woensdag 9 oktober 2013

Hàn Quốc "tấn công" vào Việt Nam và Indonesia

Thứ ba 08 Tháng Mười 2013

Hàn Quốc "tấn công" vào Việt Nam và Indonesia

Sản phẩm điện tử Samsung, sức hấp dẫn lớn với thị trường Đông Nam Á.
Sản phẩm điện tử Samsung, sức hấp dẫn lớn với thị trường Đông Nam Á.
REUTERS/Hong Ki-won/Yonhap

Thu Hằng
Sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao cũng như nền công nghiệp điện ảnh và thời trang Hàn Quốc nhận được sự ưu ái tại các nước trong khu vực Đông Nam Á. Để chinh phục thị trường tiềm năng nằm trong tay Trung Quốc, nhân chuyến công du tham dự Thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế Châu Á Thái Bình Dương - APEC, thủ tướng Park Geun-Hye đã thăm chính thức hai đối tác tiềm năng lớn là Việt Nam và Indonesia. Nhật báo Le Figaro phân tích sự kiện này trong bài : « Hàn Quốc "tấn công" vào Việt Nam và Indonesia ».


Làn sóng Hàn Quốc đang vỗ vào Đông Nam Á, miền đất hứa mới của các tập đoàn Hàn Quốc. Năm 2012, đầu tư của Hàn Quốc vào khu vực này lớn nhất trên thế giới, vượt cả Bắc Kinh vốn đã trở thành đối tác thương mại của Seoul, trước cả Liên hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ.
Tận dụng làn sóng âm nhạc K-pop đang lan tràn tại các nước trong khu vực Asean, Hàn Quốc muốn thúc đẩy đầu tư vào các con rồng miền Nam. Sau khi đã thăm chính thức Việt Nam vào tháng 9 vừa qua, thủ tướng Park Geun-Hye đã tranh thủ hội nghị APEC để thăm chính thức nước chủ nhà Indonesia. 
Hai quốc gia này là đối tượng kinh tế chính của Seoul, mà trước mắt sẽ là những hợp đồng năng lượng. Nữ thủ tướng Hàn Quốc hy vọng sẽ bán được các nhà máy điện cho quốc đảo Indonesia, mà trước đó hai bên đã có những hợp đồng quân sự quan trọng, như chuyên cơ chiến đấu T50 hay tầu ngầm. Từ năm 2007, trao đổi thương mại song phương giữa Indonesia với Hàn Quốc đã tăng gấp đôi và đạt tới 30 tỉ đô la vào năm 2012. 
Tại Hà Nội, thủ tướng Hàn Quốc đã kí một hợp đồng dành quyền xây dựng nhà máy điện hạt nhân tiếp theo cho  Việt Nam. Nhà máy đầu tiên sẽ do Nga thực hiện vào năm tới. Chính quyền Việt Nam đã thắt chặt được mối quan hệ với tập đoàn Samsung.

Nhà máy khổng lồ thứ hai của Samsung sẽ được xây dựng vào năm tới với công suất hơn 100 triệu điện thoại mỗi năm.Tận dụng nguồn nhân công rẻ và có quy củ, nhà sản xuất thiết bị điện tử khổng lồ này trở nên không thể thiếu, chiếm 11% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Giải thích về chuyển hướng đầu tư vào khu vực Asean, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung (Samsung Economic Research Institute - Seri) cho biết : « Chúng tôi thực hiện một chiến lược đa dạng hóa đầu tư. Yếu tố đầu tiên là công nghiệp với mục tiêu là sản xuất với giá thành thấp để tái xuất khẩu. Nhưng đồng thời cũng chú ý thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của các tầng lớp trung lưu mới ».

Và Seoul có lợi thế để thu hút được những người tiêu thụ mới này : đó chính là « quyền lực mềm » văn hóa (soft power) thông qua các bộ phim truyền hình dài tập và các ban nhạc mà giới trẻ từ Bangkok tới Manila đều biết.

Các « pop idols » kí hợp đồng với các tập đoàn lớn trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm và thường mang về cho các nhà đầu tư thị phần lớn. Hàn Quốc cũng giữ được hình ảnh tích cực trong con mắt của các nhà cầm quyền trong khu vực muốn bắt chước « phép mầu kinh tế ».

Chỉ năm 2012, các nhà thầu xây dựng Hàn Quốc đã kí được 11 tỉ đô la hợp đồng tại khu vực đang sôi sục phát triển cơ sở hạ tầng này. Đối với Seoul, cuộc « Nam tiến » mới chỉ bắt đầu.

Thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế Châu Á Thái Bình Dương – APEC

Vẫn liên quan tới hội nghị APEC sẽ kết thúc tối nay tại Bali (Indonesia), các nhật báo Pháp tiếp tục quan tâm đến sự vắng mặt của tổng thống Mỹ Barack Obama và ảnh hưởng tới phát triển kinh tế giữa Hoa Kỳ và khu vực Asean.

Trong bài : « Ngõ cụt ngân sách tại Hoa Kỳ đầu độc Thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương », phóng viên nhật báo Le Figaro cho biết sự vắng mặt của tổng thống Mỹ Barack Obama khiến châu Á lo sợ sự quay lại chính sách bảo hộ mậu dịch với sự nổi lên của Trung Quốc.

Thay thế tổng thống Mỹ tại hội nghị, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đảm bảo rằng : « Không gì có thể phá hoại cam kết của tổng thống Mỹ tới việc xoay trục sang châu Á ». Còn tổng thống Singapore Lý Hiển Long công bố : « Không ai có thể thay thế Hoa Kỳ, không phải Trung Quốc, không phải Nhật Bản mà cũng chẳng phải là một cường quốc nào khác ».

Nhờ sự vắng mặt của người đồng nhiệm Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc trở thành nhân vật quan trọng nhất. Phát biểu về vai trò của Trung Quốc trong khu vực, ông phát biểu : « Trung Quốc không thể phát triển một cách tách rời khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương và châu Á-Thái Bình Dương cũng không thể thịnh vượng nếu không có Trung Quốc ».

Thông tín viên của báo Le Monde tại Bắc Kinh cho biết : « Trung Quốc cởi mở hơn đối với các sáng kiến của Mỹ tại châu Á ». Nhờ sự vắng mặt của tổng thống Mỹ, chủ tịch Tập Cận Bình thoải mái hành động. Một trong những đề xuất của ông là đào sâu hơn khu vực tự do trao đổi Trung Quốc-Asean, có hiệu lực từ tháng giêng năm 2010, với tham vọng đẩy tổng lượng trao đổi từ 400 tỉ đô la (khoảng 295 tỉ euro) vào năm 2012 lên 1000 tỉ đô la vào năm 2020.

Với dự án « Đối tác xuyên Thái Bình Dương » (TPP) do Mỹ đề xướng, Trung Quốc và Mỹ trở thành đối thủ cạnh trạnh tầm ảnh hưởng trong khu vực này. Cho dù có kí các thỏa thuận khu vực hay không, mục tiêu của Bắc Kinh là kéo Đông Nam Á vào thành một khu vực hội nhập kinh tế. Điểm quan trọng của dự án này là thúc đẩy « liên kết với nhau » giữa Trung Quốc và các nước láng giềng dưới hình thức xây dựng các mạng lưới đường bộ, đường sắt và truyền thông mà Bắc Kinh sẽ giúp tài trợ. Về điểm này, Trung Quốc đã thắng trước một nước vì Hoa Kỳ ở quá xa để có thể cạnh tranh.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131008-han-quoc-tan-cong-vao-viet-nam-va-indonesia

Geen opmerkingen:

Een reactie posten