Hồng Kông vẫn căng thẳng, chính quyền ra lệnh đóng cửa trường học
Khung cảnh ở khu Trung Hoàn, Hồng Kông ngày 13/11/2019.REUTERS/Athit Perawongmetha
Tình hình Hồng Kông sáng nay, 13/11/2019, vẫn hỗn loạn sau một đêm xung đột chưa từng thấy giữa người biểu tình phản kháng, sinh viên và cảnh sát tại một khu đại học.
Cảnh sát đã rút lui trong đêm. Sáng nay nhiều ga tàu điện đã phải đóng cửa, hàng chục tuyến xe buýt đã phải ngưng chạy, trong lúc xung đột tiếp tục diễn ra ở nhiều khu phố tại Hồng Kông.
Thông tín viên RFI tại Hồng Kông, Florence de Changy cho biết tình hình hiện tại :
Tại một số khu phố Hồng Kông, người dân khi thức dậy sáng nay có thể nghĩ rằng đã có một trận mưa gạch và mảnh vỡ đủ loại vào tối qua.
Các đại lộ ở khu phố Cửu Long - vùng rất đông dân cư, đối diện với đảo Hồng Kông trên phần đất liền - một số đường cao tốc bình thường rất đông xe buýt đưa người đi làm, cũng như trên nhiều đoạn của con đường duy nhất bao quanh Hồng Kông, tất cả đều đầy những mảnh vỡ đủ loại mà mục tiêu là để cản trở lưu thông.
Người ta có thể thấy nào là rào cản, cột đèn bị chặt gẫy, biển chỉ đường, nào là các loại hộp nhựa, thậm chí có cả đinh. Giao thông đã bị xáo trộn nghiêm trọng và một số đường hầm chính bị ngăn chận.
Vào giờ cơm trưa, hàng trăm nhân viên văn phòng, người đi đường, số đông không đeo mặt nạ, cũng đã tràn ra đường, trên các con đường khu Trung Hoàn, bày tỏ thái độ bực tức trước sự ngoan cố của chính quyền không chịu nhượng bộ, mà cũng không làm gì để đưa Hồng Kông thoát ra khỏi bế tắc hiện nay.
Những người cực đoan đã đập phá cửa kính của Ngân Hàng Viễn Thông, một trong những ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc.
Vào lúc tình hình cứ mỗi giờ mỗi xấu đi thêm, chính quyền Hồng Kông vừa thông báo đóng cửa các trường học vào ngày mai, thứ Năm.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191113-hong-kong-van-cang-thang-chinh-quyen-ra-lenh-dong-cua-truong-hoc
Khủng hoảng Hồng Kông: Phải chăng đã tới điểm không thể đảo ngược ?
Người biểu tình Hồng Kông giương ảnh người sinh viên 22 tuổi, qua đời sau cuộc đụng độ với cảnh sát, Hồng Kông, 09/11/2019.Reuters/Tyrone Siu
Một sinh viên Hồng Kông thiệt mạng, một thanh niên bị cảnh sát bắn trọng thương, một người ủng hộ Trung Quốc bị người biểu tình châm xăng đốt, cửa hàng Trung Quốc bị đập phá, truyền thông Bắc Kinh lại nói đến can thiệp quân sự trong khi Giáo hội Công Giáo lo ngại xung đột leo thang và có thêm nạn nhân mới nếu chính quyền không nhượng bộ.
Từ thứ Sáu tuần trước, sau cái chết của sinh viên Alex Chow vì thương tích nặng trong bối cảnh xung đột với cảnh sát, bạo lực tại Hồng Kông gia tăng một cách đáng ngại.
Trong tang lễ cũng như trong khuôn viên trường đại học của Alex Chow, xuất hiện những khẩu hiệu đòi trả thù. Hệ quả là lần đầu tiên từ khi phong trào chống dẫn độ biến thành việc chống Bắc Kinh chà đạp nguyên tắc « một nước hai chế độ », xảy ra nhiều vụ sinh viên Hoa lục bị sinh viên Hồng Kông hăm dọa.Theo AFP, căng thẳng được thấy rõ tại phần đông các trường đại học vào sáng thứ Ba. Trên những con đường dẫn về các trường đại học đều có người biểu tình chiếm lĩnh hoặc có các chướng ngại vật do các nhóm trẻ đeo mặt nạ hay khẩu trang dựng lên. Trường Bách Khoa náo loạn khi cảnh sát xông vào tìm bắt một nữ sinh viên tranh đấu. Vì lo sợ bị trả thù, nhiều sinh viên Hoa lục đã về nước cho dù mới tựu trường.
Trong lúc đó, nhiều khu phố của Hồng Kông bị tê liệt vì hàng loạt hoạt động « xung kích ». Hệ thống chuyên chở công cộng gần như bị ngưng trệ trong ba ngày liên tiếp.
Sự kiện làm cho dân Hồng Kông tức giận nhất là vừa xong tang lễ Alex Chow, vào sáng thứ Hai đã xảy ra vụ cảnh sát rút súng bắn vào bụng một thanh niên biểu tình 21 tuổi. Đoạn băng video đã thúc đẩy đông đảo dân Hồng Kông xuống đường phản kháng. Một phụ nữ chia sẻ với RFI : « Phải chăng Trung Quốc muốn tái diễn cuộc thảm sát Thiên An Môn ? ».
Vài giờ sau, một đoạn băng khác cho thấy một người đàn ông ủng hộ Bắc Kinh, sau một cuộc cãi vã, bị châm xăng đốt thành đuốc. Người bị bắn và người bị đốt đều đang được chăm sóc trong tình trạng hiểm nghèo.
Hôm nay, từng nhóm thanh niên đeo khẩu trang lại tiếp tục tấn công hàng quán do người Trung Quốc làm chủ, lập chướng ngại vật cản trở lưu thông trên đường phố và đường sắt. Tại khu Trung Hoàn, nơi tập trung các công ty quốc tế và cửa hiệu sang trọng, vào giờ nghỉ trưa, hàng ngàn nhân viên tham gia một cuộc « mít-tinh » đột phát với khẩu hiệu kêu gọi « Đấu tranh cho Tự Do, Ủng hộ Hồng Kông ».
Tình hình Hồng Kông đi về đâu ?
Trước bầu không khí bạo lực này, các cường quốc Tây phương yêu cầu đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga « thỏa hiệp » với phong trào dân chủ. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ lên án « bạo lực ở cả hai phía ». Bộ Ngoại Giao Anh kêu gọi hai bên « đối thoại ».
Tuy nhiên, Bắc Kinh, cũng như chính quyền đặc khu dường như vẫn từ chối nhượng bộ chính trị. Hôm thứ Hai, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khuyến cáo phe biểu tình « đừng mơ tưởng » có thể làm thay đổi chính trị.
Tại Bắc Kinh, hai tờ báo phản ảnh quan điểm của đảng Cộng Sản Trung Quốc đe dọa dùng biện pháp mạnh. Bài xã luận của Nhân Dân Nhật Báo cho là « cảnh sát Hồng Kông hành động chừng mực còn thẩm phán thì quá rộng lượng ». Theo xu hướng này, Hoàn Cầu Thời Báo kêu gọi cảnh sát Hồng Kông « cần cứng rắn hơn » và có thể tin cậy vào « sự tiếp tay của lực lượng võ trang của Trung Quốc đóng tại Hồng Kông ».
Máu sẽ đổ thêm ?
Giáo hội Công Giáo Hông Kông, luôn hậu thuẫn dân chủ và nhân quyền, kêu gọi chính quyền lắng nghe yêu sách của phong trào dân chủ và làm sáng tỏ cái chết của Alex Chow. Trong một bài giảng, phụ tá tổng giám mục Joseph Hạ Chí Thành cảnh báo: « Trong một xã hội văn minh, không một người có lương tâm nào chấp nhận một nghi án như thế. Nếu sự thật không được phơi bày, tình hình Hồng Kông sẽ suy thoái thêm và sẽ có thêm nạn nhân trong tương lai ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191112-khung-hoang-hong-kong-phai-chang-toi-diem-khong-the-dao-nguoc
Geen opmerkingen:
Een reactie posten