woensdag 9 januari 2019

Việt Nam 2018: Xuất siêu, nhưng cũng..."nhập siêu" máy móc từ Trung Quốc (11 tỷ USD) vì..."giá rẻ bất thường" do... bất chấp ô nhiễm môi trường !

2018: Xuất siêu, nhưng "siêu nhập" máy móc từ Trung Quốc

Ảnh minh họa chụp tại Cảng Hải Phòng, Việt Nam.
Ảnh minh họa chụp tại Cảng Hải Phòng, Việt Nam.
Reuters
Mặc dù năm 2018 đạt xuất siêu, nhưng Việt Nam đã chi gần 11 tỷ USD nhập máy móc thiết bị từ Trung Quốc. Vì sao có hiện trạng này và sẽ gây những hệ lụy gì?

Mỗi tháng chi 1 tỷ USD nhập máy móc Trung Quốc

Tại phiên họp thường kỳ của chính phủ chiều ngày 27 tháng 12 năm 2018. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 đạt 7,08%, và lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu trên 7 tỷ USD.
Theo Tổng cục Thống kê, 7,08% là mức tăng GDP cao nhất của Việt Nam kể từ năm 2008 đến nay. Ngoài ra GDP bình quân đầu người ước tính đạt 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.
Việt Nam hiện nay đang nhập khẩu rất nhiều sản phẩm từ Trung Quốc, đặc điểm của các sản phẩm từ Trung Quốc là có giá rẻ bất thường.
-TS Lê Đăng Doanh
Cũng theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính đạt 244,72 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu là 237,51 tỷ USD.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển Liên Hiệp Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Việt Nam năm 2018 đạt nhiều nhiều thành tựu, chỉ tiêu vượt mức kế hoạch, như tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu đạt xuất siêu. Theo ông, đây là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, cũng có những số liệu gây quan ngại trong năm 2018. Cụ thể theo số liệu của Tổng cục Hải quan công bố hôm 14/12/2018, tính đến hết tháng 11/2018, Việt Nam đã chi gần 11 tỷ USD nhập thiết bị dụng cụ, phụ tùng và máy móc từ Trung Quốc, tức mỗi tháng Việt Nam chi 1 tỷ USD nhập máy móc Trung Quốc.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh giải thích:
“Việt Nam hiện nay đang nhập khẩu rất nhiều sản phẩm từ Trung Quốc, đặc điểm của các sản phẩm từ Trung Quốc là có giá rẻ bất thường. Vì vậy, Việt Nam có một tiêu chí quan trọng là mua các sản phẩm giá rẻ với một tính năng có thể chấp nhận được. còn những tác động khác như gây ô nhiễm, tiếng ồn, tuổi thọ… thì được coi là có yếu tố thấp hơn so với yếu tố về giá. Và đấy là lý do Việt Nam mua nhiều thiết bị của Trung Quốc. Trong kinh tế học, người ta có khái niệm là công nghệ chấp nhận được, nếu mà những công nghệ đó tuy không phải là cao lắm nhưng sản xuất ra những sản phẩm mà thị trường chấp nhận, thì các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu.”
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long, vì nhu cầu sản xuất trong nước, mà Việt Nam chưa đáp ứng được thiết bị máy móc thì phải nhập. Ông nói tiếp:
“Hiện nay nhập của Trung Quốc thì cũng có mặt lợi nhưng cũng có mặt hại. Máy móc của phương Tây chất lượng tốt nhưng giá rất là cao nên khả năng của doanh nghiệp khó đáp ứng được.Vì vậy, người ta phải nhập từ Trung Quốc. Và khi nhập như vậy, người ta phải tự chịu trách nhiệm. Đối với hàng nhập khẩu, Việt Nam có hàng rào kỹ thuật, để báo các hàng hóa máy móc kém chất lượng, những cái công nghệ lạc hậu rác thải. Cho nên tùy theo tình hình tài chính người ta sẽ quyết định nhập từ nước nào, nhập loại nào, ở đâu.”
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội năm 2017.
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội năm 2017. AFP
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 11, tổng kim ngạch nhập khẩu của tất cả các ngành hàng của Việt Nam đạt 216,31 tỉ USD, tăng 12,1% so với năm 2017. Trong đó, nhóm hàng nhập tăng chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử, nguyên liệu ngành dệt may… Nhưng có đến 60% trong số này được nhập từ Trung Quốc, kế đến là Hàn Quốc và Nhật Bản…
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định:
“Việc nhập khẩu máy móc hoàn toàn phụ thuộc vào chủ đầu tư, nếu các thiết bị về công nghệ thông tin, Việt Nam xưa nay vẫn nhập từ hãng Huawei, tức là Hoa Vĩ. Còn các sản phẩm tinh xảo, Việt Nam có thể phải nhập từ các công ty ở quốc gia khác. Còn phầm mềm và trang thiết bị công nghệ thông tin khác thì Việt Nam hiện nay vẫn nhập từ Microsoft.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, hiện nay, máy móc từ các nước phương Tây do giá cao nên năng lực cạnh tranh ở thị trường Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Lo ngại rác công nghệ

Tin cho biết, Trung Quốc đang nỗ lực phát triển mạnh cuộc công nghiệp 4.0. Vì vậy, một lượng lớn máy móc cũ, lạc hậu sẽ bị đào thải. Do đó, các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, trong cuộc phát triển đó thì lượng máy móc cũ dư thừa của Trung Quốc sẽ rất nhiều. Một trong những cách để giải phóng lượng máy móc đó là xuất khẩu sang nước ngoài dưới dạng rác công nghệ… Vì vậy con số mỗi tháng chi 1 tỷ USD nhập máy móc Trung Quốc là rất đáng lo ngại.
Nhập của Trung Quốc thì cũng có mặt lợi nhưng cũng có mặt hại. Máy móc của phương Tây chất lượng tốt nhưng giá rất là cao nên khả năng của doanh nghiệp khó đáp ứng được.
-TS Ngô Trí Long
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Công trong một lần trả lời báo chí cũng đã khẳng định, hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, dây chuyền công nghệ cũ đã qua sử dụng, chỉ có 10% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Tạ Cao Minh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ Đại học Bách khoa Hà Nội cũng thừa nhận thực trạng này:
“Hiện nay việc nhập công nghệ ở Việt Nam rất phổ biến, bởi vì chúng ta gần như là chưa phát triển, cái gì cũng cần nhập. Bởi vì thiếu hiểu biết nên đúng là ở Việt Nam có nhiều công nghệ nhập về bị lỗi mốt.”
Theo Tiến sĩ Tạ Cao Minh, Việt Nam cần nghiên cứu để ban hành những quy định riêng, nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế bớt các sản phẩm lạc hậu của Trung Quốc. Ống nói tiếp:
“Ví dụ mình có thể cài thêm cái tham số nào mà Trung Quốc không có, hoặc cài thêm cái ý là chỉ nhập ở các nước G7... Đó là trường hợp hoàn toàn sòng phẳng. Ở đây,tôi không muốn nói là có những lợi ích cá nhân, hay việc chi phần trăm hoa hồng.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, các con số công bố là các con số chính thức, còn qua các số liệu mà Trung Quốc công bố thì Việt Nam nhập từ Trung Quốc cao hơn rất nhiều, bao gồm cả số lượng nhập qua đường biên mậu, không chính thức. Vì vậy, theo ông, mức độ phụ thuộc thị trường Trung Quốc của Việt Nam còn rất cao. Ông cũng cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực rất nhiều để giảm sự phụ thuộc đó, tạo sự cân bằng trong cán cân thanh toán cũng như quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten