vrijdag 11 januari 2019

Chủ tịch "cứu tinh" của Nissan-Renault-Mishubishi Carlos Ghosn bị tư pháp Nhật truy tố thêm hai tội + Số phận Carlos Ghosn khiến giới đầu tư ngoại quốc ở Nhật Bản lo ngại


Tổng giám đốc Renault bị tư pháp Nhật truy tố thêm hai tội


mediaCarlos Ghosn trong buổi trình diện tòa án Tokyo ngày 08/01/2019.Mandatory credit Kyodo/via REUTERS
Ngày 11/01/2019, tổng giám đốc tập đoàn xe hơi Pháp Renault, cựu lãnh đạo tập đoàn Nhật Nissan, bị truy tố thêm hai tội danh mới. Với hai tội danh này, ông Carlos Ghosn có thể bị phạt tù tới 15 năm. Cũng hôm nay, các luật sư của ông Ghosn đệ đơn xin tòa cho bị cáo được bão lãnh để tại ngoại hầu tra. Tuy nhiên, với hai quyết định truy tố mới, rất ít khả năng Carlos Ghosn được rời khỏi nhà tù.
Thông tín viên Frédéric Charles tường trình từ Tokyo :
« Carlos Ghosn bị cáo buộc lạm dụng tín nhiệm nghiêm trọng, với việc chuyển vào tài khoản của Nissan khoản tiền âm 15 triệu euro, thiệt hại do các đầu tư cá nhân của ông vào chứng khoán, với sự hỗ trợ của một người bạn tỉ phú Ả Rập Xê Út.
Ông chủ Renault cũng bị truy tố về tội không khai báo một phần thu nhập trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2018, trong báo cáo hàng năm mà Nissan đệ nạp lên cơ quan quản lý tài chính Nhật Bản. Tập đoàn Nissan, với tư cách là một pháp nhân, cũng bị truy tố.
Carlos Ghosn cũng lần đầu tiên bị truy tố vì tội không khai báo toàn bộ thu nhập trong khoảng thời gian 2010-2015. Cánh tay phải của ông, Greg Kelly, được nộp tiền bảo lãnh để tại ngoại, đã bị truy tố lần thứ hai vì tội giúp ông chủ của mình khai báo thu nhập ít hơn, trong ba năm gần đây.
Việc công tố viên Tokyo chưa đưa ra lệnh bắt giam thứ tư đối với ông Carlos Ghosn để ngỏ khả năng tổng giám đốc Renault có thể được phép bảo lãnh để tại ngoại. Tuy nhiên, trên thực tế, các thẩm phán Nhật hiếm khi nào chấp nhận thả các bị cáo bác bỏ các cáo buộc.
Báo chí Nhật tiếp tục tung ra các thông tin bất lợi cho cựu lãnh đạo Nissan, về việc ông Ghosn nộp thuế tại Hà Lan, về các quà biếu cho những người quen biết tại Liban hay Oman, với tổng giá trị 40 triệu euro, lấy từ ngân quỹ của Nissan ».
Theo AFP, hãng xe hơi Pháp Renault hôm qua, 10/01/2019, thông báo về một số kết quả ban đầu của cuộc điều tra nội bộ về vấn đề trả lương cho các lãnh đạo công ty, trong đó có tổng giám đốc Carlos Ghosn. Theo Renault, việc trả lương riêng trong hai năm 2017 – 2018 là hoàn toàn hợp lệ. Hãng xe hơi Pháp tiếp tục điều tra về các năm trước.
Đọ sức giữa luật sư của Ghosn và « Ông thanh liêm »
Trong vụ án tổng giám đốc Renault, báo chí Pháp cũng chú ý đến cuộc đọ sức về pháp lý giữa luật sư Motonari Otsuru của ông Carlos Ghosn với các nhà điều tra, đứng đầu là ông Hiroshi Morimoto, lãnh đạo lực lượng thanh tra đặc biệt của viện ông tố Tokyo, nhân vật được dân Nhật mệnh danh là « Ông thanh liêm ». Hơn 10 năm về trước, luật sư Motonari Otsuru từng phụ trách chính cơ quan thanh tra này, và là thủ trưởng của Hiroshi Morimoto.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190111-tong-giam-doc-renault-bi-tu-phap-nhat-truy-to-them-hai-toi-moi

Số phận Carlos Ghosn khiến giới đầu tư ngoại quốc ở Nhật Bản lo ngại


mediaẢnh minh họa : Ông Carlos Ghosn, lúc đến họp báo ở Rio de Janeiro, Brazil, 4/01/2016.REUTERS/Ricardo Moraes/File Photo
Carlos Ghosn là ví dụ thành công hiếm hoi của một lãnh đạo tập đoàn lớn người nước ngoài ở Nhật Bản. Sự suy sụp đột ngột của ngôi sao này, kèm theo là cách đối xử khắc nghiệt đối với ông đã tạo nên một cú sốc nơi các doanh nhân ngoại quốc khác, bắt đầu lo lắng trước nguy cơ bị kẹt vào cái bẫy của những quy định mà họ không nắm chặt.
Theo hãng tin Pháp AFP, trong giới kinh doanh, trường hợp Carlos Ghosn đã được bàn tán xôn xao từ lúc nhân vật này bị bắt vào ngày 19/11/2018 ở Tokyo, khi máy bay riêng ông vừa đáp xuống.
Về phía Nhật Bản, người ta luôn nhấn mạnh trên tính chất cá biệt của vụ việc. Ông Seiji Nakata, chủ tịch hãng tài chính Daiwa Securities chẳng hạn, khẳng định rằng vụ Carlos Ghosn là « một vấn đề đặc thù ». Ông cho biết là có tiếp xúc với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài và « họ không hề tỏ ra lo lắng. »
Thế nhưng, khi trả lời AFP, một số người, xin ẩn danh, đã có nhận định khác, xem vụ việc đó là « một cơn chấn động ». Một lãnh đạo công ty hoạt động ở Nhật ghi nhận : « Carlos Ghosn là một biểu tượng thành công kiểu Pháp, và vụ việc đã làm giảm nhuệ khí của giới trẻ đang lao vào địa hạt kinh doanh và quản lý ».
Cách xử sự « bên trọng bên khinh »
Dù ông Ghosn có tội hay không, luật pháp sẽ phán xét, nhưng trước mắt, cách ngành tư pháp Nhật đối xử với cựu lãnh đạo Nissan, và hiện vẫn là chủ tịch tổng giám đốc Renault, đã gây sốc. Ông Ghosn hiện vẫn bị tù, và đã bị giam như thế 50 ngày, trong lúc những lãnh đạo khác người Nhật, có khi còn chẳng hề bị câu lưu, như trong vụ bê bối Toshiba.
Lãnh đạo công ty Pháp mà AFP đã hỏi ở trên ghi nhận : « Người ta có cảm giác là có tình trạng bên trọng bên khinh, ông Ghosn phải chịu cảnh như thế vì ông là người nước ngoài ».
Bên cạnh đó, đã từng có nhiều vụ lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản bị bắt và giam giữ nhiều ngày, nhưng không gây ồn ào như trong vụ Carlos Ghosn. Theo một đại diện cộng đồng người Pháp tại Nhật Bản, « một cách xử lý như thế, kèm theo với việc dàn dựng ồn ào về mặt truyền thông, đã tạo nên cảm giác bất an nơi những người chủ doanh nghiệp khác ».
Theo luật sư Nobuo Gobara, dạn dầy kinh nghiêm về những loại hồ sơ này, đây không « chỉ là vấn đề của riêng ông Ghosn, mà là một vấn đề quan trọng tác động đến Nhật Bản trong tư cách một đất nước và một xã hội ».
Theo luật sư Gobara, cần xét lại vấn đề quyền hạn của các công tố viên, cũng như thái độ của tập đoàn Nissan, đã mở điều tra nội bộ rồi chuyển thẳng hồ sơ cho ngành tư pháp thay vì trực tiếp đối chất trước với ông Ghosn.
Luật sư này không ngần ngại kết luận : « Nếu quý vị là lãnh đạo công ty nước ngoài có thu nhập cao, tôi nghĩ là khi thấy sự vụ như thế, quý vị sẽ sợ khi đến làm việc ở Nhật Bản ».
Theo AFP, giờ đây, nhiều người đang lo ngại mình có thể trở thành nạn nhân của luật pháp Nhật rất khó hiểu.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20190110-so-phan-carlos-ghosn-khien-gioi-dau-tu-ngoai-quoc-o-nhat-ban-lo-ngai

Công nghiệp xe hơi : "Ông vua" Carlos Ghosn ngã ngựa

mediaCarlos Ghosn, chủ nhân đầy quyền lực của Renault-Nissan. Hội chợ xe quốc tế Paris, ngày 01/10/2018.REUTERS/Benoit Tessier
Tham tiền và quyền lực hai nhược điểm của người được mệnh danh là "ông vua không ngai" ngành công nghiệp xe hơi thế giới. Ngày 19/11/2018 chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn xe hơi Pháp Renault, kiêm lãnh đạo số 1 liên minh Pháp-Nhật bao gồm ba hãng Renault-Nissan và Mitsubishi bị bắt ngay khi đặt chân xuống phi trường Haneda.
Là một trong những nhân vật thế lực nhất trong số các lãnh đạo tập đoàn, Carlos Ghosn bị cáo buộc lạm dụng công quỹ, che giấu 39 triệu euro thu nhập với sở thuế Nhật Bản.
Sự kiện "ông vua không ngai" của trong ngành xe hơi này ngã ngựa ảnh hưởng như thế nào đến liên minh Renault-Nissan và Mitsubishi ? Carlos Ghosn vực dậy hãng xe Nissan của Nhật xuýt bị xóa tên, vì thế ông được công luận trên xứ hoa anh đào ngưỡng mộ. Nhưng đằng sau thành công rực rỡ đó có không ít những lời chỉ trích về phương pháp làm việc của người được mệnh danh là một "cost killer". Với công luận Pháp, thu nhập trên 10 triệu euro một năm của ông chủ tịch tổng giám đốc Renault là nguồn tranh cãi vô tận.
Vừa hay tin Carlos Ghosn bị bắt tại Nhật Bản, trên sàn chứng khoán Paris, cổ phiếu của hãng xe Renault mất giá 8 % trong ngày 19/11/2018 và mất thêm 4 % vào trưa nay. Cổ phiếu của Nissan và Mitsubishi cũng tuột dốc.
Chức chủ tịch Nissan và Mitsubishi Motors của doanh nhân người Pháp này như "chỉ mành treo chuông". Renault vẫn im lặng về số phận của chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn xe hơi số 1 của Pháp.
Liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi hiện là tập đoàn xe hơi số 1 thế giới, năm ngoái bán ra 10, 6 triệu chiếc xe trên toàn cầu ; bộ ba nói trên thống lĩnh thị trường xe hơi quốc tế, đứng trước cả Volkswagen của Đức hay Toyota của Nhật. Thành công đó có được là nhờ Carlos Ghosn.
Đầu năm 2018 ông vừa được cổ đông tín nhiệm để giữ chức chủ tịch tổng giám đốc liên minh công nghiệp xe hơi này cho tới năm 2022. Ghosn đi vào lịch sử ngành xe hơi thế giới nhờ một mô hình hợp tác "không giống ai".
Liên minh công nghiệp xe hơi : mô hình mới thấy lần đầu
Ông được công luận Nhật Bản xem là một vị "cứu tinh", là người có phép lạ giúp cho hãng xe Nissan hồi sinh và còn vững mạnh trên thị trường xe hơi của thế giới, bán ra hơn 5,8 triệu chiếc xe năm 2018. Năm 1999 khi Nissan bên bờ vực thẳm, gần như trong tình trạng bị vỡ nợ, hãng xe Pháp Renault điều Carlos Ghosn đến xứ hoa anh đào. Ông không chủ trương sáp nhập Nissan với Renault mà quyết định thành lập một "liên minh" : Renault mua lại 43 % cổ phần của đối tác Nhật, một công ty có trọng lượng lớn hơn mình gấp đôi. Đổi lại, Nissan kiểm soát 15 % vốn của Renault.
Là một người mang hai dòng máu Brazil và Liban nhưng lớn lên tại Pháp và tốt nghiệp trường kỹ sư danh tiếng nhất của Pháp là Polytechnique, sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ, Carlos Ghosn ở lại hẳn trên xứ hoa anh đào. Ông quan sát cung cách làm ăn của Nissan, xác định những nhược điểm trong mô hình quản lý của hãng xe Nhật này, trước khi đề nghị một loạt các giải pháp và đặt cả sự nghiệp của mình lên bàn cân.
Phương pháp của Carlos Ghosn ?
Bí quyết thành công của Ghosn gồm những yếu tố như sau : Thứ nhất là nói thẳng, nói thật và quyết định nhanh chóng. Thứ hai, đóng cửa những nhà máy bị coi là những con vịt què và là những gánh nặng cho tập đoàn. Thứ ba là cho 21.000 nhân viên về hưu non : đây là một cú sốc tại một quốc gia mà công việc làm được bảo đảm mãn đời. Liều thuốc mạnh thứ tư là bán lại các chi nhánh không thuộc diện "sống còn" đối với Nissan và sau cùng là mở rộng thị trường của Nissan sang Trung Quốc, đánh cược vào thị trường rộng lớn và còn chậm phát triển này ở vào thời điểm đầu năm 2000.
Thầy thuốc mát tay
Một chục năm sau ngày trao vận mệnh cho Carlos Ghosn, Nissan bắt đầu chinh phục thế giới. Liên kết với Renault, hãng xe Nhật hợp tác với hãng xe Đức Daimler. Hai năm sau, vẫn dưới sự dẫn dắt của Ghosn, Renault-Nissan mua lại một phần cổ phiếu của hãng xe Nga Alliance Rostec và công ty mẹ của hãng xe Lada.
Khủng hoảng tài chính 2008 làm không ít các hãng xe của thế giới chao đảo, Renault không là một ngoại lệ nhưng vẫn đứng vững và còn nhòm ngó sang thị trường Hàn Quốc, hợp tác với Samsung Motors.
Cách nay hai năm, Carlos Ghosn cùng Nissan thâu tóm thêm một con chim đầu đàn của công nghệ xe hơi Nhật Bản là Mitsubishi.
Trở lại câu hỏi vụ ông Carlos Ghosn bị bắt có làm phương hại đến "vương quốc" xe hơi Renault-Nissan-Mitsubishi hay không, có ảnh hưởng gì tới 470.000 nhân viên và hoạt động của 122 nhà máy khắp năm châu này hay không ?
Còn quá sớm để có được câu trả lời, chỉ biết rằng, từ giới cổ đông đến ban giám đốc Renault-Nissan-Mitsubishi, từ chính phủ Pháp và cả Nhật Bản đến các đối thủ và đối tác của Carlos Ghosn đều đang theo dõi sát vụ việc. Điều gần như chắc chắn là trong vài ngày tới ông sẽ mất chức chủ tịch Nissan và Mitsubishi. Hãng Renault triệu tập khẩn cấp hội đồng quản trị trong ngày 20/11/2018
Những lỗ hổng trong mô hình quản trị của Carlos Ghosn
Nhưng phương pháp lãnh đạo của ông phù thủy Carlos Ghosn có nhiều sơ hở. Ông bị chỉ trích tập trung quá nhiều quyền lực trong tay. Dưới áp lực của Paris, chính phủ nắm giữ 15 % vốn của tập đoàn xe hơi nổi tiếng này, Ghosn đã phải chỉ định một nhân vật số 2 nhưng cho đến tận cuối tuần qua không mấy ai biết nhân vật số 2 đó là ai.
Tổng giám đốc Nissan, Hiroto Saikawa, không vòng vo "Ban đầu Carlos Ghosn đã cải tổ sâu rộng Nissan và đã thành công ở những điểm mà chẳng mấy ai dám đọ sức với ông nhưng rồi Ghosn đã thâu tóm quyền lực trong tay trong một thời gian quá dài (...) Nissan sẽ tránh để lập lại sai lầm đó trong tương lai".
Cũng chính thành công rực rỡ tại Nhật Bản là bàn đạp cho phép ông Carlos Ghosn năm 2005 ngồi vào chiếc ghế chủ tịch tổng giám đốc hãng xe Renault.
Tại Pháp cũng như Nhật Bản ông đã vượt qua không biết bao nhiêu vụ tai tiếng và khủng hoảng ... Và đều đã đủ sức chống chọi với tất cả, từ vụ tai tiếng nghi ngờ một cán bộ cao cấp của Renault làm gián điệp cho Trung Quốc, đến những cáo buộc xe của Renault và Nissan không tôn trọng các chuẩn mực về lượng thải khí carbon gây ô nhiễm môi trường ...
Nhưng có hồ sơ đeo đuổi ông hơn cả là những tranh cãi về mức lương trên dưới 10 triệu của Carlos Ghosn.
Về những chi tiết đẩy Carlos Ghosn đang trên đỉnh cao rơi xuống vực thẳm, cho đến giờ phút này được biết chủ tịch Renault-Nissan-Mitsubishi tiếp tục bị tạm giam và theo luật pháp Nhật Bản lệnh tạm giam có thể kéo dài trong 23 ngày.
Ông Ghosn bị cáo buộc che giấu một phần mức thu nhập với sở thuế Nhật Bản và khoản tiền mà ông che giấu đó là 5 tỷ yen, tức khoảng 39 triêu euro.
Không chỉ có thế, Carlos Ghosn còn phải trả lời về những cáo buộc lạm dụng của công, dùng tiền của Nissan để mua biệt thự sang trọng tại 4 nước khác nhau. Nhân vật số 2 của tập đoàn xe hơi Nhật Nissan, Hiroto Saikawa trong buổi họp báo tối 19/11/2018 không vòng vo cho rằng : Carlos Ghosn là một nhà lãnh đạo tập đoàn tài ba với hai nhược điểm lớn : "tham tiền và quyền lực".
Thu nhập trên dưới 10 triệu euro một năm của Carlos Ghosn, ngang hàng với những lãnh đạo các tập đoàn xe hơi khác của thế giới, nhưng mức lương của chủ tịch hãng xe Renault cao nhất trong số những đồng nghiệp cùng tham gia sàn chứng khoán Paris. Ông cũng bỏ lại xa phía sau các chủ nhân ông trên xứ hoa anh đào. Lương và tiền thưởng của Carlos Ghosn là cái gai trong quan hệ giữa ông và chính phủ Pháp. Dù vậy về lương bổng, Carlos Ghosn vẫn cho rằng ông cần phải được trả thù lao xứng đáng hơn thế nữa !
Ngoài đời, Carlos Ghosn nổi tiếng là một ông chủ độc tài và nóng tính. Lập được kỳ công đem lại hào quang cho Nissan đã khiến chủ nhân của hãng xe Renault quên mất rằng, dù muốn hay không thì ông là người ngoại quốc đầu tiên đứng đầu một tập đoàn lớn của Nhật Bản. Điều đó khiến không ít người vừa khiếp sợ và vừa ganh tị.
 http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181120-cong-nghiep-xe-hoi-ong-vua-carlos-ghosn-nga-ngua

Geen opmerkingen:

Een reactie posten