woensdag 13 november 2019

NATO bị chết não: TT Pháp Macron và chiến lược “nói huỵch toẹt”

NATO bị chết não: TT Pháp Macron và chiến lược “nói huỵch toẹt”

mediaTổng thống Pháp Emmanuel Macron trả lời báo giới bên lề một thượng đỉnh NATO, Bruxelles, 22/07/2018.©Ludovic Marin/Pool via REUTERS
Dù dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ chính cho các chủ đề rất khác nhau, nhiều tờ báo lớn ra ngày hôm nay 12/11/2019 tại Pháp đã rất chú ý đến Diễn Đàn Paris vì Hòa Bình lần thứ hai. Đối với nhiều tờ báo, tổng thống Pháp như đã kích thích cuộc thảo luận khi mạnh dạn nói đến tình trạng chết não của khối NATO, một mô hình cụ thể của chủ nghĩa đa phương.

Diễn Đàn Paris vì Hòa Bình lần thứ hai tập hợp khoảng 30 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ trên thế giới để bàn cách bảo vệ tính chất đa phương, mà theo tổng thống Pháp đang bị các xu hướng ích kỷ mang tính dân tộc chủ nghĩa đe dọa.
Trong bài nhận định mang tựa đề “Macron và NATO, chiến lược nói thẳng tuột” nhật báo cánh tả Pháp Libération đã trở lại với nhận xét thẳng thắn, thậm chí thô bạo bất ngờ của tổng thống Pháp trong bài phỏng vấn dành cho tờ báo Anh The Economist vào tuần trước.
Vào khi ấy, ông Macron cho rằng chủ nghĩa đa phương trên thế giới đang bị suy yếu, và tình trạng này cũng tác hại đến Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, mà tổng thống Pháp cho là đang trong tình trạng “chết não”.
Phản ứng trước cách nói hơn là về nội dung
Libération đã nhắc lại rằng lời chẩn đoán không khoan nhượng của tổng thống Pháp đã làm dấy lên những phản ứng bất đồng tình, từ thủ tướng Đức Angela Merkel, thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, cho đến ngoại trưởng Croatia Grlic Radman.
Tờ báo Pháp đã nêu bật phản ứng của điện Élysée, cố gắng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Một người thân cận với tổng thống Macron cho rằng phản ứng của bà Merkel chẳng hạn, đối với tuyên bố của ông Macron liên quan đến “hình thức nhiều hơn là thực chất”.
Theo Libération, thủ tướng Merkel đã trở lại chủ đề này nhân kỷ niệm 64 năm ngày thành lập quân đội Đức. Bà khẳng định NATO vẫn là “trụ cột chính trong chính sách phòng thủ” của Đức, nhưng cho rằng ngày càng rõ là châu Âu “sẽ phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn trong tương lai” bằng cách củng cố “bộ phận chỉ huy châu Âu trong khối NATO”.
Đối với Libération, trong cuộc phỏng vấn với tờ The Economist, Macron cũng nói như thế, nhưng với lời lẽ kém ngoại giao hơn nhiều.
Libération cho rằng khi tuyên bố là NATO đã rơi vào tình trạng “chết não”, ông Macron chỉ đề cập thẳng thắn đến một thực tế rất khó chối cãi, chẳng hạn như việc Mỹ, ngay từ thời ông Obama, đã đi “tìm nơi khác”, thể hiện qua việc không can thiệp vào vấn đề vũ khí hóa học ở Syria năm 2013, hay là vụ việc mới đây khi chính thành viên Thổ Nhĩ Kỳ lại tấn công vào người Kurdistan, đồng minh của NATO.
Một nguồn tin ngoại giao đã biện hộ cho ông Macron rằng : “Nguyên thủ Nhà Nước Pháp không hề nói ông muốn khai tử NATO mà chỉ cho rằng khối này đang mất phương hướng và không thể duy trì một hiện trạng vốn tồn tại từ năm 1945 đến nay”.
Tóm lại, theo Libération, tổng thống Pháp muốn nêu bật nhu cầu phát huy chủ quyền châu Âu trong NATO, và ông đã chấp nhận nói thẳng tuột ra những vấn đề tế nhị, để thức tỉnh các đồng minh, buộc họ trực tiếp đối mặt với những thực tế chiến lược mới.
Cần phải “châu Âu hóa” NATO
Nhật báo cánh hữu Le Figaro cũng cùng một nhận định với Libération trong bài viết mang tựa đề: “Cần phải Châu Âu hóa NATO”. Đối với Le Figaro, khi nói đến việc NATO đang trong tình trạng chết não, ông Macron quả là đã dùng đến một hình ảnh quá mạnh bạo. Vì đứng trên bình diện y học, người ta chưa thấy ai bình phục sau khi chết não.
Nhưng trong trường hợp NATO thì khác. Dù hiện trạng không tốt, nhưng một cách khách quan phải công nhận rằng không có gì ngăn cản tổ chức khá hơn ngày mai. Nói một cách sống sượng thì tổng thống Pháp có ưu điểm là đã đánh thức Châu Âu trên một vấn đề quan trọng : Cấu trúc tương lai của an ninh Châu Âu.
Theo Le Figaro, ông Macron đã không được báo trước về quyết định của Mỹ, ngày 06/10, rời khỏi vùng Kurdistan Syria. Lực lượng Pháp bị bỏ rơi giữa chừng, không phương tiện chuyển đi thiết bị nặng của mình. Pháp như đã bị Mỹ xem là một kẻ thế chân hạng 2.
Đối với Le Figaro, cảm giác đó rất khó chịu, nhưng đầu óc cần phải tỉnh táo. Quốc Hội và giới chức quân sự Mỹ chưa sẵn sàng phế bỏ NATO. Thế nhưng ông Trump có lý khi trách cứ Châu Âu là không chi tiêu đúng mức cho quốc phòng của mình.
Tóm lại, theo tờ báo Pháp, châu Âu phải nắm bắt lấy cơ hội để châu Âu hóa NATO, biến tổ chức thành một công cụ quân sự có khả năng hoạt động trong bất cứ tình huống nào và một cách độc lập, không bị lệ thuộc buộc vào những bất ngờ trong chính sách của tổng thống Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất tù nhân thánh chiến về lại Tây Âu
Theo Le Figaro, quân thánh chiến người Châu Âu, đã hoặc sẽ bị trục xuất khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. 11 người Pháp mà phần đông là phụ nữ nằm trong danh sách những chiến binh mà Ankara muốn gởi về nước sau khi thương lượng với chính phủ các quốc gia liên can.
Những chiến binh Pháp có thể về nước trong những ngày sắp tới, trong khuôn khổ “thủ tục Cazeneuve” - theo tên của bộ trưởng Nội Vụ - tức là cảnh sát Pháp sẽ được cử đến nơi để phụ trách việc đưa hồi hương thành phần bị cho là của Daech, và đảm bảo xử lý về mặt pháp lý ngay khi họ về đến Pháp.
Đối với Le Figaro, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm qua, 11/11/2019, chẳng qua là một sức ép trên phương Tây, chủ yếu là Châu Âu, đến giờ không mấy sốt sắng nhận lại công dân của họ đã tham gia thánh chiến ở Syria.
Evo Morales đã điều hành tốt Bolivia, nhưng sai lầm khi tham quyền
Trên bình diện quốc tế, cuộc chính biến tại Bolivia, dẫn đến việc tổng thống Evo Maroles phải rời bỏ quyền hành dĩ nhiên đã rất được quan tâm. Libération chạy tựa : “Evo Morales bị quét đi, nhưng thành quả điều hành của ông vẫn bám rễ”.
Theo tờ báo, người thổ dân đầu tiên được bầu làm tổng thống Bolivia đã phải từ chức sau 14 năm cầm quyền, và sau 3 tuần biểu tình phản đối dữ dội, bị quân đội bỏ rơi. Thế nhưng, khi đương chức, ông đã tiến hành được một chính sách đầy cao vọng và hữu hiệu trong việc giảm bất công.
Đối với Libération, ở phương Tây, cánh tả ít nhắc đến kinh nghiệm cải cách xã hội của Bolivia, mà luôn nêu cao các trường hợp như Lula ở Brazil hay Hugo Chavez ở Venezuela, hoặc Rafael Correa ở Ecuador hay José “Pepe” Mujica ở Uruguay. Thế nhưng dù không có mấy sức thu hút quần chứng, Evo Morales lại là người đã thực hiện được công trình to lớn là cải thiện tình trạng Bolivia, giảm bất công có hiệu quả.
Còn báo Le Figaro thì lấy làm tiếc là Evo Morales đã tham quyền. Chính vì cố bám víu vào quyền lực mà ông đã mất đi hậu thuẫn của một phần phong trào thổ dân và nhất của quân đội, điều đã khiến ông phải từ chức tối Chủ Nhật vừa qua.
Dân Pháp không muốn tái diễn màn song đấu Macron-Le Pen
Cũng đề cập đến tổng thống Macron, nhưng ngay trên trang nhất, Le Figaro đã dành tựa lớn đầu tiên để nói về khả năng hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen lại đối đầu với nhau nhân vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2022.
Dưới tựa đề “Macron và Le Pen đang đặt cược vào một cuộc đấu tay đôi mới vào năm 2022”, Le Figaro cho biết là theo một cuộc thăm dò mà tờ báo đã đặt cho Viện Ifop thực hiện, người Pháp dự đoán vòng hai cuộc bầu cử năm 2022 sẽ giống hệt như vào năm 2017 vừa qua.
Vấn đề tuy nhiên lại là đa số người dân không muốn kịch bản đó tái diễn.
Theo Le Figaro, dù vẫn còn xa, nhưng cuộc bầu tổng thống năm 2022 đã hiển hiện trong tâm trí của mọi người. Trong bối cảnh các cuộc thăm dò đều xác định rằng kịch bản cuộc đấu tay đôi năm 2017 giữa Emmanuel Macron và Marine Le Pen tái diễn, hai chính trị gia này như đều công khai đặt cược vào khả năng nói trên.
Các đảng cả, bên cánh tả lẫn cánh hữu, đều chỉ trích chiến lược của điện Élysée hướng tới kết quả đó. Họ đã phê phán chẳng hạn trọng tâm nhập cư mà ông Macron đã chọn khai thác, một chủ đề sẽ có lợi cho cả ông lẫn đối thủ chính của ông là bà Le Pen.
Tuy nhiên, Le Figaro lưu ý : Nếu người Pháp dự đoán vào năm 2022, vòng thứ hai giống hệt với năm 2017 (68% cho rằng đây là điều có khả năng xảy ra, theo khảo sát của viện Ifop), thì ngược lại họ hoàn toàn không muốn điều đó xẩy ra (72%).
Phong trào Áo Vàng Pháp muốn tham chính
Nhật báo Pháp Libération cũng dành trang nhất và hồ sơ chính cho thời sự Pháp, nhưng tập trung phân tích về phong trào Áo Vàng Pháp, sau khi đã tròn một tuổi, có khả năng lao vào chính trị nhân cuộc bầu cử hội đồng địa phương sắp tới đây.
Trái với các đồng nghiệp Libération hay Le Figaro đã tập trung cho thời sự Pháp, nhật báo Công Giáo La Croix đã dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ chính cho tiến trình luận tội nhằm truất phế tổng thống Mỹ Donald Trump.
Disney lao vào cuộc chiến giành thị trường video trực tuyến
Nhật báo Les Echos hôm nay đã dành tựa chính cho sự kiện tập đoàn phim ảnh giải trí Mỹ Disney khởi động cuộc tấn công chiếm lĩnh thị trường video trực tuyến.
Hàng tít trang nhất của tờ báo chẳng khác gì tựa đề một bộ phim : “Trận đánh giữa những chàng khổng lồ để giành quyền kiểm soát truyền hình tương lai”.
Les Echos ghi nhận sự kiện vào hôm nay, tại Hoa Kỳ, “Đế chế Disney” chính thức mở cuộc tấn công, đúng ra là phản công, trên thị trường xem phim trực tuyến (streaming video), hiện đang nằm dưới quyền thống trị của một chàng khổng lồ khác của Mỹ là Netflix.
Tuy nhiên, theo nhận định của tờ báo kinh tế Pháp, lao vào cuộc cạnh tranh với Netflix không chỉ có Disney, mà còn có ba đại gia khác là Apple, Amazon và Warner.
Bên cạnh tựa chính về kinh tế thế giới, Les Echos cũng giành tựa lớn thứ hai ở trang nhất cho thời sự chính trị Pháp, nêu bật các kế hoạch tới đây của tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm tìm giải pháp cho các “hồ sơ cấp bách” về mặt xã hội, đặc biệt trên hai vấn đề : Bệnh viện và hưu bổng.
http://vi.rfi.fr/phap/20191112-nato-bi-chet-nao-tt-phap-noi-huych-toet

Geen opmerkingen:

Een reactie posten