Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tái khẳng định lập trường chống Trung Quốc ở Biển Đông
Cuộc họp giữa phái đoàn bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper và đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Hà Nội. Ảnh 20/11/2019.REUTERS/Kham
Ngày 20/11/2019, tại Hà Nội, trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam hai ngày, chặng cuối của vòng công du châu Á, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Mark Esper thông báo cấp thêm một tầu tuần duyên thứ hai cho cảnh sát biển Việt Nam, tăng cường khả năng tuần tra Biển Đông.
Theo báo mạng Nhật Bản The Diplomat, vào năm 2017, Hoa Kỳ đã trao cho Việt Nam chiếc tàu tuần duyên đầu tiên SCGC Morgenthau, thuộc lớp Hamilton. Tuy đã phục vụ cho hải quân Mỹ trong 50 năm, nhưng với trọng tải 3.000 tấn và được trang bị một khẩu súng 76 ly, loại tàu này được cho là vẫn đủ lớn và khả năng hoạt động tốt.
Tuy vậy, kích thước của loại tầu này chỉ nhỏ bằng ¼ kích cỡ chiếc Hải Dương 3901 mà Trung Quốc điều xuống bãi Tư Chính, thuộc chủ quyền Việt Nam, trong thời gian qua.
Trong bài phát biểu tại Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, mạnh mẽ lên án các hành động « chèn ép » láng giềng của Bắc Kinh.
Ông nói : « Những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm xác quyết các yêu sách lãnh hải bất hợp pháp đe dọa đến quyền tiếp cận các nguyền tài nguyên sống còn của nhiều quốc gia khác, làm suy yếu sự ổn định khu vực của thị trường năng lượng khu vực, và làm gia tăng các rủi ro xảy ra xung đột. Hoa Kỳ không chấp nhận những đòi hỏi chủ quyền lãnh hải phi pháp có hại cho các quốc gia tôn trọng luật pháp ».
The Diplomat cho rằng chuyến thăm Việt Nam của ông Mark Esper tái khẳng định lập trường của Mỹ chống tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Cũng liên quan đến Biển Đông, hôm nay, bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia, Mohamad Sabu, khi trả lời hãng thông tấn Bernama, cảnh báo « Biển Đông không nên là điểm xung đột và tranh chấp giữa các siêu cường thế giới, mà phải tiếp tục là khu vực an toàn, rộng mở và tự do lưu thông thương mại cho tất cả các bên ».
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20191121-tai-viet-nam-bo-truong-quoc-phong-my-tai-khang-dinh-lap-truong-chong-trung-quoc-o-
Chiến hạm Mỹ tuần tra Biển Đông hai ngày liên tiếp
Chiến hạm USS Gabrielle Giffords (LCS-10) ngoài khơi biển Philippines ngày 01/10/2019.Wikimedia Common.
Trong hai ngày liên tiếp, các chiến hạm của Mỹ đã vào tuần tra ở Biển Đông, thách thức các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này. Bắc Kinh ngay lập tức lên tiếng phản đối.
Phát ngôn viên hạm đội 7 của Mỹ cho đài truyền hình Nhật NHK biết là trong khuôn khổ các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, chiếc tàu tác chiến ven bờ Gabrielle Giffords hôm thứ Tư 20/11/2019 đã đi vào khu vực 12 hải lý chung quanh bãi Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa.
Hôm 21/011/2019, đến lượt chiếc khu trục hạm Wayne E. Meyer đi tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Tuy thường xuyên đưa chiến hạm đến tuần tra ở Biển Đông, hiếm khi nào mà hải quân Mỹ tiến hành các chiến dịch như vậy trong hai ngày liên tiếp.
Theo đài NHK, hạm đội 7 của Mỹ cho rằng những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên vùng Biển Đông là không thể chấp nhận được chiếu theo luật quốc tế. Hạm đội này khẳng định họ sẽ tiếp tục tiến hành những chiến dịch tuần tra như vậy.
Hôm nay, 22/11/2019, Bắc Kinh lên án Mỹ đã có hành động “khiêu khích”, còn bộ Tư lệnh Tác chiến Phương Nam của Trung Quốc ra thông cáo cho biết đã điều động các tàu quân sự đến giám sát các chiến hạm Mỹ và yêu cầu các tàu này ra khỏi khu vực.
Trong những tháng gần đây, hải quân Mỹ đã gia tăng các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, khiến Bắc Kinh tức giận, nhưng cho tới nay chưa xảy ra va chạm trực tiếp giữa tàu chiến của hai bên.
Cũng liên quan đến Biển Đông, theo trang mạng DefenseNews của Mỹ hôm 21/11, một ảnh vệ tinh do công ty Maxar Technologies cung cấp xác nhận chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên do Trung Quốc tự đóng hiện đang neo đậu ở một căn cứ hải quân gần thành phố Nam Á trên đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Tàu sân bay này hiện đang tiến hành đợt chạy thử trên biển lần thứ chín. Theo thông cáo của hải quân Trung Quốc ngày 18/11, sau khi băng qua eo biển Đài Loan, hàng không mẫu hạm đến Biển Đông để tiến hành “các cuộc thử nghiệm khoa học và thao dượt bình thường”. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 18/11 cho biết thêm chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên do Trung Quốc tự đóng có thể sẽ được triển khai để « bảo vệ hòa bình và chủ quyền » trên Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191122-chien-ham-my-tuan-tra-bien-dong-tq
Geen opmerkingen:
Een reactie posten