Mười sự kiện Việt Nam nổi bật năm 2018
Nguyễn Tuyển tổng hợp
VIỆT NAM (NV) – Năm 2018, nhiều biến cố nổi bật trong đó chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng đã quẳng vào lò một ủy viên Bộ Chính Trị, 4 tướng công an và 6 tướng công an nữa bị kỷ luật, liên quan tham nhũng hối lộ. Các ông công an từng được ca tụng như những người cầm “bảo kiếm” bảo vệ chế độ, nhưng cũng chính các ông lại lợi dụng chức vụ, quyền hành trong tay để làm bậy, ăn bẩn. Cuộc biểu tình hàng chục người hồi giữa năm chống “Luật Đặc Khu Kinh Tế” và “Luật An Ninh Mạng” là phát súng cảnh cáo chế độ Hà Nội đừng coi thường sức dân, ý dân. Cái chết bất ngờ của ông chủ tịch nước Trần Đại Quang hồi Tháng Chín đã giúp cho ông Tổng Bí Thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng ôm luôn cái ghế chủ tịch nước, trở thành người nắm nhiều quyền hành nhất suốt mấy chục năm qua trong cái xứ độc tài đảng trị.
Dưới đây 10 sự kiện Việt Nam nổi bật năm 2018 theo bình chọn của báo Người Việt.
1-Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng mở màn “đốt lò” năm 2018 của Tổng Trọng
Ngày 22 Tháng Giêng, 2018, Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC), đại biểu Quốc Hội, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang và Đinh La Thăng, nguyên ủy viên Bộ Chính Trị, nguyên bí thư thành ủy Sài Gòn, nguyên bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải, đại biểu Quốc Hội, nguyên chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) cùng 20 ông nữa bị tòa án ở Hà Nội kết án tù. Trong đó, 12 ông bị cáo buộc “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” 8 ông bị cáo buộc “tham ô tài sản.” Riêng hai ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận dính cả hai tội.
Ông Trịnh Xuân Thanh trong vụ này bị kết án tù chung thân trong khi ông Đinh La Thăng, cấp trên của ông ta tại PVN, bị 13 năm tù.
Điều thiên hạ đặc biệt chú ý là ông Đinh La Thăng, một ủy viên Bộ Chính Trị, cơ quan chóp bu của đảng CSVN ngồi trên đầu cả đảng và nhà nước. Khi đã leo lên được chỗ này rồi, tưởng đã vững như bàn thạch nhưng không ngờ vẫn bị đồng đảng quẳng vào lò. Ông Thăng đến cuối Tháng Ba còn bị dộng thêm bản án thứ hai với 18 năm tù vì vụ góp vốn 800 tỉ đồng của PVN vào OceanBank cũng vì “cố ý làm trái…” làm nhà nước mất trắng số tiền đó.
Hơn một chục quan chức cầm đầu hệ thống PVN cùng bị ném vào “lò” cùng với Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng. Đây mới chỉ là những ông quan bị lộ. Người ta tin rằng trong tất cả các bộ ngành của guông máy nhà nước từ trên xuống dưới, bới ra hết thì không chỗ nào không bẩn.
Vụ góp vốn vào OceanBank là dịp để các xếp tại PVN và các tổng công ty, công ty con ẵm “lãi ngoài” tức tiền hối lộ cho các ông đã ký thác những số tiền thật lớn của hệ thống PVN.
Trong vụ việc, thiên hạ ngỡ ngàng khi Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn sang Đức rồi bị tổng Trọng cho một đội Công an cấp cao, chính bộ trưởng Công An Tô Lâm cầm đầu, sang bắt cóc tại công viên thủ đô Bá Linh lúc ông ta ngồi với đào cũ (gài bẫy) hồi Tháng Bảy, 2017 qua ngả Slovakia chấn động dư luận quốc tế.
Chính phủ Đức đuổi 2 viên chức cấp cao của tòa đại sứ CSVN tại Berlin và đình chỉ thỏa ước “Đối tác chiến lược” với Việt Nam. Đồng thời, đòi Việt Nam phải đưa trả Trịnh Xuân Thanh sang Đức để họ cứu xét đơn xin tị nạn của ông ta. Chính phủ Đức và Hà Nội đã thảo luận về chuyện này để cứu hiệp định tự do mậu dịch giữa Việt Nam và Liên Âu hiện đang bị Đức dìm xuống, áp lực buộc Hà Nội giải quyết vụ Trịnh Xuân Thanh. Chính vì được báo cho biết như thế mà Trịnh Xuân Thanh đã không kháng cáo bản án tù chung thân dù ông ta vẫn một mực “kêu oan” trong phiên xử.
Có dư luận cho rằng Nguyễn Phú Trọng đánh băng đảng tàn dư của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Những kẻ quyền thế cấp cao bị bắt giam, mất chức trong năm 2018 đều ở trong các trường hợp bị cho là như vậy.
2-Đại án Mobifone mua dấm dúi “Nghe nhìn toàn cầu AVG”
Đầu Tháng Ba, 2018, báo chí trong nước dẫn lời ông tổng Trọng bắn pháo lệnh “Tổng công ty viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của công ty Nghe Nhìn Toàn Cầu AVG là vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhậy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.”
Bốn ngày sau, hiểu ngay là ông ấy bắn tiếng cho ai hiểu, các ông cầm đầu Bộ Thông Tin và Truyền Thông (4T) cầm đầu là Bộ trưởng Trương minh Tuấn, vội vàng họp cả với các xếp Mobifone và AVG “hủy hợp đồng” mà Mobifone đã ký hồi cuối năm 2015, tiền đã trao, cháo đã múc.
Mobifone là công ty kinh tài quốc doanh thuộc Bộ 4T quản lý. Công ty AVG trong đó có truyền hình kỹ thuật số An Viên là công ty tư nhân, cầm đầu bởi Phạm Nhật Vũ, em trai tư bản đỏ tỉ phú đô la Phạm Nhật Vượng. Làm ăn bết bát thua lỗ, băng nhóm của Vũ bán cái lại cho Mobifone. Cái nổi bật trong thương vụ này là hợp đồng mua bán lại dấm dúi, không công khai như quy định. Chỉ thấy nói giá chuyển nhương 95% cổ phần là gần 8,900 tỉ đồng (khoảng $382 triệu). Một số báo chí trong nước phá thối, dẫn ý kiến của một số chuyên viên và các dữ kiện liên quan cho hay trị giá của AVG chỉ khoảng 1,500 tỉ đồng (khoảng $64 triệu), có thể còn thấp hơn nhiều nữa.
Giữa năm 2016, “Thường trực Ban Bí Thư” đảng CSVN ra lệnh cho chính phủ thanh tra toàn diện vụ mua bán. Rề rà mãi đến cuối Tháng Tư, 2017 thì mới kết thúc thanh tra và đến Tháng Bảy, 2017 Tổng Trọng “chỉ đạo kiểm tra, kết luận đúng sai vụ Mobifone mua AVG.” Sau khi đọc bản kết luận thanh tra được công bố trên internet, Bộ 4T của ông Tuấn phản bác dữ dội lại còn lên tiếng thách thức.
Tuy nhiên, sau khi thấy ông tổng bắn pháo lệnh làm dữ, ngày 13 Tháng Ba, 2018, Bộ 4T “báo cáo Ban Bí Thư đảng, chính phủ và tổng thanh tra chính phủ” là đã Mobifone “hủy hợp đồng” mua AVG. Không những thế, AVG còn trả cả “tiền lãi” trên số tiền 8,900 tỉ đồng và cũng không đòi bồi thường thiệt hại gì. Một sự “tử tế” hoàn toàn ngược nguyên tắc mua bán. Người ta tin rằng, nếu vụ mua bán này trót lọt, những kẻ cầm đầu Bộ 4T và Mobifone sẽ được đám Phạm Nhật Vũ “lại quả” hàng chục triệu đô la, biết đâu đã nuốt được rồi, còn ọc ra không, khó lòng mà biết.
Sau khi vụ việc đổ bể, cựu Bộ Trưởng 4T là Nguyễn Bắc Son bị cắt cả các chức bí thư đảng ủy 4T cũng như hàm bộ trưởng bộ này. Đương kim bộ trưởng 4T là Trương Minh Tuấn (khi xảy ra vụ mua bán là thứ trưởng) bị mất ghế bộ trưởng nhưng không thấy bị đi tù mà chỉ bị đẩy về làm phó Ban Tuyên Giáo Trung Ương.
Trong khi đó, cựu chủ tịch Mobifone là Lê Nam Trà, tổng giám đốc Cao Duy Hải và phó tổng giám đốc Phạm Thị Phương Anh thì bị “quẳng vào lò” chờ án tù chính thức. Vụ Mobifone mua AVG tuy khác với vụ tập đoàn đầu khí quốc doanh PVN hùn vốn vào OceanBank nhưng đều giống nhau ở chỗ các quan “mượn đầu heo nấu cháo” dùng tiền nhà nước (tiền chùa) để tham nhũng, ăn hối lộ, bỏ vào túi riêng của mình.
3-Hàng chục ngàn người biểu tình chống “Luật Đặc Khu Kinh Tế” và “Luật An Ninh Mạng”
Ngày 10 Tháng Sáu, 2018, hàng chục ngàn người đã biểu tình tại Sài Gòn, Hà Nội, Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nha Trang, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Vũng Tàu, chống “Luật Đặc Khu Kinh Tế” và “Luật An Ninh Mạng.”
Các cuộc biểu tình nổ lớn khi Quốc Hội CSVN sửa soạn biểu quyết chiếu lệ hai luật vừa kể theo lệnh đảng. Vài ngày trước đã thấy dư luận xã hội qua các trang Facebook đả kích kịch liệt. Không những các tổ chức quốc tế mà các chính phủ Tây phương cũng đả kích mạnh mẽ.
Trước áp lực của dư luận, đảng CSVN đã lùi một bước, tức hoãn biểu quyết “Luật Đặc Khu Kinh Tế” nhưng vẫn thông qua “Luật An Ninh Mạng” dù nó chồng chéo với các luật lệ đã có như Luật Hành Chính, Luật Hình Sự và nhất là Luật An Toàn Thông Tin Mạng.
Luật An Ninh Mạng không những gây khó khăn cho các hoạt động kinh tế mà là một bước thụt lùi về quyền con người trong thời đại thông tin toàn cầu. Nhưng chế độ Hà Nội bất chấp tất cả các khuyến cáo vì chỉ nghĩ đến sự sống chết của cái đảng độc tài loay hoay chống tham nhũng mãi mà không xong.
Người đi biểu tình đông nhất là tại Sài Gòn hôm 10 Tháng Sáu nhưng các cuộc biểu tình ở huyện Tuy Phong và thị xã Phan Rí Cửa của tình Bình Thuận đã trở thành bạo động ngày 11 Tháng Sáu, 2018. Nhiều xe hơi, xe máy, trụ sở của CSCĐ và Chữa Lửa đã bị đốt phá. Đám CSCĐ đã lột bỏ đồng phục, áo giáp, và các trang bị rồi leo tường bỏ chạy. Để trả thù, nhà cầm quyền tỉnh Bình Thuận đã bắt trước sau khoảng 200 người, bỏ tù gần 100 người, nhiều người còn bị giam để đám công an đánh đập ép cung.
Tại Sài Gòn, hơn 300 người đã bị bắt và bị đánh đập, nhục mạ. Một số người bị đánh rất nặng phải vào bệnh viện cấp cứu. Gần 20 người biểu tình ở Biên Hòa bị kết án tù. Nhà cầm quyền vu cho vụ biểu tình là “có các thành phần, tổ chức phản động đứng phía sau xúi giục, kích động.”
Các người biểu tình ở Sài Gòn, để được thả, bị ép phải ký vào tờ giấy cam kết không đi biểu tình nữa và phải nhìn nhận là cầm tiền của “phản động nước ngoài” để đi biểu tình, dù họ không biết “phản động nước ngoài” là ai và cũng không hề nhìn thấy tiền bạc gì.
Hiện Luật An Ninh Mạng sẽ có hiễu lực từ đầu năm 2019 trong khi dự luật “Đặc Khu Kinh Tế” dự trù đem ra biểu quyết ở kỳ họp đầu năm tới. Các người biểu tình cầm theo biểu ngữ “Không cho Trung Quốc thuê chỉ một ngày.” Họ sợ rằng người Trung Quốc lợi dụng cơ hội được cho thuê đất tới 99 năm để tràn sang, bỏ tiền ra biến ba khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh), bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) rất quan yếu về an ninh quốc phòng trở thành các đầu cầu để Bắc Kinh thôn tính Việt Nam.
4-Gian lận thi cử “2 trong 1”
Sau khi kết quả kỳ thi trung học phổ thông được mệnh danh là “2 trong 1” tức vừa tốt nghiệp trung học, vừa là cái thước đo để các đại học, trường cao đẳng dùng để xét tuyển, được công bố ngày 11 Tháng Bảy, 2018, một số tờ báo phản ảnh cả sự ngạc nhiên và tức giận về điểm cao bất thường của một số tỉnh bị coi là “vùng trũng giáo dục” tức kém hơn hẳn các tỉnh thị khác.
Nổi bật trong số đó là hai tỉnh Hà Giang và Sơn La. Báo chí trong nước nói “Xét theo khối A1 (toán, vật lý, ngoại ngữ), Hà Giang có 36 thí sinh được trên 29 điểm, chiếm gần một nửa sĩ tử cả nước đạt mức này (76). Khối A (toán, vật lý, hóa học), cả nước có 82 thí sinh được trên 27 điểm thì Hà Giang chiếm gần 1/3. Tỉnh miền núi Sơn La có tỷ lệ thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên môn Vật lý cao gấp 12 lần Sài Gòn. Với 30 em được 9 điểm trở lên môn toán, tỷ lệ thí sinh đạt mức điểm này của Sơn La là 0.3%, vượt xa những địa phương có thành tích học tập tốt như Sài Gòn, Hà Nội, Nam Định (lần lượt là 0.04; 0.1 và 0.06).
Mở cuộc chấm thi lại và điều tra, người ta thấy lòi ra các quan chức và giáo chức địa phương đã ma mãnh sửa “đáp án” một cách “tinh vi và có tổ chức” dù dữ liệu thi cử được chứa trong đĩa CD. Người ta tìm ra 114 thí sinh ở Hà Giang được sửa để nâng điểm trên hơn 330 bài thi.
Một điểm không kém ngạc nhiên nữa là một số không ít những cô cậu được sửa nâng điểm thật cao, đều có “nguyện vọng” vào học các trường đại học và cao đẳng công an, để sau này trở thành các ông bà sĩ quan công an. Hệ thống công an CSVN xưa nay nổi tiếng về ăn hối lộ, mau giàu có nhờ “làm luật” từ trên đường lộ đến ngồi trong văn phòng. Chỗ nào cũng đều là cơ hội hái ra tiền.
Không thấy cuộc kiểm tra gian lận thi cử mở rộng ra phạm vi toàn quốc vì không thấy có những lời kêu gọi mạnh mẽ tại các địa phương khác dù cũng có lai rai.
Nhiều năm trước, người ta còn thấy, ngay tại Hà Nội chứ chưa nói tới các tỉnh thị khác, “phao đáp án” được vất bỏ đầy ngập sân trường nơi có tổ chức thi cử. Thậm chí, một số tỉnh còn thả lỏng để chính giám thị phòng thi đọc “đáp án” cho tất cả các thí sinh cùng chép. Nhờ vậy, kết quả thi đậu tốt nghiệp trung học phổ thông gần 100%, giúp quan đầu tỉnh có thành tích vẻ vang về giáo dục tại địa phương.
5-Vũ Nhôm và các ông tướng công an chống lưng
Ngày 30 Tháng Bảy, 2018, Phan Văn Anh Vũ, 43 tuổi, thường được biết với cái tên “Vũ Nhôm,” chủ tịch HĐQT công ty Xây dựng Bắc Nam 79, bị kết án 9 năm tù sau phiên xử kín ở Hà Nội về tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” (sau được giảm một năm khi phúc thẩm). Trong vụ này, Tướng Phan Hữu Tuấn, 63 tuổi, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Tình Báo của công an CSVN bị 7 năm tù, một ông công an không thấy nêu cấp bậc tên Nguyễn Hữu Bách, 55 tuổi, ít ra cũng cấp tá, bị 6 năm tù.
Đến cuối năm, ngày 20 Tháng Mười Hai, 2018, Vũ Nhôm bị thêm bản án thứ hai với 17 năm tù vì “lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản.” Cộng cả hai bản án là 25 năm tù. Vụ thứ nhất, không ai biết đích xác sự thật ngoài những gì bị lộ trên internet gồm “Thẻ ngành” cấp tá công an của Vũ Nhôm và một số công văn đóng dấu “Tuyệt mật” xác định công ty Bắc Nam 79 của ông ta là công ty bình phong của công an thúc ép nhà cầm quyền Đà Nẵng, Sài Gòn các vụ mua nhà đất, mua cổ phần công ty, ngân hàng.
Vụ thứ hai thì cho xử công khai về vụ Vũ Nhôm nhân danh công ty bình phong Bắc Nam 79 mua cổ phần tại ngân hàng Đông Á (DAB) có ông Trần Phương Bình là tổng giám đốc, với số tiền “nộp khống” 200 tỉ đồng (khoảng $8 triệu) trong số tiền mua 60 triệu cổ phần của DAB giá hơn 600 tỉ đồng (khoảng $25 triệu).
Vụ bắt giữ Vũ Nhôm hồi cuối năm 2017 khi ông ta biết có lệnh bắt nên đào tẩu sang Singapore và dự định đi Đức với 3 hộ chiếu trong người, kể cả hộ chiếu của một đảo quốc nhỏ ở Mỹ Châu mà ông ta có quốc tịch, gây xôn xao dư luận trong ngoài nước.
Như trên kể, cho tới nay, tòa án hay chế độ Hà Nội không hé lộ cái gì là bí mật nhà nước bị Vũ Nhôm hay mấy tướng công an tiết lộ. Chỉ thấy Vũ Nhôm xác nhận ông ta là sĩ quan công an cầm đầu công ty bình phong kinh tài của Bộ Công an. Phía nhà cầm quyền cũng như tòa án thì lờ tịt trong khi dư luận tin rằng những tài liệu được tung lên mạng từ thẻ ngành đến các công văn đóng dấu “TUYỆT MẬT” đều là tài liệu thật, không biết từ đâu xì ra, phe nào chơi phe nào.
Nói chung, cho đến nay, không thấy Bộ Công An nhìn nhận công ty Bắc Nam 79 do Vũ Nhôm cầm đầu có phải là công ty bình phong kinh tài của Tổng Cục Tình Báo hay không. Nhưng lại thấy hai tướng Trần Việt Tân (cựu tổng cục trưởng Tình Báo) và Bùi Văn Thành (đương nhiệm thứ trưởng) bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng cũng không đích xác về cái gì, chỉ biết liên quan đến Vũ Nhôm.
Rất có thể chính Vũ Nhôm với sự toa rập của mấy tướng công an như Phan Hữu Tuấn, Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành mà những ông này bị bắt cố ý lộ cho mọi người biết công ty Bắc Nam 79 là bình phong của kinh tài Tổng Cục Tình Báo của công an. Nhưng cũng có thể sự tiết lộ đến từ phe cánh khác ghét những ông tướng vừa kể nên phá chơi, đẩy họ vào tù theo kiểu “trâu buộc ghét trâu ăn.”
Vũ Nhôm trước khi bị bắt từng là một ông trùm địa ốc ở Đà Nẵng, ban phát ân huệ cho nhiều ông từ cựu bí thư thành ủy Nguyễn Xuân Anh trở xuống tới tài xế. Dựa thế tình báo của công an, ông ta nắm những khu đất “kim cương,” “đất vàng” tại đây, quyền uy đến như chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ còn bị ông ta gằn giọng đe dọa “Tôi sẽ cho ông nghỉ việc.”
6-Thủ Thiêm, ném giày vào mặt lãnh đạo thành phố Sài Gòn
Ngày 20 Tháng Mười, 2018, một nữ cử tri tên Nguyễn Thùy Dương và cũng là dân oan của vụ giải tỏa nhà đất “nằm ngoài qui hoạch” ở Thủ Thiêm, quận 2 Sài Gòn, đã ném chiếc giày của chị về phía bà chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm, khi nhà cầm quyền tổ chức gặp mặt để nghe dân khiếu nại và trình bày nguyện vọng.
Vì có lẽ khoảng cách hơi xa nên chiếc giày đã rớt phía trước chứ chưa tới mặt bà Tâm. Vụ việc gây rúng động trên mạng xã hội và cả trên mặt báo trong nước. Xưa nay, chưa từng có một vụ tiếp xúc dân của quan lớn nhà nước CSVN lại có một người dân “táo gan” đến thế.
Nhà cầm quyền CSVN không những giải tỏa một diện tích rất lớn hàng ngàn hecta nhà đất ruộng vườn ở khu vực Thủ Thiêm để xây dựng một khu đô thị mới với một kế hoạch quy mô, sang trọng. Đám tư bản đỏ trong nước bu vào kiếm chác với sự tiếp tay của đám quan quyền thành phố Sài Gòn. Không những vậy, đám quan chức thành phố còn ngang nhiên cướp luôn 160 hécta đất “ngoài quy hoạch” của dân kể cả một số diện tích làm khu tái định cư cho hàng ngàn gia đình bị giải tỏa.
Vụ cướp ngày này bị khiếu kiện, biểu tình liên miên suốt hơn chục năm cho đến năm nay, mới thấy được xới lại và các cuộc đối thoại với dân đã cho người ta nhìn rõ bộ mặt thật của đám quan chức và đảng viên CSVN, từ bí thư thành ủy, chủ tịch UBND thành phố, cùng bộ sậu của hai cơ chế đảng và nhà nước đã cậy quyền, cậy thế làm càn, bất chấp luật lệ, lệnh lạt, quy hoạch.
Cho tới nay, người dân muốn đòi laị nhà đất bị giải tỏa trên diện tích 160 hécta nhưng có vẻ nhà cầm quyền chỉ muốn túm lại để giải quyết trên diện tích có hơn 4 hécta với những lời dỗ dành vuốt ve bịp bợm, trong khi đám nạn nhân muốn truy tố những kẻ đã lộng quyền, đẩy hàng ngàn gia đình vào cảnh màn trời chiếu đất.
Các buổi tiếp dân bị các nạn nhân tố cáo là dàn dựng để lèo lái theo chủ đích của nhà cầm quyền thành phố, trái ngược với sự đòi hỏi của đám dân oan. Sau khi công bố bản thanh tra quy hoạch Thủ Thiêm, hơn 2,300 dân oan đã gửi đơn đòi trả tài sản. Nhà cầm quyền thành phố dỗ ngọt, hứa hẹn giải quyết “theo hướng có lợi nhất cho dân” trong năm 2019 nhưng có làm trò mèo bán bánh vẽ như biết bao vụ hứa hẹn khác hay không, nó là dấu hỏi rất lớn.
Chỉ thấy tuyên truyền là xây nhà bán cho dân Thủ Thiêm bị giải tỏa nhưng sau đó lại cưa ra làm mấy chục miếng, giao cho đám tư bản đỏ xây nhà phố thương mại bán kiếm lời. Chứng cứ rành rành ra đó. Cũng thấy phơi ra trên mặt các báo những sai phạm của ba đời cấp thành ủy cũng như chủ tịch UBND thành phố. Nhưng tới giờ, người ta chưa thấy ai nhắc nhở gì tới cái tên Lê Thanh Hải, từng nằm các chức vụ từ chủ tịch UBND thành phố tới bí thư thành ủy suốt thời kỳ xảy ra vụ Thủ Thiêm. Rất nhiều người cho rằng ông ta có hàng triệu triệu đô la cất giấu ở nước ngoài, một phần không nhỏ có từ cướp đất ở Thủ Thiêm.
Mới ngày 26 Tháng Mười Hai, 2018 vừa qua, Ban chấp hành Trung ương đảng đã kỷ luật cắt cái chức phó bí thư thành ủy Sài Gòn, ủy viên trung ương đảng của Tất Thành Cang, liên quan đến các sai phạm ở Thủ Thiêm. Trên mặt báo trong nước, thấy có người đòi điều tra đến nơi đến chốn vì chỉ một mình ông ta không làm gì được mà phải từ kẻ ngồi trên ông ta (Lê Thanh Hải) lệnh xuống ông ta mới dám làm.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, những năm trước đó, cũng vẫn chỉ là một thứ quan chức chưa có bao nhiêu quyền hành. Bây giờ có ăn giày ăn dép vào mặt thì cũng chỉ là nhận thế cho đám cướp ngày đã “hạ cánh an toàn” mà thôi.
7-Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cựu tổng bí thư Đỗ Mười qua đời, dân hả hê
Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang chết đột ngột hôm 21 Tháng Chín, 2018 dù vài ngày trước đó vẫn còn thấy ông ta tiếp khách quốc tế. Tuy gọi là chết đột ngột nhưng thật ra, ông ta đã bị bệnh từ cả năm trước mà người ta có thể nhận thấy khi nhìn qua sắc diện của ông ta thay đổi từ hồng hào đến gầy còm hốc hác và những dịp ông ta biến mất đột ngột không tham dự vào chính sự.
Giữa năm 2017, có nhiều lời xa gần nói đến sự vắng mặt bất thường kéo dài cả tháng của ông ta mà đúng ra phải có mặt tại những lễ lạt quan trọng. Đã có tin đồn ông ta đi nước ngoài chữa bệnh ung thư trong khi đảng và nhà nước vẫn nín thinh.
Nhà cầm quyền Hà Nội xưa nay có thói quen coi sức khỏe, bệnh tật của đám chóp bu đảng và nhà nước là “bí mật quốc gia” nên cho tới khi Trần đại Quang chết, người ta vẫn không được biết nguyên nhân đích thực. Các lời đồn đoán trên mạng nói ông ta chết vì bệnh ung thư, mấy lần bí mật chạy sang Nhật điều trị kéo dài cả tháng.
Trần Đại Quang được đôn lên làm chủ tịch nước sau thời gian làm bộ trưởng Công An. Ông ta có vẻ nhận các khoản “lại quả” một cách kín đáo, cũng sống khép kín nên chỉ thấy bị tố ăn tiền của Dương Chí Dũng, chủ tịch HĐQT Vinalines chạy đến nhờ cứu mạng hồi năm 2013.
Mười ngày sau Trần Đại Quang, cựu tổng bí thư Đỗ Mười cũng qua đời ngày 1 Tháng Mười, 2018, nhưng thọ tới 101 tuổi. Ông ta làm tổng bí thư hai nhiệm kỳ nhưng từ chức ở giữa nhiệm kỳ thứ hai vào năm 1997. Dù vậy, vẫn là thành viên của ban cố vấn của đảng và có nhiều ảnh hưởng tới các quyết định của đảng những năm sau đó.
Khi cả hai ông Trần Đại Quang và Đỗ Mười chết rất gần với nhau, dân mạng xã hội bàn tán hả hê và cầu mong cho đám lãnh tụ đảng chết càng nhiều, càng nhanh càng tốt để dân thoát ách độc tài đảng trị kềm hãm quốc gia dân tộc vươn lên.
8-Nguyễn Phú Trọng “hai trong một”
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhân cơ hội Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang chết đã nắm luôn cái ghế chủ tịch nước. Tuy cái ghế chủ tịch nước chỉ có tính lễ nghi hình thức, nhưng lại tốt cho ông tổng ta vì đi ra nước ngoài, được đón rước và cư xử theo nghi thức cấp lãnh đạo cao nhất của một nước. Nếu ra nước ngoài trong tư cách tổng bí thư, tuy ăn trùm cả cái chức chủ tịch nước nhưng lại không được đãi đằng cư xử như chủ tịch nước.
Sau khi Trần Đại Quang chết, ngày 23 Tháng Mười, 2018, quốc hội CSVN đã “bầu” Tổng Trọng kiêm nhiệm thêm chức chủ tịch nước thay vì đôn bà phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh lên trên, hoặc bầu một người nào khác. Ông Trọng là người thứ ba nắm luôn hai chức cao nhất đảng và nhà nước trong đế chế đỏ của Việt Nam sau Hồ Chí Minh và Trường Chinh.
Kể từ đầu năm 2016, sau khi đánh văng được ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi guồng máy cai trị, Tổng Trọng mới trở thành kẻ có thực quyền. Ông ta chen vào ngồi trong các cuộc họp của chính phủ cũng như của Bộ Công An. Chiến dịch “đốt lò” của ông ta đã lôi cả một ủy viên Bộ Chính Trị (Đinh La Thăng), một loạt tướng Công An qua hai vụ “Vũ Nhôm” và cờ bạc trực tuyến, cùng một ông bộ trưởng đương nhiệm (Trương Minh Tuấn).
Cùng với chiến dịch đánh tham nhũng mạnh tay hơn, Tổng Trọng cũng siết chặt hơn các quyền dân sự và chính trị của dân khi cho quốc hội bù nhìn thông qua “Luật An Ninh Mạng.” Các vụ bắt giữ và truy tố người dân sử dụng mạng xã hội bày tỏ khát vọng tự do dân chủ đều bị kết án tù nặng gấp nhiều lần so với thời gian trước, bất chấp sự lên án của cả Liên Hiệp Quốc cùng các chính phủ Tây phương, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế.
9-Hai tướng công an bảo kê cờ bạc trực tuyến
Ngày 30 Tháng Mười Một, 2018, hai tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị tòa án tỉnh Phú Thọ kết án tù vì bảo kê đường dây cờ bạc trên mạng lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam, lôi kéo đến 14 triệu lượt người lao vào vòng đỏ đen.
Tướng Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát, bị kết án 9 năm tù. Cấp dưới trực tiếp của ông ta, Tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên cục trưởng Cục Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao, bị kết án 10 năm tù. Cả hai bị cáo buộc “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”
Vụ án gây chấn động dư luận từ cuối năm 2017 khi công an bố ráp một số trụ sở và nhà kho của các ông trùm Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam, ngoài một số bất động sản, xe cộ bị kê biên, số tiền mặt bị tịch thu khoảng 1,300 tỉ đồng (khoảng $55 triệu). Nhưng đến Tháng Ba, 2018, sau nhiều cuộc thẩm vấn, tướng Hóa mới bị khỏi tố và đến Tháng Tư tướng Vĩnh mới bị khởi tố.
Hai ông tướng công an đã nhập nhèm, mượn đầu heo nấu cháo khi dùng trụ sở bình phong của công an tại Hà Nội giả làm kinh tài cho công an nhưng chỉ tổ chức đánh bạc trên mạng qua các cổng đánh bài trực tuyến Rikvip và Tip.club rồi chia chác với hai ông trùm Nguyễn Văn Dương (con rể cựu bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị) và Phan Sào Nam.
Theo tin tức tường thuật các phiên tòa, đường dây cờ bạc được các tướng công an bảo kê có “25 đại lý cấp 1,” gần 6,000 “đại lý cấp 2” với “gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bài trực tuyến.” Từ khi bắt đầu hoạt động cho tới khi bị phá vỡ khoảng hơn một năm, đường dây đã thu được hơn 9,800 tỉ đồng (khoảng $421 triệu). Trong đó, theo lời khai của ông trùm Dương ông Tướng Vĩnh được chia 27 tỉ đồng (khoảng $1.16 triệu) và $1.7 triệu. Còn Tướng Hóa được chia 20% trên số tiền mà Dương được chia (1,655 ti đồng hay khoảng $71 triệu). Nếu chỉ căn cứ trên lời khai này, Tướng Hóa phải được chia cho số tiền tương ứng với khoảng $14 triệu.
Tuy nhiên, cả hai ông tướng đều đã khôn ngoan, tẩu tán hết tiền bạc và hết thảy cái gì quý giá trong nhà trước khi bị truy tố và chối không cầm đồng bạc nào của hai ông trùm. Dù bản án có phạt các ông một mớ tiền nhưng có lấy được hay không lại là chuyện khác.
10-Người Việt Nam “phát cuồng” với bóng đá
“Tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên cũng là lúc triệu triệu trái tim người hâm mộ vỡ oà trong niềm hân hoan chiến thắng. Vô địch, vô địch thật rồi!” Tờ Trí Thức Trẻ mở đầu bản tin sau khi kết thúc trận đấu chung kết giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF) ngày 15 Tháng Mười Hai, 2018, cũng còn gọi là Suzuki Cup.
Trong trận chung kết lượt về trên sân Mỹ Đình, đội tuyển Việt Nam đã thắng đội tuyển Malaysia với tỉ số 1-0. Trước đó, trong trận chung kết lượt đi đá ở Malaysia, hai đội đã huề 2-2. Đây là lần thứ hai Việt Nam đoạt cúp vô địch AFF trong lịch sử 12 năm của giải. Thật ra, thời Việt Nam Cộng Hòa cũng từng đoạt cúp vô địch Đông Nam Á.
Hàng trăm ngàn người và có thể là nhiều triệu người đã đổ ra đường “đi bão” trong sự vui mừng cuồng nhiệt khi đội tuyển Việt Nam, được mô tả là lập “kỳ tích” về bóng đá. Đặc biệt là tại hai thành phố lớn nhất nước, Hà Nội và Sài Gòn. Trong những trận đấu trước với Malaysia hoặc với Philippines, hàng chục ngàn cổ động viên người Việt khắp nơi cũng diễn tả sự mừng rỡ cuồng nhiệt khi đội tuyển nhà chiến thắng.
Nhà cầm quyền đã phải tăng cường các lực lượng giữ gìn an ninh trật tự để đối phó với đua xe máy, đập phá. Đủ mọi thứ mỹ từ đã được các báo sử dụng để mô tả chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trên các bài tường thuật. Sân vận động Mỹ Đình được gọi là “chảo lửa.” Báo mạng Zing mô tả niềm vui của cổ động viên khi nói “Ngất ngây với chức vô địch, CĐV ‘đi bão’ quá nửa đêm không muốn về.”
Trước sự cuồng nhiệt khác thường của người hâm mộ bóng đá tại Việt Nam, một số người ngao ngán viết trên facebook rằng “giá mà” sự cuồng nhiệt đó san sẻ cho nền giáo dục quá nhiều khuyết tật, tham gia biểu tình chống “Luật An Ninh Mạng,” dự luật “Đặc Khu Kinh Tế…” thì đất nước Việt Nam tránh được tụt hậu. (TN)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/muoi-su-kien-viet-nam-noi-bat-nam-2018/
Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật
Copyright © 2018, Người Việt Daily News
Geen opmerkingen:
Een reactie posten