zaterdag 12 januari 2019

Đồng bằng sông Cửu Long : Ùn ùn bỏ ruộng nuôi cá tra: lại theo phong trào? + Việt Nam có thể đối mặt tình trạng thừa cung cá tra

Ùn ùn bỏ ruộng nuôi cá tra: lại theo phong trào?

Đã có cả ngàn héc ta diện tích lúa bị nông dân phá bỏ để đào ao ương cá tra giống ở Long An.
Đã có cả ngàn héc ta diện tích lúa bị nông dân phá bỏ để đào ao ương cá tra giống ở Long An.
Courtesy longan.gov.vn
Đã có cả ngàn héc ta diện tích lúa bị nông dân phá bỏ để đào ao ương cá tra giống ở Long An và một số tỉnh ĐBSCL. Nguyên nhân do đâu và về lâu dài sẽ gây hậu quả gì?

Phong trào?

Những cánh đồng lúa cặp kênh ở vùng Đồng Tháp Mười - Long An như Tân Hưng, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng… hiện đã loang lổ bởi ao cá tra giống.
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Thủy sản tỉnh Long An, diện tích nuôi cá tra giống của tỉnh Long An hiện đã lên đến gần 2.000 héc ta, tập trung ở 2 huyện là Tân Thạnh và Vĩnh Hưng. Nếu tính riêng năm 2017 có đến gần 800ha ao cá tra giống được đào từ đất lúa.
Cái nguy hiểm thứ nhất là diện tích lúa bị thu hẹp quá mức, cái nguy hiểm thứ hai là diện tích cá tra tăng lên, cung vượt qua cầu thì cũng nguy hiểm cho ngành cá tra.
-TS Đặng Kim Sơn
Không chỉ Long An, một số nơi khác ở ĐBSCL, cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Do đâu có tình trạng này, chúng tôi hỏi chuyện Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, và được ông cho biết:
“Hiện nay giá cá tra lên, người nuôi cá tra có lợi, nên nhiều nông dân chuyển sang nuôi cá tra giống để bán, vì nhu cầu về cá tra giống rất là nhiều. Rõ ràng, nếu mà để việc chuyển đất lúa sang nuôi cá tra giống xảy ra nhiều thì nó có hai cái nguy hiểm. Cái nguy hiểm thứ nhất là diện tích lúa bị thu hẹp quá mức, cái nguy hiểm thứ hai là diện tích cá tra tăng lên, cung vượt qua cầu thì cũng nguy hiểm cho ngành cá tra.”
Theo tin đăng tải trên trang Undercurrent chuyên về xuất nhập khẩu thủy hải sản trên thế giới vào ngày 20 tháng 12, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đã lần đầu tiên vượt 2 tỷ đô la, đạt 2,05 tỷ đô la trong 11 tháng đầu năm nay. Chỉ trong tháng 10 và tháng 11, tiêu thụ cá tra ở Mỹ đã tăng khoảng 40% do giảm thuế chống bán phá giá đối với cá Việt Nam, trong khi thị trường EU và Trung Quốc vẫn duy trì mức tiêu thụ tốt.
Giải thích với Đài Á Châu Tự Do về việc này hôm 20/12, ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội thủy sản An Giang, cho biết:
“Không phải khối lượng xuất khẩu tăng nhiều mà nhờ giá trị xuất khẩu tăng lên, nên mình thu về ngoại tệ tương đối lớn. Còn về thị trường thì thị trường Mỹ vẫn ổn định, sau khi Mỹ công bố giảm thuế chống phá giá đợt vừa rồi. Nhưng các thị trường khác thì dồn ngược về phía bên Trung Quốc. Năm 2018 xuất sang Trung Quốc nhiều hơn, là thị trường mới tiềm năng còn nhiều.”
Đã có cả ngàn héc ta diện tích lúa bị nông dân phá bỏ để đào ao ương cá tra giống ở Long An.
Đã có cả ngàn héc ta diện tích lúa bị nông dân phá bỏ để đào ao ương cá tra giống ở Long An. Courtesy longan.gov.vn
Tuy nhiên ông Bình cho rằng, xuất khẩu sang Trung Quốc rủi ro cũng nhiều do vừa xuất khẩu chính ngạch, vừa xuất khẩu tiểu ngạch. Theo ông thậm chí các nhà nhập khẩu Trung Quốc nhỏ lẻ đủ hạng, chạy qua Việt Nam thuê nhà máy để gia công, trực tiếp mua cá nên cũng sẽ có rủi ro khi có biến cố.
Đài Á Châu Tự Do liên lạc Anh Phạm Trung Tôn, một người nuôi cá tra giống ở Long Xuyên, để tìm hiểu thực tế và được anh cho biết như sau:
“Con cá giống nó đi theo thị trường cá thịt, người ta xuất tốt thì người ta tăng diện tích nuôi lên, thì con cá giống tăng lên. Chắc chắn tăng diện tích cá giống thì sẽ ảnh hưởng rồi. Như sau cái đợt Tân Hưng ở Long phát triển nuôi cá giống, các hộ nuôi phát triển. Nhưng mà dự kiến năm nay sẽ có vấn đề đó nhưng mà ngược lại cái môi trường, thời tiết nuôi không được. Vì vậy thiếu thật sự nên con cá giống mới tăng giá. Chứ khi ổn định rồi, công ty chuẩn bị nguồn giống tốt rồi thì khi đó hộ nông dân nuôi sẽ gặp khó, đó là điều chắc chắn.”

Thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước

Đây không phải là lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra tình trạng người nông dân ồ ạt chuyển đổi vật nuôi, cây trồng. Người dân thì gì có lợi họ làm; vấn đề là cơ quan khuyến nông, cơ quan dự báo của ngành… giúp được gì trong vấn đề ‘bình ổn, điều tiết’ sản xuất.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Chí Bình đưa ra nhận định:
Nếu chúng ta cứ để công suất nhà máy thừa hoài thì mạnh ai cũng muốn sản xuất. Ai cũng muốn tồn tại, thành ra bằng mọi giá phải sản xuất, chính vì vậy giá cả sẽ không ổn định, rất là nguy hiểm.
-Ô. Lê Chí Bình
“Cái vấn đề cá tra giống thì thời gian chất lượng con giống không ổn định, cái gốc là từ con cá bột mà ra, khi họ ương thì tỷ lệ không đạt, nên bắt buộc phải tăng diện tích lên để ương đủ số con cá giống để cung cấp. Tuy nhiên việc họ phá ruộng đào ao nuôi cá giống cũng khó, vì  đây là vấn đề quản lý nhà nước.”
Theo ông Bình, muốn bền vững nên xây dựng cái chuỗi, nhưng từng mắc xích trong chuỗi phải ổn định, đầu tiên là từ con giống, khi con giống chất lượng thì không thể ào ào đào ao nuôi được. Bởi vì khi có tiêu chuẩn chất lượng thì người nuôi sẽ chọn con giống chất lượng, và số lượng nuôi theo quy trình thì nó sẽ ổn định. Thứ hai theo ông Bình là vấn đề thừa công suất nhà máy đã tồn tại nhiều năm. Ông cho rằng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nếu ổn định thì mới xây dựng được các chuỗi ổn định. Ông nói tiếp:
“Nếu chúng ta cứ để công suất nhà máy thừa hoài thì mạnh ai cũng muốn sản xuất. Ai cũng muốn tồn tại, thành ra bằng mọi giá phải sản xuất, chính vì vậy giá cả sẽ không ổn định, rất là nguy hiểm.”
Còn Tiến sĩ Đặng Kim Sơn thì cho rằng, với hình thức chuyển sang đa canh kết hợp, thì đang có sự thay đổi trong tổ chức sản xuất và đây là một bước chuyển mà các cơ quan nhà nước học cách để thích ứng, vừa thích ứng với chuyện đa dạng hóa sản xuất gắng với nhu cầu thị trường, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, các thay đổi trong sử dụng tài nguyên. Theo ông, công tác quy hoạch của Việt Nam đang chuyển sang một giai đoạn mới, đa dạng hơn, và đây là một thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten