dinsdag 2 februari 2016

Kiều hối đổ về Việt Nam hơn 12 tỷ USD năm 2015 + Gởi tiền về Việt Nam dịp Tết, gởi cả tấm lòng

Kiều hối đổ về Việt Nam hơn 12 tỷ USD năm 2015
Monday, December 28, 2015 6:09:11 PM



Bài liên quan



HÀ NỘI (NV) - Việt Nam đứng thứ 11 thế giới, thứ ba ở Á Châu-Thái Bình Dương về lượng kiều hối năm 2015, mà gần hai phần ba trong số này là kiều hối từ Mỹ giúp nuôi sống chế độ Hà Nội.
Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về lượng kiều hối trong năm nay. (Hình: Đất Việt)
Theo một phúc trình của Ngân Hàng Thế Giới (WB) công bố mới đây được tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam thuật lại hôm Thứ Bảy, 26 Tháng Mười Hai, 2015, Việt Nam “đón lượng kiều hối 12.25 tỷ USD trong năm 2015, đứng thứ 11 thế giới.”
TBKTVN dẫn bản tường trình mang tên “Migration and remittances factbook 2016” của WB về di cư và kiều hối cho biết, lượng kiều hối mà Việt Nam đón nhận trong năm nay tăng khoảng 0.25 tỷ USD so với năm 2014. Năm 2014, Việt Nam nhận 12 tỷ USD kiều hối, tương đương 6.4% GDP. Mức kiều hối vào Việt Nam trong năm 2013 và 2012 tương ứng lần lượt là 11 tỷ USD và 10 tỷ USD.
Tờ Kinh Tế Sài Gòn ngày 8 tháng Mười Hai, 2015 dẫn phúc trình của Ủy Ban Thành Phố Sài Gòn tại kỳ họp Hội Đồng cùng ngày cho biết, tính đến cuối năm 2015, lượng kiều hối chuyển về Sài Gòn ước đạt khoảng $5.5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014. Hồi đầu năm 2015, Ngân Hàng Nhà Nước CSVN dự đoán kiều hối của năm sẽ khoảng 13 tỷ USD, nay thì không tới.
Nếu kể từ năm 1991 đến nay, 25 năm qua, số lượng kiều hối đã đổ về Việt Nam khoảng 105 tỷ USD, theo bản tin báo Đất Việt ngày 26 Tháng Mười Hai, 2015.
Ngân Sách Nhà Nước nuôi guồng máy đảng và hệ thống công quyền CSVN năm 2015 ước tính khoảng 57 tỷ 355 triệu USD trong khi dự thu chỉ có khoảng 45.555 tỷ USD theo con số Quốc Hội của chế độ biểu quyết thông qua cuối năm 2014. Như vậy, lượng kiều hối đổ về Việt Nam năm 2015 lên khoảng 26.89% của tổng số (ước lượng) thu ngân sách.
Nếu nói cho gọn thì hơn một phần tư số thu vào cho ngân sách nhà nước CSVN nếu không có cái nguồn kiều hối từ bên ngoài đổ vào sẽ khó tránh được khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Theo bản phúc trình của WB được TBKTVN viện dẫn, Mỹ là nguồn kiều hối gửi về Việt Nam lớn nhất năm nay, theo báo cáo của WB, với khoảng 7 tỷ USD. Bởi vậy, khi tiền đô gửi về nước ào ào thì thì những kẻ “có nợ máu với nhân dân” chạy sang Mỹ để hưởng “bơ thừa sữa cặn” bị chế độ Hà Nội nguyền rủa ngày nào, nay trở thành “những khúc ruột ngàn dặm” cho “quê hương là chùm khế ngọt.”
Theo một bài phân tích của ông Vũ Quang Việt (cựu chuyên viên thống kê của LHQ) hồi cuối Tháng Sáu 2015 đăng trên tờ Đất Việt, trong khi lượng kiều hối từ bên ngoài đổ về Việt Nam mỗi ngày mỗi nhiều thì có đến 33 tỷ USD đã “chảy ra khỏi Việt Nam” trong 6 năm từ 2008 đến 2013.
Đại đa số quần chúng khố rách áo ôm làm gì có tiền tẩu tán ra nước ngoài giấu đút, mua nhà mua cơ sở thương mại, ngoại trừ những kẻ có quyền và có cơ hội tham nhũng, ăn hối lộ trong hệ thống đảng và nhà nước CSVN.
Ngày 21 Tháng Mười, 2015, tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đưa tin “Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị cho phép phát hành 3 tỷ đô la trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế để đảo nợ trong giai đoạn 2015-2016” mà báo này nói rằng “quá cấp bách.”
Nhiều món nợ quốc tế đáo hạn nhưng nguồn dự trữ ngoại tệ của nhà nước CSVN không có khả năng chi trả nên cần phải vay nợ mới, trả nợ cũ. Người dân Việt Nam ngày càng phải cong lưng gánh những món nợ lớn hơn để nuôi chế độ.
Theo đồng hồ nợ công toàn cầu (Global Debt Clock), cứ sau một năm, nợ công của Việt Nam tăng hơn 8 tỷ USD. Nếu chỉ tính đến ngày 11 Tháng Mười, 2015, tổng số nợ công mà Việt Nam đang gánh lên tới 92.641 tỷ đô la. Với dân số khoảng 91.8 triệu dân, đổ đồng mỗi đầu người gồm cả già trẻ lớn bé mỗi người phải cõng hơn một ngàn đô la nợ công. (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=219961&zoneid=1

Gởi tiền về Việt Nam dịp Tết, gởi cả tấm lòng
Monday, February 1, 2016 2:06:45 PM 



Quốc Dũng/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) - “Trước đây tôi nghĩ những nơi gửi tiền về Việt Nam chỉ dành cho người khá giả. Nhưng từ khi làm công việc này thì tôi thấy rất hiếm người khá giả gửi tiền. Ða số người gởi là người nghèo, người lớn tuổi. Thấy thương lắm!” Chị Trang Nguyễn, nhân viên công ty chuyển tiền Hồng Lan, cho biết.

Bà Ba Nhàn gửi tiền về Việt Nam cho con, cháu. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Trang Nguyễn nói thêm: “Nhiều bác lớn tuổi phải len lén con cháu đi gửi tiền, vì sợ con la. Có bác còn hối: 'Cô làm lẹ lẹ giùm tôi, con tôi sắp đi chợ ra.' Có cô kia đi gửi tiền kể, cô xài $10 còn không dám xài, nhưng cho người thân ở Việt Nam thì bao nhiêu cũng không tiếc. Rồi có nhiều người đi xe lăn nhưng vẫn đều đặn hàng tháng mang tiền gửi về Việt Nam. Khách gửi đông nhất là vào cuối tuần, một ngày có từ 100 đến 200 khách. Ðặc biệt vào những ngày đầu tháng, nhiều bác nhận được ‘tiền già’ xong là ra đây gửi liền.”

Có vẻ như, người nghèo thương người nghèo hơn họ. Ngày cuối năm, xin ghi nhận một vài câu chuyện người Việt ở Little Saigon chắt chiu những đồng tiền “kiếm khó,” gởi về tặng người thân dịp Tết.

Tiền trên toàn thế giới gởi về Việt Nam, 2010-2014
2010: $8.26 tỷ
2011: $8.6 tỷ
2012: $10 tỷ
2013: $11 tỷ
2014: $12 tỷ

(Nguồn: Migration and Remittances Factbook 2015 - World Bank)
Ðồng tiền để dành từ bán dạo

Người đàn bà nhỏ thó, còm cõi, đầu quấn khăn rằn, đội nón lá, đẩy chiếc xe chuyên dụng dành để đi chợ, trong đó có vài trái bí, dăm nải chuối, vài trái đu đủ, và cả ba nhánh đào chi chít búp sẽ nở trong dịp Tết. Hàng bán dạo của bà là một ít đồ trong vườn nhà, một ít được hàng xóm cho. Tất cả, bà mang ra chợ bán, để dành dụm tiền gửi về cho con cháu.

Khi được chị Trang Nguyễn cho hay mới hôm trước bà vừa gửi hơn $300 về Việt Nam, tôi đã thấy xót xa. Tự nhủ bằng mọi cách phải gặp được bà. Vòng vèo quanh khu chợ ABC ở Westminster, trước mặt tôi là “xe hàng” của bà.
Bà cụ đang ăn bánh mì, mà là bánh mì không, một cách ngon lành. “Mấy khúc bánh mì này có $1 hà, ăn xong uống chai nước là no tới mai,” bà giải thích khi thấy tôi nhìn. Nhưng, phải rất lâu tôi mới đến gần được bà, cũng nhờ là đồng hương cùng quê Cần Thơ mà bà cởi mở hơn. Bởi vì bà “sợ cảnh sát, sợ người ta điều tra, sợ bị bắt khi bán hàng rong.”

Bà Ba Nhàn bán hàng rong quanh khu vực chợ ABC. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Tuy không ở miệt Cái Nai, một xã vùng sâu của Cần Thơ, nhưng khi tôi nói đến Cái Răng, một nơi gần quê bà, thì bà vui hẳn lên. Bà bảo: “Cứ gọi tui là Ba Nhàn, tui đi theo diện con lai. Tui qua Mỹ cũng mười mấy năm rồi, sau năm 1995, khi đó cũng đã hơn 60, giờ thì gần 80 tuổi rồi.”

Vậy nhưng, bà vẫn còn dò xét, vì bởi: “Nói thiệt là tui cũng được chính phủ trợ cấp cho cái ‘housing’ ở Fountain Valley, rồi cũng có tiền già, nên tui sợ bị điều tra là nghèo, ăn tiền chính phủ thì làm gì có tiền mà gửi về Việt Nam.” Bà đã thổ lộ chút tâm tình sau khi liên tục nói: “Tui không nhớ nhà ở đâu hết, thành phố nào cũng hông biết luôn. Già rồi, lẩm cẩm lắm.”

Bà kể: “Tui gửi vài trăm để cho 10 đứa cháu kêu bằng cô, bằng dì, chia cho mỗi đứa vài chục; và cho cháu ngoại tui nữa. Tui ở đây cực, nhưng vẫn sướng hơn tụi nó ở bển, vì nhà nghèo lắm, không đủ ăn. Bên này thiếu ăn còn có food stamp, chứ bên đó ai mà cho. Tui cũng khổ quá mới đi bán dạo thế này, mới bán đây thôi.”

Bà có ba người con, khi sang Mỹ định cư thì chỉ có hai người con kế đi theo. Người con lớn, do đông con quá, nên ở lại. “Thằng con tui làm nghề chở cây cho người ta, nhưng tuần làm có vài ngày vì nó bịnh hoài, bị đau bao tử kinh niên. Còn đứa con gái cũng bệnh, không được lanh, hơi khờ khờ,” bà kể tiếp.

“Ðứa con dâu tui thì bị lật xe, chết rồi. Nó đi làm lúc 5 giờ sáng, chạy xe ngủ gục. Bảy giờ sáng tui nghe báo tin mà tui bần thần, rồi sụt mất 10 pounds chưa tới một tuần. Tiền già thì tui nhín nhút ăn để trả tiền nhà. Còn con trai đi làm thì lo cho hai đứa nhỏ và tiền điện, nước, rác...” bà bồi hồi kể.
Tiền gởi từ Mỹ về Việt Nam, 2010-2014
2010: $4.7 tỷ
2011: $4.9 tỷ
2012: $5.7 tỷ
2013: $6.21 tỷ
2014: $6.8 tỷ

(Nguồn: Migration and Remittances Factbook 2015 - World Bank)
Bà bảo rằng, bà “gần đất xa trời rồi, nên đang cố gắng hà tiện, hà tặn gửi cho con, cho cháu. Tết sắp tới nơi rồi, gửi tiền cho tụi nó có nồi thịt kho ăn cho ấm bụng. Cảm ơn Trời Phật đã giúp tui, tui giúp người ta thì người khác giúp tui, cũng như tui giúp Việt Nam năm ba chục, rồi người khác giúp lại tui thì tui mới có mà cho nữa. Nhiều người mua hàng của tui không lấy tiền thối, còn cho thêm nữa. Làm phước thì gặp phước, ở hiền thì gặp lành. Tui cảm ơn lắm.”

Rồi bà chỉ vào cái áo lạnh đang mặc, cho biết vừa lượm ở ngoài đường. Cái quần thun bà mặc cũng là “người ta vứt đi,” nhưng “ấm lắm!”

Rồi bà nói: “Tới 23 Tết người ta sẽ mua nhiều, chứ hôm nay ế quá. Thôi chuẩn bị về vậy!” Ðồng hồ lúc này đã điểm 6 giờ tối, trời đã lạnh. Bà Ba Nhàn chuẩn bị đón xe bus, hôm nào con trai bà ra đón được thì bà không phải chờ xe công cộng.


“Hai đứa con là trên hết”
Cầm tờ $100, ông Nguyễn Duy Duyên, ở Westminster, hồ hởi khoe với nhân viên gửi tiền: “Có tiền gửi về Việt Nam nữa nè.” Chẳng là hôm qua ông mới gửi $900 về cho hai người con, còn $100 này là để cho người thân trị bệnh, và tiền cúng sao, cúng chùa. Hầu như tháng nào ông cũng gửi vài trăm cho con mình, ở Cái Tắc, Hậu Giang.
Hỏi sao ông không bảo lãnh con sang. Ông bảo: “Gia đình là trên hết, hai đứa con là trên hết. Nhưng hai đứa nó già hết rồi, bốn mấy năm chục rồi qua đây làm gì nữa. Tui học còn không vô thì làm sao tụi nó học nổi nữa. Dân nhà quê, làm ruộng quanh năm mà. Qua đây mà ở không thì đừng nên qua, ở quê tốt hơn.”
10 nước trên thế giới  gởi nhiều tiền nhất về Việt Nam, 2015
Mỹ: $6.8 tỷ
Úc: $1 tỷ
Canada: $843 triệu
Ðức: $647 triệu
Nam Hàn: $522 triệu
Cộng Hòa Czech: $209 triệu
Nhật: $167 triệu
Trung Quốc: $124 triệu
Anh: $124 triệu
Cambodia: $111 triệu

(Nguồn: Migration and Remittances Factbook 2015 - World Bank)

Ông cho hay: “Vợ chồng tui qua đây cũng hơn năm năm, do đứa con gái bảo lãnh. Tui với bả tính rồi, tới 70 tuổi thì về, không ở đây đâu, ở đây báo con chứ làm gì.” Rồi ông cười khì: “Năm nay tui 67 tuổi rồi, còn ba năm nữa! Hiện tại còn làm được ra tiền thì ở, chứ sau này già thì về bển. Tui cũng có học thi quốc tịch mà học lỗ tai bên này rồi chạy qua lỗ tai bên kia hết trơn.”

Ông kể, ở đây ông đưa đón mấy đứa trẻ, còn bà thì giữ trẻ. “Tui làm hơn $300, còn bả làm được $1,300 một tháng. Thiệt tình đó, hai vợ chồng chỉ có $1,600 nhưng cũng còn dư chút ít cho hai đứa con ở quê. Dù gửi hoài nhưng tui cũng còn dư hơn $3,000 chứ không ít đâu. Hai đứa con dâu tui nói ‘Ba mẹ về đi tụi con lo. Ba mẹ nuôi tụi con rồi thì tụi con lo cho ba mẹ được bằng mọi giá.’ Già rồi, chỉ có Việt Nam mới là nhà mình.”


Ông Duyên Nguyễn: “Gia đình là trên hết, hai đứa con là trên hết.” (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Còn bà Hoàng Mỹ Tho, ở Santa Ana, thì “gửi tiền cho thằng con trai nuôi $200. Tội nó, 32 tuổi rồi mà con gái quen chút thì 'đá' hết vì chê thằng nhỏ nghèo. Nó là con trai lớn của bạn thân tôi ở Nha Trang, đang làm nhân viên giao hàng ở Sài Gòn, lương tháng có 4 triệu đồng, gần $200 thôi.”

Bà cho biết: “Mất nước ngày nào là tôi đi qua Mỹ ngày đó. Hiện tại tôi không dư dả gì nhưng thấy bạn mình nghèo quá, con mình nghèo quá nên cũng có chút để gửi về ăn Tết. Hồi trước cũng cho nó mở tiệm bán băng đĩa nhưng không thành công, cũng tại thằng nhỏ không có duyên làm chủ!”
“Tôi đi gửi tiền mà mấy đứa con nó cằn nhằn hoài, vì có bà con gì đâu mà đi cho. Nhưng cái tình cái nghĩa mà. Bởi vậy tôi đi gửi toàn phải len lén thôi. Nếu con tôi biết thì tôi cũng chỉ biết nói, con làm phước đi, không đáng bao nhiêu hết. Con bên này dư ăn dư mặc rồi, giúp người khác một chút thì mình cũng cảm thấy vui mà,” bà chia sẻ.
Gởi tặng người thương binh
Bà Lan Ðỗ, ở Midway, cho biết: “Tôi gửi tiền về cho bà con thôi, chứ gia đình tôi và anh chị em đều ở bên này hết. $1,000 này là gửi cho mấy cậu mấy dì ăn Tết, mới là phía bên tôi thôi, còn phía bên chồng chưa gửi nữa.”
“Năm nào cũng tặng quà Tết cho người thân. Nếu còn người thân thì còn phải lo nhiều. Bên này có đồng nào là để dành để gửi về Việt Nam hết. Tôi cũng muốn về chơi nhưng chưa sắp xếp được,” bà Lan cho hay. Hiện tại bà làm việc bán thời gian ở một tiệm ăn, chỉ làm 20 giờ một tuần.

Bà Lan Ðỗ: “Còn người thân thì còn phải lo nhiều.” (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Bà Lan Vũ, ở Westminster, nói: “Thường một năm tôi gửi hai, ba lần cho ba má với mấy đứa em. Riêng Tết thì gửi nhiều hơn một chút để mọi người đón Tết. Còn hằng tháng thì có đứa em gửi rồi. Tôi thì lâu lâu có tiền mới gửi, vì đi làm hãng mà, đâu có tiền nhiều đâu. Hồi trước ở Việt Nam khỏe lắm, đâu phải làm gì. Bây giờ qua đây mệt quá, phải đi làm, phải lo nhiều thứ.”

Còn bà Nguyễn Thị Ngọc, ở Costa Mesa, thì: “Tôi gửi tiền về cho sui gia. Ðến dịp lễ Tết mới gửi, cái này là sui gia đứa con út. Chứ gia đình tôi gồm bà con họ hàng thì ở bên này hết, không ai còn ở Việt Nam nên không có nhu cầu về Việt Nam.”

Một trường hợp khác tôi gặp là bà Phương Nguyễn, ở Laguna Niguel. Bà cho biết: “Tôi thuộc Gia Ðình Mũ Ðỏ, hôm nay tôi gửi tiền không phải cho người thân của tôi, vì họ hàng tôi ở Mỹ hết, mà là gửi cho những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Ðây là những con người đáng trân trọng, đã bỏ một phần thân thể của mình cho quê hương. Chúng tôi gửi tiền để chia sẻ với họ, để họ có một mùa Xuân vui hơn.”

“Trong danh sách thấy người nào tàn tật nhiều thì chúng tôi gửi, bởi vì chúng tôi không có tiền nhiều để gửi tất cả mọi người. Do đó, tùy vào hoàn cảnh của mỗi người mà chúng tôi giúp $100 hay $200, bởi vì có người cụt cả hai tay và hai chân thì làm sao kiếm ăn được. Thấy tội quá, họ phải lo cho con, cho vợ, lo đủ mọi thứ với thân hình tàn tật,” bà Phương nói.

Bà Phương cho hay: “Mỗi năm chúng tôi có nhiều lần gửi, chẳng hạn vào mùa hè, Lễ Tạ Ơn và Tết. Trong đó Tết là quan trọng nhất, để thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa có một bữa cơm có thịt, có trứng để cúng tổ tiên ông bà, và đón một cái Tết đầy đủ hơn.”

-----------------
Liên lạc tác giả: truong.dung@nguoi-viet.com


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=221878&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten