dinsdag 23 april 2013

Vì sao người Việt khó “ra khỏi cuộc chiến”?

Vì sao người Việt khó “ra khỏi cuộc chiến”?

Thanh Quang, phóng viên RFA
2013-04-22
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

dn-305.jpg
Quân Đoàn 1 của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, cũng như dân chúng rút khỏi Huế và Đà Nẵng hồi cuối tháng 3 năm 1975.
Photo by Trần Khiêm



Thưa quý vị, thế là còn một tuần nữa đến thời điểm đánh dấu biến cố 30 tháng Tư năm 1975, ngày Sài Gòn thất thủ về tay người CS cách nay 38 năm.

Ký ức luôn quay về

Theo blogger Nguyễn Thị Hậu qua bài “Tháng Tư, và bạn và tôi”, thì “Tháng Tư là một khoảng thời gian ‘âm tính’ bởi những ký ức từ gần 40 năm trước luôn luôn quay về, mỗi năm như không hề nhạt bớt với cả bên “thắng cuộc” hay bên “thua cuộc”. Nỗi đau của thế hệ tham chiến bên này lẫn bên kia không chỉ vì sự hy sinh đã không được đáp đền xứng đáng mà còn là nỗi đau của những lý tưởng đã không trở thành hiện thực…”. Vẫn theo tác giả thì “ Ký ức chiến tranh tưởng đã biến mất nhưng thật ra vẫn ẩn sâu trong tâm thức họ, để có khi vào một lần nào đó, nhân một chuyện gì đó, tâm thế bên này bên kia ở họ sẽ vô tình bộc lộ, nhói đau…”. Và tác giả thắc thắc, “Gần 40 năm rồi sao chúng ta vẫn chưa thực sự ra khỏi cuộc chiến…?”
Câu trả lời khá đa dạng và chắc cũng không kém phần phong phú. Chẳng hạn như nhận xét của báo Tổ Quốc hồi trung tuần tháng Tư này thể hiện một trong những trở ngại đáng kể khiến người dân Việt khó “ra khỏi cuộc chiến” ấy, đó là, theo tờ báo, đảng CSVN đương quyền đã cố “bám quá lâu vào một chủ nghĩa không những sai mà còn bị lên án như một tội ác đối với nhân loại”. Tờ báo nhận xét rằng không phải giới lãnh đạo VN hiện nay không nhìn thấy sự sai trái của chủ nghĩa không tưởng Mác - Lênin, nhưng họ cần nó để biện minh cho một chọn lựa không mấy chính đáng khác là “duy trì độc quyền thống trị của đảng”, khiến “lòng tham bất chính đã dẫn đến sự sa đọa của trí tuệ”. Tờ báo lưu ý rằng tất cả sự chính đáng mà ĐCSVN tự gán cho mình chỉ dựa trên những thành tích chiến tranh trong quá khứ và huyền thoại Hồ Chí Minh, dù những thành tích đó và lãnh tụ đó, đàng nào cũng đã xa vời với họ, đã khiến Việt Nam trở thành một trong nhưng nước chậm tiến và nghèo khổ nhất thế giới sau khi người dân Việt đã chịu nhiều tổn thất nhất so với nhiều dân tộc khác, nhất là những dân tộc láng giềng.
dn-11-250.jpg
Quân đội Việt Nam Cộng Hòa và dân chúng rút khỏi Huế và Đà Nẵng hồi cuối tháng 3 năm 1975. Photo by Trần Khiêm.

Qua bài “Chỉ đổi tên nước để làm gì ?”, TS Tô Văn Trường kể lại việc một nhà trí thức “làm việc ở xứ người nhưng luôn quan tâm đến vận nước”, đó là TS Hoàng Lê Tiến, đã tâm sự qua email, với nguyên văn như sau:
Nhiều khi Tiến tự hỏi, ở nước ta có bao nhiêu người thực sự hiểu chủ nghĩa Mác, rồi vào những năm cuối thể kỷ 20 chắc chúng ta chưa có tiến sĩ về chuyên môn này, thế ai là người hướng dẫn tiến sĩ cho một loạt các tiến sĩ rồi sau đó qua hội đồng phong giáo sư nhà nước (trong hội đồng có bao nhiều người có chuyên môn về chủ nghĩa Mác). Cho nên mới có một loạt GS… như thế! Cho nên phải nhắc lại câu nói của Bác Hồ: đi lên chủ nghĩa xã hội “bò” qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Thế nhưng các chú đâu có hiểu tiếng Nghệ – bác nói bò qua thì các chú lại hiểu là “bỏ” qua, thế mới chết chứ!

Đến nơi mình không hề biết

Blogger Hạ Đình Nguyên kể lại chuyện cách nay khá lâu, khi ông đang quét dọn căn phòng trọ thì thấy một mảnh nhật báo cũ với câu chuyện rất ngắn tựa đề “nhớ về một chuyện đụng xe” của một nhà văn, khiến nhà văn, sau cùng, kết luận rằng “ ở đời phải biết chỗ đến của mình, nếu đi theo người ta mà không biết về đâu, sẽ rước lấy tai hoạ, có khi phí cả cuộc đời !”. Và câu chuyện ngắn đó làm cho blogger Hạ Đình Nguyên nhớ mãi, vì “tình cảnh này có lẽ không riêng ai, có khi là cả dân tộc ?”.
30 năm chiến tranh kết thúc, độc lập thì “tạm xem như” đã có. Tự do Dân chủ thì chưa.! Nó được thay thế bằng từ ngữ “Chủ nghĩa Xã hội” rất rỗng rang.
-Blogger Hạ Đình Nguyên
Qua bài “Cương quyết không đi theo ai, để đến cái nơi mà mình không hề biết!”, tác giả Hạ Đình Nguyên báo động rằng “ …nhiều thế hệ đã hy sinh đời mình, kể cả những người đang sống sót, cũng không biết CNXH là gì, và họ cũng đã từng ‘chưa quan tâm.” Mà họ ra sức chiến đấu vì mong mỏi sẽ có được “Độc lập, Tự do”; đi theo sự lãnh đạo của đảng suốt 2/3 thế kỷ để đấu tranh mong giành được “độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ” cho nhân dân VN; mong đạt đến một “CNXH tươi sáng” như đảng hứa hẹn; đáp ứng lời kêu gọi của ông Hồ Chí Minh hồi năm 1946 qua Tuyên ngôn Độc lập rằng “Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tư do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”. Nhưng, hậu quả, như tác giả Hạ Đình Nguyên cho biết:
“Và 30 năm chiến tranh kết thúc, độc lập thì “tạm xem như” đã có. Tự do Dân chủ thì chưa.! Nó được thay thế bằng từ ngữ “Chủ nghĩa Xã hội” rất rỗng rang, do Đảng CS hiện nay tiếp tục lãnh đạo, dưới bộ máy chuyên chính vô sản. Suốt chặng đường 38 năm nay, một con đường mờ mịt quanh co, lúng túng không có lộ trình, không biết nơi đến, không rõ khuôn mặt, mà tuyệt nhiên, thực chất, chẳng có ai biết nó ra sao, kể cả mấy anh lớn dẫn đường ! Anh cả Liên Xô thì đã bỏ cuộc, một đi không trở lại. Anh Ba Trung quốc thì thành “Bá quyền”, bầy hầy, lếu láo mà lại phản bội. Bây giờ thì đi đâu ? Hiện nay, không ai biết một nước Việt Nam trong tương lai sắp đến như thế nào!”
dn250.jpg
Quân Đoàn 1 của quân đội Việt Nam Cộng Hòa rút khỏi Huế và Đà Nẵng hồi cuối tháng 3 năm 1975. Photo by Trần Khiêm.

Giữa lúc “cái cột mốc vĩ đại Tổ quốc Cách mạng Liên Xô” giờ chỉ còn là một “phế tích” trong khi “sự thật đã quá lõa lồ” thì, theo tác giả Hạ Đình Nguyên, những “người dẫn đường” của VN hiện nay “vẫn cương quyết dẫn đường!” vì khi dẫn đường, “họ được tự do gấp vạn lần tự do của nhân dân, được tham nhũng thoải mái có luật pháp của mình che chắn, được ăn uống tất cả các thứ mà con người có thể ăn uống được…”; họ nhân danh nhân dân, chính nghĩa để lao trở lại “một quá khứ tối tăm”, và nhân danh sự bình đẳng ấy vốn đang được đề cao với một thứ “triết lý bọc thép”, như blogger Hạ Đình Nguyên tóm tắt:
“Công giành được giang san này là của Đảng, do đó đất nước này là sở hữu của Đảng, dân tộc này là thuộc quyền điều khiển của Đảng, nhờ Đảng mà có, do Đảng mà sống, nên Đảng có quyền muốn dẫn đi đâu thì dẫn? Hiểu khác là đồng nghĩa với phản bội, là phủ nhận “công ơn” của đảng. Phải chăng hình mẫu đặc sắc của VN mà Đảng muốn là mô hình Bắc Triều Tiên, ở đó nhân dân chịu lép một bề dưới quyền cai trị của một nhóm người? Lối suy nghĩ này thuộc về thời tiền sử, tồi tệ hơn phong kiến, thực dân và đế quốc cộng lại mà ĐCS trước đây luôn luôn tuyên bố chống lại nó!”
Qua bài “Cương quyết không đi theo ai, để đến cái nơi mà mình không hề biết!” như vừa nêu, tác giả Hạ Đình Nguyên không quên nhắc lại “món nợ còn nguyên” gần 70 năm qua của Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp 1946 của VN, khi, cũng cùng thời điểm phát xuất ấy, nước Nhật từ đống tro tàn đã trở thành cường quốc nhờ Bản Hiến pháp Dân chủ tiến bộ; nhờ nước Nhật với Minh Trị Thiên Hoàng và nhà tư tưởng Fukuzawa “Xây dựng và bảo vệ tự do của một quốc gia là thông qua việc xây dựng và bảo vệ tự do của mỗi công dân”.
Thế còn VN thì sao? Theo tác giả, “Xét cho cùng, nhân dân Việt Nam lấy cái gì để tự hào và lên giọng, ngoài cái hy sinh 30 năm xương máu, và 38 năm đi quanh quẩn cùng với các khẩu hiệu và cờ trống ? Ăn vào quá khứ, vơ vào mình những công lao moi lên từ những nấm mồ, mà không làm nên được một đột phá nào để thoát tình cảnh lùng bùng và tụt hậu hôm nay. Đúng là điều sỉ nhục của trí tuệ và lương tri, là biểu hiện của những lời huênh hoang”.
Trong khi đó, blogger Quê Choa, tức nhà văn Nguyễn Quang Lập, cảm thấy "vui vui là câu chuyện Bauxite Tây Nguyên nó na ná câu chuyện xây dựng CNXH ở nước ta vậy, cả hai đều là những cái chết được báo trước", mà theo nhà văn Nguyễn Quang Lập, "ai cũng hiểu chỉ có mấy ông lú là không hiểu".
Qua bài "Bauxite Tây Nguyên & CNXH", nhà văn Nguyễn Quang Lập nhận xét rằng thoạt kỳ thủy, CNXH không những là “chủ trương lớn của Đảng ta”, mà nó còn là lý tưởng, là kim chỉ nam cho dân tộc. Nhưng trải qua hơn nửa thế kỷ, blogger Quê Choa lưu ý, "càng đeo lấy CNXH, đất nước càng lụn bại, khi nào Đảng buông CNXH thì đất nước lại khấm khá lên, lắm khi như chết đi sống lại vậy". Rồi tác giả so sánh với "Chủ trương lớn của đảng" về Bauxite Tây Nguyên, quả quyết rằng "Cũng giống như Bauxite Tây Nguyên, nhìn thấy rất rõ xây dựng CNXH chẳng lợi lộc gì, chẳng những không lợi lộc mà hết sức nguy hiểm".
Theo blogger Quê Choa thì trên thế giới này, hệ thống CNXH đã sụp đổ, sụp đổ vì nó "trái quy luật chứ chẳng vì ai cả, kẻ có chỉ số IQ bằng không cũng biết chắc như vậy, không cần phải người thông minh". Và "Cũng như Bauxite Tây Nguyên, mấy ông lú cũng biết CNXH chẳng lợi lộc gì, càng làm càng thua lỗ, càng giữ càng nguy hiểm… nhưng vẫn không ai dám bỏ". Như vậy, tác giả nêu lên câu hỏi, " Đi theo CNXH để làm gì, cần thiết cho ai, có lợi cho ai?"; và nhà văn Nguyễn Quang Lập "nói cho nó nhanh" rằng "...có lợi cho Đảng, cần thiết cho Đảng, chỉ có cần thiết cho Đảng có lợi cho Đảng mà thôi".
Tạp chí Điểm Blog tạm dừng ở đây. Thanh Quang kính chúc quý vị mọi điều như ý.







 

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/blog-reading-042213-tq-04222013103419.html

Suy nghiệm tháng Tư

Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-04-22
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

VIETNAM_30_US_ANNIVERSAR_305.jpg
Sài Gòn ngày 30-04-1975.
AFP PHOTO



Andrew Lâm là một nhà báo và nhà văn người Mỹ gốc Việt. Anh là một trong những người Việt thuộc thế hệ di dân gia nhập vào dòng chính của truyền thông Hoa Kỳ. Andrew sinh ra ở Việt Nam, con trai của một viên tướng thuộc quân đội Việt nam Cộng Hòa, sang Mỹ ngay năm 1975 và trưởng thành ở quê hương thứ hai của anh. Andrew bắt đầu sự nghiệp báo chí và văn chương của mình ngay lúc còn học đại học. Anh đã được giải thưởng của Hiệp hội báo chí chuyên nghiệp, các giải thưởng cho hai quyển sách đầu tay là Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora (Giấc mơ hương: Suy tư về cộng đồng người Việt hải ngoại) và East Eats West, Writing in two hemispheres (Đông Tây quấn quít, viết giữa hai thế giới). Cuốn sách thứ ba của anh cũng vừa ra mắt bạn đọc tựa đề Bird of Paradise lost (Hoa thiên điểu đã mất).

Không bắt buộc phải nhớ

Tháng tư nhiều kỷ niệm lịch sử của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới lại đến, Andrew đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi. Anh cho biết nhận xét của mình về ngày 30/4 ở Việt Nam và hải ngoại như sau:
“Tôi cũng có những kỷ niệm về Việt Nam và chiến tranh Việt Nam, dù lúc đó còn nhỏ. Ba mươi tám năm là dài quá, bây giờ về Việt Nam tôi không thấy kỷ niệm 30/4 như hồi trước nữa, tôi thấy chẳng ai để ý nữa. Nhưng còn đối với cộng đồng người Việt ở bên Mỹ như ở San Jose, Bolsa, Orange County, Houston, Virginia thì kỷ niệm đau buồn đó vẫn còn đầy vì những người như cha mẹ tôi vẫn còn nhiều và họ không quên được cái đau buồn đó.”
Cái ý niệm “Mất Nước” không còn nữa vì cái “Nước” nó vẫn còn đấy, và Việt Nam không phải là nơi mà người ta không thể quay về.
-Andrew Lâm
Andrew nói về thế hệ của anh nghĩ về ngày tháng Tư ấy:
“Chúng tôi cũng không quên nhưng không bắt buộc phải nhớ như ngày xưa nữa.”
Nhận xét về thế hệ trẻ Việt Nam lớn lên sau chiến tranh anh nói:
“Có thể nói hai phần ba người Việt hiện nay sinh ra sau 1975, những người này thì họ không nhìn về chiến tranh Việt Nam mà chỉ nghĩ tới chuyện làm ra tiền hay làm thế nào để thu lợi cao nhất. Bây giờ khó tìm ra được người có lý tưởng ở Việt Nam. Mà điều này đáng tiếc vì một xứ đang thay đổi về kinh tế mà lại không phát triển văn hóa như vậy.
Andrew cũng có nhận xét về các đồng nghiệp của mình ở Việt Nam như sau:
VIETNAM_25_EVACUATION_250.jpg
Người Việt trên đường di tản khỏi Sài Gòn ngày 30-04-1975. AFP PHOTO.

“Họ là những người có tài năng nhưng lại sống trong một thế giới bị kiểm duyệt nên những tài năng đó không thể bùng nổ như ở những nước có tự do thật sự. Họ có thể nói ở quán cà phê nhưng viết ra hay làm phim thì không được, thì bị qui vào chính trị. Tôi có đọc một số truyện ngắn của những người trẻ thì tôi cũng rung động và tôi thấy họ đi xa hơn hồi trước, họ có thể nói về xã hội hiện tại.
Và theo anh thì giới văn nghệ sĩ Việt Nam cần một khoảng không gian công để có thể tự do ngôn luận, và điều đó đang được internet tạo điều kiện cũng giống như bên nước láng giềng Trung Quốc vậy:
Tôi thấy internet là một khoảng không gian công mà người Việt Nam đang dành được để có thể có tự do ngôn luận. Bên ngoài thì cái gì cũng là bác Hồ nói hết, nhưng trên mạng thì người ta có thể nói lên cái thật.”

“Mất Nước”

Trong quyển sách mới nhất của anh, Andrew có mô tả số phận bi kịch của một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở Mỹ. Khi được hỏi liệu nếu cuốn sách được dịch ra tiếng Việt thì có thể gây những đụng chạm tới cộng đồng người Việt ở hải ngoại không, anh cười:
Chúng tôi cũng không quên nhưng không bắt buộc phải nhớ như ngày xưa nữa.
-Andrew Lâm
“Nếu đụng chạm thì tốt chứ sao, văn chương mà hay thì phải gây ra động chạm. Mà những chuyện tôi viết là sự thật tôi thấy trong khi tôi làm nhà báo, cũng như những chuyện của gia đình tôi, của đại gia đình tôi. Sự thật thì phải đụng chạm, nhưng đụng chạm thì mới làm người ta suy nghĩ, tìm ra cái mới, cái mới cho cộng đồng.”
Khi nói đến từ “Mất Nước” được dùng ở cộng đồng hải ngoại, Andrew cho rằng:
“Có nhiều người đã trở về, có thể là họ không đồng ý với chính quyền, đường hướng thay đổi xứ sở thì mỗi người mỗi ý, nhưng cái ý niệm “Mất Nước” không còn nữa vì cái “Nước” nó vẫn còn đấy, và Việt Nam không phải là nơi mà người ta không thể quay về.”
Có lẽ đó cũng là suy tư lớn nhất của anh về quá khứ, về ngày lịch sử 30/4, về số phận dân tộc Việt nam.
Xin hẹn quý vị kỳ tới với những suy nghĩ về tháng Tư lịch sử này của một nhà văn khác, cũng cùng trang lứa với Adrew nhưng sinh ra và lớn lên hoàn toàn ở Việt Nam.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten