zondag 27 oktober 2013

Pháp luật và nghề mại dâm trên thế giới

Pháp luật và nghề mại dâm trên thế giới


Cập nhật: 16:18 GMT - thứ sáu, 2 tháng 8, 2013

Người bán dâm
Có rất nhiều khác biệt về luật pháp đối với người mua bán dâm trên thế giới.
Hiện nay trên thế giới vẫn còn nhiều khác biệt giữa các quốc gia về "nghề lâu đời nhất thế giới" này. BBC Tiếng Việt giới thiệu một phần bài của Irene Ogrodnik của tờ Global News and The Canadian Press và điểm thêm về chủ đề này ở một số nước trên thế giới.

Việt Nam

Mại dâm là bất hợp pháp và người bán dâm từng bị đưa vào trại khi bị bắt nhưng nay sẽ chỉ bị đóng phạt hành chính, theo Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội Việt Nam thông qua.
Luật mới sẽ không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Thay vào đó, họ sẽ chỉ bị xử phạt hành chính.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam kết luận hành vi bán dâm chưa đến mức phải áp dụng biện pháp hạn chế quyền tự do mà chỉ cần phạt tiền như với người mua dâm.

Trung Quốc

Người bán dâm bị bắt ở Trung Quốc
Mặc dù mại dâm là bất hợp pháp nhưng con số người bán dâm tại TQ ước tính cao nhất thế giới
Luật Trung Quốc rất rõ ràng: mại dâm là bất hợp pháp thế nhưng có lẽ chưa có đất nước nào nhiều người bán dâm như tại đây. Một phúc trình mới đây của tổ chức Giám sát nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) đã nói tới những khó khăn mà người bán dâm phải chịu.
Tại Trung Quốc, thường xuyên có các hoạt động truy quét để ngăn chặn mại dâm nhưng trong bối cảnh đan xen của hoạt động này với các trao đổi làm ăn thì các chính sách hầu như không có hiệu quả. Theo tờ South China Morning Post trích thuật, Liên Hiệp Quốc tin rằng khoảng 4 - 6 triệu phụ nữ trưởng thành Trung Quốc có liên quan tới mại dâm, và một số ước tính còn đưa ra con số lên tới 10 triệu người.

Ấn Độ

Tại Ấn Độ, mại dâm là hợp pháp, nhưng những hoạt động liên quan tới mại dâm như mồi chài bắt khách ở nơi công cộng hay tạt xe vào vỉa hè để đón người bán dâm, hoặc làm chủ hay điều hành nhà chứa, làm ma cô đều là phạm tội.

Canada

Trao đổi tình dục tuy không bị coi là bất hợp pháp tại Canada, nhưng mọi hoạt động đi kèm với mua bán dâm thì bị coi là phạm tội. Hồi tháng Ba năm 2012, Tòa phúc thẩm Ontario bỏ đoạn cấm nhà chứa nhưng giữ quy định cấm liên hệ với mục đích mại dâm và như vậy cũng có nghĩa mại dâm đứng đường là bất hợp pháp.
Ngoài ra có hành vi tình dục ở nơi công cộng hay công khai dàn xếp mua bán dâm cũng là có tội. Ma cô, bảo kê hay buộc ai phải bán dâm là bất hợp pháp tại Canada.

Hoa kỳ

Mua bán dâm là bất hợp pháp tại Mỹ, trừ ở Nevada - nơi nhà chứa được cấp giấy phép ở một số khu vực trong bang này. Theo phần lớn các điều luật thì mua bán dâm hay tham gia vào mua bán dâm đều bị coi là có hành vi phạm tội. Luật của Mỹ trừng phạt việc thỏa mãn, trao đổi hay quảng bá mua bán dâm bằng hình thức phạt hay án tù khá nặng.
Buôn bán, tuyển dụng và vận chuyển người bằng vũ lực hoặc bằng cách lừa dối, xúi giục hay lấy tiền mà người bán dâm kiếm được, hay chứa chấp và bắt nạt người bán dâm đều là bất hợp pháp tại Mỹ.

Anh Quốc

Tương tự như luật tại Canada, tự thân việc bán dâm thì không phải là bất hợp pháp tại Anh, nhưng hoạt động liên quan tới mại dâm lại là bất hợp pháp.
Như làm gái/trai gọi hay là người bán dâm độc lập thì không phải là tội nhưng khuyến khích và kiểm soát mại dâm để hưởng lợi thì lại là bất hợp pháp tại Anh.
Buôn người, làm nghề ma cô, bảo kê và điều hành nhà chứa hay mời chài tình dục trên đường phố đều là các tội hình sự.

Hà Lan

Phố đèn đỏ tại Amsterdam, Hà Lan
Hà Lan là một trong những nước hợp pháp hóa mại dâm từ rất sớm
Hà Lan hợp pháp hóa mại dâm từ giữa những năm 1800 nhưng phải tới những năm 1980 thì hành nghề mại dâm mới được công nhận là một nghề hợp pháp.
Các quy định cấm nhà chứa và ma cô được xóa bỏ hồi tháng Mười năm 2000 và nay ngành này hoạt động thể theo luật lao động. Người bán dâm đăng ký như người lao động. Các hội đồng thành phố chịu trách nhiệm cấp giấy phép và tiến hành thanh tra nhằm bảo đảm điều kiện làm việc đúng tiêu chuẩn chất lượng.
Mặc dù thuê dụng người bán dâm đủ tuổi và đồng thuận làm việc là hợp pháp, mọi hình thức bóc lột trong lĩnh vực này bao gồm buôn bán và cưỡng bức mại dâm đều là phạm tội theo Luật hình sự của Hà Lan.

Đức

Mại dâm là hợp pháp và có luật lệ quy định tại Đức. Nhà chứa là các cơ sở kinh doanh có đăng ký. Nếu bán bia rượu và thức ăn thì phải có giấy phép thích hợp mặc dù chính nhà chứa lại không cần có giấy phép để mở cửa.
Người bán dâm trả thuế thu nhập và họ tính cả tiền thuế Trị giá gia tăng (VAT) vào dịch vụ của mình.

Mexico

Mặc dù Mexico không hình sự hóa mại dâm, nhưng hầu hết các tiểu bang đều có luật lệ quy định cho nghề này, đòi hỏi người bán dâm phải đăng ký và ít nhất phải 18 tuổi trở lên.
Nhiều thành phố đòi hỏi người bán dâm phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên và mang thẻ y tế theo người để chứng minh về sức khỏe của mình. Tuy nhiên làm nghề ma cô và chủ nhà chứa là bất hợp pháp, cũng như buôn người hành nghề mại dâm và mại dâm vị thành niên lan tràn trên khắp cả nước.

Argentina

Hành động mua bán dâm là hợp pháp tại Argentina, nhưng nước này hình sự hóa những hành vi có tổ chức như nhà chứa hay ma cô, bảo kê.
Là đất nước có tổ chức của người bán dâm lớn nhất thế giới, Hiệp hội Phụ nữ bán dâm Argentina (the Association of Women Prostitutes of Argentina - AMMAR), luật Argentine cho phép các tỉnh thành được phép bắt người bán dâm nếu có hành vi phản cảm hay bê bối tại nơi công cộng.


Thêm về tin này

Chủ đề liên quan

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/08/130802_prostitution_laws_world.shtml

Tệ mua bán dâm ở Đông Nam Á


Cập nhật: 13:43 GMT - thứ tư, 23 tháng 5, 2012

Cuộc chiến chống buôn lậu người và mại dâm gây nhiều tranh cãi tại các nước Đông Nam Á, trong đó có câu hỏi liệu tất cả các cô gái mại dâm có phải đều là nạn nhân hay không.
Somaly Mam, nhà hoạt dộng chống nô lệ tình dục
Theo Somaly Mam, nhà hoạt động chống nô lệ tình dục, tất cả phụ nữ mại dâm đều là nạn nhân.
Hãng tin AFP có bài tường thuật của phóng viên Cat Barton, BBCVietnamese.com mời quý vị tham khảo:
Bị bán khi còn là một đứa trẻ, nhà hoạt động người Campuchia, Somaly Mam, đã trở thành một trong những khuôn mặt dễ nhận biết, nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi của phong trào chống nô lệ tình dục.
Nhà vận động đầy năng động này khoe đã có được sự ủng hộ của một loạt những người nổi tiếng và đã từng được kênh CNN nêu danh là nhân vật được biểu dương của năm.
Nhưng Somaly Mam vừa là người gây tranh cãi trong số các nhà vận động chống buôn lậu người, vừa là người được giới báo chí quốc tế yêu thích.
Mới đây nhất Mam đã gây một cuộc tranh cãi lớn khi cô cho phép "bạn cũ" của cô, phóng viên tờ New York Times Nicholas Kristof, được phép "tweet trực tuyến" một cuộc truy lùng nhà chứa tại thị trấn Anlong Veng ở mạn bắc Campuchia hồi tháng 11.
"Các cô gái được giải cứu nhưng vẫn còn rất sợ hãi. Những em gái trẻ nhất trông khoảng 13 tuổi, được đưa lậu từ Việt Nam sang," Kristof viết cho hơn một triệu người đăng ký nhận tin từ tài khoản Twitter của ông.
Những bình luận này khiến các chuyên gia chống buôn lậu người nói đã đặt ra câu hỏi về vấn đề an toàn và việc phải xin phép đương sự.
Đối với Mam, người thành lập tổ chức AFESIP chống buôn lậu người và nay đang điều hành một quỹ cùng tên, thì lợi ích từ những quan tâm đối với vấn đề buôn lậu người mà Kristof đã mang lại đã vượt lên trên những quan ngại về an ninh.
"Thậm chí nếu không tweet thì nó cũng nguy hiểm... nhưng nếu (Kristof) làm như vậy thì nó còn tốt hơn vì đã khiến nhiều người biết đến và hiểu thêm," Mam nói với hãng tin AFP trong một cuộc phỏng vấn khi đi thăm Việt Nam.
"Đường ranh giới giữa "nạn nhân" và "kẻ buôn lậu người" thường không phải lúc nào cũng rõ ràng. Những phụ nữ đã bị lừa phải làm việc trong nhà chứa có thể tiến tới làm việc tuyển dụng những người khác vào cùng một con đường."
Bà Tania DoCarmo thuộc tổ chức Chab Dai, một tổ chức chống buôn lậu người làm việc tại Campuchia, cho biết việc tường thuật cuộc truy lùng đó là một hành động quảng bá "phi đạo đức", vi phạm luật chống buôn lậu người của Campuchia và "giật gân hóa" một vấn đề rất phức tạp.
"Tường thuật 'ngẫu hứng' về trẻ em trong các tình huống bị kinh hoàng không được nhìn nhận là có đạo đức hay có thể được chấp nhận ở phương Tây ... nó là không đúng, và thậm chí làm điều này ở các nước đang phát triển như Campuchia có thể bị coi là để thỏa mãn thói thích xem hình ảnh khiêu dâm."
"Điều này đặc biệt đúng với trẻ em và thanh thiếu niên đằng nào cũng không thể đồng ý cho phép làm việc đó một cách hợp pháp," bà nói.
Tổ chức AFESIP nói họ đã tham gia giải cứu khoảng 7.000 phụ nữ và trẻ em gái tại Campuchia, Thái Lan, Lào và Việt Nam từ năm 1997.
Chỉ riêng ở Campuchia, có hơn 34.000 người làm nghề mại dâm, theo một ước tính của chính phủ Campuchia năm 2009.
Đường ranh giới giữa "nạn nhân" và "kẻ buôn lậu người" thường không phải lúc nào cũng rõ ràng. Những phụ nữ đã bị lừa phải làm việc trong nhà chứa có thể tiến tới làm việc tuyển dụng những người khác vào cùng một con đường.
Mam, hơn 40 tuổi nhưng không biết chính xác năm sinh của mình, đã bị một người đàn ông mà cô nói hoặc là ông hoặc là chú bác bán vào nhà chứa và sau đó bị hãm hiếp và lạm dụng tình dục nhiều lần cho tới khi chứng kiến một người bạn bị giết chết ngay trước mặt cô, và cô đã tìm cách trốn thoát.
"Tôi hoàn toàn tuyệt vọng," và cô nói rằng kinh nghiệm của một nạn nhân là điều không thể quên được và nó đã thúc đẩy chiến dịch chống buôn lậu người của cô.
Quan điểm cứng rắn
Trong lĩnh vực chống buôn lậu người, Mam có quan điểm cứng rắn gây nhiều tranh cãi: tất cả các nhân viên tình dục đều là nạn nhân, cho dù vì bị buôn bán hay do hoàn cảnh, không có phụ nữ nào thực sự chọn làm việc trong một nhà chứa.
"Đôi khi một người phụ nữ nói với tôi cô ấy chọn làm gái mại dâm (nhưng nếu bạn hỏi) thế còn con gái của chị thì sao. Cô ấy sẽ nói: Không, không, không," Mam nói. "(Họ) không có lựa chọn".
Các điểm massage
Các điểm massage nhiều khi là tụ điểm mại dâm trá hình
Quan điểm này, vốn dẫn tới việc Mam dựa vào các cuộc truy lùng nhà chứa như một công cụ để chống buôn lậu người, đã gây phẫn nộ trong số các nhà vận động khác, như Mạng lưới nhân viên tình dục Châu Á Thái Bình Dương, một tổ chức có lập luận rằng các nhân viên tình dục tự nguyện là người lớn "cần quyền chứ không cần giải cứu."
Các hoạt động truy quét, giải cứu và vây bắt chớp nhoáng của cảnh sát đối với các nhân viên tình dục đứng đường không chỉ không có hiệu quả, các chuyên gia nói, mà còn dẫn đến "những vi phạm nhân quyền một cách hệ thống," tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) có trụ sở tại New York nói trong báo cáo năm 2010.
Tổ chức của Mam, AFESIP, cũng đã bị chỉ trích vì đã nhận các cô gái mại dâm bị cảnh sát Campuchia bắt giữ mà HRW nói việc này cũng là "bắt và giam giữ tùy tiện những người vô tội".
Mam đã bác bỏ đánh giá đó của HRW.
"Khi một cô gái bị giết chết trong nhà chứa thì HRW có đi vào nhà chứa không? Khi tôi ở trong nhà chứa, một người bạn tôi đã bị giết chết. HRW có vào đó không? Không," cô nói.
Những người lớn tình nguyện làm nghề mại dâm bị giam giữ trong các cuộc truy lùng của cảnh sát - những người nói họ không phải nạn nhân của nạn buôn lậu người và cũng không cần dịch vụ của AFESIP - có tin đã bị giữ tại nơi tạm trú của AFESIP trái với ý nguyện của họ.
"Lần đầu tiên một gái điếm đến nơi tạm trú, cô ấy không muốn ở lại ... bởi vì cô ấy không biết chúng tôi," Mam cho biết và nói thêm rằng phụ nữ bán dâm bị "tuyệt vọng" tới mức họ muốn ở lại trong môi trường nhà chứa quen thuộc.
"Tôi luôn nói rằng: xin hãy ở lại đây một hoặc hai ngày thôi, coi nó giống như một kỳ nghỉ vậy", cô nói và rằng nếu họ chọn ở lại nhà chứa, cô tôn trọng quyết định đó của họ.
"Tôi sẽ không ép buộc họ. Tôi đã bị cưỡng bức suốt cả cuộc đời mình rồi. Tùy họ thôi," và cô nói thêm rằng và điều này cũng áp dụng trong các nơi tạm trú, không cô gái nào bị buộc phải nói chuyện với báo chí hoặc phải chia sẻ kinh nghiệm của mình với bất cứ ai khác.
Mam nói cô sẽ cố gắng lắng nghe và học từ những chỉ trích về các chiến thuật và cách tiếp cận của cô, và rằng cô "đã mắc nhiều sai lầm trong đời", và chưa bao giờ nhận là có tất cả các câu trả lời làm thế nào để chấm dứt tình trạng nô lệ tình dục.
"Những gì tôi biết là làm thế nào để giúp đỡ phụ nữ," cô nói.


Thêm về tin này

Geen opmerkingen:

Een reactie posten