Xoa dịu dân bị đập nhà ở Lộc Hưng bằng chiêu trợ giúp $300/m2 đất
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tin cho hay hôm 13 Tháng Giêng, quận Tân Bình loan báo trợ giúp 7 triệu đồng ($300) cho mỗi mét vuông đất bị cưỡng chế ở Vườn rau Lộc Hưng.
Hành động này được đưa ra trong bối cảnh mạng xã hội đồng loạt xuất hiện nhiều ảnh chụp giấy tờ cho thấy hồi năm 2006, người dân Lộc Hưng đã xin giấy xác nhận sử dụng đất từ năm 1955 nhưng bị nhà cầm quyền ở Sài Gòn từ chối.
Thời điểm năm 2006, khu đất Vườn rau Lộc Hưng bị quy hoạch thành dự án nhà cao tầng nhưng do vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân nên sau đó Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn đã có chỉ đạo đổi mục đích thu hồi đất làm trường học.
Cùng thời điểm, ảnh chụp một số chứng từ khác cho thấy đất của Vườn rau Lộc Hưng đã được chính quyền VNCH xác nhận từ năm 1955. Những giấy này cho thấy nhà cầm quyền ở Sài Gòn sau 1975 đã có toan tính khi tuyên truyền những thông tin sai lệch về nguồn gốc vùng đất này.
Báo Tuổi Trẻ hôm 13 Tháng Giêng cho hay: “Hội Đồng Hỗ Trợ của dự án đầu tư xây dựng cụm trường học công lập đạt chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình vừa thông báo về chính sách trợ giúp với các trường hợp đang sử dụng đất tại khu vực này. Theo đó, về đơn giá đất nông nghiệp, sẽ áp dụng đơn giá 7,055,000 đồng/m2 để tính trợ giúp đối với các trường hợp sử dụng đất tại khu đất công trình công cộng phường 6. Điều kiện được trợ giúp là người dân có canh tác thực tế tại khu đất này đến hết ngày 3 Tháng Giêng, 2019.”
Tờ báo viết thêm: “Ủy Ban Nhân Dân quận Tân Bình cũng thống nhất trợ giúp các trường hợp có hoàn cảnh neo đơn, diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn sẽ được tạo điều kiện vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội nếu có nhu cầu. Lãnh đạo phường, quận này cam kết tạo mọi điều kiện để người dân được chăm lo Tết đầy đủ, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, thăm viếng khi ốm đau…”
Khoản tiền 7 triệu đồng cho mỗi mét vuông được hiểu là “trợ giúp” chứ không phải bồi thường, vì chính quyền đã công khai phủ nhận “chuyện cưỡng chế thu hồi đất” tại Vườn rau Lộc Hưng.
Việc nhà cầm quyền bất ngờ loan báo trợ giúp dân oan Lộc Hưng làm dấy lên một loạt câu hỏi không có lời đáp: Tại sao sau khi đã cưỡng chế “thành công” 112 căn nhà “xây trái phép trên đất công ở Vườn rau Lộc Hưng” thì nay đột nhiên chi tiền trợ giúp cho dân oan? Rốt cuộc thì trong vụ này thì chính quyền sai hay dân sai? Bao năm nay ai chịu thiệt hại cho người dân khi họ bị từ chối làm giấy tờ sở hữu đất đai? Lúc đầu chính quyền tuyên truyền Vườn rau Lộc Hưng là “đất công”, bây giờ lại xem xét “trợ giúp” theo giá đất nông nghiệp thì có phải “tiền hậu bất nhất”?…
Nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành bình luận trên trang cá nhân: “Lấy lý do xây dựng các công trình công cộng như trường học hoặc bệnh viện là cái cớ được nhà cầm quyền thường dùng trong những biến cố chiếm đất nhà thờ hoặc giáo xứ nhằm ru ngủ công luận. Sau thời gian yên lặng, họ có thể chuyển mục đích sử dụng cho các tay tư bản đỏ.” (T.K.)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/xoa-diu-dan-bi-dap-nha-o-loc-hung-bang-chieu-tro-giup-300-m2-dat/
Chính quyền đề nghị hỗ trợ hơn 7 triệu đồng/m2 đất khu vườn rau Lộc Hưng
Chính quyền quận Tân Bình vừa có thông báo hỗ trợ 7.055.000 đồng/m2 đối với các trường hợp sử dụng đất tại khu vườn rau Lộc Hưng vừa bị cưỡng chế trong hai ngày 4 và 8/1 vừa qua mà chính quyền gọi là khu đất công trình công cộng.
Hôm 13/1, báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thông báo này được Hội đồng hỗ trợ của Dự án đầu tư xây dựng cụm trường học công lập đạt chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình đưa ra, với sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Theo công văn đề ngày 10/1/2019.
Cũng theo báo Pháp Luật, ngoài tiền hỗ trợ đất, các trường hợp đang canh tác hoa màu bị ảnh hưởng bởi quá trình giải toả, không thể tiếp tục trồng rau, sẽ được Uỷ ban Nhân dân quận hỗ trợ chi phí tương đương doanh thu ba tháng (có mức từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng). Điều kiện được hỗ trợ là người dân có canh tác thực tế tại khu đất đến hết ngày 3/1/2019. Ngoài ra quận cũng hứa đào tạo chuyển đổi nghề, tổ chức đào tạo chuyển đổi ngành nghề Theo nhu cầu, nguyện vọng của người dân, kinh phí đào tạo do quận chi trả.
Hôm 12/1, người dân khu vườn rau Lộc Hưng cho đài Á Châu Tự Do biết hôm 11/1 họ bất ngờ nhận được bản sao của văn bản có con dấu cảu Ban Tuyên giáo quận về “một số nội dung, chủ trương, chính sách, hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng cụm trường học theo tiêu chuẩn quốc gia tại phường 6, quận Tân Bình”. Văn bản không có ngày tháng, không có chữ ký được đăng tải trên trang web của phường 6 cho biết Uỷ ban Nhân dân thành phố phê duyệt mức giá hỗ trợ là 7.055.000 đồng/m2 cho các hộ dân ở đây căn cứ vào quá trình canh tác và sử dụng đất nông nghiệp tại khu vực đất công cộng phường 6.
Chị Trần Minh Thi, một người dân ở Lộc Hưng có nhà bị phá trong quá trình cưỡng chế cho biết chị rất hoang mang khi thấy công văn này của Ban Tuyên giáo: “Bây giờ cưỡng chế đất của chúng tôi thế là sai pháp luật. Bây giờ giải quyết vấn đề đó đi, đừng nói vấn đề giá cả. Ban Tuyên giáo đưa ra cái này làm hoang mang chúng tôi thêm, chứ không làm gì được cho chúng tôi cả”. Chị Thi đặt câu hỏi: “Ban Tuyên giáo đâu có quyền đưa ra cái này?”
Theo nguyên tắc, ban tuyên giáo có nhiệm vụ tham mưu công tác xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, chủ trương, quan điểm và chính sách của đảng trong lĩnh vực tuyền truyền, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và một số lĩnh vực xã hội.
Vụ cưỡng chế đất ở vườn rau Lộc Hưng thời gian qua đã gây chú ý rộng rãi trong dư luận. Những người dân ở Lộc Hưng được RFA tiếp xúc cho biết nhiều người bị cưỡng chế là những người đã sống nhiều đời tại vườn rau và đất của họ là do cha ông để lại từ thời Pháp, có giấy tờ khế ước. Người dân cũng cho biết chính quyền đã không thông báo chính thức cho người dân về việc cưỡng chế, làm họ bị bất ngờ không kịp dọn đồ trước cưỡng chế.
Báo trong nước trích thông tin từ UBND quận Tân Bình cho biết, đã có 112 căn nhà bị cưỡng chế trong các ngày 4 và 8/1 vừa qua và đây là các nhà xây trái phép. Chỉ có 134 hộ đã đăng ký sử dụng đất với chính quyền địa phương. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng khẳng đinh đây là đất công và đã được quy hoạch để xây trường học.
Một số luật sư biết về trường hợp cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng cho rằng chính quyền địa phương đã làm sai quy trình khi không thông báo cho người dân quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên chính quyền cho biết họ đã có thông báo cho người dân về việc cưỡng chế.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten