dinsdag 1 januari 2019

Việt Nam 2018: Năm vấn đề đáng chú ý nhất [Mạnh Kim (Blog RFA)] : “Đốt lò”+Đảng suy thoái+Giáo dục: loạn+Nước mắt Thủ Thiêm+Sài Gòn xuống đường

Việt Nam 2018: Năm vấn đề đáng chú ý nhất

Mạnh Kim (Blog RFA)

Cuộc biểu tình chống luật Đặc Khu và luật An Ninh Mạng ngày 10-6 tại Sài Gòn. (Hình: Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)
Một năm trôi qua với rất ít sự kiện lạc quan nhưng ngập đầy tin tức tiêu cực. “Đất nước có bao giờ được như thế này không” – câu nói của Nguyễn Phú Trọng hồi năm 2016 đã được nhắc đi nhắc lại với mức độ mỉa mai tận cùng…
1- “Đốt lò”
Cuộc chiến “chống tham nhũng” tăng nhiệt. Hai thượng tướng và nhiều tướng quân đội-công an đã trở thành “củi” của người đốt lò Nguyễn Phú Trọng: Thiếu Tướng Trần Quốc Cường (Ủy viên Trung Ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh Ủy Đắk Lắk, nguyên Bí thư Đảng Ủy, cục trưởng Cục Chính Trị, Tổng Cục V, Bộ Công An); Trung Tướng Lê Văn Minh (Ủy viên Đảng Ủy Công an Trung ương, bí thư đảng Ủy, tổng cục trưởng Tổng Cục IV); Trung Tướng Bùi Xuân Sơn (nguyên Ủy viên Ban Thường Vụ Đảng Ủy, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Hậu Cần-Kỹ Thuật, Bộ Công An); Trung Tướng Bùi Văn Thành (Ủy viên Đảng Ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công An trực tiếp phụ trách Tổng Cục IV); Thượng Tướng Trần Việt Tân (nguyên Ủy viên Đảng Ủy Công an Trung ương, nguyên thứ trưởng Công an); Trung Tướng Phan Văn Vĩnh (nguyên Bí thư Đảng Ủy, Tổng cục trưởng, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra); Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Đảng Ủy viên Đảng Ủy Tổng Cục Cảnh Sát, Bí thư Đảng Ủy, Cục trưởng C50)…
Ngày 4 Tháng Giêng, Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm” – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79; nguyên Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Nova Bắc Nam 79) bị bắt.
Ngày 29 Tháng Mười Một, Bộ Công An xác nhận bắt Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị BIDV.
Ngày 19 Tháng Mười Một, Văn phòng cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công An (C01) bắt Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM.
Ngày 8 Tháng Mười Hai, Nguyễn Thành Tài, cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2015, bị bắt.
Tại kỳ họp 32 (từ ngày 3 đến 6 Tháng Mười Hai), Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét thi hành kỷ luật đối với Tất Thành Cang – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành Ủy TP.HCM…
Những cái tên đã và sắp được nêu ra cho thấy “quyết tâm” làm “trong sạch” đảng. Tuy nhiên, tham nhũng Việt Nam không phải là vấn đề cá nhân hủ hóa mà nó liên quan tình trạng hủ bại của bộ máy cơ chế lẫn mô hình thể chế. Sẽ chẳng bao giờ thanh trừng được tham nhũng nếu thể chế không cải cách và thậm chí thay đổi toàn diện. Bộ máy quản lý không bao giờ có thể trong sạch một khi nó còn được “soi đường” bằng sự “dẫn dắt” của “ngọn đuốc” độc đảng. Tham nhũng là quốc nạn. Duy trì thể chế là một quốc nạn lớn hơn.
Báo chí không có bất kỳ điều tra độc lập nào trong cuộc chiến “chống tham nhũng” này. Tất cả thông tin được đăng đều xuất phát từ một nguồn (Bộ Công An), từ hình ảnh đến nội dung bản tin. Yếu tố minh bạch và độc lập trong báo chí không có thì không thể giúp mang ra ánh sáng những “bộ não bé nhưng ước mơ lớn, dẫn đến vi phạm pháp luật” (lời của bị cáo Nguyễn Thanh Hóa trong phiên xử ngày 23 Tháng Mười Một). Chẳng hạn, tại “mặt trận” Sài Gòn “không yên tĩnh,” các động thái cho thấy cuộc chiến đang đánh vào vây cánh Lê Thanh Hải nhưng báo chí không thể tự ý viết bất kỳ chi tiết nào liên quan tay cựu bí thư một thời hét ra lửa này, dù “tư liệu” về “anh Hai Nhựt” chất ngập đầy ngăn kéo phóng viên.
Cuộc chiến của ông Trọng không thể dừng lại nhưng dù kết cục như thế nào thì cũng có thể thấy Đảng không thể mạnh hơn và Đảng cũng không thể vớt vát lại được niềm tin từ nhân dân.
2- Đảng suy thoái
Ngày 21 Tháng Chín, “đom đóm” Trần Đại Quang tắt; ngày 3 Tháng Mười, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng “thống nhất rất cao” với 100% ý kiến đồng ý giới thiệu Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch nước; ngày 23 Tháng Mười, Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch với tâm trạng “vừa mừng, vừa lo” vì nghĩ mình “phận mỏng cánh chuồn”; một tuần sau, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đột ngột thông báo “kết luận về vi phạm của đồng chí Chu Hảo.” Các sự kiện dường như rời rạc nhưng liên quan nhau và có chủ đích lẫn tính toán, cho thấy tham vọng và quyết tâm của ông Trọng: bằng mọi giá phải nắm quyền hành tuyệt đối và bằng mọi giá phải “làm sạch” đảng. “Suy thoái về mặt chính trị còn nguy hiểm hơn cả kinh tế” – lời ông Trọng. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chọn sự tồn vong của Đảng hơn là phát triển đất nước.
Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 24 Tháng Mười Một, Tổng Bí Thư-Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã giải thích lý do “kỷ luật” ông Chu Hảo: “Nhân đây báo cáo các bác vì sao xử lý kỷ luật ông Chu Hảo. Đây có phải tham nhũng đâu. Tự diễn biến, tự chuyển hóa trong mỗi con người biến mình thành người khác lúc nào không biết, nó lái con đường của chúng ta đi vô cùng phức tạp. Nói trái Điều lệ, nói trái Cương lĩnh, thế ông có còn đảng viên nữa không? Vừa rồi phải khai trừ khỏi Đảng một vài trường hợp. Lúc đầu cũng kêu thế nọ thế kia, giờ có kêu gì được nữa không? Bất cứ ai nếu có suy thoái chúng ta phải giáo dục chứ, phải uốn nắn chứ, kỷ luật một vài người để cứu muôn người cơ mà…”
Cách thức “cứu muôn người” đã tạo ra một hiệu ứng “thoái Đảng” rúng động. Trong tuyên bố bỏ Đảng, nhà văn Nguyên Ngọc viết: “Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, “tự diễn biến” thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy.” Sự kiện Chu Hảo – dẫn đến sự bất bình của giới trí thức (với lá thư cùng ký ngày 11 Tháng Mười Một, trong đó có hàng loạt giáo sư Mỹ, Pháp cũng như giới trí thức trong và ngoài nước) – càng cho thấy, khi chọn giới nhân sĩ trí thức làm mục tiêu cho sự răn đe dằn mặt, Đảng đã “nhất thể hóa” thêm một bậc trên con đường cai trị độc tài, rằng hàng ngũ Đảng chỉ còn lại những người trung thành tuyệt đối với Đảng hơn là có ai khác giúp “giáo dục” và “uốn nắn” lại những sai lầm của Đảng.
3- Giáo dục: loạn, loạn nữa, loạn mãi!
Một nền giáo dục rất “nhạ”! Tên của Bộ Trưởng Giáo Dục Phùng Xuân Nhạ thậm chí được cộng đồng mạng biến thành “tính từ” để chỉ những gì nhếch nhách, xấu xa, bê bối… diễn ra hàng ngày trong ngành giáo dục… Khó có thể đếm bao nhiêu vụ tai tiếng và ồn ào xảy ra trong hệ thống giáo dục từ đầu năm đến nay – từ vụ chương trình Công nghệ Giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại; vụ gian lận điểm sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bạc Liêu, Hậu Giang…; vụ cô Nguyễn Thị Phương Thủy (Quảng Ninh) bắt 23 học sinh lớp mình tát một bạn học 230 cái; đến vụ hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú trung học cơ sở Thanh Sơn (Phú Thọ) – Đinh Bằng My – có “hành vi lạm dụng tình dục” đối với học sinh nam của trường… Những sự kiện tồi tệ xảy ra trong ngành giáo dục, chưa kể những chương trình “cải tổ” tốn kém chỉ làm tan nát thêm một hệ thống giáo dục tưởng chừng không thể rối ren hơn, đã bục vỡ ra như cơn lũ và làm xã hội mỗi lúc mỗi băng hoại.
Bộ Trưởng Nhạ không có lỗi cá nhân đối với toàn bộ sự suy đồi giáo dục. Những gì đang thấy là hậu quả tất yếu của chính sách giáo dục sai lầm đằng đẵng từ nhiều thập niên. Cá nhân Nhạ không tạo ra tất cả “diễn biến suy thoái” trong giáo dục. Cá nhân Nhạ không thể giải quyết được tất cả hậu quả tồn đọng của một nền giáo dục bệ rạc đến tận cùng. Điều đáng nói là Nhạ vẫn trơ trơ không dám rời khỏi cái ghế bộ trưởng như hành xử cần có của một người được mặc định có giáo dục và có ý thức về lòng tự trọng và liêm sỉ, bất luận bị chỉ trích và thậm chí bị nguyền rủa gay gắt như thế nào, bất luận ông ta có số phiếu “tín nhiệm thấp nhiều nhất” với 137 phiếu, theo kết quả của Ban kiểm phiếu tại kỳ họp thứ 6 Quốc Hội khoá XIV công bố ngày 25 Tháng Mười.
4- Nước mắt Thủ Thiêm
Một chiếc giày phẫn nộ được ném ra; nhiều giọt nước mắt lăn dài; những tiếng than oán kêu vang thấu trời… Tất cả là hậu quả của một chính sách đất đai bất minh kéo dài cùng lỗ hổng cơ chế của một thể chế cai trị ngày càng lộ rõ khiếm khuyết. Các cuộc “tiếp dân” nhằm xử lý vấn đề Thủ Thiêm, nằm trong một kịch bản mà đạo diễn của nó nhắm đến việc thanh trừng băng nhóm lợi ích hơn là giải quyết rốt ráo sai lầm cơ chế, chỉ có chức năng như một giải pháp tháo ngòi nổ.
Tính đến cuối năm, đại diện Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM đã thực hiện ba cuộc tiếp dân với những hứa hẹn “ửy mị” mơ hồ. “Thành phố không gạt bà con đâu” – Bí Thư Nguyễn Thiện Nhân nói như vậy trong cuộc tiếp xúc cử tri quận 2 ngày 20 Tháng Sáu. Dù vậy, những nạn nhân của 321 hộ bị giải tỏa oan (trong khu đất 4,3 hecta nằm ngoài ranh giới quy hoạch) vẫn phấp phổng hoang mang chưa biết được giải quyết như thế nào, dù chính quyền từng cam kết “xử lý dứt điểm” vào cuối tháng Mười Một để “bà con có thể ăn Tết.” Trong khi đó, dự án xây nhà hát 1,500 tỷ “xứng tầm biểu tượng văn hóa TP.HCM” gần như chắc chắn sẽ được thực hiện, như được nhắc lại tại kỳ họp thứ 12 Hội Đồng Nhân Dân TP.HCM ngày 4 Tháng Mười Hai. Vấn đề ở chỗ không phải nhà hát giao hưởng có cần hay không mà là tại sao lại cần vào thời điểm này và tại sao cần được xây ở nơi mà nước mắt và “oan khí” vẫn còn váng đọng trên những gò má heo hắt ngày đêm mòm mỏi trông chờ được lau khô khỏi những uất ức hằn sâu hàng chục năm… Nước mắt oan nghiệt Thủ Thiêm chừng nào mới có thể ngừng chảy?
Nước mắt oan ức của vô số người dân bị chính quyền cướp đất trên khắp đất nước này chừng nào mới có thể lau sạch?
5- Ngày Sài Gòn xuống đường
Không có sự kiện chính trị nào trong năm 2018 có thể so với cuộc biểu tình chống luật Đặc khu và luật An ninh mạng ngày 10 Tháng  tại Sài Gòn, Bình Dương, Mỹ Tho, Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết, Phan Rí, Vũng Tàu… đồng loạt cất vang “Không Trung Quốc, Không đặc khu!,” “An ninh mạng, Bịt miệng dân!.” Đây mới thật sự là ngày mà miền Nam thật sự được “giải phóng” bằng sự giải phóng chính mình khỏi nỗi sợ hãi chế ngự bám chặt trong trí não hàng chục năm. Đây cũng là ngày mà chế độ phải sửng sốt trước những hô vang “Đả đảo bọn bán nước,” “Đả đảo cộng sản bán nước.” Cuộc biểu tình không chỉ diễn ra ở Sài Gòn nhưng cuộc “trả thù” của chính quyền ở Sài Gòn là kinh khủng nhất.
Bất luận cuộc biểu tình bị dập tắt tàn bạo thế nào, tuyên ngôn “Đả đảo cộng sản bán nước” vẫn sẽ in sâu trong tim óc nhà cầm quyền. Lần đầu tiên, nhà cầm quyền mới nhận ra một sự thật mà trong tâm khảm họ có lẽ luôn biết nhưng không muốn tin và không bao giờ muốn nghe từ người dân: chính quyền này đã không còn được xem là đại diện cho người dân và thậm chí họ bị nhân dân xem như những kẻ phản bội đất nước. Bất luận “dư chấn” lịch sử của cuộc biểu tình ngày 10 Tháng Sáu như thế nào, một ranh giới giữa chính quyền và nhân dân đã được vạch ra. Nguyên nhân cuộc biểu tình – Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng – sẽ tiếp tục phân định chiến tuyến giữa nhà cầm quyền với nhân dân, và tiềm ẩn những ngòi nổ khó lường trong năm 2019.
https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/viet-nam-2018-nam-van-de-dang-chu-y-nhat/

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Geen opmerkingen:

Een reactie posten