zaterdag 13 februari 2016

Giáo hoàng Francis và người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo Nga, Giáo chủ Kirill, có cuộc gặp lịch sử ở Cuba

Giáo hoàng gặp Giáo chủ Chính thống Nga

  • 8 giờ trước

Image copyright AP
Image caption Cuộc gặp diễn ra "cởi mở" và "chân thành"

Giáo hoàng Francis và người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo Nga, Giáo chủ Kirill, có cuộc gặp lịch sử ở Cuba.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu hai giáo hội Công giáo La Mã và Chính thống giáo Nga gặp gỡ kể từ khi hai dòng Thiên chúa giáo phương Tây và phương Đông châu Âu tách ra hồi thế kỷ 11.
Trong một thông cáo chung, hai vị kêu gọi thế giới bảo vệ người Kitô giáo ở Trung Đông khỏi bị truy bức.
Cuộc gặp kéo dài hai tiếng đồng hồ diễn ra tại sân bay Havana.
Giáo hoàng đã dừng chân ở đây trên đường tới Mexico. Giáo chủ Kirill thì đang thăm Cuba, Brazil và Paraguay.

'Anh em'

Hai nhà lãnh đạo giáo hội đã ôm hôn nhau khi bắt đầu cuộc gặp hôm thứ Sáu 12/2 giờ địa phương.
Giáo chủ Kirill nói: "Tôi rất vui mừng chào đón ông, người anh em quý mến".
Giáo hoàng Francis đáp lại: "Cuối cùng thì chúng ta cũng gặp nhau".
Tại cuộc họp báo sau đó, Giáo chủ Kirill nói cuộc gặp diễn ra "cởi mở" và "anh em", trong khi Giáo hoàng Francis nói hai bên "rất chân thành".

Image copyright AP
Image caption Hai vị lãnh đạo đã có họp báo chung
Thông cáo chung viết: "Chúng tôi hy vọng cuộc gặp của chúng tôi đóng góp cho sự nghiệp kiến thiết sự đoàn kết mà Thượng đế mong muốn".
Thông cáo cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ cho người Thiên chúa giáo, vì "ở nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, nhiều gia đình, làng mạc và thành phố của anh em chúng ta trong Thiên chúa đã bị phá hủy hoàn toàn".
"Nhà thờ của họ bị cướp phá một cách dã man, các vật thờ bị làm hoen ố và các điện thờ bị phá hoại."
Cuộc gặp giữa Giáo hoàng và Giáo chủ mang ý nghĩa cực kỳ to lớn, nhất là trên khía cạnh ngoại giao của các giáo hội.
Giáo chủ Kirill đã lãnh đạo Giáo hội Chính thống giáo Nga từ tháng Hai 2009, còn Giáo hoàng Francis nhậm chức tháng Ba 2013.
Giáo hội Công giáo La Mã có hơn một tỷ tín đồ toàn cầu, trong khi Giáo hội Chính thống Nga có 165 triệu.

Còn khác biệt

Trong số các giáo hội chính thống thì dòng Chính thống giáo Nga là đông tín đồ và hùng mạnh nhất.
Tuy nhiên, người ta không trông đợi cuộc gặp ở Havana dẫn tới một sự thân cận nào ngay lập tức.
Người phụ trách ngoại giao của Giáo hội Chính thống Nga trước cuộc gặp cho hay còn nhiều khác biệt giữa hai dòng này, nhất là ở miền tây Ukraine.
Một trong các bất đồng là về Giáo hội Công giáo Hy Lạp ở Ukraine, vốn theo các nghi lễ Chính thống giáo nhưng lại thuộc quản lý của Vatican.
Giáo hội Chính thống giáo Nga coi Ukraine là lãnh địa truyền thống của mình và không chấp nhận ảnh hưởng của Giáo hoàng tại đó.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/02/160213_pope_cuba_patriarch

Thượng đỉnh Phanxicô và Kirill: Đại kết tôn giáo… hay là chính trị ?

Thượng đỉnh Phanxicô và Kirill: Đại kết tôn giáo… hay là chính trị ?
 
Đức giáo hoàng Phanxicô và thượng phụ Chính Thống Giáo Nga KirillREUTERS

    Ngày 12/02/2016 diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa đức giáo hoàng Phanxicô và thượng phụ Chính Thống Giáo Kirill tại Cuba. Cuộc gặp này được tổ chức sau hai năm dài đàm phán căng thẳng. Cả hai giáo chủ sẽ cùng ký kết một tài liệu mà từng lời từng chữ được xem xét kỹ lưỡng. Đối với nhiều nhà quan sát, tổng thống Nga Putin có lẽ sẽ hưởng được lợi từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai giáo chủ lần này.

    Vào trưa ngày 05/02/2016, Roma và Matxcơva cùng đưa ra thông báo cuộc gặp thượng đỉnh. Tuy nhiên đề nghị gặp đức giáo hoàng của Giáo Hội Chính Thống Giáo đã được đề xuất cách đây hai năm. Chính xác là vào ngày 12/11/2013, đích thân giáo chủ Hilarion, giám đốc đối ngoại của thượng phụ tại Matxcơva đã chuyển ước nguyện của thượng phụ tổ chức buổi gặp đến tay đức giáo hoàng.
    Một Thượng đỉnh lịch sử được ấp ủ từ lâu
    Cuộc gặp dự kiến chỉ kéo dài hai giờ, được kết thúc bằng việc ký kết một tuyên bố chung và trao đổi quà lưu niệm. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Huê Đăng tại Roma, đây cũng không phải là lần đầu tiên cả hai giáo hội có ý định tổ chức cuộc gặp giữa hai lãnh tụ tinh thần. Một ý tưởng không ngừng được ấp ủ cho đến tận ngày nay nhưng luôn bị gác lại.
    Huê Đăng: « Ngày 05/02 vừa qua Tòa Thánh Vatican và Giáo Hội Chính Thống Giáo đã tuyên bố là ngày thứ Sáu 12/02 này giáo hoàng Phanxicô và thượng phụ Kirill sẽ có một buổi gặp gỡ tại phi trường quốc tế José Martí ở La Habana, Cuba.
    Vào thời điểm ấy đức giáo hoàng Phanxicô đang trên đường công du đến Mêhicô và đức thượng phụ Kirill thì đang viếng thăm chính thức Cuba. Trong lịch sử thì đây là lần đầu tiên giáo chủ của Giáo Hội Roma gặp gỡ thượng phụ của Giáo hội Chính Thống Giáo Nga. Các bên đã phải mất đến hai năm trời để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ lịch sử này.
    Theo chương trình hoạt động thì hai bên sẽ có một buổi đàm đạo riêng hai tiếng đồng hồ, và sau đó hai bên sẽ ra một bản tuyên bố chung. Sau buổi đàm đạo nói trên chủ tịch Cuba, Raul Castro, sẽ đến chào hai giáo chủ. Tuyên bố từ phía văn phòng đối ngoại của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga cho biết là hai bên cũng sẽ nói đến những chính sách bức hại đối với người Công Giáo ở Trung Đông và ở một số khu vực ở châu Phi.
    Theo một số thông tin thì ngay từ thời của đức giáo hoàng Giovanni Phaolo II, Tòa Thánh Vatican cũng đã tỏ ý muốn tổ chức cuộc gặp gỡ giữa hai giáo chủ của hai Giáo Hội, nhưng có lẽ thời điểm lúc đó chưa chín mùi, và đặc biệt là vì đức giáo hoàng lúc đó là người Ba Lan, mà trong lịch sử quan hệ giữa Nga và Ba Lan cũng có nhiều vấn đề. Trong khi đức giáo hoàng Phanxicô hiện nay là người thuộc châu Mỹ Latinh, do đó được xem như là một nhân vật ‘trung lập’ ».
    Còn theo nhận định của của nhật báo Công Giáo La Croix, số ra ngày 08/02/2016, ngoài việc bàn về số phận người Cơ Đốc Giáo tại Trung Đông và châu Phi, « Đại kết tôn giáo » phải được đề cập đến trong tuyên bố chung mà hai giáo chủ sẽ ký kết trong ngày 12/02 này.
    Bí mật tuyệt đối đến giờ chót
    La Croix cũng lưu ý là trong suốt hai năm qua, công tác biên soạn văn bản dài 6 trang này do đích thân đức hồng y Kurt Koch, người Thụy Sĩ và giáo chủ Hilarion đảm trách. Từng từ từng chữ được cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá và thay thế cho đến khi nào hai bên đạt được một đồng thuận, ngay cả trong khâu cuối cùng là biên soạn một thông cáo báo chí chung.
    Việc thương thảo này, đích thân ngài hồng y phải báo cáo trực tiếp với đức giáo hoàng mà không thông qua bất kỳ một nhân vật thứ ba nào và được giữ bí mật tuyệt đối. Phía Nga từ chối trao đổi qua thư điện tử, vì nghi ngờ độ tin cậy. Đích thân đức hồng y phải thực hiện các chuyến đi về giữa Roma và Matxcơva với một ổ USB trong tay.
    Giải thích vì sao lời đề nghị gặp mặt đưa ra cách nay hai năm giờ mới được chấp nhận, nhật báo Công Giáo La Croix cho biết đó là do hai yếu tố ngoại cảnh. Một mặt là do truyền thống bắt buộc. Đầu tiên hết, giáo hoàng mới phải gặp thượng phụ Chính Thống Giáo Đông phương đại kết thành Constantinopolis (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ).
    Phía Nga cũng hiểu được là phải để cho bước này thực hiện xong. Do đó, trong năm 2014, đức giáo hoàng Phanxicô và thương phụ Chính Thống Giáo Phương Đông, Ngài Batôlômêo I đã lần lượt gặp nhau tại Jerusalem, Roma và Istanbul.
    Một yếu tố ngoại cảnh khác cũng làm cản trở cuộc gặp đôi bên. Cuộc chiến tại Ukraina xảy ra, dẫn đến việc đối đầu giữa các tín đồ theo Chính Thống Giáo Nga với các tín đồ Công Giáo Hy Lạp theo Roma. Tòa Thánh Vatican luôn có quan điểm chừng mực trong cách nhìn về cuộc xung đột. Một lập trường được tổng thống Nga, người đã hai lần được đón tiếp tại Vatican, đánh giá cao. Nhưng các tín đồ Ukraina theo công giáo Hy Lạp, ủng hộ chế độ Kiev thì tỏ ra bất bình trước động thái này.
    Cuba: Một quần đảo cộng sản ngoan đạo
    Một điểm đặc biệt đáng chú ý trong cuộc gặp thượng đỉnh « lịch sử » lần này là việc chọn địa điểm. Vì sao lại chọn một nơi xa châu Âu, ở tận bên kia bờ Đại Tây Dương, trong khi thánh địa của hai giáo hội lớn này nằm tại châu Âu. La Croix nhắc lại trong chuyến công du La Habana ngày 19/09/2015, ngay khi đặt chân đến sân bay, đức giáo hoàng có một lời tuyên bố như sau:
    « Cuba là một quần đảo có một tầm quan trọng đặc biệt, giống như là một điểm giao thoa giữa đông và tây, giữa bắc và nam, mà ở đó người ta có thể nhìn ra mọi phía. Thiên hướng tự nhiên của quốc gia này chính là điểm gặp gỡ cho tất cả các dân tộc tụ về trong tình bằng hữu ».
    Lời tuyên bố lúc bấy giờ chẳng mấy ai hiểu được ngầm ý của ngài muốn ám chỉ đến cuộc gặp lần này. Câu hỏi đặt ra vì sao lại chọn Cuba làm điểm gặp gỡ ? Thông tín viên Huê Đăng trích dẫn phân tích các chuyên gia cho rằng Cuba là hiện thân cho sự năng động của ngành ngoại giao Vatican.
    « Trong cuộc phỏng vấn trên tờ New York Times, nhà lịch sử học Alberto Melloni, một chuyên gia về lịch sử Công Giáo, đã nhận định rằng quyết định chọn lựa Cuba làm nơi tổ chức cuộc gặp gỡ lịch sử nói trên chắc chắn có tiềm ẩn những ý nghĩa mang tính địa chính trị. Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga hiện nay có vị trí liên kết với chính quyền Nga, và chắc chắn là quyết định của thương phụ Kirill gặp gỡ đức giáo hoàng Phanxicô cũng đã được sự đồng tình của Vladimir Putin.
    Thêm vào đó, sau thành công ngoại giao rực rỡ vừa qua của Tòa Thánh Vatican trong quá trình tổ chức các cuộc hòa đàm bí mật giữa Mỹ và Cuba để tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương, và nhất là chuyến công du hoành tráng của đức giáo hoàng ở La Habana hồi tháng 9/2015, Cuba đã trở thành biểu tượng của đường lối ngoại giao năng động của Tòa Thánh Vatican, do đó việc chọn Cuba làm nơi gặp gỡ lịch sử của hai giáo chủ cũng là điều hiển nhiên.
    Cũng cần chú ý là những thành quả ngoại giao ở Cuba trong thời gian gần đây đã cho thấy rõ hơn chính sách đường lối của Tòa Thánh hiện nay dưới giáo triều của Phanxicô: đó là đường lối tương tác linh động giữa thần học và ngoại giao. »
    Bên cạnh đó, cũng cần phải nói thêm là việc chọn một địa điểm xa châu Âu còn nhằm trấn an các tín đồ Chính Thống Giáo, những người bảo thủ nhất luôn cho rằng châu Âu giờ là biểu tượng của một sự suy đồi niềm tin, một châu Âu thế tục. Đối với các giáo chủ Matxcơva, châu Mỹ Latinh còn tín ngưỡng hơn cả châu Âu. Và nhìn từ quan điểm Liên Xô cũ, Cuba gợi nhắc lại chút gì đó sân nhà mình.
    Đại kết tôn giáo ...hay là chính trị?
    Thế nhưng, theo quan sát của nhiều chuyên gia, ngoài ý nghĩa « đại kết tôn giáo », cái bắt tay giữa đức giáo hoàng Phanxico và thương phụ Chính Thống Giáo Kirill còn phục vụ cho lợi ích ngoại giao của Matxcơva. Thông tín viên Huê Đăng giải thích tiếp:
    « Cuộc gặp gỡ lịch sử nói trên chắc chắn là một cơ hội ngoại giao to lớn, không phải chỉ cho hai giáo hội, mà cho cả nhà cầm quyền Matxcơva. Về phía hai giáo hội thì đây là cơ hội để đôi bên có thể tiến đến việc « hóa giải » những mối bất đồng trong quá khứ đã kéo dài hàng mấy thế kỷ.
    Về phương diện lịch sử có thể nói rằng cái bắt tay vào ngày 12/02 giữa đức giáo hoàng Phanxicô và đức thương phụ Kirill sẽ là cầu nối lại một quan hệ đã bị cắt đứt từ năm 1054, năm đã xẩy ra sự phân ly lớn giữa các giáo hội Đông và Tây mà cả hai bên đều đi đến quyết định rút phép thông công lẫn nhau.
    Năm 1964, đức giáo hoàng Phaolo VI và đức thương phụ Athenagoras cũng đã vượt qua được các rào cản giữa những người Công Giáo và Chính Thống Giáo để khởi xướng đối thoại giữa Roma và Constantinople (Giáo Hội Chính thống Giáo Phương Đông tại Thổ Nhĩ Kỳ) và từ đó các hoạt động tìm cách phát triển đối thoại vẫn tiếp tục cho đến kết quả hôm nay.
    Dĩ nhiên nhà cầm quyền Matxcơva sẽ rất chú tâm đến sự kiện hai đức giáo chủ gặp gỡ nhau. Theo nhận xét của nhà sử học Alberto Melloni thì buổi gặp nói trên cũng sẽ rất quan trọng đối với Putin trong quá trình đi tìm cách tháo gỡ những chính sách của cộng đồng quốc tế nhầm cô lập Nga kể từ sau vụ việc Ukraina. Một tương lai trong đó quan hệ giữa hai giáo hội được nối lại chắc chắn sẽ là một kênh ngoại giao cực kỳ quý giá đối với Nga ».
    « Một mũi tên, hai con nhạn »
    Ở đây cũng xin nói rõ thêm mục tiêu của từng bên. Đối với đức giáo hoàng, « chủ trương giáo hội thế giới là một ưu tiên » như Ngài đã từng tuyên bố khi trả lời phỏng vấn tờ La Stampa, dù vẫn nhận thức được rằng « có lẽ thời gian vẫn còn chưa chín muồi cho sự đại kết ».
    Theo nhận định của La Croix, cuộc gặp thượng đỉnh 12/02/2016 có một tầm quan trọng rất lớn đối với Nga. Nếu như chương trình gặp này do đích thân đức giáo hoàng tự xúc tiến lấy, phía Nga phải dựa vào hai tác nhân: tổng thống Vladimir Putin và thương phụ Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga đầy quyền lực Kirill de Smolenks.
    Putin cũng như Kirill đều xuất thân từ cựu bộ máy Xô Viết, nhưng mỗi bên theo đuổi những mục tiêu phù hợp nhau. Người thứ nhất muốn khôi phục lại sức mạnh của cựu đế chế Xô Viết. Còn người thứ hai thì hoàn thiện sự quay trở lại mạnh mẽ, trong cũng như ngoài nước, một giáo hội từ lâu bị truy bức.
    Bị tác động nặng nề do cuộc khủng hoảng( kinh tế và các lện trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu do sự can hệ trong cuộc xung đột Ukraina, Nga càng ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, hình ảnh cái bắt tay « lịch sử » giữa hai vị giáo chủ phát trên các màn ảnh trên toàn thế giới sẽ hoàn toàn có lợi cho ông Vladimir Putin, theo như quan điểm của La Croix.
    Bởi vì một cử chỉ như vậy có lẽ sẽ hợp pháp hóa được vai trò của tổng thống Nga trên hai mặt trận: Bảo vệ các tín đồ Cơ Đốc Giáo Phương Đông (vai trò mà Thổ Nhĩ Kỳ đã từng thừa nhận với các sa hoàng từ thời nữ hoàng Catherina II) và bảo vệ các « giá trị truyền thống » đang bị một phương Tây thế tục làm cho mai một. Một phương Tây chính bản thân nó cũng đang bị suy yếu về mặt chính trị và bị sự trỗi dậy của Hồi Giáo đe dọa về mặt văn hóa.
    Về phần Kirill, triển vọng trở thành người đầu tiên gặp đức giáo hoàng, trước thềm Hội Nghị Giám Mục Toàn Chính Thống Giáo sẽ củng cố hơn nữa khát khao trở thành nhân vật số một của Chính Thống Giáo toàn cầu. Với hơn 150 triệu tín đồ và một sức lan tỏa mạnh, thượng phụ Kirill trên thực tế đang tranh giành với thượng phụ thành Constantinopolis vai trò lãnh đạo hàng đầu thế giới Chính Thống Giáo.
    Mặt khác, uy tín có được từ cái bắt tay « lịch sử » này tại Cuba sẽ giúp thượng phụ Kirill đánh bóng lại hình ảnh của mình đối với điện Kremli do việc đã có một thái độ ủng hộ không mấy mặn nồng trong cuộc xung đột tại Ukraina.
    Cho đến lúc này, thượng phụ vẫn phải rất cẩn trọng đối với nhánh cực hữu và cực kỳ bảo thủ ngay trong lòng Giáo Hội. Câu hỏi đặt ra liệu thượng phụ có thể vượt lên trên cả sự phân ly ngay trong chính Giáo Hội của mình khi chấp nhận gặp đức giáo hoàng ?
    La Croix trích dẫn phân tích của một chuyên gia rất am tường về thế giới Chính Thống Giáo, cho rằng : « Việc tăng gấp ba số giám mục và tiến hành cải cách cơ cấu sâu rộng đã biến ông thành chủ nhân của thánh địa ». Một sự nhượng bộ khác đáng chú ý là Ngài đã chấp nhận phong thánh cho tổng giám mục Seraphin de Boguchany (1881-1950). Đối với tờ báo công giáo, đây là một sự nhượng bộ mang tính biểu tượng cao, do việc vị tổng giám mục này nổi tiếng chống lại Giáo Hội Công Giáo.
    Cuối cùng, La Croix lưu ý mối nguy thật sự làm tan rã Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga chủ yếu đến từ Ukraina. Một phần trong số 14 triệu tín đồ tại đây đã mạnh mẽ phản đối Kirill và chính sách của điện Kremli.
    http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160211-thuong-dinh-phanxico-va-kirill-dai-ket-ton-giao%E2%80%A6-hay-la-chinh-tri

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten