Trung Quốc mua doanh nghiệp Việt để mượn danh bán hàng sang Mỹ
BÌNH PHƯỚC, Việt Nam (NV) – Nhiều người môi giới và doanh nghiệp có liên quan đến Trung Quốc đang ráo riết lùng mua các doanh nghiệp xuất cảng nông sản, thủy hải sản nhỏ và vừa của Việt Nam để lấy “vỏ bọc” đưa hàng vào thị trường Mỹ.
Một chuyên gia tài chính xin giấu tên cho biết, các nhà môi giới làm việc cho Trung Quốc đã đặt hàng ông “săn” các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang niêm yết trên sàn UpCom (trạm trung chuyển hay thử nghiệm cổ phiếu trước khi niêm yết) hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh xuất nhập cảng nông sản để tham gia góp vốn đầu tư, giành quyền chi phối.
Nói với báo Người Lao Động ngày 3 Tháng Giêng, 2019, ông Trần Văn Sơn, tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Hạt điều Gia Bảo (tỉnh Bình Phước), xác nhận nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang rải người đi tìm mua doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp thua lỗ hoặc thiếu vốn.
Ông Sơn kể, trong một chuyến xúc tiến xuất nhập cảng tại Hoa Kỳ, một nhóm 3 doanh nghiệp Trung Quốc gặp và đặt vấn đề góp vốn vào Công Ty Gia Bảo. Một tháng sau, ba doanh nghiệp này sang Việt Nam thảo luận với ông Sơn về việc định giá và góp cổ phần nhưng ông đã từ chối.
“Họ vẽ ra bức tranh hợp tác bền vững phát triển ra thị trường quốc tế, đồng thời bơm một khoảng vốn hơn 50% giá trị mình định ra để doanh nghiệp thích thú và hợp tác. Điều kiện là phải nhường cho họ quyền trực tiếp điều hành,” ông Sơn cho biết
Tuy không thuyết phục được Công Ty Gia Bảo, nhưng bằng cách này nhóm doanh nghiệp trên đã mua được vài công ty ở tỉnh Bình Phước.
“Nhà đầu tư Trung Quốc trực tiếp điều hành hoạt động xuất nhập cảng của công ty, cho người tìm hiểu nghề rang xay của Việt Nam. Được 3-4 tháng sau, khi đã nắm rõ quy trình, họ đàm phán mua lại hết cổ phần hoặc đưa ra viễn cảnh khó khăn, làm cho doanh nghiệp thua lỗ và yêu cầu bỏ vốn đầu tư thêm theo tỉ lệ 50-50. Nếu mình không đủ tiền, họ sẽ ép thoái hết vốn hoặc làm cho công ty thua lỗ kéo dài… mục đích cuối cùng là thâu tóm toàn bộ doanh nghiệp,” ông Sơn cảnh báo.
Tương tự, giám đốc một công ty chuyên xuất cảng gạo nhỏ ở Vĩnh Long thường đưa gạo sang Trung Quốc cũng cho biết đã từ chối nhiều lời đề nghị mua lại công ty từ các nhóm đầu tư Trung Quốc.
Báo Người Lao Động dẫn thống kê mới nhất của Cục Đầu Tư Nước Ngoài – Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư cho thấy, trong năm 2018, các nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đã bỏ khoảng $3.4 tỷ mua bán lại cổ phần, cổ phiếu của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trong đó, tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam là $2.46 tỷ, với 1,029 lượt dự án góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư đến từ quốc gia này. Tính trung bình nhà đầu tư Trung Quốc bỏ ra hơn $770,000 để góp vốn vào doanh nghiệp Việt, tăng gấp đôi về lượng vốn so với con số $487 triệu cho hơn 800 dự án trong năm 2017.
Tiến Sĩ Trần Quang Thắng, viện trưởng Viện Kinh Tế Và Quản Lý Sài Gòn, phân tích việc xé nhỏ các đồng vốn và chia đều vào các dự án, doanh nghiệp Việt Nam cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc đang nhắm đến Việt Nam để thâu tóm, tìm hiểu thị trường và sẵn sàng chuyển vốn sang Việt Nam khi cần.
Theo ông Thắng, doanh nghiệp Trung Quốc thích hợp tác, mua lại doanh nghiệp Việt Nam là do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh xuất cảng của Trung Quốc sang Mỹ.
Chính vì vậy, doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách “đa dạng hóa ra bên ngoài” bằng cách chọn nước thứ 3 là Việt Nam, nơi có nhiều nông sản xuất cảng sang Trung Quốc.
Chưa kể, Việt Nam đang có nhiều lợi thế vì đã tham gia nhiều hiệp định thương mại, mới đây nhất là hiệp định “Đối Tác Toàn Diện Và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP) nên các doanh nghiệp Trung Quốc có pháp nhân tại Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động xuất cảng.
Ông Thắng khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam “đừng kỳ vọng” mà cần có giải pháp chống thâu tóm hoặc tìm cách phát triển bền vững hơn để không bị lấn sân, mất cơ hội trong hoạt động xuất cảng nông sản ngay tại sân nhà. (Tr.N)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/tq-mua-doang-nghiep-vn-de-ban-hang-sang-my/
Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật
Copyright © 2018, Người Việt Daily News
Việt Nam: Nơi tiềm năng để tránh thuế Mỹ giáng lên hàng Trung Quốc?
Nhiều công ty đa quốc gia đang tích cực 'nhòm ngó' Việt Nam như một nơi tiềm năng để chuyển hàng Trung Quốc sang Mỹ nhằm tránh thuế, theo SCMP.
Việc này có vẻ giống trường hợp xảy ra vào cuối năm 2016 khi Văn phòng Chống gian lận châu Âu xác định rằng một số sản phẩm thép có nguồn gốc từ Trung Quốc đã được vận chuyển qua Việt Nam để tránh thuế chống bán phá giá, bài báo trên SCMP viết.Theo một phát ngôn viên, Văn phòng Chống gian lận châu Âu đã tư vấn cho chín quốc gia châu Âu về cách thu hồi khoảng 9,31 triệu đô la từ việc tránh thuế chống bán phá giá và các loại thuế nhập khẩu khác.
Trung Quốc để mắt tới Bắc Cực
TQ, Nga thí nghiệm 'chỉnh sửa khí quyển'
Cải cách TQ: từ đói nghèo lên 12 nghìn tỷ đô
Nhưng ý tưởng vận chuyển qua một nước thứ ba để tránh thuế quan đã bùng nổ trong những tháng gần đây do cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và nhiều công ty sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc đang tìm hiểu Việt Nam để thực hiện việc này.
Để làm điều này, họ đang tích cực xem xét xem có thể dán nhãn lại hợp pháp các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc dưới dạng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, dưới đề mục các chủng loại hàng hóa khác nhau, hay thậm chí chỉ đơn giản gửi chúng đến Việt Nam để vận chuyển đến Hoa Kỳ, một số doanh nhân và nhà ngoại giao cho biết.
"Nhiều khách hàng của chúng tôi đang hỏi liệu về cơ bản họ có thể vận chuyển hàng hóa qua Việt Nam hay không, vì vậy hãy mua giày [sản xuất tại Trung Quốc] và mang chúng qua Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ," ông Maxfield Brown, cộng tác viên cao cấp của Dezan Shira & Associates tại thành phố Hồ Chí Minh cho hay trên SCMP.
"Câu hỏi phổ biến nhất tiếp theo, sau câu 'có thể vận chuyển hàng hóa qua Việt Nam hay không', là liệu chúng ta có thể phân loại lại các hàng hóa của mình hay không và chính phủ Hoa Kỳ có chú ý hay không, và câu trả lời là 'có'. Khi cuộc chiến thương mại diễn ra, khả năng bạn bị 'bắt quả tang' là khá cao."
Từ trước chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam vốn đã hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vì lao động giá rẻ, các chính sách ủng hộ doanh nghiệp và khoảng cách gần với thị trường Trung Quốc, và bây giờ là nơi tiềm năng để tránh thuế quan của Mỹ.
Giới phân tích tại trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chính phủ Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ một số lĩnh vực tại Việt Nam đối với bất kỳ hàng hóa nào có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tin liên quan
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46678215
Geen opmerkingen:
Een reactie posten