donderdag 28 november 2019

Thuyền Trưởng Nam Hàn Jeon Je Young đã cứu 96 thuyền nhân Việt Nam... qua đời hôm 17-11-2019 tại Nam Hàn, hưởng thọ 78 tuổi


Thuyền trưởng Nam Hàn ra đi, 96 thuyền nhân Việt Nam được cứu có biết?

Nguyễn Việt Linh/Người Việt


Thuyền Trưởng Jeon Je Young (trái) trong lần được cộng đồng Việt và Đại Hàn tiếp đón năm 2004, tại nhà hàng Regent West, Santa Ana. Bên phải là ông Nguyễn Hùng Cường. (Hình: Nguyễn Hùng Cường cung cấp)
WESTMINSTER, California (NV) – “Chúng tôi vô cùng đau lòng và xót xa khi hay tin vị ân nhân vô cùng lớn lao của chúng tôi, Thuyền Trưởng Jeon Je Young, qua đời hôm 17 Tháng Mười Một, tại thành phố Tong Yeong, Nam Hàn, hưởng thọ 78 tuổi,” ông Peter H. Nguyễn tức Nguyễn Hùng Cường, một trong 96 thuyền nhân vượt biển được vị thuyền trưởng Nam Hàn cứu sống năm 1985, buồn rầu nói với nhật báo Người Việt.
Bưng một thùng tài liệu và hình ảnh về câu chuyện hi hữu mà nhóm của ông được cứu sống, ông Cường kể: “Tàu của chúng tôi rời Vũng Tàu khoảng 2 giờ sáng ngày 10 Tháng Mười Một, 1985. Tới 9 giờ là máy tàu hư. Sau 5 tiếng đồng hồ sửa chữa, tàu chạy được tới hải phận quốc tế. Lênh đênh trên biển trong bốn ngày thì bão đến. Trưa ngày 14 Tháng Mười Một, tàu lại chết máy. Chúng tôi cầu nguyện và cầu cứu khi thấy hai ba chiếc tàu đi qua. Một chiếc dừng lại rồi cũng bỏ đi. Gió bão nổi lên sau đó. Chiếc tàu khi nãy dừng, lại xuất hiện, và đó là chiếc tàu Kwang Myung 87, do Thuyền Trưởng Jeon Je Young chỉ huy.”
“Sau này tôi mới biết là ông Young bị mất việc vì đã bất chấp lệnh không được cứu thuyền nhân của công ty tàu biển, và vòng lại cứu chúng tôi. Cuối cùng, ông đưa chúng tôi lên trại tị nạn Busan, Nam Hàn, vào ngày 29 Tháng Mười Một, và chúng tôi bặt tin nhau từ đó,” ông Cường kể tiếp.
“Tấm Lòng Biển” của Thuyền Trưởng Jeon Je Young 
Ông Cường cũng cho hay sau đó, ông được đưa sang trại Bataan, Philippines, rồi định cư tại Hoa Kỳ. Nhóm của ông người được sang Mỹ, người thì sang Úc, Canada.
“Suốt mười bảy năm, lúc nào tôi cũng nhớ bài học vỡ lòng về lòng biết ơn. Tôi nhờ một bà y tá người Nam Hàn làm chung bệnh viện tâm thần với tôi. Bà về Nam Hàn giúp tôi tìm vị cứu tinh của chúng tôi và bà đã tìm ra ông Young,” ông tâm sự.

Thuyền Trưởng Jeon Je Young, người ra lệnh vớt 96 thuyền nhân Việt Nam năm 1985. (Hình: Nguyễn Hùng Cường cung cấp)

Kết quả là ông Young liên lạc được với ông Cường bằng thư.
“Tôi ngạc nhiên khi ông chỉ hỏi tôi về những người được cứu, rằng họ ra sao, những đưa bé khi xưa làm gì cho xã hội, chứ không hề hỏi chúng tôi làm công việc gì. Cuối thư, ông thú thật ông cố giấu nỗi đau lòng khi nhìn thấy ghe của chúng tôi. Ông đi 10 ngày, 10 đêm và bỏ chúng tôi trên đảo. Sau tôi mới biết là Busan, và biết ông bị mất việc,” ông Cường nói.
Với ông, vị thuyền trưởng cứu mạng là một người nhân từ và can đảm.
“Ngược lại, với người Việt tị nạn chúng tôi, khi ấy và cả những năm tháng sau này, chúng tôi luôn có lòng biết ơn ông. Vì thế, năm 2004, chúng tôi mời gia đình ông thuyền trưởng sang thăm Little Saigon, với sự giúp đỡ của cộng đồng, như ông Khanh Nguyễn (Little Saigon Foundation), tổ chức LAVAS của Luật Sư Nguyễn Quốc Lân; và Luật Sư Trần Thái Văn, khi ấy là phó thị trưởng Garden Grove,” ông Cường kể.
Ông Khanh Nguyễn kể rằng trong lần đón tiếp vị thuyền trưởng tại nhà hàng Regent West, Santa Ana, thị trưởng Garden Grove khi ấy là ông Bruce Broadwater đã công nhận ngày 8 Tháng Tám là “Ngày Thân Hữu” của hai cộng đồng Hàn-Việt.
“Năm 2006, Trung Tâm Thúy Nga Paris khi biết câu chuyện, đã mời vị thuyền trưởng và tôi sang Nam Hàn để xuất hiện phỏng vấn trong cuốn Paris By Night 89, và chúng tôi lại một lần nữa gặp nhau. Vị thuyền trưởng của chúng tôi có một tâm hồn như biển cả,” ông ví von.
“Năm 2007, tôi thực hiện cuốn sách ‘Tấm Lòng Biển’ để kể câu chuyện vượt biên và tâm tình biết ơn của chúng tôi, và ra mắt tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. Ông Đỗ Quý Toàn viết lời tựa. Ông Đinh Quang Anh Thái là MC, chung với ông Nam Lộc và ông Bùi Bảo Trúc,” ông nói.

Nhóm 96 thuyền nhân khi đến đảo Busan, Nam Hàn. (Hình: Nguyễn Hùng Cường cung cấp)

Ông cho biết trong lần tiếp đón và vinh danh vị ân nhân cứu mạng 96 người, có rất nhiều mạnh thường quân yểm trợ, như ông Phạm Hoàng Bắc, chủ nhân khách sạn Ramada, Garden Grove, không lấy tiền phòng gia đình thuyền trưởng Young trong thời gian ở lại ba tuần; ông Nguyễn Hoàng Linh, chủ nhân Xe Đò Hoàng tặng vị ân nhân $5,000, nhưng vị thuyền trưởng đã tặng lại để giúp trẻ em mồ côi, khuyết tật ở Việt Nam.
“Riêng tôi, tôi giúp bảo trợ cô Jin, con gái của ông Young, học Anh văn ở Oregon. Khi vợ chồng tôi qua thăm ông ở Nam Hàn, ông rất xúc động khi nghe tôi nói rằng tôi đến Nam Hàn, không với vai trò một du khách, mà là với lòng của một người con về thăm quê ngoại, vì Việt Nam là quê nội của tôi,” ông Cường giải thích.
Muốn làm lễ tưởng niệm Thuyền Trưởng Jeon Je Young 
Được tin ông Young qua đời và hỏa táng tại Nam Hàn, ông Cường thông báo cho những ai ông biết trong số 96 người.
“Nhưng rất lạ là đến nay, chưa thấy ai liên lạc để chia sẻ nỗi buồn lớn lao này. Tôi không hiểu được. Tôi mong nếu có 20 người quan tâm, chúng tôi sẽ làm một buổi lễ tưởng niệm Thuyền Trưởng Jeon Je Young, vị ân nhân muôn đời của chúng tôi,” ông Cường tâm sự.
Ông Khanh Nguyễn, nhân dịp này, cho biết: “Tôi vô cùng thương tiếc cho một vị ân nhân đáng kính của các thuyền nhân người Việt.”

Ông bà Nguyễn Hùng Cường (trái) đón tiếp gia đình Thuyền Trưởng Jeon Je Young tại tư gia, ở Little Saigon năm 2004. (Hình: Nguyễn Hùng Cường cung cấp)

Luật Sư Trần Thái Văn chia sẻ: “Tôi hân hạnh được tiếp xúc với vị thuyền trưởng Nam Hàn này vào dịp một số cựu thuyền nhân Việt Nam tại Quận Cam đã hân hoan tổ chức buổi tiếp tân vinh danh và cảm tạ ông. Thật là một kỷ niệm đẹp vào thời điểm đó khi hai cộng đồng di dân gốc Á, Đại Hàn và Việt Nam, đã làm việc gần gũi hơn và cảm thông với nhau về một sự kiện nhân đạo cao cả của một người Đại Hàn mà cộng đồng người Việt chúng ta không quên và đáp lời tạ ơn một cách tất trịnh trọng. Với sự ra đi của ông, tôi xin nguyện cầu linh hồn Thuyền Trưởng Jeon Je Young sớm về cõi vĩnh hằng.”
Riêng Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, với những kinh nghiệm giúp người tị nạn, nói: “Thuyền Trưởng Jeon Je Young không những là vị cứu tinh cho 96 thuyền nhân được ông cứu sống, nhưng còn là một ngôi sao sáng trên bầu trời tối đen đối với thảm trạng thuyền nhân Việt Nam vào thời đó. Theo luật hàng hải quốc tế, tất cả các tàu hàng hải quốc tế đều có trách nhiệm phải cứu vớt các tàu thuyền gặp nạn.”
“Tuy nhiên rất nhiều, hay hầu hết, đều trốn tránh trách nhiệm, các tàu thuyền vào thời gian đó không cứu vớt hay tránh đi qua khu vực đó, để tránh gặp tàu vượt biên của người Việt Nam. Giới hàng hải quốc tế đều biết chuyện này nhưng họ vẫn làm ngơ. Chỉ có một vài trường hợp như Thuyền Trưởng Young hay một số các tàu hải quân các quốc gia khác có lòng can đảm và bác ái để ra tay cứu vớt thuyền nhân Việt Nam,” ông nói thêm.
Ông Cường xác nhận đăng Cáo Phó trên nhật báo Người Việt: “Nghi thức hỏa táng đã được thực hiện ngày Thứ Ba, 19 Tháng Mười Một, tại thành phố Tong Yeong, Nam Hàn.”
Thành viên thuyền nhân trong nhóm 96 người vượt biển có thể liên lạc với ông Peter H. Nguyễn hay Nguyễn Hùng Cường qua điện thoại (714) 588-4919, hay email: nguyenpetrus@yahoo.com. (Nguyễn Việt Linh)
https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/thuyen-truong-nam-han-ra-di-96-thuyen-nhan-viet-nam-duoc-cuu-co-biet/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten