Nhiều phụ nữ TQ ưa lấy chồng ngoại
Cập nhật: 14:51 GMT - thứ
sáu, 25 tháng 10, 2013
“Từ khi bắt đầu yêu một người đàn ông Trung Quốc, giấu giếm đã
thành một phần của cuộc đời tôi,” cô Jocelyn Eickenburg, người Mỹ nói.
Cô chuyển về sống ở Thượng Hải năm 2003 để được ở bên Jun Yu, lúc đó là người
yêu nay đã thành chồng.Một phụ nữ nước ngoài cặp với một người đàn ông Trung Quốc là khá hiếm.
Trong cộng đồng người nước ngoài nhỏ bé của cô, việc cô bị tách biệt gần như xảy ra ngay lập tức. Cô thấy các bạn nữ xa lánh mình, những người không ngại ngần nói xấu về đàn ông Trung Quốc.
“Tôi thấy mình cô đơn khi lấy chồng người Trung Quốc, và tôi muốn tìm những người khác để giao lưu,” bà Eickenburg nói về quyết định viết blog Speaking of China để chia sẻ trải nghiệm của mình vào năm 2006.
Cô nói đến giờ đã nhận được rất nhiều email mỗi tháng từ những người Trung Quốc tò mò về việc gặp gỡ và hẹn hò với người nước ngoài, hay vừa bước vào mối quan hệ mới, hay đang gặp phải khó khăn do khác biệt văn hóa.
‘Huyền thoại’
Theo số liệu của chính phủ năm 1978, không hề có cuộc hôn nhân với người nước ngoài nào được đăng ký ở Trung Quốc.Nhưng số người Trung Quốc lấy người nước ngoài đã dần tăng, với khoảng 53.000 đôi làm đám cưới năm 2012.
Cha mẹ Jun lấy nhau năm 1971, thời Cách mạng Văn hóa Mao Trạch Đông, khi Trung Quốc khép cửa lại trước thế giới.
Hồi đó, thể hiện tình cảm trước thiên hạ có thể bị phạt và bàn luận về tình dục thì bị coi là tư tưởng phương Tây đầu độc.
Với thế hệ của cha mẹ Jun, lấy người nước ngoài là không chấp nhận được.
Nhưng tất cả đã thay đổi và Trung Quốc đang “cởi mở hơn”, theo ông Richard Burger, cựu biên tập một tờ báo nhà nước ở Bắc Kinh, và là tác giả của cuốn Behind the Red Door: Sex in China.
Một cuộc cách mạng tình dục đang diễn ra ở Trung Quốc; từ cách ăn mặc cho tới việc các đôi nắm tay nhau trên đường ở các thành phố lớn, và thế hệ trẻ cũng ít kín đáo hơn về tình dục.
Một nhân tố của cuộc cách mạng này là giới trẻ Trung Quốc ngày càng tự chủ hơn trước cha mẹ trong việc lựa chọn bạn tình, ông Burger nói.
“Việc tôi hẹn hò và lấy một phụ nữ nước ngoài có phần nào nổi loạn,” Jun nói khi nhớ lại lời cảnh báo của cha anh rằng, người nước ngoài có thể là bạn nhưng không bao giờ là người yêu hay vợ.
Thường thì các gia đình Trung Quốc khá lo lắng hay thất vọng nếu có sự kết hợp này, nhưng Jun nói anh may mắn vì là con út nên cha mẹ dễ chấp nhận hơn.
Ngược lại, Jun được bạn bè đồng lứa coi là“huyền thoại” vì họ cho rằng có vợ người nước ngoài là “có địa vị”, anh nói.
Nhưng trong mối quan hệ đa văn hóa, số phụ nữ lấy chồng Tây nhiều hơn rất nhiều.
Một trong những học giả về tình dục nổi tiếng nhất Trung Quốc, Lý Ngân Hà cho rằng, có thể do đàn ông Trung Quốc thiếu tự tin.
Ông Burger cũng đồng ý và nói: “Đàn ông thường bị định kiến sâu về văn hóa và bị nuôi dậy rằng họ là chủ gia đình, họ có quyền lực.
“Nên khi muốn làm quen với một phụ nữ nước ngoài có học vấn cao hơn, kiếm được nhiều tiền, nhiều quyền hơn, và cả kinh nghiệm tình dục cũng hơn, thì họ thấy bị yếm thế, chạm sĩ diện.”
‘Mơ tưởng của người phương Tây’
Khi Từ Dược, là diễn viên và chuyên gia tư vấn hẹn hò trở về Bắc Kinh năm 2012 sau nhiều năm sống ở Hoa Kỳ, thấy rất ngạc nhiên với số người nước ngoài đang sống ở thủ đô, và số lượng đàn ông nước ngoài hẹn hò với phụ nữ Trung Quốc.
“Người phương Tây thường mơ tưởng rằng phụ nữ châu Á có vẻ đẹp kỳ lạ; kín đáo nơi công cộng và đỏng đảnh trong phòng ngủ. Tới Trung Quốc, những tưởng tượng đó trở thành sự thực,” cô nói.
“Phụ nữ Trung Quốc được nuôi dậy để chăm sóc người khác – họ biết cách chăm đàn ông. Nhưng trong hầu hết các gia đình, chính phụ nữ là người ra quyết định lớn về tài chính.”
Cô Từ Dược nói thông thường phụ nữ Trung Quốc tỏ ra khá lấn lướt trong hẹn hò, do áp lực xã hội về “gái ế” ở tuổi 27.
Nhưng cô cho rằng, truyền thông – như phim ảnh, chương trình truyền hình, dịch vụ hẹn hò trên mạng – cũng đóng vai trò nhất định.
“Người ta thường nghĩ là ‘Tôi phải tự đi tìm lấy tình yêu cho mình. Không ai khác làm điều đó cho tôi được.”
Nhiều đôi nổi tiếng có vợ hoặc chồng là người nước ngoài cũng được báo chí Trung Quốc và phương Tây chú ý, có lẽ cũng là lý do tạo ra xu hướng này.
Bà Đặng Văn Địch (Wendi Deng), nổi tiếng với nickname ‘vợ hùm’, từng lấy tài phiệt truyền thông Rupert Murdoch 14 năm, trước khi chia tay nhau vào tháng 06/2013.
Hồi đầu năm nay, diễn viên người Anh Hugh Grant thông báo sự ra đời của đứa con thứ hai với bạn tình người Trung Quốc Đình Lam Hồng (Tinglan Hong).
Vĩnh Chí là một cô gái trẻ lớn lên ở Bắc Kinh, cô “mơ ước được du lịch nước ngoài”.
Do ‘nghiện’ đọc tiểu thuyết phương Tây mà cô chọn học văn học Anh ở trường đại học uy tín Cát Lâm ở Đông Bắc Trung Quốc.
“Tôi cũng hẹn hò nhưng chỉ nửa vời. Tôi nói rất rõ với bạn trai người Trung Quốc là tôi muốn ra nước ngoài nên điều đó cũng tạo ra giới hạn cho mối quan hệ của chúng tôi.”
Vĩnh Chí sau này gặp David, nay là chồng, chỉ trong hai tháng khi tới Anh theo học đại học Liverpool. Nay cô đang kỷ niệm 16 năm ngày cưới.
Cô nói biết nhiều phụ nữ có giáo dục, xinh xắn, vẫn đến một số quán bar để tìm chồng Tây.
“Họ đã mường tượng ra cuộc sống của mình và muốn sống ‘giấc mơ’ đó.”
Hôn nhân với người nước ngoài có thể mang lại cơ hội được đi đây đi đó và nuôi dạy con ở nước ngoài.
- Ở Trung Quốc, tỉ lệ bé trai được sinh ra so với bé gái là 118/100
- Đến cuối thập kỷ này, ước tính Trung Quốc có khoảng 24 triệu đàn ông bị 'ế' hoặc chưa kết hôn
- Đến giữa năm 2020 và 2050, một số học giả ước tính rằng khoảng 15% đàn ông Trung Quốc sẽ không tìm được vợ
Nhưng hôn nhân đa văn hóa cũng khá phức tạp, một nhà tư vấn quan hệ ở tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Cộng đồng Thượng Hải nói.
Kế hoạch cuộc đời, giao tiếp với nhau, quản lý cảm xúc và chấp nhận khác biệt văn hóa là các vấn đề thường gặp.
“Những cặp mà tôi từng tư vấn hẹn hò hay hôn nhân vì họ yêu nhau, nhưng họ vẫn phải đối mặt với những thách thức và khó khăn của cuộc sống hàng ngày.
“Tôi không muốn tập trung quá nhiều vào việc họ mang chủng tộc khác nhau. Người ta có xu hướng lấy đó để bào chữa cho việc từ bỏ nỗ lực cứu vãn hôn nhân,” bà nói.
Ái Tình cho biết, bà giúp các đôi chia sẻ cảm xúc của họ - điều mà với người Trung Quốc vốn khá ‘kiêng kỵ’ – và để hiểu văn hóa của nhau hơn.
Jocelyn kể có giai đoạn trong mối quan hệ chồng cô rất stress, có nhiều vấn đề riêng cùng với xung đột về khác biệt văn hóa tạo ra một “cơn kinh thiên động địa”.
“Khi bạn yêu một người đến từ nền văn hóa khác, khi bạn đối xử với họ cũng như với mình, thì rất dễ quên mất rằng, bạn đã học các cách khác nhau để đối mặt với vấn đề, và các cách để giao tiếp với nhau,” bà viết trên blog của mình.
“Những gì tôi rút ra là tôi có thể mất bình tĩnh nếu Jun không hiểu tôi đang muốn nói gì – mặt khác, Jun có thể trở nên rất lạnh lùng vào lúc tôi cần anh ấy phải lên tiếng nhất.”
Thế nhưng họ đã vượt qua cơn bão lớn. Họ lên kế hoạch sẽ sống ở Trung Quốc và mong sẽ sớm có trẻ con để thỏa lòng mong ước của cha mẹ Jun.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten