woensdag 13 november 2019

Khí trời, hơi thở, con người và thiên nhiên

Khí trời, hơi thở, con người và thiên nhiên

Việt Nguyên

Los Angeles, California, ô nhiễm vì khói xe hơi. Trong hình, xe dày đặc trên xa lộ 101. (Hình: Robyn Beck/AFP/Getty Images)
Sống ở Houston, Texas, chắc không cần đi Cruise Ship du ngoạn! Gần như mỗi năm tôi được đứng ngắm cảnh Houston… dưới nước.
Năm 2016 ngày thuế 15 Tháng Tư, trên đường đi làm, mưa lụt đã khiến tôi phải đứng trên Beltway 8 đến ba tiếng rưỡi trước khi lái đến bệnh viện. Năm 2017, trận bão lớn Harvey đổ về buổi tối sau tiệc cưới ở Kim Sơn, lụt trên đường về nhà, phải ngủ lại đêm nhà người bạn. Năm nay ngày 19 Tháng Chín, trận lụt Imelda đã chận đường về nhà hơn năm tiếng trên đường N. Sheperd cách nhà chỉ hơn 2 mile! Đứng trên cầu cao xa lộ tôi nhiều lần nhìn xuống thành phố Houston như hải đảo chung quanh những con đường đổ về như những dòng sông!
Bão tố và lụt lội trở thành đời sống bình thường của người Houston, trong khi những người quan tâm về môi sinh luôn luôn nhắc về những nguyên nhân như nồng độ thán khí cao, băng đá Bắc Băng Dương dần dần khô cạn…
Từ Tháng Ba, 2019, đã có ba vụ biểu tình lớn của giới trẻ. Ngày 15 Tháng Ba, hơn 10,000 học sinh biểu tình trên 112 quốc gia, kể cả Anh – một quốc gia đã tuyên bố tình trạng khẩn trương về môi sinh và quốc hội đã đề nghị phải đặt tiểu chuẩn zero cho thán khí phế thải vào năm 2050.
Ngày 24 Tháng Năm, hàng chục ngàn học sinh của 2,300 trường trên 130 quốc gia lại biểu tình yêu cầu các chính quyền phải hành động hơn là chỉ nói miệng. Ngày 18 Tháng Chín, cô học sinh Greta Thunberg tranh đấu cho môi sinh người Thụy Điển nổi tiếng hiện nay, 16 tuổi, đã ra Hạ Viện Hoa Kỳ tường trình về sự thay đổi khí hậu toàn cầu.
Cùng ngày Greta Thunberg ra Quốc Hội, Tổng Thống Donald Trump đến Los Angeles, California, bác tiêu chuẩn phun khói xe hơi của tiểu bang. Lý do ông Trump đưa ra là tiêu chuẩn quá cao không tốt cho kỹ nghệ xe!
Ngày 19 Tháng Chín lại có hơn hàng chục ngàn người biểu tình trước Liên Hiệp Quốc vì lịch trình hội nghị không bàn về thay đổi môi sinh, cùng ngày Imelda đến Houston!
Già và trẻ khác nhau về vấn đề môi trường sống. Giới trẻ có cả một cuộc đời trước mắt lo thảm họa môi sinh, một trong những nguyên nhân tận thế. Họ lo đến hậu sự của nhân loại. Già chỉ nghĩ đến thời gian ngắn hạn. Đảng Cộng Hòa cho rằng vấn đề thảm họa môi sinh vẫn thiếu căn bản khoa học. Tổng Thống Trump chỉ chú trọng về kinh tế và tranh cử giữa nhiệm kỳ.
Không khí cần để thở, muốn sống khỏe con người phải cần không khí trong lành, điều này không ai chối cãi. Bệnh tim phổi hiện nay là một trong những nguyên nhân đứng hàng đầu về tử vong trên thế giới.
Để bảo vệ không khí trong lành, năm 1956 chính quyền Anh ra đạo luật Clean Air Act. Theo sau Anh, năm 1970, Hoa Kỳ ra đạo luật Clean Air đồng thời lập ra cơ quan bảo vệ môi sinh EPA, đạo luật giới hạn sáu chất ô nhiễm chính ở mức độ an toàn có thể chấp nhận được trong không khí để bảo vệ y tế công cộng cho người dân.
Anh và Hoa Kỳ có các đạo luật môi sinh nhờ bài học lịch sử ở Luân Đôn. Tác giả Gary Fuller trong sách “Tên sát nhân vô hình” (Invisible Killer) vì tình hình ô nhiễm toàn cầu với tên sát nhân.
Luân Đôn nổi tiếng là thành phố mù sương. Phong trào Hướng Đạo phát triển ở Luân Đôn với các Hướng Đạo sinh dẫn đường giúp du khách và dân đi trong những ngày sương mù dày đặc. Tháng Mười Hai, 1952, trận sương mù vĩ đại “Great Fog” trong lịch sử xảy ra ở Luân Đôn, trong bốn ngày dân Luân Đôn bị khó thở lên cơn suyễn, chấn động tim và tai biến mạch máu não. Số bệnh nhân tràn ngập bệnh viện không đủ giường điều trị. Chính quyền điều tra cho biết không khí ô nhiễm vì bụi than, Luân Đôn thời ấy dùng lò sưởi than chất liệu kém. Năm 2002, các bác sĩ nghiên cứu lại hồ sơ bệnh lý năm 1952, trận sương mù vĩ đại đã giết 12,000 người, tử vong cao cho người già trên 45 tuổi và các trẻ em.
Một lớp không khí ô nhiễm bao trùm Los Angeles, California. (Hình: Frederic J. Brown/AFP/Getty Images)
Luật về không khí trong lành năm 1956 đáp lại thảm họa biến cố thời bình, giới hạn dùng dầu và than dơ dáy trong máy sưởi. Bước đầu luật có nhiều chỗ hở đưa đến thời kỳ chính quyền phải can thiệp vào xe hơi, giới hạn không khí ô nhiễm vì khói xe mịt mù gây tai nạn và bệnh.
Cùng thời với Luân Đôn, từ Los Angeles, Boston, qua đến New York, Hoa Kỳ, cũng bị khói mịt mù vì dầu hỏa dùng trong các hãng xưởng và mỏ than. Bị áp lực dân chúng từ thập niên 1950 đến 1960 cuối cùng chính quyền phải ra luật Clean Air và lập cơ quan EPA. Từ đó các hãng xe hơi, các nhà máy, than máy điện phải theo đúng tiêu chuẩn của EPA, cơ quan này có quyền kiểm soát khói phế thải từ ống khói xe hơi, khói từ các hãng kỹ nghệ. Các nhà máy điện, máy than phải dùng kỹ thuật mới nhất để kiểm soát ô nhiễm môi sinh.
Tiểu bang có trách nhiệm kiểm tra và phạt, nếu tiểu bang không có luật đúng tiêu chuẩn chính quyền liên bang có thể can thiệp, nhờ đó mức độ Ozone và chất thải từ từ giảm (lần đầu tiên Tổng Thống Trump đã can thiệp vào luật tiểu bang vì luật California tốt hơn luật liên bang!).
Từ thập niên 1990 dân ở các nước tiên tiến như Hoa Kỳ và Âu Châu cảm thấy khói bụi ô nhiễm và sương mù giảm nhiều và xem bệnh ô nhiễm không khí như thời Luân Đôn năm 1952 đã đi vào quá khứ như các bệnh sốt tê liệt, dịch hạch và dịch tả nhưng thực tế gần đây cho thấy vấn đề ô nhiễm không khí không biến mất mà chỉ ít hơn.
Năm mươi năm sau luật không khí trong lành, vấn đề ô nhiễm môi sinh chưa giải quyết được 100%. Ô nhiễm môi sinh gây tai hại hơn mọi người đã biết, 91% dân số thế giới hiện nay sống trong vùng không khí ô nhiễm với mức độ cao hơn mức Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) ấn định. Các nhà khoa học báo động: “Đây là vấn đề khẩn trương cho y tế thế giới.”
Beth Gardina tác giả sách “Ngộp Thở” (Choked) bi quan “khoa học tiến bộ ngược lại bệnh vì ô nhiễm không khí càng ngày càng tang.” Trong cuộc nghiên cứu y khoa sáu thành phố trong vòng một thập niên, nhà dịch học Đại Học Harvard, Douglas Dockery, chọn 8,000 người trong ba thành phố ô nhiễm nhất và ba thành phố ít ô nhiễm nhất với đầy đủ chi tiết cá nhân từ chiều cao, cân nặng, kích thước, tình trạng sức khỏe từ khi sống theo dõi đến sau khi chết.
Nghiên cứu cho thấy dân vùng ô nhiễm nhất như Stubenville, Ohio, dân chết trung bình ba năm sớm hơn dân vùng không khí trong lành như Portage, Wisconsin. Bệnh nhân bị chết sớm vì bụi li ti vô cùng nhỏ được gọi là phân tử đặc biệt (Particular Matter). Các PM này có đường kính dưới 2.5 micron li ti trong không khí từ bụi khói, than, chất Sulphate và Nitrate.
Bác Sĩ Dockery ngạc nhiên về sự khác biệt nên nghiên cứu kỹ hơn. Ông choáng váng vì hơn 50 năm sau luật Clean Air không khí ô nhiễm vẫn giết người với tử vong đáng kể ngay cả ở các thành phố đạt tiêu chuẩn liên bang. Tử vong hiện nay vì nồng độ PM2.5 nhiều hơn là khói bụi mịt mù ở Luân Đôn năm 1952, khác với tiêu chuẩn ô nhiễm của cơ quan EPA năm 1997, các nghiên cứu mới cho thấy không có mức độ an toàn đối với PM 2.5.
Ô nhiễm không khí hiện nay ở Mỹ giết người nhiều hơn là tai nạn lưu thông, từ 107,500 đến 200,000 người mỗi năm. Năm 2016, 1/9 tử vong toàn cầu gây ra do ô nhiễm không khí cao hơn tử vong vì rượu, suy dinh dưởng hay sốt rét. Tai nạn của PM 2.5 là kết quả sản phẩm kỹ nghệ: than, xăng, dầu diesel, gỗ, rác… các chất này đi qua đường hô hấp từ cuống phổi vào phổi đến các tế bào xoang phổi ngăn chận sự trao đổi giữa thán khí và dưỡng khí.
PM 2.5 từ đường hô hấp vào máu đi khắp thân thể, các chất này vào lỗ mũi theo dây thần kinh khứu giác lên não. Các chất này đóng trên thành động mạch làm cứng động mạch, làm nghẹt động mạch tim và não gây chấn động cơ tim và tê liệt người. PM 2.5 gây viêm phổi, cuống phổi, suyễn như những người hút thuốc lá.
Các khoa học gia nhận rõ là PM2.5 có thể xâm nhập bất cứ cơ quan nào của cơ thể. Năm 2018, các bác sĩ đã tìm thấy bụi PM 2.5 đi qua nhau của sản phu ở các bệnh viện Luân Đôn. Bác Sĩ Beate Ritz, dịch học đại học UCLA, từ đầu năm 1990 nghiên cứu PM2.5 trên các sản phụ vì chính bà đã sinh con thiếu tháng (nhà bà ở cạnh xa lộ bụi bặm). Nghiên cứu cho thấy không khi ô nhiễm gây ra biến chứng cho các sản phụ và thai nhi: Sanh thiếu tháng, trẻ sinh ra thiếu cân, ung thư trẻ em và gây ra bệnh tự kỷ trẻ em (autism). Các bằng chứng cũng cho thấy có liên hệ giữa ô nhiểm không khí và bệnh Alzheimer cũng như quên lãng người già (Dementia).
Từ năm 1970 đến năm 1990, đạo luật Clean Air và EPA đã ngừa được184,000 cái chết, giá tính ra bằng kinh tế là 20 tỷ. Đạo luật Clean Air đòi hỏi mỗi năm cơ quan EPA phải xem lại các nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu đã được cộng tác bởi hội ung thư (American Cancer Society) và Hội Bệnh Đường Phổi. Các hãng kỹ nghệ luôn luôn đặt những câu hỏi nghi ngờ về nghiên cứu khoa học với những vụ kiện ra tòa liên bang. Khi viện dầu hỏa API thưa EPA, cơ quan này năm 1979 đã giảm tiêu chuẩn về chất Ozone trong không khí. Năm 1952, nghiên cứu về nạn Ozone ở Los Angeles do hóa học gia Aric Haagensmit nghiên cứu (Ozone từ hãng lọc dầu, hãng xe hơi), cũng bị các hãng xe hơi tấn công.
Mỗi quốc gia có mỗi quan ngại đặc biệt về môi sinh. Năm 2016, thị trưởng Luân Đôn tuyên bố tình trạng khẩn trương về y tế công cộng vì thành phố vẫn được xem ô nhiễm nhất do khói xe diesel với khí Nitrous Oxide cao hơn so với các thành phố Âu Châu. Vụ hãng xe Volswagen gian lận về tiêu chuẩn khói xe diesel gần đây đã cho thấy các hãng xe đặt tiêu chuẩn tài chính trên hết.
Trận cháy ở Bắc Califonia Tháng Mười Một, 2018, gây ô nhiễm nặng vùng Bay Area. Tiểu bang California được xem là tiểu bang ô nhiễm không khí vào hàng đầu, vì vậy tiểu bang đã phải nâng cao tiêu chuẩn khói xe và làm mất lòng Tổng Thống Trump. Cơ quan EPA thời ông Trump đã phải xác nhận các thành phố Bắc Mỹ ô nhiễm cao hơn các thành phố miền Nam vì các mỏ than.
Miền Bắc Mỹ cũng giống Bắc Trung Quốc. Nghiên cứu dịch học cho thấy bệnh về ô nhiễm không khí ở vùng Bắc sông Hoài cao hơn miền Nam vì chính quyền Trung Quốc cấp than đốt cho dân miễn phí. Các bác sĩ Đại Học Chicago nghiên cứu cho thấy dân Bắc sông Hoài chết sớm hơn so với dân vùng Nam đa số chết vì bệnh phổi. Ô nhiễm không khí ở miền Bắc 55% cao hơn miền Nam Trung Quốc.
Đảng Cộng Hòa không tin vào dữ kiện khoa học cho là thiếu chính xác mặc dù qua thống kê hằng năm, ngày 13 Tháng Tư, 2019, Hội Phổi American Lung Association cho thấy 141 triệu người sống trong bầu không khí Ozone độc tăng bảy lần so với năm 2018.
Tin về các cuộc biểu tình của học sinh trên toàn thế giới về ô nhiễm môi sinh là một tin mừng trong thế giới đầy tin tức về chiến tranh, kỳ thị da màu, phân biệt giai cấp và chính trị bất công áp bức. Giới trẻ đã nhận thức con người phải sống hòa đồng với thiên nhiên như triết lý Đông phương từ Phật đến Lão đã dạy. Khoa học và kỹ nghệ cần thiết cho đời sống văn minh nhưng thiên nhiên vẫn phải được bảo tồn. Kết quả ô nhiễm môi sinh là cái giá phải trả cho lòng tham của con người.
Các nước có lẽ phải nhìn về Bhutan một quốc gia mà giá trị đời sống được đánh giá bằng “chỉ số hạnh phúc” chứ không phải bằng chỉ số kinh tế. (Việt Nguyên)
https://www.nguoi-viet.com/nhin-tu-hoa-ky/khi-troi-hoi-tho-con-nguoi-va-thien-nhien/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten