zaterdag 9 november 2019

Đức kỷ niệm trọng thể 30 năm Bức Tường Berlin sụp đổ

Bức tường ''chia cắt Đông Tây'' sụp đổ cách nay 30 năm

mediaCổng thành Brandenburg Gate và Bức tường Berlin chụp từ trên cao, tháng 7/1973.Ảnh: AFP
Đúng 30 năm trước, đêm ngày thứ Năm 09/11, rạng sáng thứ Sáu 10/11/1989, Bức tường Berlin - một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh -  cáo chung, sau 28 năm tồn tại.
Trước cổng thành Brandenburg, thủ đô Berlin, thông tín viên Lê Trung Khoa của RFI thuật lại một số sự kiện đáng nhớ trong thời khắc lịch sử, đã mở ra một kỷ nguyên mới không chỉ cho nước Đức thống nhất.
 http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191110-buc-tuong-chia-cat-dong-tay-sup-do-30-nam
30 năm Bức Tường Berlin chia cắt Đông - Tây sụp đổ




Đức kỷ niệm trọng thể 30 năm Bức Tường Berlin sụp đổ


mediaDân chúng đặt hoa tại đài tưởng niệm Bức Tường ơ phố Bernauer Strasse (Berlin) nhân lễ kỷ niệm 30 năm Bức Tường Berlin sụp đổ. Ảnh 09/11/2019.ẢnhREUTERS/Fabrizio Bensch
Vào hôm nay 09/11/2019, nước Đức long trọng kỷ niệm ngày Bức Tường Berlin sụp đổ cách nay đúng 30 năm, đánh dấu sự chấm dứt tình trang phân chia Đông-Tây trong thời Chiến Tranh Lạnh tại châu Âu. Theo lẽ thường, lễ kỷ niệm trong một năm tròn một sự kiện mang tính chất biểu tượng như vụ Bức Tường Berlin phải được tổ chức linh đình, ít ra là trong khối Tây Âu. Thế nhưng các lãnh đạo phương Tây có dấu hiệu tương đối thờ ơ với sự kiện này.
Theo hãng tin Pháp AFP, dấu hiệu rõ nhất cho thấy thái độ thiếu nhiệt tình của phương Tây với lễ kỷ niệm 30 năm ngày Bức Tường Berlin sụp đổ là việc không một lãnh đạo nước lớn nào của phương Tây đến Berlin dự lễ kỷ niệm vào hôm nay.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo quả là có ghé thăm Đức trong hai ngày, nhưng đã rời đi từ tối hôm qua, 08/11. Còn tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì tối mai, Chủ Nhật mới đến thủ đô nước Đức để ăn tối với cả thủ tướng Đức Angela Merkel lẫn tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.
Dĩ nhiên là bản thân nước Đức đã tổ chức lễ kỷ niệm một cách hết sức trọng thể.
Thanh Hà, vừa từ Berlin trở về sau ba ngày theo dõi tình hình cho biết:
“Theo chương trình chính thức, sáng nay thủ tướng Đức Angela Merkel dự một buổi lễ tại nhà thờ nằm trên con lộ Bernauer Strasse. Đây từng là ranh giới giữa hai miền Đông và Tây Berlin. Năm 1961 khi bức tường được dựng lên ngay chính nơi này, bất chấp mọi nguy hiểm, nhiều người đã nhảy từ trên lầu cao để chạy thoát sang thế giới tự do.
Trong buổi lễ này có sự hiện diện của các tổng thống Slovakia, Ba Lan, Cộng Hòa Séc và Hungary. Đây là 4 nước năm xưa đã mở đường cho 16 triệu dân Cộng Hòa Dân Chủ Đức đòi Tự Do và Dân Chủ.
Tối nay đến lượt tổng thống Cộng Hòa Liên Bang Đức Frank-Walter Steinmeier và đô trưởng Berlin đọc bài diễn văn ngay trước cổng thành Brandenburger Tor.
Tại đây từ 5 giờ chiều hàng loạt các sinh hoạt văn hóa văn nghệ sẽ diễn ra. Một bộ phim về công cuộc đấu tranh vì tự do tại Đức sẽ được công chiếu, kế tới là nhiều nghệ sĩ tên tuổi của hai miền Đông và Tây Berlin sẽ có những màn biểu diễn.
Nhưng mọi chú ý đều dồn về đêm hòa nhạc tối nay dưới sự điều khiển của nhạc sĩ Daniel Barenboim. Ba mươi năm trước, chỉ ba ngày sau sự kiện bức tường sụp đổ, tại nhà hát Philharmonie ở Berlin, nằm ở phía Tây thành phố, ông đã cùng dàn giao hưởng biểu diễn miễn phí đón khán giả từ Đông Berlin sang thăm.
Giống như 30 năm trước, nhạc trưởng Barenboim lần này cũng sẽ chơi lại những bản Sonate hay Concerto của Beethoven.”
Nhìn từ nước Mỹ
Tại Hoa Kỳ, theo một cuộc điều tra gần đây của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew Research Center, vụ Bức Tưởng Berlin sụp đổ đã được công nhận là sự kiện không liên quan trực tiếp đến nước Mỹ có ảnh hưởng mạnh nhất trên người Mỹ.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet giải thích:
Theo bản nghiên cứu, 60% người Mỹ, chỉ 8 tuổi, lúc bức tường Berlin sụp đổ, vẫn còn nhớ là họ đã ở đâu lúc nghe tin. Thời đó, sự kiện đã được 84% người Mỹ xem là cơ bản.
Câu nói của tổng thống Mỹ Kennedy vào năm 1963: “Tôi là người Berlin”, rồi lời kêu gọi năm 1987 của tổng thống Mỹ Reagan: “Ông Gorbachev, hãy phá bức tường đó đi!” đã thần thánh hóa bức tường Berlin.
Trước phản ứng hồ hởi của dân chúng Mỹ khi thấy Bức Tường Berlin sụp đổ, tổng thống Mỹ thời đó, Georges Bush (Cha) đã có phản ứng thận trọng: Ông không tỏ vẻ đắc thắng, nhưng hoàn toàn ủng hộ tiến trình thống nhất nước Đức.
Khi bức tường sụp đổ, nước Mỹ lạc quan, bắt đầu mơ tưởng đến một tương lai tốt đẹp, quyền tự do cá nhân được mở rộng, một Châu Âu hòa thuận trên nền kinh tế thị trường.
Thế nhưng nước Mỹ đã không tưởng tượng được là 30 năm sau khi loại bỏ được mối đe dọa Đỏ, kẻ thù đã thúc đẩy người dân đoàn kết lại với nhau, nước Mỹ lại xâu xé nhau về một tổng thống mà nỗi ám ảnh lại chính là xây nên một bức tường.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191109-duc-ky-niem-30-nam-buc-tuong-berlin-sup-do


Berlin : Vị đắng từ một cuộc Cách Mạng thành công


mediaẢnh tư liệu: Dân Đức trèo lên Bức Tường Berlin tối ngày 09/11/1989 để đòi phá bỏ hàng rào ngăn cách Đông-Tây này.Françoise CHAPTAL / AFP
Đức kỷ niệm 30 năm Bức Tường Berlin sụp đổ trong đêm 09/11/1989. Nhưng có không ít người dân Đông Đức cho rằng phương Tây cướp đoạt cuộc Cách Mạng Hòa Bình của người dân tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức tiến hành năm xưa.
Nói đến sự kiện 09/11, hình ảnh đầu tiên là làn sóng người từ Đông Đức tràn qua biên giới trong sự hân hoan và trước mặt họ là những vòng tay đang mở rộng, những nụ cười trong nước mắt của những người dân ở phía Tây Berlin, là hình ảnh đô trưởng Berlin ăn mặc đơn sơ ra đón những đồng bào ở bên kia bức tường, cùng họ đi những bước đầu trên mảnh đất tự do, đưa họ đi tham quan « phần bên này » của thành phố. Mười một tháng sau, Cộng Hòa Dân Chủ Đức bị khai tử khi nước Đức thống nhất. Thủ tướng Tây Đức thời bấy giờ Helmut Kohl đi vào lịch sử. Có mấy ai nhắc nhiều đến Lothar de Maizière vị thủ tướng cuối cùng của Đông Đức và cũng là người từng chung sức với chính quyền Bonn trong quá trình thống nhất đất nước ?
Truyền thông quốc tế dồn dập đổ về Berlin nhân kỷ niệm 30 năm một cuộc Cách Mạng Hòa Bình nhưng không mấy ai màng đến Leipzig, nơi khai sinh phong trào phản kháng cho phép dẫn tới kết quả tốt đẹp đó ? Đúng một tháng trước ngày người lính biên phòng Harald Jäger mở hàng rào cho người dân Đông Đức bước sang bờ Tây, 70.000 người tại Leipzig đã xuống đường đòi tự do và dân chủ. Phong trào không bị đàn áp. Đấy là nhát cuốc đầu tiên đào mồ chôn chủ nghĩa Cộng Sản ở Đông Âu và kể cả đảng Cộng Sản của Liên Bang Xô Viết.
Một nhà nghiên cứu về lịch sử đương đại của Đức từng có mặt tại Leipzig đêm ấy kể lại rằng, theo chỗ ông biết, có ít nhất « 6 nhân sĩ trí thức tại thành phố này đã đàm phán và thuyết phục chính quyền không can thiệp ». Mới trước đó vài tháng, chính quyền Honecker đã ủng hộ Bắc Kinh đàn áp đẫm máu phong trào đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc.
Cuộc « Cách Mạng Hòa Bình » trước hết là cuộc cách mạng của những người dân Đông Đức và nước Đức Thống Nhất, nhưng tiến trình thống nhất nước Đức lại do phương Tây định đoạt. Chính quyền Bonn trực tiếp đối thoại với Liên Xô, rồi Mỹ và các đồng minh Tây Âu là Pháp và Anh. Trong quá trình đàm phán, Đông Đức gần như không có tiếng nói. Cựu đại sứ Thụy Sĩ tại Đức trong thời gian từ năm 2010 đến 2015, Tim Guldimann cho rằng, đó là nguyên nhân khiến 30 năm sau nhìn lại, một phần người dân Đông Đức cảm thấy bị « cướp công », họ cảm thấy « một phần lịch sử của chính người dân Đông Đức bị cưỡng đoạt hay bị chối bỏ ». Hans, người đàn ông ngoài 60 tuổi, sống với cô con gái tại một căn hộ tập thể xây gần một nhà máy công nghiệp bị bỏ hoang, xót xa nói với phóng viên của RFI tiếng Việt rằng, ông đã « trả giá đắt » cho tiến trình thống nhất đất nước đó và với ông Bức Tường vẫn tồn tại trong tâm khảm.
Harald Jäger, người đã mở bức màn sắt của Berlin năm nào, khi trả lời báo Die Welt ngày 06/11/2019, hồi tưởng lại : đêm mồng 09/11/1989 là đêm « đẹp nhất và hãi hùng nhất trong cuộc đời ». Hãi hùng bởi vì vào giờ phút lịch sử đó ông ý thức được rằng « Đảng đang bỏ rơi nhân dân và thế là cả một thế giới của ông bị sụp đổ ».
 http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191108-berlin-vi-dang-tu-mot-cuoc-cach-mang-thanh-cong


30 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Đức đã hoàn toàn thống nhất?


mediaHình ảnh cựu tổng bí thứ đảng CS Liên Xô Leonid Brezhnev hôn cựu lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker, trên một mảng tường Berlin còn lại, Berlin, Đức, ngày 23/08/2019.REUTERS/Fabrizio Bensch
Trong những ngày này, nước Đức kỷ niệm dịp 30 năm bức tường Berlin sụp đổ. Nhiều người quan tâm đặt câu hỏi « Đông Đức có gì mới ? ». Báo Les Echos nhận định Đông Đức không có gì mới ! 30 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, chỉ có 38% người dân Đức cho rằng công cuộc thống nhất đất nước đã thành công.
Từ năm 1989 đến năm 2015, 2 triệu người phía đông vẫn tiếp tục di cư sang phía tây. Khoảng cách thu nhập giữa Đông và Tây Đức vẫn cao. Trong khi lương tháng trung bình trước khi trừ các khoản đóng góp xã hội ở Tây Đức đã tăng gấp đôi, đạt 2.790 euro vào năm 2018, thì mức lương ở Đông Đức chỉ tăng 48%. Vào năm 2017, mức lương trung bình ở Đông Đức mới bằng mức lương ở Tây Đức hồi năm 2005.
Trụ sở chính của đa phần các doanh nghiệp lớn vẫn đặt tại Tây Đức. Không một đơn vị nào trong số 30 doanh nghiệp có vốn lớn nhất Đức đặt tại Đông Đức. Ở các vùng nông thôn, mặc dù có thêm 3.000 doanh nghiệp cỡ vừa được thành lập ở phía đông, nhưng các tập đoàn lớn thì vẫn tập trung tại miền tây. Quy mô nhỏ và vừa cũng khiến các doanh nghiệp ở Đông Đức khó trang bị công nghệ mới và ít có cơ hội mở rộng thị trường.
Mặc dù đã giảm mạnh từ 18,7% vào năm 2005 xuống còn 6,4% vào năm 2018, nhưng tỉ lệ thất nghiệp ở Đông Đức cũ vẫn cao hơn Tây Đức (4,3%). Do ít chịu sự tác động quốc tế, nên các doanh nghiệp Đông Đức lại đạt mức tăng trưởng 1,6%, cao hơn một chút so với các công ty Tây Đức (1,4%).
Sử dụng hiệu quả năng lượng trên thế giới tiến triển quá chậm
Trong lĩnh vực năng lượng, đáng chú ý là bài viết trên báo le Monde « Sử dụng hiệu quả năng lượng tiến triển quá chậm ». Theo báo cáo ngày 04/11/2019 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, các ngành công nghiệp vẫn tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu, người tiêu dùng lại có những thói quen mới vô cùng tốn kém về năng lượng. Trong khi đó, mức đầu tư của thế giới để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, cho dù tăng 1,6% do với năm 2017, nhưng vẫn là quá ít, không đủ để giảm hiệu ứng nhà kính.
Cường độ sử dụng năng lượng, (năng lượng để tạo ra một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội), chỉ được cải thiện 1,2%, mức thấp nhất kể từ đầu thập niên. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, tỉ lệ trên là quá thấp : mức cải thiện cường độ sử dụng năng lượng trên toàn thế giới phải đạt 3% thì mới đủ để đạt các mục tiêu đã đề ra về khí hậu, năng lượng và chất lượng không khí.
Lý do chủ yếu là nhu cầu năng lượng của các ngành công nghiệp ở Trung Quốc và Mỹ tăng mạnh. Trong cuộc sống hàng ngày, phương thức tiêu dùng của con người cũng làm giảm hiệu quả sử dụng năng lượng, chẳng hạn về giao thông, mặc dù xe hơi ngày càng được cải thiện để tiêu tốn bớt năng lượng, song người tiêu dùng lại muốn mua xe hơi to rộng hơn, và số người đi trên xe lại giảm. Nhà ở cũng vậy, người dân chuộng những ngôi nhà, căn hộ lớn, với rất nhiều thiết bị điện. Các điều kiện thời tiết không thuận lợi cũng khiến mọi người dùng nhiều máy điều hòa nhiệt độ hơn. Và kết quả là lượng năng lượng thế giới sử dụng trong năm 2018 đã tăng 2,3%, mức cao nhất kể từ năm 2010.
Nghịch lý Đông Âu : Các nước tuyển lao động châu Á vì dân di cư ồ ạt sang Tây Âu
Chuyển sang lĩnh vực xã hội, tỉ lệ sinh nở thấp và nạn di cư ồ ạt sang Tây Âu đã khiến nhiều nước Đông Âu thiếu nhân công nghiêm trọng. Báo Le Figaro gọi đó là một « nghịch lý ».
4/5 doanh nghiệp Rumani gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân công. Các doanh nghiệp Rumani đã tuyển một triệu lao động châu Á, từ lái xe, công nhân xây dựng, cho đến kỹ sư, bác sĩ. Hungary cũng thiếu hàng chục ngàn lao động trong lĩnh vực công nghiệp.
Mặc dù các nước đều muốn tuyển lao động từ những nước láng giềng để thuận lợi về mặt ngôn ngữ, chẳng hạn Ba Lan rất chuộng lao động Ukraina, Rumani thì muốn tuyển người Moldavia, nhưng « cung vẫn không đủ cầu ». Năm nay, Hungary cấp khoảng 75.000 giấy phép lao động cho người ngoài châu Âu, và ngày càng nhiều người đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Mông Cổ.
Ngoại trừ nhân công Ukraina, giấy phép lao động được các nước Liên Hiệp Châu Âu nói chung cấp nhiều nhất cho người Ấn Độ. Năm ngoái, có hơn 70.000 người Ấn Độ tới làm việc tại Anh, Đức, Ý và Đông Âu.
Còn theo Le Figaro, Việt Nam xuất khẩu nhiều lao động sang CH Séc, Rumani và các nước lân cận. Ông Daniel Bauta, người đứng đầu một quận tại Bucarest, Rumani, cho biết có hơn 500 lao động Việt Nam trên một công trường xây dựng trong địa bàn quận. Họ nhận lương khoảng 900 euro/tháng sau khi trừ các khoản đóng góp xã hội, trong khi cũng với công việc đó, người bản địa chỉ được trả 532 euro. Chính khoảng cách thu nhập này đã khiến người bản địa bất mãn.
Một nhà hoạt động nghiệp đoàn của Hungary nói với báo Le Figaro là nếu không có lao động nước ngoài này, nhiều doanh nghiệp Hungary sẽ phải đóng cửa, nhưng nếu người lao động Hung được trả lương cao hơn, họ sẽ không phải rời bỏ đất nước.
Chilê : Khủng hoảng xã hội và vi phạm nhân quyền
Nhìn sang Nam Mỹ, cuộc khủng hoảng ở Chilê vẫn thu hút sự chú ý của báo Libération. Kể từ khi phong trào phản kháng, chống bất bình đẳng xã hội bùng nổ, có ít nhất 23 người thiệt mạng, trong đó 5 người chết vì bạo lực của cảnh sát và binh lính. Đây là con số do Viện Công Tố Chilê công bố.
Còn theo Viện Nhân Quyền Quốc Gia Chilê, một tổ chức công độc lập, có hơn 145 người đệ đơn lên tòa án về việc bị lực lượng an ninh tra tấn, đối xử vô nhân tính và làm mất phẩm giá con người. Đây là con số cao kỷ lục kể từ khi tổ chức này được thành lập cách nay 9 năm. Trong khi đó, giám đốc tổ chức Chữ Thập Đỏ chi nhánh Chilê cho biết có hơn 2.000 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên.
Bà Nancy Yanez, giám đốc trung tâm nhân quyền của đại học Chilê, tại thủ đô Santiago, nhận định các vụ vi phạm nhân quyền ồ ạt cho thấy mức độ nghiêm trọng chưa từng có kể từ khi đất nước Nam Mỹ này chuyển sang chế độ dân chủ hồi năm 1990, sau khi nhà độc tài Pinochet bị lật đổ.
Việc tổng thống Sebatian Pinera ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Santiago, rồi ở nhiều thành phố lớn khác và trao quyền cho quân đội đối phó với phong trào phản kháng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ vi phạm nhân quyền, nhất là sau khi ông tuyên bố đất nước đang « trong tình trạng chiến tranh chống kẻ thù nội bang ».
Một bệnh viện Nhà nước ngày nào cũng tiếp nhận các bệnh nhân bị cảnh sát bắn đạn chì hoặc đạn cao su vào mắt. Ít nhất 130 người bị thương nặng ở mắt, khoảng 30 người mất hẳn thị lực một bên mắt. Báo cáo trước Thượng viện, chủ tịch một hiệp hội nhãn khoa cho biết đây là con số cao kỷ lục trên thế giới tính trong một thời gian ngắn như vậy. Và điều này là đặc biệt nghiêm trọng và chứng tỏ lực lượng an ninh nhắm bắn vào mặt người biểu tình.
Các quan sát viên của Viện Nhân Quyền Quốc Gia Chilê cũng ghi nhận là trên đường phố, trong nhiều trường hợp, kể cả khi người biểu tình không tấn công cảnh sát, thì lực lượng này cũng không tuân thủ quy định và nhắm bắn đạn cao su hoặc đạn chì vào phần thân trên người biểu tình.
Một trong những người trong ban lãnh đạo của Viện Nhân Quyền Quốc Gia Chilê nhận định mặc dù đa phần thành viên lực lượng an ninh gia nhập hàng ngũ sau khi đất nước đã quay lại chế độ dân chủ, nhưng họ lại có nhiều hành động lạm quyền, biện pháp trấn át như ở thời độc tài quân sự Pinochet.
Tình hình nghiêm trọng đến mức Liên Hiệp Quốc đã cử một phái đoàn đến Chilê để điều tra về các cáo cuộc vi phạm nhân quyền. Các nhà điều tra cũng tìm hiểu về các biện pháp mà chính phủ cho áp dụng để đối phó với các cuộc biểu tình và các yêu sách xã hội của người dân.
Ấn Độ mất 9 triệu việc làm trong 6 năm
Trên lĩnh vực kinh tế, nhìn sang châu Á, trong bài viết « Trong 6 năm, Ấn Độ mất 9 triệu việc làm », báo Le Monde cho biết tỉ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ đã tăng từ 2,2% vào năm 2012 lên thành 6,1% vào năm 2018. Đây là tỉ lệ thất nghiệp cao chưa từng có tại đất nước này kể từ năm 1970. Đáng lo ngại hơn nữa là hơn 50% dân số Ấn Độ dưới 25 tuổi. Mỗi tháng, trung bình có 1 triệu thanh niên đến tuổi gia nhập thị trường lao động.
Theo các nhà nghiên cứu của hai trường đại học Jawaharlal Nehru và Azim Premji, nguyên nhân chính khiến nạn thất nghiệp bùng nổ là việc chính phủ bất ngờ thu hồi lại 86% tiền đang lưu thông để đổi tiền mới hồi tháng 11/2016. Dù mục tiêu là chống tham nhũng, nhưng biện pháp này đã làm tê liệt nền kinh tế của đất nước : lĩnh vực phi chính thức, nông nghiệp và cả công nghiệp đều vận hành thông qua tiền mặt. Ngoài ra, công nghiệp hóa và hạ tầng cơ sở yếu kém, bộ máy quản lý hành chính nặng nề, trung ương tập quyền, khiến Ấn Độ không thu hút được các nhà đầu tư quốc tế.
New Delhi bị « cầm tù » trong bầu không khí ô nhiễm
Vẫn liên quan đến Ấn độ, nhưng về môi trường, khí hậu, báo La Croix hướng tới thủ đô New Delhi, nơi đang hứng bụi mịn ở mức 810 microgram/m3 không khí, cao gấp 32 lần khuyến cáo của tổ chức Y Tế Thế Giới (25 microgram/m3). Không khí tại New Delhi là thuốc độc. Sống tại New Delhi là tự sát.
Tuy nhiên, tại Ấn Độ, không chỉ có New Delhi bị ô nhiễm không khí. Theo một báo cáo của Greenpeace và tổ chức đo lường chất lượng không khí Air Visual, trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới có 22 thành phố của Ấn Độ. Ô nhiễm không khí khiến 1,2 triệu người chết sớm tại Ấn Độ hồi năm 2017.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191107-30-nam-sau-khi-buc-tuong-berlin-sup-do-nuoc-duc-da-hoan-toan-thong-nhat


Berlin, 30 năm một cuộc cách mạng hòa bình


mediaHình ảnh cựu tổng bí thứ đảng CS Liên Xô Leonid Brezhnev hôn cựu lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker, được chiếu trên một mảng tường Berlin còn lại, Berlin, Đức, ngày 04/11/2019REUTERS/Fabrizio Bensch
Kể từ ngày 04/11/2019 đến 10/11/2019, tại Berlin diễn ra hàng chục sinh hoạt, lễ hội đánh dấu 30 năm ngày một thành phố, một đất nước và cả thế giới không còn bị ngăn đôi. Đỉnh điểm mùa lễ hội năm nay là buổi hòa nhạc đêm mồng 9/11 tại Cổng Thành Brandenburger, biểu tượng Tự Do của một thành phố từng bị chia đôi.
Cũng tại cồng thành nổi tiếng này, hai sự kiện đã diễn ra từ đầu tuần : Nổi bật nhất là một tấm thảm khổng lồ với muôn vàn tâm tình của người dân Đức phất phới bay trong gió trên con lộ 17 Tháng Sáu. Tấm thảm nhiều mầu ấy được nghệ sĩ người Mỹ, Patrick Shearn “dệt” bằng 100.000 mảnh vải mỏng, với 30.000 lời nhắn nhủ, tâm sự và ước mơ hòa bình và hạnh phúc của những con người từng sống trên một đất nước bị chia cắt. Tác phẩm nghệ thuật thứ nhì được trưng bày ngay ở địa điểm then chốt này của thủ đô Berlin là một tác phẩm xếp đặt nghệ thuật mang nhan đề “Bức tường chính kiến” mà ở đó các tác giả đã nêu bật vết hằn từ sự phân chia trong xã hội do những bức tường gây nên, cách xoa dịu những viết thương đó …
Về nghệ thuật sân khấu, nhà hát Deutsch Theater cho diễn một loạt các vở kịch, tổ chức nhiều buổi nói chuyện về “cuộc cách mạng hòa bình” của 30 năm về trước. Deutsch Theater từng là điểm hẹn của giới nghệ sĩ, trí thức Đông Berlin hội họp để bàn về chiến lược đấu tranh vì tự do, dẫn tới sự sụp đổ của Bức Tường 30 năm trước. Còn tại quảng trường mang tên Đại Đế Alexandre I của Nga, tối mồng 04/11/2019 đoàn kịch PKRK đã kết hợp thể loại kịch và múa để hồi tưởng lại đúng giờ này 30 năm trước, hàng trăm ngàn người dân Đông Berlin đã tràn ngập quảng trường Alexanderplatz để tự định đoạt lấy tương lai nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Quảng trường này năm xưa, tại một quốc gia Cộng Sản độc tài, người dân Đông Berlin đã hô to khẩu hiệu “Chúng Tôi Là Nhân Dân” đòi tự do và dân chủ. Gần khu vực East Side Gallery, nơi còn lại một “mẩu” của bức tường thành có chiều dài 155 km, cao 3,5 mét từng phong tỏa Tây Berlin trong lòng một đất nước Đông Đức Xã Hội Chủ Nghĩa, suốt từ tháng 6/1961 đến cái đêm định mệnh 09/11/1989 dọc theo bờ kè dòng sông Spree là hàng loạt các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật khác : nào là các buổi hòa nhạc, chiếu phim, rọi đèn nghệ thuật hay những vở kịch ngắn về hai bộ mặt của cùng một thành phố. Ở bên phía Tây bức tường, là cảnh người người ăn chơi nhảy múa, ở phía Đông là những con người lam lũ … Đến đêm mồng 9 tháng 11, thị trưởng Berlin, tổng thống Đức sẽ cùng có bài phát biểu trước buổi hòa nhạc khổng lồ mừng 30 một Cuộc Cách Mạng diễn ra trong Hòa Bình.
Du khách quốc tế, nhất là từ Áo và Hungary và cả những người dân Đức ở các thành phố khác đang tề tựu về Berlin. Nhiều khách sạn chung quanh khu trung tâm lịch sử đã kín phòng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191106-berlin-30-nam-mot-cuoc-cach-mang-hoa-binh


Âm nhạc đánh sập Bức Tường Berlin ?


mediaBức Tường Berlin, nhìn từ Đông Đức trước ngày sụp đổ.Jean-Claude Mouton
Vào lúc nước Đức chuẩn bị kỷ niệm 30 năm Bức Tường Berlin sụp đổ, nhiều nơi trên thế giới, thanh thiếu niên nắm lấy vận mệnh tương lai, RFI nhìn lại vai trò của giới trẻ tại Đông Berlin 30 năm trước đã góp phần dẫn tới sự tan rã của khối Xã Hội Chủ Nghĩa : Âm nhạc là nhát búa đầu tiên đánh sập Bức Tường Berlin.
Ngày 09/11/1989 bức tường chia cách thành phố Berlin trong suốt 28 năm sụp đổ, chiến tranh lạnh chấm dứt. Trên thực tế bức tường tưởng chừng là kiên cố này đã rạn nứt từ lâu. Tháng Giêng 1989 chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức Erich Honecker tuyên bố bức tường Berlin còn đứng vững mãi cả « trăm năm nữa ». Chỉ mười tháng sau, người dân Berlin với búa rìu đã đập tan nát biểu tượng của sự chia cắt và qua đó khép lại hơn 40 năm chiến tranh lạnh, khối Xã Hội Chủ nghĩa tan rã, Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản cáo chung.
Âm nhạc vũ khí lợi hại của phương Tây
Những nhát búa đầu tiên giáng xuống bức tường thực ra đã được khởi động từ trước năm 1989. Mọi việc khởi đầu với buổi trình diễn của nam danh ca người Mỹ, Bruce Springsteen ngày 19/07/1988. Anh là nghệ sĩ Tây phương nổi tiếng đầu tiên đến Đông Berlin trình diễn. Trong vỏn vẹn bốn giờ đồng hồ, hơn 300.000 thanh niên Đông Đức khao khát tự do bị ca khúc Chimes of Freedom, nhạc và lời của Bob Dylan làm mê hoặc. Cho dù trước đó, Bruce tuyên bố với khán giả rằng anh đến diễn trên sân khấu Đông Berlin không để ủng hộ một chính quyền của « phe này hay phe khác mà chỉ để đưa dòng nhạc rock’n roll đến với khán giả Đông Berlin ». Dù vậy, Spingsteen không quên nói lên nguyện vọng tự đáy lòng : Anh « hy vọng một ngày nào đó những rào cản sẽ được dỡ bỏ ».
Vài tháng trước đó, tiếng hát của hai nhạc sĩ lớn của thế giới tự do là David Bowie và Michael Jackson từ phía bên kia bức tường vọng sang đã chinh phục con tim của giới trẻ đông Đức. Cũng chính vì tránh để cho giới trẻ cứ « dán mãi tai vào bức tường » nghe lóm những buổi trình diễn ở phía Tây Berlin, mà chính quyền Cộng Hòa Dân Chủ Đức dưới thời đại của Honecker đã mời một vài nghệ sĩ ngoài khối xã hội chủ nghĩa đến biểu diễn.
Một nhà nghiên cứu về lịch sử âm nhạc từng đánh giá đêm biểu diễn tại Đông Berlin của Bruce Springsteen là sự kiện âm nhạc « quan trọng nhất trong thế kỷ 20 ». Trong đêm diễn ấy, nam danh ca người Mỹ đã gieo vào 300.000 trái tim tiếng chuông tự do. Khán giả của anh đêm đó nhận thấy một làn gió thay đổi đang thổi tới Cộng Hòa Dân Chủ Đức.
Tiếng đàn Violoncelle của nhạc sĩ người Nga
Hơn một năm sau, tháng 11 năm 1989, hình ảnh nhạc sĩ Mstislav Rostropovitch kéo đàn violoncelle dưới chân bức tường ngay tại trạm kiểm soát Checkpoint Charlie đi vòng quanh thế giới. Một người nghệ sĩ tóc bạc trắng, một cây đàn và bản Suites của Bach là biểu tượng hòa bình. Berlin đang hồi sinh.
Là một nhạc sĩ đàn violoncelle/cello bậc thầy của thế giới, Rostropovitch 30 năm trước đang sống yên bình tại một căn hộ sang trọng ở quận 16 Paris. Qua đài phát thanh ông hay tin bức màn sắt đang bị khai tử và thế là ông lập tức khăn gói lên đường đến Berlin. Cùng một người bạn thân, Rostropovitch với cây đàn đáp xuống sân bay Berlin. Ra khỏi phi trường, họ biết đi đâu ? Không ngần ngại, ông lấy tắc xi đến thẳng trạm kiểm soát Checkpoint Charlie, biểu tượng giữa hai thế giới Đông và Tây.
Những nốt nhạc đầu tiên từ bản Suites của Johann Sebastian Bach được cất lên, tiếng búa rùi nện vào bức tường im bặt. Chính nhạc sĩ Mstislav Rostropovitch kể lại trong, buổi trình diễn ngẫu hứng đêm 11/11/1989, hai ngày sau làn sóng người Đông Berlin đầu tiên chính thức qua hàng rào biên giới dưới sự kiểm soát của lính biên phòng đôi bên, nhạc sĩ Rostropovitch đã tuyên bố đấy là « một ngày hạnh phúc », bởi ông biết rằng kể từ giờ phút đó Berlin không còn bị phân chia, người Đức hòa vào một khối và những nốt nhạc của Bach là keo sơn hàn gắn lại hai nửa tâm hồn của những con người bị Đông và Tây giằng xé. Cũng Rostropovitch tâm sự rằng ông cần thấy phải có mặt dưới chân Bức Tường ở vào thời khắc kịch sử đó để tri ân những người đã nằm xuống cũng tại nơi này.
Ở vào những năm 1950 Rostropovitch là một trong những tinh hoa của Liên bang Xô Viết. Ông là một nghệ sĩ tài hoa được đào tạo trong học viện âm nhạc quốc gia, là học viên hiếm hoi mới 23 tuổi đời đã đoạt giải thưởng mang tên Stalin. Nhưng bước vào đầu thập niên 1970 ông phạm phải hai điều cấm kỵ : một là tiếp xúc với nhà văn Soljennitsine, tác giả của Quần Đảo ngục Tù và hai là đứng về phía nhà bác học, nhà đấu tranh cho nhân quyền Sakharov. Gia đình Rostropovitch bị chính quyền Brejenev đưa vào danh sách đen.
Năm 1974 nhạc sĩ Mstislav Rostropovitch rời Liên Xô sanh định cư hẳn tại Mỹ, rồi Pháp. Ông là nghệ sĩ bốn bể là nhà với những vòng lưu diễn bất tận. Đã nhiều lần đi vòng quanh trái đất, nhưng theo lời con gái người nhạc sĩ nổi tiếng này, dù bị Liên Bang Xô Viết tước quyền công dân năm 1978, ông luôn thầm mơ có được ngày trở về.
Làn gió cách mạng tại Đông Âu
Dù vậy tất cả các nhà sử học đều đồng ý trên một điểm đó sự sụp đổ của Bức Tường Berlin chỉ là hồi kết từ những vết nứt chính trị trước đó trong khối cộng sản. Ngay tại Liên Xô, lần đầu tiên thành trì của chế độ Cộng Sản này tổ chức bầu cử tự do vào tháng 3/1989. Hungrary tháng 2/1989 không còn là một quốc gia độc đảng. Lại cũng Hungary ngày 10/09/1989 mở cửa biên giới với Áo. Đây là cửa ngõ đầu tiên giữa hai khối Cộng Sản và Tư Bản. Tháng 6 cùng năm, tại Vacxava, công đoàn Solidarnosc của Lech Valesa đắc cử trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên từ kể từ sau Thế Chiến.
Một lần nữa Hungary lại tiên phong, tuyên bố thoát khỏi vòng kềm tỏa của Matxcơva. Chỉ một tuần sau ngày Bức Tượng Berlin bị phá vỡ, đến lượt Tiệp Khắc tuyên bố độc lập. Tại Bulgari để tồn tại, đảng Cộng Sản phải chấp nhận mở cửa. Riêng tại Bucarest nhà độc tài Roumani Nicolae Ceausescu không cầm cự được thêm bao lâu trước khi nhận lấy cái chết khốc thảm đúng ngày lễ Giáng Sinh.
Một cách ôn hòa hơn, ba quốc gia ven biển Baltic trong vòng từ tháng 3 đến tháng 5/1990 tuyên bố độc lập. Tại Nam Tư chế độ của Slobodan Milosevic bị chống đối. Tiếp theo đó là một cuộc xung đột kéo dài cho đến tận năm 1999.
Nước Đức thống nhất và sự hình thành của Liên Hiệp Châu Âu
Về phần hai miền nước Đức là Cộng Hòa Liên Bang Đức thuộc khối tư bản và Cộng Hòa Dân Chủ Đức cùng bị Bức Tường Berlin dồn vào chân tường. Đông Đức kiệt quệ về kinh tế và không còn có thể trông chờ vào Liên Xô. Tây Đức cũng lúng túng không kém vì phải cưu mang người anh em bên sườn đông. Bonn cầu viện các đối tác Tây Âu và hướng về giải pháp thống nhất đất nước.
Hai đối tác lớn của Bonn là Anh và Pháp. Tại Luân Đôn, nữ thủ tướng Thatcher thận trọng. Tại Paris, François Mitterrand đồng tình với điều kiện, Bonn và Paris nhanh chóng đẩy mạnh khối châu Âu, hình thành một Liên Hiệp có tiếng nói quan trọng về chính trị.
Từ « Thị trường chung » phát triển thành « Cộng đồng kinh tế châu Âu », rồi « Cộng đồng châu Âu », dự án xây dựng « Liên Hiệp Châu Âu » được hình thành vào tháng 04/1990, tức là chưa đầy một năm sau khi Bức Tường Berlin sụp đổ.
Tháng 2/1992, hiệp ước Maastricht chính thức được ký kết, khai sinh ra Liên Hiệp Châu Âu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191031-am-nhac-danh-sap-buc-tuong-berlin

Khát vọng tự do đập đổ Tường Berlin

Khát vọng tự do đập đổ Tường Berlin
Dân Đông Đức đập vỡ Bức Tường Berlin. Ảnh tư liệu ngày 09/11/1989.Reuters

    Vào giờ phút này 30 năm trước, trong vỏn vẹn một đêm, 16 triệu dân Đông Đức được quyền đặt chân lên một vùng đất tự do ở bên kia bức tường Berlin. Bộ mặt của hai miền nước Đức, của Châu Âu và toàn thế giới thay đổi từ giờ phút đó.

    Nhìn lại cột mốc lịch sử năm 1989, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng từng sống và làm việc tại cả Đông và Tây Đức xưa kia nhấn mạnh : "Khát vọng của triệu triệu người dân Đông Đức như một cơn lốc thổi lên và không có gì dập tắt nổi". Còn đối với ông Nguyễn Đình Xuân, một người Việt đang tu nghiệp ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức, đêm mồng 09/11/1989 ông đang có mặt cách thủ đô Berlin khoảng 200 cây số. Dân cư địa phương và bạn bè rủ ông sang tham quan Tây Berlin hít thở không khí tự do và thậm chí là tìm cách ở lại hẳn trên một quốc gia tư bản. Nhưng rồi, ông Xuân đã chọn cho mình một hướng đi riêng. Thế hệ các bạn trẻ gốc Việt sinh ra thời hậu bức tường Berlin, như cô Hà Giang, 19 tuổi, chỉ còn biết đến Đông Đức qua sách vở.
    Đêm 09/11/1989, trong tiếng hô vang "Không còn Bức Tường – Die Mauer is weg", người thì đi bộ, kẻ đi xe cùng vượt qua đường biên giới. Lần đầu tiên sau 28 năm bị chia cắt, dân Đông và Tây cùng một thành phố tương phùng khi ông lính biên phong Harald Jager "mở cửa" đồn canh gác.
    Bức Tường Berlin bị khai tử. Cùng một bức tường mà chính quyền Đông Đức gọi là tường thành "chống quân Phát Xít", còn ở bên phía Tây thành phố người ta gọi đấy là "Bức Tường Ô Nhục", là bức rèm sắt giữa một bên là thế giới Xã Hội Chủ Nghĩa và bên kia là các nước Tư Bản. Sau Thế Chiến Thứ Hai, nước Đức bị chia cắt. Cộng Hòa Liên Bang Đức chính thức được thành lập ngày 23/05/1949, thủ đô đặt tại Bonn. Chưa đầy nửa năm sau, đến lượt Cộng Hòa Dân Chủ Đức được khai sinh với thủ đô là Đông Berlin. Cả hai quốc gia này cùng lao vào công việc tái thiết sau chiến tranh. Berlin đi theo con đường Xã Hội Chủ Nghĩa. Bonn đứng hẳn thế giới phương Tây.
    Tây Berlin chơi vơi trong một quốc gia Cộng Sản. Chênh lệch về mức độ phát triển đã đẩy hàng triệu người dân Đông Đức từ bỏ quốc gia Cộng Sản này trong thời gian từ 1949. Đông Đức lâm vào tình trạng thiếu lao động để tái thiết đất nước. Trong bối cảnh đó, chính quyền Berlin bí mật có kết hoạch phong tỏa Tây Berlin bằng một bức tường.
    Tất cả bắt đầu được thực hiện trong đêm 12 rạng sáng 13/06/1961. Ban đầu tường được dựng một cách sơ sài với hàng rào kẽm gai, với những gạch đá xi măng … trước khi trở thành bức tường thành kiên cố dài 155 cây số cao 3,5 mét cộng thêm hơn 300 tháp canh gác để phong tỏa toàn bộ khu vực phía Tây thành phố Berlin với phần còn lại của nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Chung quanh chân tường là cả một hệ thống báo động lũy hào để ngăn ngừa mọi âm mưu đào thoát, vượt biên sang thế giới tự do.
    Thế nhưng rồi, tất cả đã kết thúc vào một đêm tháng 11/1989 và 11 tháng sau đó Cộng Hòa Dân Chủ Đức bị xóa tên khi nước Đức Thống Nhất.
    Trả lời đài RFI Việt Ngữ, nhà báo Lê Mạnh Hùng, người từng sống cả tại Bonn và nhất là tại thủ đô Berlin từ ngày nước Đức thống nhất, trước hết nhắc lại bối cảnh lịch sử những ngày đầu tháng 11/1989 với sự kiện hàng trăm ngàn người ở thủ đô Berlin tập hợp về quảng trưởng Alexanderplatz với một khẩu hiệu "Chúng tôi là nhân dân" để đòi tự do và dân chủ.
    Ba thập niên đã trôi qua, nhưng Bức Tường Berlin năm nào vẫn tồn tại trong tâm khảm của người dân Đức. Cho dù chênh lệch về kinh tế và mức sống của người dân tại hai nước Đông và Tây Đức xưa kia đã được thu hẹp, 57 % người dân Đông Đức cũ vẫn cảm thấy bị bỏ rơi, và số này có xu hướng ủng hộ đảng cực hữu bài ngoại.
    Nhà báo Lê Mạnh Hùng-Berlin 09/11/2019 Nghe
    Bức Tường Berlin sụp đổ, dẫn tới việc Cộng Hòa Dân Chủ Đức và khối Xã Hội Chủ Nghĩa cáo chung. Khi đó có không ít người Việt đang lao động hoặc được đào tạo tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Ông Nguyễn Đình Xuân đang học nghề tại Đông Đức năm 1989 chọn ở lại Cộng Hòa Dân Chủ Đức.
    Ông Nguyễn Đình Xuân -Berlin 09/11/2019 Nghe
    Với Cô Hà Giang, 19 tuổi, nước Đức thống nhất là cơ hội xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.
    Cô hà Giang, 19 tuổi - Berlin 09/11/2019 Nghe
    Chỉ tiếc một điều là chúng tôi đã gặp được một số nhân chứng từng có mặt tại thủ đô Berlin trước năm 1989 thậm chí đã có người từng sống qua đêm lịch sử đó, nhưng hầu hết đều khéo léo từ chối trả lời khi trông thấy máy ghi âm của đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp RFI.
     http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191109-khat-vong-tu-do-dap-do-tuong-berlin

    Cùng chủ đề
    • CHIẾN TRANH LẠNH - NGA

      Đánh giá 30 năm Chiến tranh Lạnh kết thúc: Nước Nga tiếp tục bị chia rẽ
    • ĐỨC - BỨC TƯỜNG BERLIN

      Berlin : Vị đắng từ một cuộc Cách Mạng thành công


    Các lưu trữ
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >
    7.                 

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten