hình thành phố chợ đêm của du khách và cộng đồng cùng tôn giáo Islam này.
Khách Việt đi chợ đêm Mã Lai khó mà hỏi quê quán ai đó buôn bán ở đây, dù có nghe họ nói bằng tiếng Việt. Nhưng rồi cũng may khi gặp một người phụ nữ đứng tuổi, bà tên là Sophia, người Chăm, gốc từ Châu Đốc, An Giang lên Sài Gòn sinh sống từ thời trước 1975.
Trước kia, mọi người sống tập trung quanh bờ kênh Thị Nghè, khi khu này bị giải tỏa thì họ sống tập trung ở quận Bình Thạnh, một số khác sống quận 6, quận 8, Phú Nhuận…
Một tiệm uống tóc luôn đông khách phụ nữ Mã Lai đến làm đẹp. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Nghe bà kể, chúng tôi nhớ lại khi đến ăn cơm cà ri dê ở đền thờ Hồi Giáo trên đường Nguyễn Trãi, gần chợ Xã Tây, thấy toàn là phụ nữ trùm khăn, lúc đó chúng tôi ngỡ tất cả là du khách Mã Lai chớ đâu biết là trong số họ có cả người Chăm-Hồi Giáo Sài Gòn.
Phố chợ Đêm Mã Lai vào buổi cuối tuần tấp nập người mua kẻ bán đến khuya. Với gần 100 cửa hàng, gian hàng, du khách muốn mua thứ gì cũng có; từ trang phục truyền thống Hijab, những bộ váy kurung baju, đến đồ ăn, thức uống, đồ lưu niệm. Loại tiền thanh toán là đô la Mỹ, tiền Việt nhưng phổ biến nhất là tiền ringgit Malaysia (MYR).
Không có gì ngạc nhiên khi người bà con người Chăm tính tiền Mã Lai, nói tiếng Mã Lai và thông thạo cả trong trường hợp dịch thông qua tiếng Anh và vài ngôn ngữ khác. Điều lạ với khách đi chợ người Việt nhất là phụ nữ, chuyện các cửa hàng bán khăn trùm đầu luôn là hàng bán chạy nhất ở phố đêm này.
Khi tìm hiểu thì khám phá thêm nét văn hóa của người phụ nữ Hồi Giáo, Được một người phụ nữ Chăm đang đi dạo chợ cho biết: “Chúng tôi chỉ không trùm đầu khi tắm rửa, đi ngủ hoặc bỏ khăn nếu có sự đồng ý của chồng hay cha.”
Tiệm phở nấu đúng thực phẩm Halal của người đạo Islam. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Nhưng thú vị nhất là cảnh các người phụ nữ Hồi Giáo đa quốc tịch với khăn trùm đầu… ngồi ăn một quán phở có bảng hiệu là Halal Amin – Phở Muslim. Tất nhiên món phở này đã được bảo đảm đúng loại thực phẩm Halal mà người theo đạo Islam ăn, kể cả các món nấu theo khẩu vị Mã Lai như cơm nấu với nước cốt dừa, cơm ăn với khô cá mặn hay các món ăn vặt khác đều có dán dấu hiệu Halal.
Người Sài Gòn mỗi khi đến phố chợ đêm này đều như được đi du lịch Mã Lai, Nam Dương hay Brunei. Nếu những con đường ở quận 5 hay quận 6 vẫn còn cho thấy bản sắc các phố Tàu “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn,” hay ở đâu đó sâu bên trong những con hẻm trên đường Lê Thánh Tôn là con phố Nhật Bản với các nhà hàng nối cạnh nhau treo đèn lồng, bảng hiệu như bên xứ Hoa Anh Đào, hoặc đã quá quen với con phố Tây Bùi Viện náo nhiệt suốt đêm, thì bây giờ có thêm phố chợ đêm Mã Lai đang nổi lên với bản sắc độc đáo của cộng đồng các dân tộc theo đạo Islam của cả Đông Nam Châu Á. (Trần Tiến Dũng)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/pho-cho-dem-ma-lai-giua-long-sai-gon/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten