vrijdag 25 januari 2019

Ấn Độ thử hỏa tiễn Agni-5 tầm bắn 5.000 km có sức răn đe Trung Quốc + Tên lửa siêu thanh BrahMos Ấn-Nga, tầm bắn 300 km, đe dọa Trung Quốc


Ấn Độ thử hỏa tiễn tầm bắn 5.000 km có sức răn đe Trung Quốc


mediaTên lửa Agni-2 của Ấn Độ trong một buổi diễu binh tại New Delhi, ngày 26/01/2004.CC/Antônio Milena
Trong một thông cáo chính thức ngày 18/01/2018, bộ Quốc Phòng Ấn Độ cho biết đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo Agni-5. Tầm bắn của hỏa tiễn này không được nêu lên, nhưng theo các chuyên gia vũ khí, Agni-5 là loại tên lửa có tầm bắn 5.000km, có thể bắn tới mọi địa điểm trên lãnh thổ Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích không ngần ngại cho rằng New Delhi như vậy đã có thêm một thứ vũ khí mới để răn đe Bắc Kinh.
Trong bản thông cáo, bộ Quốc Phòng Ấn Độ cũng đã nhắc đến mục tiêu răn đe của loại vũ khí này, khi giải thích rằng : « Cuộc thử nghiệm thành công của hỏa tiễn Agni-5 khẳng định lại năng lực tên lửa được chế tạo tại Ấn Độ, và củng cố thêm năng lực răn đe đáng tin cậy » của Ấn Độ.
Theo giới quan sát, năng lực răn đe của Ấn Độ là có thực vì lẽ nước này sở hữu vũ khí hạt nhân, và vì tên lửa Agni-5 có thể mang theo một vật thể nặng hơn 1.000 kg, New Delhi hoàn toàn có thể gắn đầu đạn nguyên tử lên hỏa tiễn đạn đạo đời mới này để bắn đi.
Thông cáo của bộ Quốc Phòng Ấn Độ còn nói đến việc tên lửa Agni-5 được phóng đi từ giàn phóng di động. Điều đó có nghĩa là New Delhi hoàn toàn có thể đặt Matxcơva, Athens, vùng Trung Đông, Tokyo, Bắc Kinh vào trong tầm ngắm của vũ khí nguyên tử của mình.
Tuy nhiên, theo nhật báo Mỹ The New York Times, đối tượng răn đe chính của Ấn Độ là Trung Quốc, trong bối cảnh quân đội hai bên cách đây không lâu còn trải qua hai tháng đối đầu căng thẳng ở vùng Doklam trên dãy Himalaya, sát biên giới hai nước, một sự cố biên giới được cho là nghiêm trọng nhất trong vòng 30 năm gần đây.
Theo chuyên gia Ấn Độ Nitin Gokhale, cho đến nay, New Delhi chưa từng có một loại tên lửa nào có khả năng đánh vào các « mục tiêu có giá trị cao » ở Trung Quốc, và cuộc thử nghiệm thành công tên lửa Agni-5 vào ngày 18/01 đã khiến cục diện thay đổi, với hầu hết lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm cả các thành phố ven biển phía đông như Thượng Hải, đều nằm trong tầm bắn của vũ khí hạt nhân Ấn Độ.
Đối với chuyên gia này, kể từ nay, Bắc Kinh sẽ phải « suy nghĩ hai lần » trước khi gây sự với New Delhi.
Trong quá khứ, Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích Ấn Độ về kế hoạch phát triển tên lửa Agni-5.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180119-an-do-thu-hoa-tien-tam-ban-5000-km-co-suc-ran-de-trung-quoc

Tên lửa siêu thanh BrahMos Ấn-Nga đe dọa Trung Quốc


mediaBrahmos, loại hỏa tiễn siêu thanh lợi hại có thể phóng đi từ tàu ngầm, mà Ấn Độ định bán cho Việt Nam.wikipedia
BrahMos là sản phẩm của công ty Hàng không-Vũ trụ BrahMos, một liên doanh Nga-Ấn Độ, và được đánh giá là tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới với tầm bắn gần 300 km. Hiện đang được trưng bày và chào hàng tại Triển lãm Hàng không Airshow Singapore, ý định xuất khẩu tên lửa BrahMos của Ấn Độ khiến Trung Quốc lo ngại.
Phát ngôn viên của BrahMos tại triển lãm Singapore cho biết nhiều cuộc đàm phán đang được tiến hành « với một số nước », nhưng tập đoàn chỉ muốn bán cho những quốc gia « đáng tin cậy » thân thiết với cả New Delhi lẫn Matxcơva.
Theo thông tin báo chí, nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Indonesia và Việt Nam, quan tâm đến việc mua tên lửa BrahMos. Trang CNBC của Úc chỉ đơn cử trường hợp Việt Nam để cho thấy lo ngại của Bắc Kinh trước việc tên lửa siêu thanh nằm trong tay các nước láng giềng.
Hà Nội hiện đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Bắc Kinh. Vì vậy, nếu thỏa thuận bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam thành hiện thực, Trung Quốc sẽ coi đó là một hành động leo thang vì « lần đầu tiên, Ấn Độ cho thấy ý định trang bị vũ khí cho một quốc gia ngay ở cửa ngõ Trung Quốc », theo nhận định của ông Shashank Joshi, phụ trách quan hệ quốc tế của Viện Tony Blair.
Chính quyền của thủ tướng Narendra Modi vẫn bác bỏ những thông tin cho rằng New Delhi sẽ bán tên lửa BrahMos cho Hà Nội. Một số quan chức Việt Nam lại nói úp mở rằng hai bên đang đàm phán.
Trung Quốc hoàn toàn có lý do để lo lắng trước loại tên lửa được mệnh danh là « sát thủ hành trình ».
BrahMos rất cơ động vì có thể được phóng đi từ trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu của đối phương, như lô cốt, hệ thống radar, với hiệu quả tương tự như tên lửa hành trình Tomahawk được Mỹ sử dụng chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Vẫn theo giải thích của ông Shashank Joshi, trong trường hợp « Ấn Độ muốn bắn từ ngoài khơi, tên lửa có thể bắn tới bờ biển của kẻ thù. Nếu bắn từ trên không, tên lửa có thể tấn công được một số mục tiêu ở vùng Tây Tạng ». Chưa dừng ở đó, « Nga và Ấn Độ vẫn đang nghiên cứu để tăng gấp đôi tầm bắn của tên lửa. Nếu thành công, BrahMos còn linh hoạt hơn và nguy hiểm hơn », trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được một số tranh chấp biên giới và luôn tỏ ra đối đầu trong những tham vọng chính trị.
Ngoài ra, giá bán cũng là một lợi thế khác của BrahMos. Theo nhà sản xuất, do công việc bảo trì ít tốn kém nên loại vũ khí này có giá cả hợp lý nhất trong số các hệ thống tên lửa hành trình đang tồn tại.
Ông Sameer Patil, giám đốc Trung tâm An ninh Quốc tế của tổ chức tư vấn Gateway House tại Mumbai, cũng cho rằng việc xuất khẩu loại tên lửa này sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại vì BrahMos « sẽ nâng cấp đáng kể năng lực quân sự của bất kỳ nước nào mua chúng. Điều này còn đúng hơn đối với một số nước Đông Nam Á, hiện đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ».
BrahMos là một dự án đặc biệt hữu hiệu đối với Matxcơva, theo nhà phân tích quốc phòng Zoe Stanley-Lockman tại Singapore, và cũng là một trong số ít dự án hợp tác Nga-Ấn mà Matxcơva muốn tận dụng để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng và hy vọng thay thế Hoa Kỳ trong việc cung cấp một số loại vũ khí cho Ấn Độ. Tuy nhiên, theo nhận định của CNBC, Matxcơva cũng duy trì quan hệ chiến lược với Bắc Kinh, vì vậy tổng thống Putin sẽ tỏ ra thận trọng trước những quan ngại của Trung Quốc về việc xuất khẩu « sát thủ hành trình » BrahMos.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180208-ten-lua-sieu-thanh-brahmos-an-nga-de-doa-trung-quoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten