vrijdag 11 januari 2019

Bắc Kinh tung tin "đã triển khai tên lửa diệt mẫu hạm" để dọa Mỹ (?) khi cho chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan và Hoàng Sa để... khiêu khích [... có giỏi thì..."dzớt" vài cái mẫu hạm của Mỹ xem nào, hay chỉ... hù dọa... xó bếp tàu ! ]



Bắc Kinh tung tin "đã triển khai tên lửa diệt mẫu hạm" để dọa Mỹ?


mediaẢnh minh họa: Khu trục hạm Mỹ USS McCampbell tham gia cuộc tập trận Valiant Shield 2016 ở vùng biển Philippines. Ảnh 23/09/2016.U.S. Navy/Mass Communication Specialist 3rd Class Patrick Dionne
Theo báo Nhật Bản The Japan Times vào hôm nay, 10/01/2019, báo chí Trung Quốc mới đây đã loan tin rằng nước này đã cho triển khai ở miền tây bắc loại tên lửa chống hạm được mệnh danh là sát thủ diệt tàu sân bay. Tờ báo Nhật đã đặc biệt ghi nhận sự kiện thông tin này được tung ra hôm 08/01, tức đúng một ngày sau khi Mỹ lại cho chiến hạm tiến vào tuần tra "bảo vệ quyền tự do hàng hải" gần quần đảo Hoàng Sa trong tay Bắc Kinh tại Biển Đông.
Theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc, trích dẫn đài truyền hình nhà nước CCTV, thì hệ thống tên lửa được triển khai là loại hỏa tiễn đạn đạo DF-26, được cho là có tầm bắn từ 3.000 đến 4.000 km. Địa điểm bố trí các giàn tên lửa này là ở vùng cao nguyên và sa mạc miền tây bắc Trung Quốc.
Mặc dù ngày triển khai cụ thể không được tiết lộ, nhưng thời điểm loan tin là chỉ ít lâu sau chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải mới nhất mà chiến hạm Mỹ USS McCampbell tiến hành gần quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm giữ tại Biển Đông vào hôm thứ Hai, 07/01/2019, một hoạt động bị Bắc Kinh cho là « khiêu khích ».
Hoàn Cầu Thời Báo đã ám chỉ đến hoạt động của Hoa Kỳ, khi trích dẫn một chuyên gia xin giấu tên lưu ý rằng việc triển khai tên lửa diệt hạm là một lời cảnh báo mà Trung Quốc đưa ra, cho biết là nước này hoàn toàn có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình.
Theo chuyên gia này, ngay cả khi được phóng đi từ các khu vực sâu trong đất liền, tên lửa DF-26 có tầm bắn đủ xa để bao quát Biển Đông.
Tờ báo nổi tiếng là diều hâu này của Trung Quốc còn khoe rằng DF-26 là thế hệ tên lửa đạn đạo tầm trung mới, có khả năng phá hủy các loại tàu cỡ trung và cỡ lớn ngoài khơi xa. trên biển.
Còn tờ báo Nhật cũng trích dẫn báo cáo năm 2018 của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự Trung Quốc, loại tên lửa di động trên bộ đó đã được đưa vào hoạt động lần đầu tiên vào năm 2016 và « có khả năng thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu trên biển ở phía tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Biển Đông.
Theo các chuyên gia, một vụ phóng tên lửa di động từ sâu bên trong nội địa Trung Quốc sẽ khó bị chặn hơn so với một vụ phóng đi từ khu vực gần bờ.
Việc Trung Quốc triển khai tên lửa DF-26 cũng đã gây lo ngại ở Nhật Bản, nơi có nhiều căn cứ quân sự quan trọng của Hoa Kỳ.
Cũng liên quan đến chiến dịch tuần tra Hoàng Sa mới nhất của Hải Quân Mỹ, theo hãng tin Anh Reuters, ngày hôm qua, 09/01/2019, một chuyên gia hải quân cao cấp của Trung Quốc, ông Trương Quân Xã (Zhang Junshe), đã cảnh cáo Mỹ rằng các chiến dịch của Hoa Kỳ tại Biển Đông có thể làm chiến tranh bùng nổ, và Mỹ sẽ là bên phải chịu trách nhiệm.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190110-bac-kinh-tung-tin-da-trien-khai-ten-lua-diet-mau-ham-de-doa-my


Chiến hạm Mỹ đi qua Hoàng Sa lúc đàm phán thương mại Mỹ-Trung bắt đầu


mediaTàu sân bay USS Carl Vinson trong cuộc tuần tra tại Biển Đông, ngày 03/03/2017. Trong ảnh, chiến đấu cơ F-18 đang chuẩn bị cất cánh.REUTERS/Erik De Castro
Khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS McCampbell đã đi qua quần đảo Hoàng Sa, ngay vào lúc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được mở lại hôm nay 07/01/2019. Bắc Kinh gọi đây là một « hành động khiêu khích » của Mỹ.

Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr tuyên bố, chiến hạm USS McCampbell đã tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa để thực hiện « quyền tự do hàng hải », « thách thức các yêu sách quá đáng trên biển ».New York Times dẫn nguồn tin Hải quân cho biết thêm, khu trục hạm Mỹ đã đi ngang qua ba đảo là đảo Cây (Tree Island), Linh Côn (Lincohn Island) và Phú Lâm (Woody Island).
Theo bà McMarr, hoạt động này không nhắm vào một quốc gia cụ thể hay mang ý nghĩa chính trị nào.
Trước đó, vào tháng 9/2018, chiến hạm USS Decatur cũng đã tuần tra tại Trường Sa, đi vào vùng 12 hải lý giữa hai cụm đảo san hô là Đá Ga Ven (Gaven Reefs) và Đá Cô Lin (Johnson Reef).
Hoàng Sa đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cướp đoạt từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, xây lên nhiều cơ sở quân sự, triển khai chiến đấu cơ trên ít nhất một hòn đảo. Còn tại Trường Sa, Hoa Kỳ và các đồng minh châu Á đều tố cáo việc Trung Quốc xây dựng bảy đảo nhân tạo, trên đó có ba phi đạo lớn.
Tuyên bố của phía Mỹ được đưa ra vào lúc cuộc đàm phán thương mại bắt đầu tại Bắc Kinh. Đây là vòng thương lượng trực tiếp đầu tiên kể từ khi đôi bên thỏa thuận « hưu chiến » 90 ngày, cho đến đầu tháng Ba.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng chiến hạm Mỹ đã « vi phạm luật pháp của Trung Quốc và quốc tế », và Bắc Kinh đã có những « cảnh báo nghiêm khắc ». Ông Lục Khảng « kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt ngay kiểu khiêu khích này » và nói thêm là Trung Quốc đã gởi tàu chiến, máy bay đến để cảnh báo khu trục hạm Mỹ.
Khi được hỏi về sự trùng hợp giữa thời điểm sự kiện này và cuộc đàm phán thương mại, Lục Khảng nói rằng « cả hai bên đều có trách nhiệm tạo ra không khí tích cực ».
Đoàn đại biểu Mỹ đến Bắc Kinh hôm nay, do phó đại diện thương mại Jeffrey Gerrish dẫn đầu, gồm đại diện Nhà Trắng, bộ Ngoại Giao, và các bộ Nông Nghiệp và Năng Lượng, Tài Chính.
Từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập ở Buenos Aires, Trung Quốc đã có nhiều động thái hòa dịu như tạm ngưng đánh thuế lên xe hơi và phụ tùng của Mỹ trong ba tháng, đặt mua một lượng lớn đậu nành, cho phép nhập cảng gạo Mỹ. Theo giới phân tích, trước tình hình kinh tế xuống dốc và những chỉ trích trong nội bộ, ông Tập Cận Bình đang cố gắng đạt được một thỏa thuận với Washington để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190107-chien-ham-my-di-qua-hoang-sa-luc-dam-phan-thuong-mai-my-trung-bat-dau

Chiến hạm Mỹ lại băng qua eo biển Đài Loan

media Khu trục hạm USS Stockdale của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Ảnh minh họa. CC/U.S. Navy
Lần thứ ba trong năm 2018, ngày 28/11/2018, các chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ lại băng qua eo biển Đài Loan. Theo lời phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, khu trục hạm USS Stockdale và tàu tiếp nhiên liệu USNS Pecos đã đi qua eo biển này trong một chuyến hải hành « bình thường ». Phát ngôn viên này khẳng định là « Hải Quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục di chuyển và hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép ».

Theo lời một quan chức Mỹ nói với hãng tin AFP, ngày 28/11, các chiến hạm của Trung Quốc cũng đã có mặt ở vùng eo biển Đài Loan, những trao đổi giữa các chiến hạm này với chiến hạm Mỹ diễn ra một cách « an toàn »« chuyên nghiệp ».
Bắc Kinh đã từng phản đối Washington sau khi hai chiến hạm Mỹ ngày 22/10 đi qua eo biển nằm giữa Đài Loan với Trung Hoa lục địa, xem đây là một hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Vào lúc đó, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã tuyên bố : « Vấn đề Đài Loan có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc. Đây là hồ sơ quan trọng nhất và nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ-Trung ».
Hoa Kỳ lại đưa chiến hạm đến eo biển Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh với Washington vẫn không giảm đi. Ngày 28/11, đại diện Thương Mại của Mỹ Robert Lighthizer đã ra thông cáo chỉ trích Trung Quốc không cải tổ chính sách thương mại. Ông Lighthizer còn dọa là Mỹ sẽ đánh thuế lên xe hơi của Trung Quốc để đáp trả việc Bắc Kinh áp thuế 40% lên xe hơi nhập từ Hoa Kỳ.
Đại diện Thương Mại Mỹ tuyên bố như trên vào lúc tổng thống Donald Trump dự trù gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tuần này bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Achentina để bàn về thương mại. Theo lời một cố vấn của tổng thống Hoa Kỳ, ông Larry Kudlow, tổng thống Trump cho rằng hai bên có khả năng đạt được thỏa thuận trong cuộc gặp này.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181129-chien-ham-my-lai-bang-qua-eo-bien-dai-loan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten