Eddie Thái và Bình Trần là dạng doanh nhân Mỹ mà người ta thường thấy ở Silicon Valley.
Bình Trần là người đồng sáng lập một công ty công nghệ thành công, Klout, mà ông bán được với giá 200 triệu đôla năm 2014. Eddie Thái, người trẻ tuổi hơn, đã theo học tại đại học Harvard và Yale.Họ đã quyết định thành lập công ty đầu tư mạo hiểm cách xa nơi siêu cạnh tranh tại California và là đại bản doanh của Google, Apple và Facebook.
Tại TP. Hồ Chí Minh hiện có 500 doanh nghiệp startups.
"Trong 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới", ông Thái nói.
"10 năm trước đây, chỉ có khoảng bốn triệu người sử dụng Internet. Hiện nay có hơn 40 triệu người. 10 năm trước đây gần như hiếm thấy ai ở đây dùng smartphone. Bây giờ có 30 triệu người sử dụng smartphone.
"Sự phát triển này quả là thần kỳ."
Ông Trần cho biết thêm: "Học sinh Việt Nam thường đạt điểm các môn đọc tiếng Anh, toán và khoa học cao hơn học sinh các nước Mỹ, Anh. Đó là nền tảng cho người Việt thuận lợi hơnkhi làm công nghệ thông tin".
Saigon Silicon City
Một số người tin rằng quốc gia cộng sản thậm chí có thể trở thành Silicon Valley kế tiếp."Nếu bạn đến đây khoảng sáu, bảy tháng trước, nơi này còn là đồng lúa," Nguyễn Minh Hiếu nói khi đưa chúng tôi đến một khu vực lầy bụi cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 15 phút lái xe.
"Nhưng nếu bạn đến đây khoảng sáu tháng nữa, bạn sẽ thấy Saigon Silicon City ngay tại đây. Chúng tôi sẽ xây dựng các tòa nhà cao tầng và công viên, sân golf và sân tennis và khu giải trí dọc theo bờ sông”.
Mục tiêu tạo ra Silicon Valley kế tiếp của thế giới quả là tham vọng. Tuy nhiên, ông Hiếu, nhà đầu tư người Mỹ gốc Việt và là chủ tịch dự án tự tin vào điều này.
Cuối năm ngoái, buổi lễ động thổ đã được tổ chức để biến đồng cỏ này thành trung tâm công nghệ dự kiến thu hút hàng chục công ty với vốn đầu tư 1,5 tỷ đôla.
Samsung và Intel đã đặt văn phòng tại khu công nghệ cao gần đó do họ nhìn thấy lực lượng lao động trẻ được đào tạo tốt và chính sách ưu đãi thuế.
Thêm vào đó là bối cảnh các doanh nghiệp startup sôi động nên giấc mơ của ông Hiếu có nhiều khả năng thành sự thật.
'Câu chuyện thành công'
Khi lựa chọn công ty start-up nào để đầu tư, Eddie và Bình Trần nói rằng họ đang tìm kiếm các công ty có giải pháp thật sự."Tôi không thích bất cứ điều gì mang tính thời thượng", ông Trần nói, không liên quan gì đến Klout vốn được người dùng đánh giá là có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
"Chúng tôi đang đầu tư vào các công ty như dạng VNG", ông Thái nói, ám chỉ công ty công nghệ thành công nhất Việt Nam - kinh doanh game online, chat và nền tảng thương mại điện tử, trị giá 1 tỷ đôla năm 2014.
Với họ, quyết định về Việt Nam làm việc không chỉ vì bối cảnh các công ty start-up đầy hứa hẹn.
"Tôi không có người nhà ở đây," ông Trần nói, khi chúng tôi gặp nhau trong một phòng họp cho thuê trên tầng 42 tòa nhà Bitexco nổi tiếng với sân đáp trực thăng.
"Ông bà, cô dì, chú bác của tôi đều đang ở Mỹ.
"Vì vậy, tôi trở về còn để tìm hiểu con người và giữ cái gốc Việt Nam, đồng thời góp phần cho tương lai của đất nước. Đó là cơ hội mà tôi phải làm".
Với Eddie Thái, kinh doanh là truyền thống gia đình. Ông tự hào kể lại chuyện ông nội mình, một nông dân dành dụm tiền mua bò để cho các nông dân khác thuê lại. "Giống như dịch vụ Uber cho bò," ông mỉm cười.
Cha mẹ ông di cư sang Mỹ với bàn tay trắng, nhưng họ đã tích cóp để mở một nhà hàng và tạo dựng danh mục đầu tư bất động sản nhỏ để cho con cái họ có "một đời sống bình thường như người Mỹ". Ông đã về thăm lại Việt Nam khi còn là thiếu niên.
"Tôi thấy Việt Nam đã tiến xa, nhưng còn phải tiến xa hơn nữa. Tôi biết rằng đến một lúc này, tôi sẽ quay lại đây để giúp đỡ người khác."
Đó cũng là cảm nghĩ của Dương Quỳnh Hương, doanh nhân quốc tịch Pháp đứng sau GetSpaces, dịch vụ đặt phòng họp, sự kiện tại TP Hồ Chí Minh. Bà từ Paris chuyển về làm việc tại TP Hồ Chí Minh hai năm trước.
"Tôi muốn làm gì điều đó cho Việt Nam," bà nói. "Người dân ở đây thực sự có đầu óc làm ăn. Tư duy của họ khác với của người Pháp. Người Pháp rất bảo thủ. Người Việt thì giống người Mỹ, luôn nói: “Vâng, chúng tôi có thể".
Nhưng bối cảnh công nghệ sôi động tại Việt Nam không chỉ khiến Việt kiều háo hức.
Năm 2004, doanh nhân Đinh Anh Huân đồng sáng lập chuỗi bán lẻ điện thoại di động Thegioididong.com. Năm ngoái, công ty đã lên sàn chứng khoán, và được định giá hơn 250 triệu đôla.
"Tôi đã nhận khoảng 30 triệu đôla", ông Huân nói. "Tôi rót vốn vào khoảng 20 công ty tại Việt Nam. Lúc này, tôi không đặt nặng vấn đề tiền bạc. Tầm nhìn của tôi là tạo ra các sản phẩm xuất khẩu."
Đó là những sản phẩm nông nghiệp - trà, cà phê, dâu tây, riêng hoa tươi để bán lẻ thị trường trong nước. Ông Huân còn đầu tư một chuỗi cửa hàng Mẹ và Bé, một xưởng sản xuất giày nữ, một website thời trang và Tiki.vn - website thương mại điện tử lớn thứ hai của Việt Nam.
Nhưng vị doanh nhân 35 tuổi đặt trọng tâm vào hàng triệu người sở hữu doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam. Công ty của ông - Seedcom.vn cung cấp dịch vụ xây dựng website, phần mềm bán hàng, tiếp thị kỹ thuật số, dịch vụ khách hàng và vận tải.
Tháng 12/2015, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai đến thăm Việt Nam và sau cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã thông báo hãng này sẽ giúp đào tạo khoảng 1.400 kỹ sư công nghệ thông tin.
Ông nói Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất của Google.
"Việt Nam dễ dàng nằm trong top 10 thị trường trọng điểm với nhiều doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang tiến tới đó, chỉ cần kiên nhẫn hơn một chút" ông nói.
Tin liên quan
- TPP và khả năng tác động tới VN
- 'VN ổn định là nhu cầu lớn của Hoa Kỳ’
- 'Vào TPP, lợi ích VN hưởng sẽ vượt xa rủi ro'
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/02/160202_vietnam_next_silicon
Geen opmerkingen:
Een reactie posten