Nghệ An: Một huyện có nạn nhân vụ 39 thi thể, mỗi năm nhận kiều hối $200 triệu
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Tính đến hôm 3 Tháng Mười Một, tin cho hay cảnh sát Anh Quốc đã xác nhận một trong các nạn nhân vụ 39 thi thể trong xe vận tải ở Anh là Nguyễn Đình Tứ, con ông Nguyễn Đình Sắt, ngụ ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một phụ nữ được viết tắt tên là H., người nhà anh Tứ, cho biết: “Phía cảnh sát Anh nói trong số 39 nạn nhân, có một nạn nhân có nhiều đặc điểm trùng khớp với Tứ, nhất là vết sẹo ở vai và hình xăm ở cánh tay như mô tả của gia đình. Họ gửi lời chia buồn đồng thời mong muốn gia đình cần bình tĩnh, chờ thêm thời gian để có kết luận chính xác từ xét nghiệm sinh trắc học, ADN.”
Tờ báo cũng cho hay hiện tại, có tám đơn trình báo của các gia đình ở tỉnh Nghệ An đề nghị giúp đỡ, bảo trợ công dân do nghi con họ có thể nằm trong số 39 nạn nhân ở Anh. Tuy nhiên, Tuổi Trẻ viết thêm rằng số gia đình có con “mất liên lạc” khi qua Anh từ ngày 23 Tháng Mười, 2019, “nhiều hơn số đơn trình báo”.
Còn theo báo Zing, lãnh đạo xã Đô Thành cho biết có ít nhất ba gia đình ở địa phương gửi đơn trình báo có con mất liên lạc khi sang Anh Quốc.
Hồi trung tuần Tháng Ba, 2019, báo Nghệ An tường thuật: “Chỉ tính riêng huyện Yên Thành có 15,278 người hiện đang lao động ở nước ngoài. Mỗi năm, con em đi lao động ở Yên Thành gửi về quê hương $200 triệu. Ông Bùi Huy Nhuận ở xóm Đồng Bàu 1 xã Mã Thành cho biết ‘Trước đây vợ chồng tôi rất khó khăn, quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, khoảng tám năm qua, cho hai đứa con đi xuất khẩu lao động ở Đức thì cuộc sống thay đổi. Mỗi năm hai con gửi về khoảng 1 tỉ đồng (khoảng $43,000)’”.
Ở Mã Thành, nhiều gia đình khác như gia đình ông Trần Đình Điểm có ba con đi xuất khẩu lao động ở các nước Đông Âu gửi về từ 1.5 đến 1.8 tỉ đồng/năm (khoảng $65,00–$78,000).
Ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand, bình luận trên trang cá nhân: “Năm ngoái, cả tỉnh Nghệ An vẫn tự hào khoe nhận được kiều hối $250 triệu mỗi năm [trong đó riêng huyện Yên Thành là $200 triệu]. Lao động chui nhiều khi vẫn là một kiểu thỏa thuận Faust [thỏa thuận với quỷ dữ], biết là xấu đấy nhưng vẫn đánh đổi, như Taliban khuyến khích trồng thuốc phiện để bán kiếm nguồn thu ngân sách thôi. Thay đổi thái độ dễ thực hiện bằng lời nói, nhưng để chính quyền bắt tay hành động thì không dễ.” (T.K.)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/nghe-an-mot-huyen-co-nan-nhan-vu-39-thi-the-moi-nam-nhan-kieu-hoi-200-trieu/
‘Làng Tỉ Phú Việt Nam’: Tiền lao động nước ngoài gửi về xây được ‘lâu đài’
ĐÔ THÀNH, Việt Nam (NV) – Nếu chỉ nghe qua cái tên “Làng Tỉ Phú” ở Việt Nam, nhiều người sẽ không hiểu tại sao lại có người muốn rời bỏ nơi này để đi nơi khác kiếm sống, nhưng ít nhất ba trong số 39 người thấy chết trong rờ moọc xe vận tải ở Anh tuần qua, đã ra đi từ nơi này, với ước mơ có đời sống khá giả hơn.
Một tỉ đồng bạc Việt Nam có thể chỉ vào khoảng $43,000, nhưng ở xã Đô Thành này, thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nằm ở phía Bắc miền Trung Việt Nam, thì đây là một số tiền rất lớn, giúp ngay cả các nông dân cũng có những căn nhà đồ sộ, như “biệt thự,” trả bằng tiền của người thân trong gia đình của họ làm việc ở ngoại quốc gửi về, theo bản tin của Reuters hôm Thứ Tư, 30 Tháng Mười.
Ông Nguyễn Văn Hà, chủ tịch xã Đô Thành, tay chỉ vào những căn nhà cao mấy tầng bao quanh trụ sở xã và nói với phóng viên Reuters rằng “có từ 70% đến 80% các biệt thự nơi đây được xây bằng tiền gửi về từ nước ngoài.”
Ông Hà nói rằng “Nếu làm việc ở Việt Nam, với mức thu nhập bằng đồng bạc Việt Nam, thì sẽ lâu lắm mới xây được những căn nhà đồ sộ như thế này.”
Ở xã Đô Thành, ngay cả ngôi nhà thờ tráng lệ, xây theo kiểu thời Phục Hưng, cũng được cất lên nhờ vào tiền đóng góp từ các gia đình giáo dân Công Giáo có người nhà đi làm việc ở ngoại quốc.
Trong thảm kịch chết 39 người ở Anh, người ta tin rằng đa số các nạn nhân người Việt Nam là những cư dân ở xã Đô Thành thuộc huyện Yên Thành.
Trong thập niên 80, Đô Thành từng là một trong những xã nghèo nhất ở huyện này, theo tin từ các cơ quan truyền thông nhà nước.
Một cư dân nơi này, cô Bùi Thị Nhung, 19 tuổi, có thể ở trong số những người chết vừa qua, theo gia đình cô. Cô gửi về một loạt các bản tin nhắn, kể lại chặng đường đi xuyên qua Âu Châu trong những ngày trước khi cô bước lên chiếc xe tải định mạng.
Thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Cường, nói với Reuters hôm Thứ Ba rằng quốc tịch của các nạn nhân hiện chưa chính thức được công bố, nhưng “Việt Nam và Anh đang cố gắng nhanh chóng nhận diện các thi thể.”
Phát giác ghê rợn hồi tuần qua tại một khu kỹ nghệ gần London, nơi thu hút người di dân bất hợp pháp gốc Việt Nam, đã tạo sự chú ý của dư luận về các chuyến đi đầy bất trắc nguy hiểm của những người dân nghèo đi từ Á Châu, Phi Châu và Trung Đông để tới Âu Châu.
Ở Việt Nam, tình trạng kiếm việc khó khăn, chủ trương khuyến khích xuất cảng lao động của nhà nước, thường xuyên bị thiên tai, sự đối xử phân biệt của chính quyền Cộng Sản với người Công Giáo, đồng thời có nhiều đường dây buôn người, đều là những yếu tố khiến người ta muốn ra đi.
Tuy rằng chi phí để sang tới Âu Châu có thể lên tới hàng chục ngàn đô la Mỹ trả cho các dịch vụ đưa người thuộc hạng “VIP,” nghĩa là có sự an toàn hơn, những người này đều nghĩ rằng họ sẽ có cơ hội kiếm nhiều tiền cho dù phải chấp nhận rủi ro.
“Chúng tôi biết có nhiều người dân của huyện đang sống ở Anh, nhưng chúng tôi không biết họ làm gì để có các món tiền họ gửi về nhà,” theo ông Hà.
Người Việt ở ngoại quốc gửi về nước khoảng $16 tỉ trong năm 2018, hơn gấp đôi mức thặng dư mậu dịch của Việt Nam trong cùng năm, theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới, cho thấy là tiền gửi về đã tăng 130% trong thập niên qua.
Ở Nghệ An và Hà Tĩnh cạnh đó, chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ xuất cảng lao động.
Riêng tỉnh Nghệ An đã thu vào được khoảng $255 triệu mỗi năm từ các cư dân tỉnh đi làm ở ngoại quốc, theo tin từ giới truyền thông.
“Số tiền gửi về có thể còn nhiều hơn con số báo cáo vì chuyển qua các đường dây không chính thức, như bằng tiền mặt hay hiện vật, không được tính vào,” theo ông Nguyễn Trí Hiếu, một kinh tế gia ở Hà Nội và từng là cố vấn chính phủ.
Nhiều đường dây đưa người bất hợp pháp cũng làm luôn dịch vụ chuyển tiền, lấy hoa hồng.
Có tới 70% các vụ đưa người Việt Nam vào Anh bất hợp pháp từ năm 2009 tới 2016 là có liên hệ đến việc khai thác lao động trái phép, trong đó đó người di dân được đưa vào làm các công việc liên quan tới trồng cần sa bất hợp pháp và làm việc trong các tiệm nail, theo chính phủ Anh hồi năm ngoái.
Tại Nghệ An, tỉnh sát biên giới với Lào, trị giá trung bình tổng sản lượng nội địa chỉ vào khoảng $1,636, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của cả nước Việt Nam là $2,540.
Anh Bùi Văn Diệp, một thợ hàn, nói với Reuters rằng anh không có tiền để đi ngoại quốc, vì vậy anh phải vào Sài Gòn kiếm sống.
Anh đang sống trong một căn nhà chật hẹp ở Đô Thành. Trong khi đó, người anh em họ của anh Diệp, anh Bùi Chung, từng sang Anh năm 2007 và làm cả nghề nail và trồng cần sa, nay về lại Đô Thành, xây được căn biệt thự lộng lẫy ngay cạnh đó, lại còn có nhà để xe cho chiếc BMW của mình.
Anh Chung nay làm nghề nhập cảng thép nhưng anh nói rằng rất thất vọng vì làm ăn thua lỗ.
Anh nói rằng ở bên Anh, cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau kiếm việc làm, còn ở đây không thể tin được ai.
Anh Chung nghĩ rằng mình đã có sai lầm lớn lao khi trở về Đô Thành, và nay anh đang nghĩ tới việc quay lại Anh. (V.Giang)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/lang-ti-phu-o-viet-nam-tien-lao-dong-nuoc-ngoai-gui-ve-xay-duoc-lau-dai/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten