zondag 3 november 2019

Thượng Đỉnh ASEAN: Việt Nam cố nêu bật vụ Bắc Kinh xâm lấn Biển Đông + Ấn Độ do dự về sáng kiến RCEP của Trung Quốc + Trung Quốc không vội thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử COC

Thượng Đỉnh ASEAN: Việt Nam cố nêu bật vụ Bắc Kinh xâm lấn Biển Đông

mediaTừ phải sang: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Philippines tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 03/11/2019.REUTERS/Soe Zeya
Tại Thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra tại Thái Lan, Việt Nam đã cố gắng nêu lên vụ Trung Quốc xâm lấn vùng biển Việt Nam trong thời gian gần đây, trong cuộc hai bên ASEAN-Trung Quốc vào hôm nay, 03/11/2019, cũng như tại cuộc họp riêng của 10 nước ASEAN ngày hôm qua 02/11. Tuy nhiên, vấn đề này hầu như vắng bóng trong phần đúc kết Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc.
Theo ghi nhận của báo chí Việt Nam, trong cuộc họp ASEAN-Trung Quốc, hai bên đúng là có đề cập đến vấn đề Biển Đông, những chủ yếu là nhu cầu sớm hoàn tất Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC), duy trì hòa bình ổn định, tuân thủ luật lệ quốc tế…
Từ ngữ duy nhất được cho là có thể gợi đến vụ Trung Quốc xâm lấn Việt Nam là câu “không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982”.
Phải nói là trong cuộc họp, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, cũng chỉ đề cập gián tiếp đến vụ việc.
Sau khi nhắc lại rằng “quan điểm của Việt Nam về tình hình Biển Đông là rất rõ ràng, nhất quán, đã được bày tỏ nhiều lần tại các diễn đàn ở các cấp”, ông Phúc đã cho rằng cần phải “đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không để lặp lại các hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế…”.
Vào hôm qua, trong cuộc họp của riêng giới lãnh đạo ASEAN, thủ tướng Việt Nam có tuyên bố mạnh hơn, nhưng cũng tránh nêu đích danh Trung Quốc, trong khi xác định rằng “Việt Nam quyết tâm và kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong các quan hệ quốc tế nói chung và trong vấn đề Biển Đông nói riêng”.
Một cách cụ thể, ông Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý các đối tác ASEAN rằng: “Vừa qua có những sự việc nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế trên vùng biển khu vực và Việt Nam, tuy mới chấm dứt gần đây nhưng để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN”.
Toàn cảnh chung tại Thượng đỉnh ASEAN cho đến hôm nay cho thấy Việt Nam vẫn là nước có quan điểm cứng rắn nhất đối với Trung Quốc trên Biển Đông.
Tổng thống Philippines, trung thành với quan điểm xích lại gần Bắc Kinh của mình, đã hoàn toàn kín tiếng về những vụ Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước này, sách nhiễu cả tàu đánh cá đến tàu buôn Philippines. Ngược lại ông đã cảnh báo các nước ASEAN khác là phải tránh chọn phe trong cuộc tranh đua Mỹ-Trung hiện nay.
Tổng thống Philippines còn thúc giục các nước ASEAN sớm đúc kết Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông, bất chấp quan điểm thận trọng của các nước như Việt Nam chẳng hạn, đang lo ngại trước các đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh về nội dung bộ Quy Tắc Ứng Xử.
Hãng tin Mỹ AP hôm nay đã trích dẫn nhận định của chuyên gia Greg Poling, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI theo đó “Việc Trung Quốc tiếp tục quấy rối các hoạt động của Malaysia, Philippines và Việt Nam trong năm qua cho thấy là Bắc Kinh chưa sẵn sàng nhượng bộ (trên các đòi hỏi)”.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20191103-thuong-dinh-asean-viet-nam-co-neu-bat-vu-bac-kinh-xam-lan-bien-dong

Thượng đỉnh ASEAN : Ấn Độ do dự về sáng kiến RCEP của Trung Quốc

mediaTừ trái sang: Các thủ tướng Lý Hiển Long (Singapore), Narendra Modi (Ấn Độ), Prayut Chan-O-Cha (Thái Lan) tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 ngày 03/11/2019.Lillian SUWANRUMPHA/AFP
Sáng 03/11/2019, thủ tướng Thái Lan đã khai mạc thượng đỉnh ASEAN với các đối tác, mở đầu cho ba thượng đỉnh diễn ra trong ngày, gồm ASEAN-Trung Quốc lần thứ 22, ASEAN-Ấn Độ lần thứ 16 và ASEAN-Liên Hiệp Quốc lần thứ 10.
Sau lễ khai mạc chính thức là thượng đỉnh giữa ASEAN và Trung Quốc, kéo dài một giờ và là phiên họp được trông đợi nhất trong ngày. Hai bên thông qua ba văn kiện hợp tác về truyền thông, thành phố thông minh, kết nối ASEAN với Sáng kiến Con đường-Vành đai (BRI) của Trung Quốc.
Về hồ sơ thương mại RCEP do Trung Quốc khởi xướng, các cuộc đàm phán sẽ không thể kết thúc được trong năm như mong muốn của Thái Lan, vì Ấn Độ vẫn do dự. Bản báo cáo tổng kết có thể sẽ được đúc kết vào tháng 02/2020, sau đó trình lên lãnh đạo các nước liên quan trong cuộc họp thượng đỉnh lần tới, diễn ra tại Việt Nam.
Thủ tướng Narendra Modi đến thượng đỉnh ASEAN với sức ép lớn từ trong nước, do lo ngại thị trường nội địa sẽ tràn ngập hàng Trung Quốc, đặc biệt là điện thoại di động nếu tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). New Delhi muốn RCEP không chỉ liên quan đến các mặt hàng gia công mà phải gồm cả lĩnh vực dịch vụ, một thế mạnh của Ấn Độ.
ASEAN hướng đến ổn định, thịnh vượng và bền vững
Trước đó, trong bài diễn văn khai mạc thượng đỉnh ASEAN và các đối tác, thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha đặc biệt nhấn mạnh đến « thiết lập ổn định trong khu vực » với nguyên tắc « 3M », tôn trọng lẫn nhau (mutual respect), tin tưởng lẫn nhau (mutual trust), cùng có lợi (mutual benefit) và « giảm đối đầu », tôn trọng luật lệ và quy tắc.
Một mục tiêu khác được nêu lên là hình thành « một khu vực thịnh vượng và bền vững » bằng cách tiếp tục đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và khuyến khích một khối ASEAN đồng nhất mang bản sắc riêng, đặt con người làm trọng tâm trong mô hình tăng trưởng mới.
Ngoài ra, với chính sách « Hành động hướng Đông » (Act East), New Delhi muốn cân bằng ảnh hưởng với Bắc Kinh tại Đông Nam Á, trong bối cảnh các nước ASEAN vừa ký Kế hoạch chỉ đạo kết nối với Sáng kiến Con đường-Vành đai (BRI) của Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191103-thuong-dinh-asean-an-do-do-du-ve-sang-kien-rcep-cua-trung-quoc

Biển Đông : Trung Quốc không vội thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử COC

mediaThủ tướng Thái Lan Chan-O-Cha phát biểu trong lễ khai mạc thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok ngày 03/11/2019.REUTERS/Athit Perawongmetha
Trong bài diễn văn tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc ngày 03/11/2019, cả thủ tướng Thái Lan - nước chủ tịch luân phiên ASEAN, và đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường đều nhắc đến hai hồ sơ lớn là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thủ tướng Lý Khắc Cường hoan nghênh « nỗ lực đàm phán » của hai bên về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), đồng thời cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán với ASEAN, trong đó có bốn nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, gồm Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines.
Đàm phán về bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) là hồ sơ gây bất đồng sâu sắc nhất giữa hai bên, cũng như trong nội bộ ASEAN. Được đưa ra đàm phán từ gần hai thập niên, nhưng các nước Đông Nam Á không có tiếng nói chung trước Trung Quốc và không một đối tác nào gây sức ép thực sự để đạt được văn kiện này, theo như nhận định của chuyên gia Laurent Gédéon với RFI Tiếng Việt :
« Tôi cho rằng về quan điểm của Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh không hẳn nhiệt tình thông qua một bản COC vì văn kiện này sẽ có những điều kiện ràng buộc hơn là bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên (DOC), đang được áp dụng cho các tương tác ở Biển Đông. Trung Quốc tìm cách phòng thủ ở Biển Đông để có thể thực hiện chiến lược « việc đã rồi », đồng thời giúp Bắc Kinh gửi thông điệp không chỉ đến những đối tác trong khu vực, mà còn đến cả những đối tác bên ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, thông qua những hoạt động mà rất khó có thể tiến hành nếu Bắc Kinh ký Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông ».
vi.rfi.fr/chau-a/20191103-bien-dong-trung-quoc-quy-tac-ung-xu-coc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten