maandag 11 november 2019

Những người lính Việt Nam “Hy sinh vì nước Pháp” trong Thế Chiến I


Những người lính Việt Nam “Hy sinh vì nước Pháp” trong Thế Chiến I

Những người lính Việt Nam “Hy sinh vì nước Pháp” trong Thế Chiến I
Bà Brigitte Sabattini, giảng viên đại học Aix-Marseille, tại nghĩa trang quân đội Luynes, ngoại ô Aix-en-Provence, tháng 06/2019.RFI / Tiếng Việt

    Đông Dương gửi sang Mẫu quốc khoảng 43.000 lính tập và 49.000 lính thợ trong Thế Chiến I và rất nhiều người đã “Hy sinh vì nước Pháp”. Ngay từ tháng 12/1917, Hội Ký ức Đông Dương được thành lập để chăm sóc phần mộ của 814 liệt sĩ ở Marseille và 230 liệt sĩ ở Fréjus, miền nam nước Pháp.

    Năm 1966, khi nghĩa trang quốc gia Luynes (Nécropole nationale de Luynes), ở ngoại ô thành phố Aix-en-Provence, được quy hoạch, toàn bộ phần mộ lính Việt Nam ở Fréjus được đưa về yên nghỉ tại khu B của nghĩa trang, nằm trong số 11.424 quân nhân hy sinh vì nước Pháp trong hai cuộc Thế Chiến. Mười hai mộ khác ở nghĩa trang Saint-Pierre, thành phố Aix-en-Provence, cũng được đưa về nghĩa trang Luynes nhưng bị phân tán trong hai khu C và D.
    Bà Brigitte Sabattini, chuyên gia về di sản, giảng viên đại học Aix-Marseille, đã dẫn phóng viên RFI Tiếng Việt thăm những ngôi mộ nhỏ, sơn trắng, đều thẳng tắp trên bãi cỏ xanh rì. Trong suốt một thế kỷ, họ vẫn là những người lính vô danh, dù họ tên và ngày mất được ghi trên bia.
    PV. Sabattini - Lính Đông Dương 08/11/2019 Nghe
    RFI : Bà có thể giới thiệu về khu mộ những người lính Việt Nam ở nghĩa trang Luynes, cũng như đài tưởng niệm công lao của họ ở nghĩa trang Saint-Pierre ở Aix-en-Provence ?
    Brigitte Sabattini : Ở nghĩa trang Luynes có rất nhiều mộ của lính tập Đông Dương hy sinh tại Fréjus (trước được an táng ở nghĩa trang của trại Gallieni, gần chùa Hồng Hiên) trong Thế Chiến I. Cần biết là cùng với 43.000 lính tập, còn có 48.000 lính thợ Đông Dương đến Pháp làm việc. Và Ủy ban Ký ức Đông Dương cũng được thành lập nhằm bảo vệ, chăm sóc những phần mộ những người lính “Hy sinh vì nước Pháp”. Họ chết trong những nhà máy, ngay tại nơi làm việc, trong giai đoạn Thế Chiến I.
    Còn về đài tưởng niệm liệt sĩ Đông Dương tại nghĩa trang Saint-Pierre ở Aix-en-Provence, người ta ghi họ tên của những người chết trong các nhà máy ở hai vùng Bouches-du-Rhône và Vaucluse trong Thế Chiến I.
    Trên bốn mặt của đài tưởng niệm ghi tên 89 liệt sĩ Đông Dương. Ở mỗi mặt, tên của họ được ghi thành hai cột. Ở mặt thứ nhất là những người lính thợ từng làm việc tại nhà máy thuốc súng Saint-Chamas. Mặt tiếp theo ghi tên những liệt sĩ từng làm việc ở Trung tâm Không quân Istres. Và cuối cùng là một số người chết ở Aix do vào tháng 04/1919, ở trại quân y, có lệnh tập trung lính thợ Đông Dương chờ hồi hương, một nửa trong số họ đến từ Saint-Chamas, nửa còn lại từ Salers-sur-Saône, ở thung lũng sông Rhône và những người này đã mang bệnh cúm đến. Tổng cộng có 13 lính thợ chờ hồi hương nhưng cuối cùng bị chết vì cúm ở bệnh viện Aix từ cuối năm 1918 đến đầu năm 1919.
    RFI : Vậy lính thợ Đông Dương làm những nhiệm vụ gì ở vùng Bouches-du-Rhône ?
    Brigitte Sabattini : Đa số lính thợ Đông Dương làm việc trong các nhà máy thuốc súng trên khắp nước Pháp. Còn tại vùng Bouches-du-Rhône, họ làm việc chủ yếu trong các nhà máy thuốc súng ở Saint-Chamas, Salin-de-Giraud và Sorgues. Song song đó, họ cũng làm việc trong những xưởng sản xuất thuốc nổ để gửi ra chiến trường.
    Ngược lại, ở trường không quân Istres, lính thợ Đông Dương làm việc chủ yếu trong các xưởng sửa chữa máy bay. Những người lính thợ Đông Dương đầu tiên đến Pháp được giao làm thợ sơn, đơn giản là trong không quân, họ cần đến thợ chuyên môn, sơn cánh và vỏ máy bay. Và hiện còn nhiều tài liệu về chủ đề này. Bên cạnh những ngôi mộ lính thợ ở Istres là mộ những người lính ở Salin-de-Giraud.
    Ở khu thứ ba là những người chết ở Avignon vì ở đó có bệnh viện chuyên tiếp nhận bệnh nhân từ Sorgues. Ngoài ra, còn có những người lính thợ làm việc trong lĩnh vực xây dựng và trong số họ, một số người chết vì tai nạn đường sắt, bị xe goòng nghiền, nhưng đa số bị chết vì các bệnh về đường hô hấp.
    Tôi từng giới thiệu trong một bài nói chuyện riêng về trường hợp của Phan Van Loi, đang yên nghỉ ở nghĩa trang Luynes. Ông Phan Van Loi xấu số này làm việc ở xưởng thuốc súng Sorgues, và bị một nhóm thanh niên từ Marseille giết chết chỉ để cướp ví tiền mà bên trong có mỗi 10 franc.
    RFI : Trong Thế Chiến thứ nhất, có khoảng bao nhiêu lính thợ Đông Dương hy sinh trong vùng ?
    Brigitte Sabattini : Cả một cơ quan đặc trách được thành lập để kiểm soát lính tập và lính thợ Đông Dương. Vào năm 1919, khi bộ Thuộc Địa được yêu cầu cung cấp số người chết, cơ quan quản lý lính thợ Đông Dương cho biết thiệt hại về người rất thấp, chiếm khoảng 3,6% trên tổng số hơn 48.000 lính thợ Đông Dương đến Pháp, có nghĩa là gần 2.000 người chết. Và theo tài liệu còn được lưu lại, tỉ lệ thấp đó cho thấy cơ quan thanh tra đã cố duy trì điều kiện sống tốt nhất có thể cho lính thợ Đông Dương.
    RFI : Số lính tập và lính thợ Đông Dương đến Pháp trong Thế Chiến I có phải là những người tình nguyện ?
    Brigitte Sabattini : Tất cả những tài liệu mà chúng tôi tìm được, đặc biệt là những sắc lệnh từ đầu giai đoạn đó, đều nhấn mạnh đến việc đó là những lính tập và lính thợ tình nguyện. Tất cả đều được ghi rõ trong các sắc lệnh, từ lệnh đầu tiên được ký vào cuối năm 1915. Cũng cần lưu ý là nếu như nhiều thành viên hoàng tộc An Nam tham gia tiểu đoàn lính tập 16 hoặc trong những tiểu đoàn khác, đó là vì họ muốn làm gương để thu hút tình nguyện viên.
    Do đó, trái với những lính thợ và nhân công trong Thế Chiến II, lực lượng lính tập, lính thợ và trợ lý y tế Đông Dương đều tình nguyện đến Pháp trong Thế Chiến I. Nhân tiện, tôi muốn nói về những trợ lý y tế và bác sĩ Đông Dương, họ rất được coi trọng, làm việc trong hầu hết các bệnh viện ở hậu phương. Họ làm tròn bổn phận của lương y. Điều này được thấy qua việc trong số những người chết năm 1919, có rất nhiều y sĩ, bác sĩ Đông Dương bị mắc bệnh lao khi điều trị cho bệnh nhân.
    RFI : Có một số lỗi chính tả về tên của các liệt sĩ Đông Dương được ghi trên mộ. Làm thế nào bà và nhóm nghiên cứu có thể xác định được thân thế của những liệt sĩ này ?
    Brigitte Sabattini : Về công trình này, chúng tôi đã tiến hành một cuộc điều tra về thân thế và sự nghiệp của mỗi người và dĩ nhiên chúng tôi gặp một số vấn đề về tên tuổi. Chúng tôi đã ghi lại điểm khác biệt giữa những gì được ghi trên bia mộ và thông tin tìm được trên những tấm thẻ về mỗi người - hiện có thể truy cập được trên trang Mémoire des Hommes của bộ Quốc Phòng, cũng như từ sổ khai tử.
    Trước tiên, chúng tôi tìm tên của những liệt sĩ Đông Dương trên trang Mémoire des Hommes. Sau đó, vì có địa điểm họ qua đời nên chúng tôi nghĩ rằng, đơn giản hơn là nên tìm thông tin ở sổ khai tử, nơi lưu lại tất các thông tin về người quá cố. Và trong sổ khai tử đó, tên tuổi của người chết được ít nhiều ghi đúng chính tả.
    Đặc biệt, chúng tôi còn tìm được những thông tin liên quan, như người quá cố còn họ hàng thân thích hay không. Vì bộ phận khai tử phải gửi đến tất cả các bệnh viện hoặc nơi chịu trách nhiệm mai táng những chỉ thị liên quan đến truyền thống, nghi lễ tổ chức đám tang cần được tôn trọng vì nguyên quán của mỗi người quá cố có nghi thức tang lễ khác nhau.
    Có một điểm đáng chú ý, đó là trong một số văn bản liên quan đến quy trình kiểm soát lính Đông Dương, đội ngũ thanh tra nhận thấy nhiều chỉ thị về tang lễ đã không được tuân thủ. Chúng tôi tìm thấy một số báo cáo liên quan đến Marseille, cho thấy một số bệnh viện không được thông báo về những thông tin cần được ghi trên mộ của liệt sĩ Đông Dương. Vì thế, tại nghĩa trang Luynes, chúng ta có thể thấy nhiều mộ lính Đông Dương được đánh dấu Công Giáo, thậm chí là Hồi Giáo.
    Điều chắc chắn, đó là chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu lại và sẽ thông báo về tất cả những thông tin mới, phát hiện mới về điểm này, mà tôi hy vọng sẽ đạt được trong tương lai gần.
    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn bà Brigitte Sabattini, chuyên gia về di sản, giảng viên đại học Aix-Marseille (Aix-Marseille Université, AMU).
    Đài tưởng niệm công lao những người lính Đông Dương, nghĩa trang Saint-Pierre, Aix-en-Provence.RFI / Tiếng Việthttp://vi.rfi.fr/viet-nam/20191111-nhung-nguoi-linh-viet-nam-hy-sinh-vi-nuoc-phap-trong-the-chien-i

    Chân dung người lính Việt Nam trong Thế Chiến I (1914-1918)

    Chân dung người lính Việt Nam trong Thế Chiến I (1914-1918)
     
    Đội bóng của lính Đông Dương trong Thế Chiến I (1914-1918).Carte postale

      Lính Đông Dương, đặc biệt là người Việt, thường được nhắc đến là chiến đấu cùng quân đội Pháp trong Thế Chiến II. Nhưng rất nhiều người Đông Dương đã có mặt trên chiến trường châu Âu trong Thế Chiến I (1914-1918).

      Thậm chí, họ còn đông hơn cả số lượng lính Đông Dương trong Thế Chiến II do trong giai đoạn này, Pháp ký thỏa thuận định chiến với quân Đức nên phần lớn số lính Đông Dương được dự kiến gửi sang chiến trường châu Âu đã không đi được hoặc bị gửi về nước.
      Trong giai đoạn Thế Chiến II, theo dự kiến có khoảng 75.000 lính thợ và lính tập Đông Dương được gửi sang Pháp nhưng cuối cùng chỉ còn 25.000 người. Con số này thấp hơn 1/4 so với con số hơn 93.000 người Đông Dương được đưa sang Pháp trong giai đoạn Thế Chiến I (1914-1918), trong đó gần một nửa là lính chiến đấu trực tiếp trên chiến trường.
      Công lao của người lính Đông Đương được ghi công tại Vườn Nông Học Nhiệt Đới Paris (Jardin d’Agronomie Tropicale de Paris). Ngoài ra, còn có sáu công trình Ký Ức Đông Dương (Souvenir Indochinois), còn gọi là « tượng người lính An Nam chiến thắng » (Soldat annamite victorieux), được dựng ở Marseille, Aix-en-Provence, Montpellier, Tarbes, Bergerac và Toulouse.
      Nhân kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến Tranh Thế Giới thứ nhất, RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với sử gia Pierre Brocheux về những người lính Đông Dương, đặc biệt là lính Việt Nam, đã sát cánh cùng quân đội Pháp trên chiến trường châu Âu.
      Hoàng đế Bảo Đại khánh thành khu nhà dành cho lính Đông Dương trong bệnh viện Val-de-Grâce, Paris, ngày 09/03/1927.BNF/Agence Rol
      RFI : Thưa sử gia Pierre Brocheux, lính Việt Nam tham gia vào Chiến Tranh Thế Giới thứ nhất, sát cánh với quân đội Pháp. Họ được đưa đến những mặt trận nào ở châu Âu ?
      Pierre Brocheux : Phía bộ tham mưu Pháp có một định kiến về lính Việt Nam. Thậm chí ban đầu, họ còn không muốn đưa lính Việt Nam sang Pháp vì sợ người Việt không chịu được giá lạnh vào mùa đông, hoặc sợ họ ngại đạn lửa trên tuyến đầu, không xông pha ngoài mặt trận. Lính Đông Dương còn bị so sánh với người Sénégal, được gọi là « lực lượng đen », gồm hơn 200.000 người.
      Cuối cùng, sau khi chấp nhận lính Đông Dương vào năm 1915, rất nhiều người trong số này lại không được đưa ra tiền tuyến, thậm chí còn không có mặt trên chiến trường. Nhưng điều này không ngăn cản họ đóng góp trong chiến tranh. Vì có khoảng 8.000 người trong số họ được tuyển làm lái xe tải chở đạn dược, cung cấp đạn dược cho chiến trường. Ngoài ra, họ còn lái xe cứu thương và cũng xuất hiện trên tuyến đầu để tìm người bị thương.
      Rất nhiều lính thợ Việt Nam cũng được đưa sang Pháp vì công nhân Pháp được điều động ra chiến trường. Vì vậy, phụ nữ phải tham gia vào sản xuất công nghiệp chiến tranh và được lao động Việt Nam hỗ trợ, từ đó mà xuất hiện từ « lính thợ ». Lính thợ cũng được tổ chức thành trung đoàn, đại đội… và mặc đồng phục như những quân nhân thực thụ. Nhưng phần lớn số họ làm việc trong các nhà máy ở hậu phương.
      Tóm lại, phần lớn là lính thợ, nhưng cũng có rất nhiều lính chiến đấu trên chiến trường. Thậm chí, có người nói là nhiều quân nhân Việt Nam đã hy sinh trong trận đánh lớn Verdun, nhưng xác của lính Việt tử trận bị vùi cùng lính Bắc Phi. Vì thế mà sau này đóng góp của họ họ bị lu mờ.
      RFI : Ngoài ra lính Đông Dương còn được điều tới chiến trường nào khác không ?
      Pierre Brocheux : Nhiều lính Đông Dương có mặt trong các đơn vị chiến đấu không chỉ ở Pháp, mà sau đó, họ còn được cử sang các nước vùng Balkan để chiến đấu chống quân Bulgari, đồng minh của Đức, và chống lực lượng Bônsêvic vào năm 1917, lúc diễn ra Cách Mạng Bônsêvic Nga lan sang vùng Trung Âu và Balkan.
      Ngoài ra, lính Đông Dương còn được điều đến chống người Druze gốc Ả Rập theo đạo Hồi sống ở phía bắc Syria-Liban - người Druze không được người theo đạo Hồi khác coi trọng. Pháp được ủy quyền quản lý Liban và Syria, cùng lúc với việc Anh Quốc được quản lý Palestine, Jordani, có nghĩa là Pháp-Anh chia sẻ việc cai quản một phần đế chế Ottoman ngày trước. Người Druze nổi dậy vào khoảng năm 1925 khi các đội quân Pháp đến Trung Đông, mà người ta vẫn gọi là « Cuộc nổi dậy của người Druze », kéo dài khoảng 2-3 năm. Và lính Đông Dương được cử đến đây để chống người Druze.
      Trên mặt trận Balkan, tất cả sĩ quan Pháp đều đánh giá lính Đông Dương là những người lính giỏi, làm tốt nhiệm vụ được giao. Lời đánh giá này được tướng Weygand, chỉ huy trưởng quân đội Pháp trong những năm 1939-1940, viết trong cuốn sách về Lịch sử quân đội Pháp (Histoire de l’armée français, 1938), trong đó có một phần nói về Quân đội thuộc địa (L’armée coloniale) và dành một chương cho lính Đông Dương. Ông đánh giá họ là những người lính tuyệt vời nếu họ được chỉ huy tốt.
      Lính Bắc Kỳ cũng được điều đến Maroc để trấn áp cuộc nổi dậy ở vùng Rif (miền Bắc Maroc). Ngoài ra, họ còn được gửi đến Vladivostok (miền Viễn Đông Nga). Khi cuộc Cách Mạng Nga nổ ra năm 1917, phe Bônsêvic lên nắm quyền và thành lập nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết Liên Bang Nga. Lính Đông Dương có mặt tại Vladivostok để chống phe Bônsêvic, trong đạo quân viễn chinh quốc tế gồm người Anh, Pháp, Mỹ, Nhật.
      Lính Đông Dương ở Saint-Raphael (miền nam Pháp).BNF/Agence Rol
      RFI : Lính Việt Nam được đưa sang châu Âu là ai ? Quá trình tuyển mộ diễn ra như thế nào ?
      Pierre Brocheux : Trên nguyên tắc, phần lớn là tình nguyện viên, có nghĩa là họ nhận được một khoản tiền ban đầu, nên có thể tạm gọi là « tình nguyện viên », tôi sẽ giải thích tại sao. Sau đó, họ được lĩnh lương, dù không cao. Lương của quân nhân Pháp cũng chẳng khả quan hơn. Rồi họ còn có trợ cấp cho gia đình trong trường hợp họ bị thương, thậm chí bị chết.
      Trên nguyên tắc, quá trình tuyển quân diễn ra ở các làng, cũng có thể ở thành phố, và được giao cho thân hào trong làng đảm trách. Dĩ nhiên là thân hào xoay sở theo cách của họ và tình trạng hối lộ rất cao. Ví dụ, nếu một người đàn ông thuộc gia đình giàu có, người này hối lộ quan để không bị đăng lính. Vậy là quan chức trong làng phải đi tìm những người nghèo nhất, không có đất cày, không có việc làm… và giải thích cho những nông dân này là họ sẽ được lĩnh trước một khoản tiền. Viễn cảnh cũng được vẽ ra là khi trở về họ có thể sẽ trở thành thân hào, nếu có huân chương, họ sẽ được lĩnh trợ cấp quân nhân hoặc họ có thể vào làm trong ngạch hành chính.
      Dĩ nhiên, ngoài những người « được liên lạc », « bị ép » theo một số ý kiến gây tranh cãi vẫn gọi như thế, nhưng thực ra họ không bị như vậy, còn có rất nhiều tình nguyện viên, thường là phiên dịch, thư ký, kế toán.
      Đừng quên một điều là những người này, dù bị ép đi lính hay không, đều phải qua kỳ kiểm tra sức khỏe. Tại sao Pháp lại phải tuyển những người bị bệnh lao hoặc quá yếu ? Họ phải trải qua hai cuộc kiểm tra. Lần đầu ở trung tâm tuyển quân và ở vòng này, khá nhiều người đã bị loại. Khi đến bến cảng trước khi lên tầu sang Pháp, những người vượt qua vòng kiểm tra lần một được kiểm tra sức khỏe lần nữa.
      Theo nhiều tài liệu lưu trữ, vào khoảng năm 1916 hoặc sau đó, trên tổng số 6.000 người đến cảng xuất phát, vài nghìn người đã bị loại trong đợt kiểm tra sức khỏe thứ hai. Đó là chuyện đã diễn ra, là thực tế và trái với những lời đồn đại.
      Vậy tại sao lại có nhiều người tình nguyện ? Không phải chỉ có mỗi phiên dịch viên, hoặc người làm việc văn phòng, mà còn có nhiều tình nguyện viên khác vì họ muốn thoát cảnh đói. Chín trên 10 lính thợ đến từ tỉnh Thái Bình, một tỉnh đông dân ở Bắc Kỳ và rất nhiều người trong số đó không có đất cày.
      RFI : Tại Pháp, điều kiện sống của người lính Đông Dương ra sao ? Họ được đối xử ra sao ? Và sau khi hết nghĩa vụ, họ làm gì ?
      Pierre Brocheux : Thư từ trao đổi của những người lính này cho thấy điều kiện sống của họ rất đa dạng, rất khác nhau. Có thư nói rằng họ bị ngược đãi hoặc có nhiều thư viết rằng dù gì thì Pháp cũng yếu hơn Đức và Pháp sẽ không thắng trận.
      Nhưng cũng có nhiều lá thư nói ngược lại. Họ được người Pháp đón rất chu đáo, như một bức thư viết : « Tôi được một gia đình Pháp đón và coi tôi như con trai họ », hoặc « Đồng đội của tôi tên là Joseph. Gia đình anh ấy đón tôi ». Một số lính thợ có bạn gái người Pháp.
      Ví dụ, trong một bức thư được sử gia Kim Loan Vũ Hiến trích lại trong cuốn sách của bà, cho biết một hạ sĩ quan người Việt yêu một cô giáo tiểu học sống ở tỉnh. Vào năm 1919, khi được giải ngũ, người ta nói với ông rằng nếu về Đông Dương, ông sẽ tiếp tục giữ chức hạ sĩ quan trong quân đội, nhưng nếu vẫn quyết tâm cưới người phụ nữ đó, ông sẽ gia nhập lực lượng quân đội Pháp chính quốc nhưng bị mất quân hàm, chỉ còn là một quân nhân bình thường. Trong thư gửi một đồng đội khác ở Marseille, người đàn ông đó viết là đã bỏ chức vụ, ở lại Pháp và cưới người yêu.
      Ngoài ra còn có một số bức thư khác mà tác giả cho biết là được chăm sóc rất cẩn thận trong bệnh viện khi họ bị ốm hoặc bị thương, rồi họ được các gia đình Pháp đón trong thời gian hồi phục.
      Tuy nhiên, cũng có rất nhiều bức thư cho thấy, một cách chung chung là rất nhiều người Việt, với vị thế là người dân của một xứ bị đô hộ, mong Pháp thua trận. Nhưng khi Đức thất bại, người ta nhận thấy là lính Đông Dương không thể hiện niềm vui, nhưng khoảng một-hai năm sau đó, họ cũng thừa nhận là Pháp đã chiến thắng.
      Lính thợ Đông Dương (1914-1918) yên nghỉ ở nghĩa trang Bagneux, ngoại ô Paris.BNF/Agence Meurissehttp://vi.rfi.fr/viet-nam/20181112-chan-dung-nguoi-linh-viet-nam-trong-the-chien-thu-nhat-1914-1918

      Phim "Gạo đắng", số phận nông dân Việt Nam ở vùng Camargue

      Phim
       
      Nông dân Đông Dương làm ruộng tại vùng Camargue, Pháp.DR

        Năm 1941, trong khi chính phủ Vichy phải trông cậy vào nguồn nhân lực nhập cư từ các thuộc địa, hàng chục ngàn lính thợ Đông Dương được tuyển mộ để tới Pháp, không phải để chiến đấu trên những chiến tuyến máu lửa, mà để tham gia vào việc sản xuất và canh tác nhằm cứu sống đất nước khỏi thiếu thốn và đói nghèo.

        “Gạo đắng” là câu chuyện kể lại quá trình người Việt Nam trồng lúa gạo tại Camargue, vùng Midi của Pháp, trong Đệ Nhị Thế Chiến. Bộ phim tài liệu được Alain Lewkowicz chuyển thể dựa trên một tác phẩm của Pierre Daum dưới tựa đề “Cưỡng ép nhập cư, những người lao động Đông Dương tại Pháp” (NXB Actes Sud). Trước khi được chiếu trên kênh truyền hình quốc gia France 3 vào tháng 06/2015, với đề xuất của nhóm hữu nghị Pháp-Việt của Nghị viện Pháp, bộ phim đã được chiếu tại Hạ viện ngày 05/05 dưới sự bảo trợ của chủ tịch Hạ viện Claude Bartelone với mục đích sửa chữa sự lãng quên và bất công mà những người lao động Đông Dương đã phải chịu đựng.
        Đi tìm sự thật bị che giấu…
        Câu chuyện bắt đầu vào cuối năm 2002, khi Lê Hữu Thọ, hiện đã qua đời, từng là một phiên dịch của một nhóm “Công binh” Đông Dương tại Camargue, tới thăm Bảo tàng Lúa gạo do ông Robert Bon quản lý tại Le Sembuc. Tại đây, ông ngạc nhiên nhận thấy bảo tàng không trưng bày bất kỳ một hình ảnh, hay một tư liệu nào liên quan tới những người đồng hương, từng cày cấy trong vòng 2 năm, 1941-1943, tại vùng Camargue.
        Sau nhiều cuộc trao đổi qua điện thoại với người quản lý bảo tàng, Lê Hữu Thọ viết : “Để tiếp nối cuộc nói chuyện điện thoại ngày 11/12/2002, tôi xin gửi tới ông một số tài liệu liên quan đến nguồn gốc lịch sử của ngành trồng lúa gạo tại Camargue cho phép ông sửa lại một lỗi lầm lịch sử trong bản tưởng niệm (la mémoire) tại bảo tàng của ông. Đáng tiếc là ông đã che giấu ký ức về những người nông dân chính của ngành sản xuất lúa gạo tại Camargue. Đây là công trình của những người lao động, thuộc quân đoàn 2 nhân lực Đông Dương vào năm 1941, khi đang bị phát xít Đức chiếm đóng.
        Những người tự cho hiểu biết Lịch Sử sau Đệ Nhị Thế Chiến đều ngạc nhiên khi biết rằng có 20.000 người lao động và 15.000 lính Đông Dương (hay còn gọi là Việt Nam) bị trưng bắt trong những năm 1939-1940 để hỗ trợ cho cuộc chiến của nước Pháp trong Thế Chiến. Phần lớn trong số họ là những nông dân giỏi tại Việt Nam. Sau khi Đình Chiến vào tháng 06/1940, 20.000 người Việt Nam đã sống tám năm lưu vong trên đất Pháp (1940-1948).
        Trong thời gian này, nhiều người trong số họ đã có đủ thời gian tháo cạn những bãi đầm lầy của vùng Camargue và trồng lúa tại đây. Từ đó, ngành trồng lúa trên mảnh đất vùng Provence đã được khai sinh...”. Kèm theo bức thư, ông gửi rất nhiều tài liệu liên quan, cùng với những bức hình chụp người nông dân Việt Nam đang làm việc ngoài ruộng hay đang nghỉ giải lao. Robert Bon hiểu rằng Lê Hữu Thọ hoàn toàn đúng.
        20.000 lao động Việt Nam sang giúp Mẫu Quốc khó khăn
        20.000 lao động Đông Dương bị tuyển mộ cưỡng bức theo một sắc luật ngày 29/08/1939. Họ làm nghề nông, xuất thân chủ yếu từ các vùng nông thôn nghèo ở Bắc và Trung Kỳ. Bị chụp ảnh rồi đánh số, 20.000 lính thợ Đông Dương phải tuân thủ kỷ luật quân đội.
        Ông Nguyễn Ngọc Châu, nhân chứng còn sống cuối cùng, nhớ lại : “Trước năm 1939, người ta nhìn thấy những tấm áp phích ghi rằng : “Mẫu Quốc đang gặp nguy. Nghĩa vụ của bạn là giúp đỡ Mẫu Quốc”. Điều này khiến mọi người xúc động. Vì tôi học trường Pháp, nên tôi chấp nhận ra đi. Hơn nữa, với chúng tôi, đó là cơ hội để nhìn thấy nước Pháp. Tôi gia nhập với tư cách là giám thị-phiên dịch.
        Chúng tôi, những người phiên dịch, cùng với các quan chức địa phương, tới nhiều ngôi làng khác nhau để mộ phu. Ví dụ một làng có 20 hộ gia đình, thì phải tuyển đủ 20 người. Đúng kiểu bắt buộc. Nhiều gia đình có 3, 4 con. Trong trường hợp, ví dụ, người con trai cả, 35 tuổi, đã có gia đình và có 3, 4 người con, thì người con thứ hai hoặc thứ ba phải đi thay. Nếu gia đình không có con trai thứ nào để thay thế, thì người con cả, dù đã có gia đình và con cái, vẫn bị bắt buộc đi. Chính vì thế, trong thời kỳ đó, trong đoàn của chúng tôi, có nhiều người đã khoảng 30-35 tuổi”.
        Được đưa lên trên 14 con tàu giống nhau, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 10/1939 tới tháng 05/1940, 20.000 người thợ Đông Dương rời cảng Hải Phòng lênh đênh trên biển và cập cảng Marseille, miền Nam nước Pháp. Mỗi chuyến đi kéo dài tới 48 ngày, khiến nhiều người ốm và say sóng vì lần đầu tiên đi biển.
        Tất cả lính thợ trên con tàu của ông Lê Hữu Thọ được chuyển tới tạm trú tại nhà tù cũ Baumette ở Marseille, nơi duy nhất có đủ chỗ chứa mọi người. Ông Nguyễn Ngọc Châu nhớ lại, mọi người đều không biết trước đó là nhà tù, mãi sau này họ mới được biết. Vì bên trong nhà tù đã được tu sửa sạch sẽ để mọi người có thể ở tạm trong thời gian ngắn. 20.000 lính thợ từ Viễn Đông tới được gọi là “nguồn nhân lực Đông Dương”, M.O.I. (main d’oeuvre indochinoise) được chia thành nhiều nhóm để gửi tới 73 công ty phục vụ cho ngành quốc phòng, trong đó có các nhà máy sản xuất vũ khí trên khắp nước Pháp (Bayonne, Toulouse, Saint Chams, Bourges, Tours, Rennes, Oissel, Bergerac ...). Từ đây, những người thợ Đông Dương bắt đầu khám phá thế giới công nghiệp với cường độ làm việc nặng nhọc.
        Ngày 02/06/1940, nước Pháp thất bại trước phát xít Đức. Những người thợ Đông Dương phải tập trung hết trong Vùng Tự do (Zone libre). Ngày lịch sử này cũng đánh dấu chính quyền thuộc địa Pháp mất Đông Dương. Các chuyến tàu thuỷ tới vùng đất xa xôi có rất nhiều nguy cơ bị tàu ngầm Đức quốc xã bắn hạ. Pháp không nhận được gạo từ Đông Dương nữa. Nước Pháp đói ! Nước Pháp đầy người thất nghiệp !
        Bất công cho những người nông dân “bất đắc dĩ”...
        Chính lúc này, chính quyền Vichy đã đưa ra một quyết định vô cùng quan trọng : Sử dụng nguồn nhân lực Đông Dương đang có tại chỗ để thích nghi giống lúa nước tại Pháp. Ý tưởng bắt nguồn từ Henri Maux, một kĩ sư cầu đường và là công chức vừa mới từ Đông Dương trở về sau 10 năm sống và làm việc tại đây. Sáng kiến của ông hoàn toàn đúng thời điểm và làm thay đổi hoàn toàn vùng Camargue.
        Người con gái của Henri Maux thuật lại: “Một lần, ông tháp tùng một Bộ trưởng tham dự hội thảo về trình trạng thất nghiệp diễn ra tại Marseille. Lần đầu tiên trong đời, ông không đi tàu hoả, mà đi bằng máy bay. Từ trên cao, ông nhìn được khu vực vùng Camargue. Ông thắc mắc tại sao nơi này lại không được khai thác trên diện rộng ? So với Nam Kỳ ở Đông Dương, vùng này còn đi sau tới 50 năm. Từ đó, ý tưởng trồng lúa nước tại Camargue được hình thành”.
        Henri Maux cùng với một số đồng nghiệp cũ tới các khu tập thể của người lao động, và đặc biệt chú ý tới những người thợ Đông Dương. Do thất nghiệp và vẫn không thích nghi được với điều kiện thời tiết tại Pháp, rất nhiều người bị ốm hay mắc bệnh ung thư và sống trong tình trạng nghèo khó. Henri Maux đưa những người này ra khỏi khu tập thể, hoặc để dạy nghề cho họ, hoặc để họ làm việc ngoài đồng ruộng. Trên tổng số 20.000 lính thợ Đông Dương, 500 người được đưa tới trồng lúa tại Camargue.
        Do không phải nộp bất kỳ khoản đóng góp xã hội nào nên nguồn nhân lực này rất rẻ. Tiền công một ngày làm việc của người lao động Đông Dương chỉ tương tương khoảng 1/10 lương của một người lao động Pháp thời đó. Tiền lương hàng tháng được chia thành hai phần. Một phần được trả hàng tháng cho người lao động. Phần còn lại, theo yêu cầu của chính phủ, được giữ lại và chỉ trả cho người lao động khi họ trở về Đông Dương.
        Hoàn toàn tin tưởng vào chính sách của nhà nước, Henri Maux hy vọng, ngoài kinh nghiệm tiếp thu được tại Pháp, người lao động Đông Dương sẽ có được một khoản tiền tiết kiệm khá lớn nhờ công sức lao động. Nhưng trên thực tế, không ai biết khoản tiền tiết kiệm này đi đâu, và không một người lao động Đông Dương nào được thanh toán khoản tiền này.
        Được phỏng vấn trong bộ phim, ông Bernard Vinay, một cựu quan chức hành chính, từ chối cho biết tỷ lệ giữa khoản tiền lương và khoản tiền bị giữ lại, với lý do quá lâu nên không nhớ. Mất một khoản tiền mồ hôi nước mắt, giới chủ không thực hiện các nghĩa vụ đóng góp xã hội, nên người lao động Đông Dương không được hưởng bất cứ quyền lợi gì.
        Năm 1991, Bộ trưởng Bộ Ngân sách Michel Charasse, cũng đã khẳng định điều này, trong một bức thư trả lời bác sĩ Jean-Michel Krivine, phát ngôn viên của Uỷ ban Ủng hộ Cựu Lao động, như sau: “Vào thời kỳ tuyển mộ, người lao động Đông Dương không được đăng ký chế độ bảo hiểm xã hội, vì vậy, không được hưởng chế độ trợ cấp, tuổi già, hay các chế độ đền bù khác”. Sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai kết thúc, rất nhiều người lao động Đông Dương trở về quê hương. Một số người ở lại, lập gia đình như trường hợp của Lê Hữu Thọ và Nguyễn Ngọc Châu.
        Công dã tràng...
        Lúa tiếp tục giúp những nhà sản xuất ở vùng Camargue trở nên giàu có. Chất lượng gạo vùng này nổi tiếng, thậm chí còn vượt trội gạo của Ý và Tây Ban Nha. Thế nhưng, công lao của người nông dân Đông Dương dần bị xoá mờ trong tâm trí của người dân địa phương và các hợp tác xã. Sau khi chiến tranh kết thúc, trên những cánh đồng lúa, thay thế người lao động Đông Dương là người Ý và Tây Ban Nha, được tuyển dụng có hợp đồng lao động và được trả lương một cách tử tế. Từ đó, không ai nghĩ tới những người nông dân Việt Nam đã viết lên những trang đầu tiên của ngành nông nghiệp trồng lúa tại Camargue. Để rồi đến một ngày hình ảnh những người nông dân Việt Nam, làm việc trong khoảng 10 năm trên đất Pháp, biến mất hoàn toàn.
        Cho tới ngày nay, ngay tại “Lễ hội Lúa Gạo” tổ chức vào tháng 9 hàng năm tại Arles, không ai nhắc tới những người nông dân Việt Nam. Đây là bằng chứng cho sự bất công đối với những người lao động vất vả. Trong bất kỳ buổi trình diễn hay hoạt động nào, người dân địa phương luôn thể hiện gạo là tài sản riêng, là bản sắc riêng của vùng Camargue do ảnh hưởng từ Tây Ban Nha. Tại một vùng luôn quan tâm quảng bá giá trị văn hoá địa phương như tại đây, hình ảnh người nông dân Việt Nam với tư cách là người sáng lập ra ngành trồng lúa, khó có thể có được một vị trí trong tâm trí người dân.
        Cá biệt hơn, một số người cho rằng, những thông tin và bằng chứng được công bố là giả, như trường hợp của Pierre Guillot và Yves Smith, cả hai trước đây đều là nhà sản xuất lúa gạo. Ông Guillot khẳng định “những người lao động Đông Dương không biết tới gạo, không phải là nông dân. Họ ở lại ngắn ngày, Vì vậy, phải dạy họ mọi khâu đoạn. Điều này khá vất vả”. Ông cũng cho biết, năm 1940-1944, người ta không nghe nói tới gạo tại Camargue, hoặc không sẽ là gạo nhập khẩu, từ Tây Ban Nha hoặc các nơi khác.
        Khi phóng viên cho họ xem một bộ phim tài liệu được chiếu vào năm 1943 ghi lại hình ảnh những người nông dân Việt Nam thu hoạch lúa với tại Camargue, ông Yves Smith cho rằng tài liệu này được quay tại Đông Dương thì đúng hơn. Thế nhưng, làm thế nào để thanh minh cho một nhà kho hiện trong đoạn phim năm xưa, nay vẫn còn tồn tại ở Camargue ? Hơn nữa, còn rất nhiều đoạn phim ghi lại hình ảnh thu hoạch vụ mùa của người nông dân Việt Nam trên mảnh đất này.
        Chúng ta đang ở Camargue, chứ không phải ở Đông Dương. Vụ mùa đã vượt quá cả dự định. Trên 500 héc ta do người thợ Việt Nam cày cấy đã thu về được 1.600.000 kg lúa. Sau khi đã tuốt lúa, sản lượng giảm 39% và sau khi tách trấu thì còn lại 1/2. Nhờ Camargue mà nước Pháp đã được ăn cơm. Đất nước của chúng ta đã thành công giúp loại lúa khó trồng này thích nghi được với khí hậu”.
        Sau 5 năm đấu tranh với chính quyền địa phương, với những người trồng lúa tại Camargue và hoàn thiện các thủ tục hành chính, hội Tưởng niệm những người lao động Đông Dương (association “Mémorial pour les Ouvriers Indochinois”, M.O.I) đã thành công buộc Lịch Sử ghi nhận sự cống hiến của những con người bị lãng quên. Chủ nhật ngày 05/10/2014, ước mơ của Lê Hữu Thọ trở thành hiện thực.
        Trong sân một chi nhánh thị chính Arles tại Salin-de-Giraud, một bức tượng bằng sắt tưởng niệm một người nông dân Việt Nam đã được dựng lên. Bài phát biểu tại buổi lễ của Bertrand Mazel, Chủ tịch Hiệp hội người trồng lúa tại Camargue, thể hiện một cách đầy đủ và súc tích lòng biết ơn tới những đóng góp của những người nông dân Việt Nam tại vùng đất này : “Tới lượt chúng ta có trách nhiệm tưởng niệm những người lao động tới từ Đông Dương trong giai đoạn lịch sử đau thương của nước Pháp. Thực tế là phải công nhận sự mất mát, hy sinh, đau khổ mà họ đã phải trải qua, và phải ghi nhận sự đóng góp bị rơi vào quên lãng của họ. Đúng là ngành nông nghiệp trồng lúa nợ họ rất nhiều vì họ đã tham gia vào việc phát triển ngành này sau Đệ Nhị Thế Chiến. Họ đã truyền cho vùng Camargue kỹ thuật cấy lúa mới mà chúng ta sẽ không bao giờ quên”.
        http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150703-vn-phap-vh-tap-chi
        Các lưu trữ
        1. 1
        2. 2
        3. 3
        4. ...
        5. trang sau >
        6. trang cuối >
        7.                
           

        Cùng chủ đề
        • TẠP CHÍ VĂN HÓA

          Vết tích Đông Dương trong Vườn Nông học Nhiệt đới Paris
        • TẠP CHÍ VIỆT NAM

          Bảo Đại : Từ hoàng đế Việt "lực bất tòng tâm" đến "thường dân" Pháp
        • TẠP CHÍ VIỆT NAM

          Sự phát triển của ngành Việt Nam học tại Pháp
        Các lưu trữ
        1. 1
        2. 2
        3. 3
        4. ...
        5. trang sau >
        6. trang cuối >
        7.                
           

        Cùng chủ đề
        • TẠP CHÍ VIỆT NAM

          Chân dung người lính Việt Nam trong Thế Chiến I (1914-1918)
        • TẠP CHÍ VĂN HÓA

          Phim "Gạo đắng", số phận nông dân Việt Nam ở vùng Camargue

        1. 1
        2. 2
        3. 3
        4. ...
        5. trang sau >
        6. trang cuối >                 

        Geen opmerkingen:

        Een reactie posten